Phòng vệ thương mại trong EVFTA: Giai đoạn chuyển tiếp của biện pháp tự vệ là 10 năm

Thực hiện Quyết định số 1906/QĐ-BCT ngày 21/7/2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc điều chỉnh, bổ sung Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2020, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương đang triển khai xây dựng Thông tư hướng dẫn một số điều về các biện pháp phòng vệ thương mại trong Hiệp định EVFTA.

Thông tư này hướng dẫn về việc áp dụng biện pháp tự vệ trong giai đoạn chuyển tiếp, biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp để thực thi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).

Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương đang triển khai xây dựng Thông tư hướng dẫn một số điều về các biện pháp phòng vệ thương mại trong Hiệp định EVFTA

Quy tắc thuế thấp hơn trong chống bán phá giá, chống trợ cấp

Theo Dự thảo Thông tư của Bộ Công Thương, trong quá trình điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp theo Hiệp định EVFTA, dựa trên các thông tin sẵn có trong phạm vi nguồn lực của cơ quan điều tra, nếu Cơ quan điều tra - tức Cục Phòng vệ thương mại - có kết luận rằng áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp hoàn toàn không phù hợp với lợi ích công cộng thì không được áp dụng biện pháp đó.

Khi đánh giá lợi ích công cộng, Cơ quan điều tra sẽ xem xét tình hình của ngành sản xuất trong nước, các nhà nhập khẩu, hiệp hội đại diện các nhà nhập khẩu, người sử dụng đại diện, các tổ chức đại diện cho người tiêu dùng dựa trên các thông tin có liên quan do các bên cung cấp cho Cơ quan điều tra.

Ngoài ra, quy tắc thuế suất thấp hơn trong Dự thảo Thông tư cũng quy định thuế chống bán phá giá hoặc thuế chống trợ cấp sẽ không cao hơn biên độ phá giá hoặc biên độ trợ cấp.

Bộ Công Thương sẽ nỗ lực để các mức thuế trên thấp hơn biên độ phá giá hoặc biên độ trợ cấp nếu mức thuế thấp hơn này đủ để loại bỏ thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước.

Biện pháp tự vệ chuyển tiếp

Dự thảo Thông tư của Bộ Công Thương cũng đưa ra các khái niệm về biện pháp tự vệ chuyển tiếp trong khuôn khổ thực thi EVFTA.

Biện pháp tự vệ trong giai đoạn chuyển tiếp (biện pháp tự vệ chuyển tiếp) là biện pháp được quy định tại Điều 3.10 Chương 3 của Hiệp định và Điều 99 Luật Quản lý ngoại thương.

Cụ thể, Điều 3.10 Chương 3 Hiệp định EVFTA quy định: “Nếu, do kết quả của việc cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế quan theo Hiệp định này, bất kỳ một loại hàng hóa nào có xuất xứ từ lãnh thổ của một Bên được nhập khẩu vào lãnh thổ của Bên kia với lượng gia tăng xét về giá trị tuyệt đối hoặc tương đối so với sản xuất trong nước, và trong tình trạng gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng đối với ngành sản xuất trong nước của hàng hóa tương tự hoặc hàng hóa cạnh tranh trực tiếp, Bên nhập khẩu có thể áp dụng các biện pháp được quy định tại khoản 2 phù hợp với các điều kiện và thủ tục nêu ra tại Mục này chỉ trong giai đoạn chuyển tiếp, ngoại trừ được quy định khác theo điểm 6(c) Điều 3.11 (Các điều kiện và hạn chế)”.

Giai đoạn chuyển tiếp là giai đoạn từ ngày 1/8/2020 đến hết ngày 31/7/2030, tức trong 10 năm kể từ ngày EVFTA chính thức có hiệu lực.

Nguyên tắc áp dụng biện pháp tự vệ chuyển tiếp, theo Dự thảo Thông tư của Bộ Công Thương, là tại cùng một thời điểm, không áp dụng đồng thời biện pháp tự vệ chuyển tiếp và biện pháp tự vệ theo quy định tại Luật Quản lý ngoại thương đối với cùng một hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ EU nhập khẩu vào Việt Nam.

Thời hạn điều tra áp dụng biện pháp tự vệ chuyển tiếp là 1 năm kể từ ngày Quyết định khởi xướng điều tra được ban hành.

Giai đoạn chuyển tiếp trong EVFTA là 10 năm kể từ ngày Hiệp định chính thức có hiệu lực
Giai đoạn chuyển tiếp trong EVFTA là 10 năm kể từ ngày Hiệp định chính thức có hiệu lực

Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định về việc áp dụng biện pháp tự vệ chuyển tiếp khi kết luận điều tra của Cơ quan điều tra có đầy đủ 3 nội dung:

(i) Có sự gia tăng nhập khẩu tuyệt đối hoặc tương đối so với khối lượng, số lượng sản xuất trong nước của hàng hoá nhập khẩu bị điều tra từ EU do kết quả của việc giảm thuế hoặc xóa bỏ thuế của hàng hóa đó theo Hiệp định;

(ii) Ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại nghiêm trọng hoặc bị đe dọa chịu thiệt hại nghiêm trọng;

(iii) Việc gia tăng nhập khẩu quy định tại điểm a khoản này là nguyên nhân gây ra thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng đối với ngành sản xuất trong nước.

Khi đó, biện pháp tự vệ chuyển tiếp được áp dụng sẽ gồm đình chỉ việc tiếp tục giảm thuế suất theo quy định của Hiệp định đối với hàng hóa bị điều tra như quy định tại Phụ lục 2-A (Xoá bỏ thuế hải quan) của Hiệp định; đồng thời tăng thuế suất đối với hàng hóa đó nhưng không vượt quá thuế suất ưu đãi có hiệu lực tại thời điểm áp dụng biện pháp này hoặc thuế suất cơ sở quy định tại các biểu thuế tại Phụ lục 2-A (Xoá bỏ thuế hải quan) theo Điều 2.7 (Giảm hoặc xoá bỏ thuế hải quan với hàng nhập khẩu) của Hiệp định, tùy mức thuế suất nào thấp hơn.

Đặc biệt, theo Dự thảo Thông tư, thời hạn áp dụng biện pháp tự vệ chuyển tiếp không được vượt quá 2 năm. Trong trường hợp Cơ quan điều tra kết luận rằng cần tiếp tục áp dụng biện pháp tự vệ chuyển tiếp để ngăn chặn hoặc khắc phục thiệt hại nghiêm trọng và tạo thuận lợi cho việc điều chỉnh của ngành sản xuất trong nước, thời hạn áp dụng có thể kéo dài thêm tối đa 2 năm.

Trong trường hợp biện pháp tự vệ chuyển tiếp dài hơn 2 năm, biện pháp tự vệ chuyển tiếp phải được nới lỏng dần đều trong suốt quá trình áp dụng biện pháp.

Sau khi hết thời hạn áp dụng biện pháp tự vệ chuyển tiếp, mức thuế nhập khẩu áp dụng cho hàng hóa liên quan thực hiện theo Biểu cam kết trong Phụ lục 2-A của Hiệp định có hiệu lực tại thời điểm chấm dứt áp dụng biện pháp tự vệ chuyển tiếp đó.

Bộ Công Thương hiện đã đăng tải Dự thảo Thông tư (tải về tại đây) để lấy ý kiến rộng rãi của các cá nhân, đơn vị, tổ chức nghiên cứu, đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện Dự thảo Thông tư.

Thy Thảo