Phong Phú và TPP

Với hơn 650 đại biểu đến từ 12 nước (Brunei, Chile, Singapore, New Zealand, Mỹ, Úc, Peru, Việt Nam, Malaysia, Mexico, Canada, Nhật Bản), vòng đàm phán thứ 18 về Hiệp định tự do thương mại xuyên Thái B

Hiệp định này sẽ bao gồm một khối thị trường với hơn 790 triệu dân, có tổng GDP là 27.000 tỷ đôla Mỹ và chiếm khoảng 1/3 kim ngạch thương mại toàn cầu. Với tiềm năng khổng lồ như vậy, các nước thành viên TPP đang đặt hy vọng vào sự thành công của những vòng đàm phán sắp tới để sớm ra đời một khối thương mại tự do mang lại lợi ích thiết thực cho các bên, góp phần khẳng định vị trí chiến lược của một Châu Á - Thái Bình Dương an ninh, ổn định và phồn vinh.


Trong tương lai, nếu có sự tham gia của Hàn Quốc - nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á, tỷ trọng của TPP sẽ chiếm đến hơn 35% GDP toàn cầu, bỏ xa Liên minh Châu Âu – hiện đang là khu vực thương mại tự do lớn nhất hành tinh, chiếm 20% GDP thế giới.

Vậy khi tham gia hiệp định TPP, doanh thu ngành Dệt may Việt Nam sẽ thay đổi như thế nào?

Thuế quan sẽ phải dỡ bỏ giữa các nước trong hiệp định, thị trường sẽ rộng hơn, nhưng TPP cũng đặt các doanh nghiệp Việt Nam trước không ít thách thức trong bối cảnh năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam chưa cao.

Phong Phú là một doanh nghiệp sớm có những thích ứng tích cực để đưa sản phẩm sợi, dệt, nhuộm, may chinh phục các thị trường xuất khẩu khó tính, đòi hỏi cao về sự đồng bộ, chất lượng sản phẩm như: Mỹ, Nhật, EU, Hàn Quốc… Tuy vậy, trong vòng quay chung Tổng công ty cũng có nhiều cơ hội và thách thức.

Cơ hội

Phong Phú có chuỗi sản xuất dệt may từ sợi, dệt, nhuộm, may mặc vì thế mà khả năng tiêu thụ nội bộ trong Group Phong Phú sẽ tăng khi gia nhập TPP và rất dễ dàng để chứng minh quy tắc xuất xứ “yarn forward” (quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi) để được hưởng ưu đãi thuế quan.

Việt Nam nhập khẩu dệt may chủ yếu từ các nước Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia (những nước này không nằm trong TPP). Đây là một ưu thế cho các công ty dệt may tại Việt Nam (trong đó có Phong Phú) do thị trường nội địa sẽ gia tăng lượng cung để đáp ứng tiêu chí yarn forward.

Sản phẩm Phong Phú có lợi thế rất nhiều tại thị trường Mỹ khi thuế suất giảm dần về 0%. Lúc đó  khả năng cạnh tranh với Trung Quốc, Pakistan, Ấn Độ sẽ tăng lên.

Nếu công ty sử dụng nguyên liệu nhập khẩu từ các nước đối tác TPP thì sẽ giảm được chi phí đầu vào giúp nâng cao năng lực cạnh tranh trên những thị trường không chỉ trong TPP.

Hiện tại nhiều nhà nhập khẩu hàng dệt may từ các nước TPP đã đặt hàng thăm dò để chuẩn bị cho sự hợp tác sau khi hiệp định có hiệu lực. Một số khách hàng cũng chấp nhận cho sử dụng nguyên liệu Việt Nam mặc dù giá nguyên liệu trong nước đang cao hơn Trung Quốc để đánh giá, kiểm soát chất lượng, chuẩn bị cho hội nhập sắp tới.


Thách thức    

Các công ty sản xuất dệt may có quy mô lớn tại Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ai Cập,… Những nước này không nằm trong hiệp đinh TPP vì thế có khả năng các công ty này sẽ chuyển hướng vào thị trường nội địa, sẽ phát sinh cạnh tranh nội địa.

Hiện có rất nhiều công ty đang tiến hành khởi công các nhà máy sợi để đón đầu TPP chẳng hạn như nhà máy sản xuất sợi 50.000 cọc với tổng mức đầu tư 120 triệu đô la Mỹ tại Nam Định để sản xuất sợi màu và xơ viscose tại Việt Nam, điều này sẽ ảnh hưởng đến cung cầu sợi tại Việt Nam.

Phong Phú nhập khẩu nhiều nguyên liệu từ các nước không nằm trong TPP, bất lợi để được hưởng ưu đãi thuế quan.

Khi tham gia TPP Việt Nam sẽ thu hút làn sóng đầu tư mạnh mẽ của các tập đoàn nước ngoài vào lĩnh vực dệt may để tận dụng cơ hội TPP mang lại, do đó áp lực cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa ngày càng gay gắt.

Với việc mở cửa thị trường mua sắm công sẽ có nhiều đối thủ nước ngoài tấn công vào Việt Nam là nguy cơ giảm thị phần trên thị trường nội địa.

Đối mặt với các rủi ro về tiêu chuẩn an toàn sản phẩm, hàng rào kỹ thuật, nguy cơ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp, bản quyền….

Bên cạnh đó, để hưởng được ưu đãi thuế quan, công ty cần phải chứng minh được lô hàng xuất đi đúng quy tắc xuất xứ, tức là ba khâu kéo sợi, dệt vải và cắt may hoàn tất đều phải diễn ra trong khuôn khổ các nước tham gia TPP. Điều này dẫn đến việc gia tăng gánh nặng chứng từ và các thủ tục. Do đó công ty cần phải củng cố dữ liệu và lưu trữ chứng từ đầy đủ ngay từ bây giờ.

Khi hiệp định TPP được ký kết, mặc dù vẫn còn nhiều thách thức trước mắt, tuy nhiên với dây chuyền sản xuất khép kín là cơ hội để Phong Phú phát triển vượt bậc trong tương lai nhờ vào các ưu đãi thuế quan sang các thị trường lớn (Mỹ, Nhật, Canada,…) tiến dần về 0%.