Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ “gật đầu” đưa DAP 1 - Hải Phòng ra khỏi danh sách 12 dự án

Phó Thủ tướng cho biết sẽ trình vấn đề này lên Ban cán sự Đảng Chính phủ xem xét và đưa ra quyết định cuối cùng.

DAP 1 - Hải Phòng thoát "danh sách đen"

Tại cuộc họp chiều 6/9 đánh giá tiến độ công việc của các bộ, ngành và các tập đoàn, tổng công ty liên quan, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về xử lý tồn tại, yếu kém của 12 dự án ngành Công Thương đã đồng ý đưa Nhà máy DAP 1 - Hải Phòng ra khỏi danh sách vì các kết quả khả quan trong thời gian qua để giúp đơn vị này phát triển.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp chiều 6/9 về xử lý tồn tại, yếu kém của 12 dự án ngành Công Thương
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đồng ý đưa Nhà máy DAP 1 - Hải Phòng ra khỏi danh sách 12 dự án yếu kém ngành Công Thương

Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP 1 - Hải Phòng có tổng vốn đầu tư 172,385 triệu USD được khởi công từ năm 2003 và chính thức chạy thương mại từ năm 2010 sau khi chạy thử ra tấn sản phẩm phân bón cao cấp DAP đầu tiên vào ngày 12/4/2009.

Theo báo cáo của Công ty Cổ phần DAP - VINACHEM, ngay từ năm đầu tiên sản xuất thương mại, Nhà máy DAP 1 - Hải Phòng đã có lợi nhuận.

Các năm từ 2010 đến 2015 đều đạt lợi nhuận cao, lũy kế lợi nhuận các năm này đạt 747,065 tỷ đồng.

Sau khi xuất hiện lỗ 461,798 tỷ đồng vào năm 2016, sang năm 2017, DAP 1 - Hải Phòng đã thoát lỗ thành công và thu về lợi nhuận 14,783 tỷ đồng. Năm 2018 đạt lợi nhuận 227,145 tỷ đồng.

Tính đến 30/6/2019, Nhà máy DAP 1 - Hải Phòng đã cung ứng trên 2,32 triệu tấn phân bón DAP ra thị trường, góp phân bình ổn giá phân bón trong nước, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hơn 650 lao động tại Công ty.

Lũy kế giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế từ năm 2010 đến nay đạt 21.347,5 tỷ đồng. Lợi nhuận lũy kế đạt trên 527,19 tỷ đồng (đã trừ khoản lỗ của năm 2016). Nộp ngân sách đạt trên 420 tỷ đồng.

Có thể thấy, đến nay dự án của DAP - VINACHEM đã hoàn thành 5 tiêu chí mà Bộ Công Thương dự thảo để đưa dự án ra khỏi danh sách các dự án kém hiệu quả. Các nhiệm vụ được giao theo Quyết định 1468 của Chính phủ về cơ bản cũng đã hoàn tất.

Theo đó, DAP 1 - Hải Phòng đã được quyết toán và bàn giao từ năm 2013, không có nợ xấu và không có vướng mắc về hợp đồng EPC, đồng thời cơ cấu lại thành công các khoản nợ của Dự án khi thanh, quyết toán khoản vay 1.920,35 tỷ đồng của Ngân hàng Phát triển Việt Nam VP Bank từ đầu tháng 9/2018.

Về việc xử lý các tồn dư bã thạch cao từ nhà máy, DAP - VINACHEM đã xây dựng phương án xử lý và tiến hành góp vốn thành lập Công ty CP Thạch cao Đình Vũ, cung cấp sản phẩm thạch cao nhân tạo cho nhiều nhà máy xi măng trong nước.

Việc đưa DAP 1 - Hải Phòng ra khỏi danh sách các dự án kém hiệu quả ngành Công Thương sẽ giúp Nhà máy được các ngân hàng áp dụng cơ chế tín dụng thông thường như đối với các đơn vị sản xuất kinh doanh bình thường khác, hạn chế ảnh hưởng đến thương hiệu, mở rộng cơ hội thu hút đầu tư, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.

Đoàn Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thăm quan Nhà máy DAP 1 - Hải Phòng cuối tháng 8/2019
Đoàn Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thăm quan Nhà máy DAP 1 - Hải Phòng cuối tháng 8/2019

Khởi kiện các tranh chấp hợp đồng EPC vào năm 2020 với các dự án còn vướng mắc 

Cũng theo báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, sau khi tiếp nhận 11/12 dự án, nhà máy từ Bộ Công Thương (Nhà máy Bột giấy Phương Nam vẫn do Tổng Công ty Giấy, Bộ Công Thương quản lý), Ủy ban đã rà soát, tổng hợp các hồ sơ và thấy rằng, số lượng nhiệm vụ mà các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty đã hoàn thành chiếm 75,36%, tiêu biểu là việc "hồi sinh" thành công của Nhà máy DAP 1 - Hải Phòng.

Tuy nhiên, khó khăn mấu chốt vẫn nằm ở 17 nhiệm vụ còn lại, tập trung ở 3 nhóm vấn đề: Xử lý dứt điểm vướng mắc pháp lý để quyết toán hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị và thi công (EPC) và quyết toán toàn bộ dự án; cơ cấu lại các khoản nợ, trích dãn khấu hao, điều chỉnh lãi suất vay; xây dựng phương án thoái vốn.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp chiều 6/9 đánh giá tiến độ công việc của các bộ, ngành và các tập đoàn, tổng công ty liên quan về xử lý tồn tại, yếu kém của 12 dự án ngành Công Thương
Báo cáo tại cuộc họp cho thấy các dự án yếu kém ngành Công Thương đang bế tắc về đàm phán EPC

Việc xử lý dứt điểm vướng mắc pháp lý để quyết toán hợp đồng EPC và quyết toán toàn bộ dự án cho thấy, đang bế tắc về đàm phán. Cụ thể, 7 dự án vướng mắc tranh chấp hợp đồng EPC chưa được giải quyết, một số dự án không dàn xếp được, phải đưa ra trọng tài quốc tế phân xử trong thời gian tới.

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, nếu hết năm 2019 không đàm phán xong các vướng mắc về hợp đồng EPC, Chính phủ đồng ý theo đề nghị của từng đơn vị chuyển qua cơ chế tòa hay trọng tài quốc tế phán xử.

“Tinh thần chung là ưu tiên hòa giải, thương lượng, chia sẻ lẫn nhau, hạn chế thấp nhất vấn đề khiếu kiện. Đồng thời, thống nhất quan điểm việc khởi kiện hay không là công việc của tập đoàn, tổng công ty,” Phó Thủ tướng nêu rõ.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan về tín dụng theo nguyên tắc thị trường, theo quy định của pháp luật về giãn khấu hao, để các dự án, nhà máy dùng để trả nợ.

Trần Bản