"Chỉ sản xuất khi an toàn"

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho hay, trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của các chủng virus mới có tốc độ lây nhiễm cao hơn, việc xuất hiện dịch trong các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các cơ sở thương mại là hết sức nguy hiểm bởi mức độ lây lan nhanh do tiếp xúc thường xuyên giữa người lao động, người dân.

Mặt khác, dịch bệnh bùng phát trong lòng các KCN, KCX có thể làm tê liệt hoạt động của các doanh nghiệp, dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng mạnh đến phát triển kinh tế không chỉ 1 địa phương mà trên phạm vi toàn quốc.

Nước ta hiện nay có gần 400 KCN, gần 30 khu kinh tế cửa khẩu, gần 20 khu kinh tế ven biển, gần 700 CCN, với tổng số lao động trực tiếp lên đến trên 4,6 triệu người. Về thương mại có khoảng 800 siêu thị, 168 trung tâm thương mại, gần 9.000 chợ, gần 600.000 nhà hàng.

Đây chính là những địa bàn trọng điểm trong phòng chống dịch bệnh để đảm bảo hoạt động ổn định của các ngành kinh tế, song lại xuất hiện nhiều nguy cơ lây nhiễm diện rộng, và thực tế đã có những ca dương tính virus SARS-CoV-2 trong thời gian qua. 

Nhận thức rõ bối cảnh này, Bộ Công Thương đã có nhiều văn bản gửi chính quyền và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố cũng như Ban Quản lý các KCN, CCN, KKT đề nghị tăng cường kiểm tra công tác phòng chống dịch tại cơ sở công nghiệp - thương mại, xử lý nghiêm tình trạng lơ là, chủ quan đối với dịch bệnh.

Mới đây nhất, ngày 12/5/2021, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-BCT về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường; chống các hành vi đầu cơ, găm hàng và vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải

Tại Bắc Ninh, đã có 5 ca dương tính với SARS-CoV-2 tại các KCN (KCN Yên Phong 1 ca; KCN Quế Võ 3 ca; KCN Tiên Sơn 1 ca). Sau khẩn trương truy vết, xác minh đến F3, khoanh vùng dập dịch, về cơ bản, tình hình dịch bệnh trong các KCN đã ổn định. Sở Công Thương Bắc Ninh đang phối hợp với Sở Y tế tỉnh triển khai xét nghiệm cho toàn bộ người lao động tại các doanh nghiệp khác.

Tại Đà Nẵng, khi phát hiện 1 ca dương tính tại Công ty CP Trường Minh, KCN An Đồn, ngay trong đêm 11/5 Đà Nẵng đã triển khai truy vết và phong tỏa KCN, phát hiện 33 ca nghi lây nhiễm khác. Sau khi triển khai xét nghiệm toàn KCN An Đồn, Đà Nẵng đang phối hợp tổ chức xét nghiệm cho các doanh nghiệp ngoài KCN, đồng thời chú trọng đến công tác phòng chống dịch bệnh tại các chợ dân sinh, đặc biệt chợ đầu mối Hòa Cường, áp dụng hình thức xử phạt nặng, có tính răn đe với các hành vi vi phạm để các tiểu thương, hộ kinh doanh nghiêm túc thực hiện.

Tại Vĩnh Phúc, dù tại 9 KCN và 8 CCN trên địa bàn chưa có ca dương tính nào, nhưng Sở Công Thương cũng đã yêu cầu các cơ sở lên kế hoạch, ban hành quy định về phòng chống dịch ở đơn vị. Tất cả các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp đều ký cam kết thực hiện phòng chống dịch và quản lý tốt vấn đề y tế của người lao động, phương tiện di chuyển.

Nhiều địa phương chia sẻ, các Sở Công Thương đã chủ động thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra trực tiếp và đột xuất tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, chỉ đạo thực hiện tốt “4 tại chỗ” và thông điệp 5K. Ngành Công Thương đang tích cực phối hợp với lực lượng chức năng địa phương, đặc biệt ngành Y tế, để tổ chức xét nghiệm sàng lọc diện rộng cho các KCN, CCN trên địa bàn.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An

Theo Thứ trưởng Đặng Hoàng An, dù các địa phương đã tích cực triển khai phòng chống dịch bệnh, nhưng qua kiểm tra thực tế, vẫn còn hiện tượng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với dịch bệnh, chưa ký cam kết thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Việc phòng chống dịch chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục; trong khi công tác xử lý vi phạm chưa nghiêm, dù một số trường hợp đã có hình thức xử lý nhưng chưa đủ sức răn đe.

Thứ trưởng Bộ Công Thương lo ngại, nếu không “siết” lại các vấn đề này, việc phòng chống dịch sẽ rất khó khăn, nguy cơ lây nhiễm cao. Cần chấn chỉnh lại, bắt đầu ngay từ các cơ sở sản xuất công nghiệp đến kinh doanh thương mại. 

Phương châm 4 tại chỗ là bắt buộc thực hiện, “chỉ sản xuất khi an toàn”, nếu chưa an toàn thì phải có các biện pháp khắc phục rồi mới cho tiếp tục sản xuất. Và trước hết, chính các cơ sở sản xuất kinh doanh cần tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm thường xuyên, kích hoạt ý thức phòng dịch ở mức độ cao nhất.

Liên quan đến “Bản đồ chung sống an toàn với Covid-19”, đại diện Cục Công nghiệp cho biết đến nay có 22 địa phương đã có tài khoản đăng nhập, 38 địa phương đã hoàn thành cung cấp thông tin doanh nghiệp và đang chờ tạo tài khoản cho doanh nghiệp, 3 địa phương đã cung cấp nhưng không đúng biểu mẫu. Cục Công nghiệp sẽ nhanh chóng tổ chức các hội nghị tập huấn trực tuyến cho các Sở Công Thương để giúp doanh nghiệp kê khai thông tin, thường xuyên cập nhật lên bản đồ.

Đại diện các đơn vị thuộc Bộ Công Thương báo cáo tại buổi làm việc
Đại diện các đơn vị thuộc Bộ Công Thương báo cáo tại buổi làm việc

Hàng hóa dự trữ đầy đủ, sẵn sàng lưu thông cho mọi kịch bản

Báo cáo của Vụ Thị trường trong nước cho thấy, tại các địa phương, công tác dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân trong bối cảnh dịch bệnh được triển khai thực hiện theo các phương án dự trữ hàng hóa thiết yếu của địa phương tương ứng với các kịch bản cấp độ của dịch bệnh đã được xây dựng trước đây theo chỉ đạo của Bộ Công Thương. Đồng thời, các địa phương vẫn luôn chú trọng đến nguồn cung hàng hóa phòng chống dịch bệnh như khẩu trang, nước sát khuẩn để phục vụ thị trường địa phương.

Bộ Công Thương đã tổ chức hơn 5.000 điểm bán khẩu trang tại các TTTM, siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh,…

Nhờ vậy, mặc dù dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhưng tâm lý người dân trong mua sắm hàng hóa tương đối bình tĩnh do tin tưởng vào khả năng cung ứng của hệ thống phân phối, không có hiện tượng đổ xô đi mua hàng tích trữ.

Tại Hà Nội, Sở Công Thương Thành phố đã xây dựng các phương án chi tiết về việc cung ứng hàng hóa từ các tỉnh, thành phố về Thủ đô đảm bảo hàng hóa phục vụ người dân và hỗ trợ các địa phương giải tỏa lượng hàng hóa sản xuất ra. Lượng hàng hóa dự kiến chuẩn bị sẵn sàng phục vụ người dân trên địa bàn trong 3 tháng khoảng 194.000 tỷ đồng; lượng hàng hóa dự kiến hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố (nếu có) khoảng 21.500 tỷ đồng. 

Sở Công Thương Hà Nội cũng xác định tổng trị giá lượng hàng hóa phục vụ các khu vực cách ly, phong tỏa theo 3 cấp độ, tối đa lên đến 5.359 tỷ đồng.

Toàn cảnh buổi làm việc trực tuyến của Bộ Công Thương với các địa phương

Tại Thái Bình, Sở Công Thương đã thành lập đoàn đi kiểm tra các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ để nắm bắt diễn biến thị trường và chỉ đạo các thương nhận kinh doanh thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống dịch bệnh đi đối với bình ổn thị trường. Sở cũng tiếp tục kết nối với các thương hiệu nổi tiếng như Masan, Vinmart+, Kinh đô, Neptune và các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh để cung ứng cho thị trường Thái Bình thông qua hệ thống phân phối.

Tại Quảng Ngãi, chiều ngày 6/5 nhu cầu mua bán của người dân tăng 30% so với ngày thường do xuất hiện thông tin có ca dương tính mới trên địa bàn, tuy nhiên tới sáng ngày 7/5 thị trường đã trở lại ổn định.

Tại hầu hết địa phương khác như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nam,… tình hình thị trường hàng hóa ghi nhận ổn định, nguồn cung dồi dào, giá cả không có biến động nhiều, đảm bảo nhu cầu mua sắm tiêu dùng của người dân. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng tăng cường bán hàng trực tuyến, triển khai các chương trình khuyến mãi, miễn giảm phí vận chuyển để kích cầu tiêu dùng. 

Tính đến ngày 9/5/2021, 63/63 tỉnh, thành phố đã có báo cáo cung cấp thông tin về trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng để triển khai “Bản đồ chung sống an toàn với Covid-19”, trong đó còn một số tỉnh thiếu thông tin, Bộ Công Thương đề nghị địa phương hoàn thiện.

Bộ Công Thương - địa phương phối hợp siết chặt, xử lý nghiêm vi phạm

Kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định sự cần thiết của việc tập trung triển khai các biện pháp cụ thể, quyết liệt hơn nữa để tăng cường đảm bảo an toàn, phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, đồng thời bình ổn thị trường, đảm bảo nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu của người dân. Đây cũng là nhiệm vụ trọng yếu để đảm bảo thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ: vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo ổn định cuộc sống của người lao động và nhân dân. 

Đặc biệt, người đứng đầu Bộ Công Thương nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị trước pháp luật về quán triệt thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương và chính quyền địa phương về phòng chống dịch bệnh. Trong đó, cán bộ công chức, viên chức, người lao động ngành Công Thương phải là tấm gương đi đầu trong triển khai phòng chống dịch tại địa phương; có cơ chế khen thưởng, động viên kịp thời các trường hợp làm tốt song cũng cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, làm không đúng quy định.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đưa ra 7 nhiệm vụ cụ thể trước mắt mà ngành Công Thương và địa phương cần lập tức triển khai trong bối cảnh mới.

Một là, cần tăng cường kiểm tra, giám sát và đôn đốc các khu kinh tế, KCN, CCN, các nhà máy/xí nghiệp, TTTM, siêu thị, chợ, khách sạn, nhà hàng và các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác trên địa bàn thường xuyên tự đánh giá việc thực hiện các yêu cầu, biện pháp phòng, chống dịch theo nhiệm vụ được giao.

Hai là, chỉ đạo các cơ sở nói trên có cam kết bằng văn bản và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tổ chức triển khai nghiêm túc công tác phòng, chống dịch tại cơ sở, thực hiện nghiêm việc tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm Covid-19, chủ động thực hiện ngay các biện pháp khắc phục (nếu cần thiết), báo cáo về Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của địa phương.

Ba là, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát và có các biện pháp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh không đảm bảo công tác phòng, chống dịch.

Bốn là, đẩy nhanh tiến độ việc triển khai thực hiện Bản đồ chung sống an toàn với Covid-19 đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ Công Thương.

Toàn cảnh buổi làm việc trực tuyến của Bộ Công Thương với các địa phương

Năm là, xây dựng phương án cách ly xử trí khi có trường hợp mắc Covid-19 trong KCN, khu thương mại và tổ chức diễn tập các phương án phòng, chống dịch Covid-19 tại KCN, khu thương mại. Quản lý, kiểm soát chặt thông tin người lao động ngoại tỉnh làm việc tại các KCN, khu thương mại để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Sáu là, chỉ đạo tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng phòng, chống dịch bệnh, sử dụng mã QRCode của đơn vị mình tại địa chỉ tokhaiyte.vn để kiểm soát tất cả người lao động, khách hàng đến và đi trong phạm vi đơn vị mình.

Bảy là, xử lý nghiêm người lao động tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân mua sắm tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ vi phạm các quy định về phòng, chống dịch.

Mặt khác, Bộ trưởng nêu lại nhiệm vụ và yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ, Sở Công Thương địa phương thực hiện nghiêm các nội dung tại Chỉ thị số 07/CT-BCT.