TPM (Total Productive Maintenance) – Công cụ quản lý hiệu suất tổng thể là phương pháp quản lý được áp dụng đầu tiên tại Nhật Bản nhằm hướng tới sự đổi mới trong hoạt động bảo dưỡng thiết bị với sự tham gia của tất cả thành viên trong doanh nghiệp.

Theo Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), tại Việt Nam, trong quá trình triển khai Chương trình quốc gia về “Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”, nhiều doanh nghiệp mạnh dạn áp dụng phương pháp TPM, và chỉ sau thời gian ngắn đã có những cải tiến đáng kể.

det phu tho

Công ty TNHH Dệt Phú Thọ (Dệt Phú Thọ) tham gia Chương trình hỗ trợ triển khai TPM của Bộ Công Thương

Năm 2019, Công ty TNHH Dệt Phú Thọ (Dệt Phú Thọ) tham gia Chương trình hỗ trợ triển khai TPM của Bộ Công Thương với mong muốn nâng cao hiệu suất sản xuất và chất lượng sản phẩm. Trước đó, Dệt Phú Thọ đã thực hành bảo trì máy móc định kì nhưng chưa giải quyết được hoàn toàn các sự cố như kẹt vòng da tại máy con – vấn đề xảy ra tại điểm nút thắt cổ chai của dây chuyền sản xuất sợi.

Sau khi áp dụng phương pháp TPM, với sự hỗ trợ của các chuyên gia tư vấn, những sự cố của máy móc đã được giải quyết dứt điểm, tình trạng hỏng hóc giảm thiểu rõ rệt, thời gian bảo dưỡng, bảo trì được rút ngắn và tăng thời gian máy chạy nhanh hơn.

Ông Nguyễn Văn Hà – Giám đốc Công ty TNHH Dệt Phú Thọ cho biết: “Sau khi thực hiện chương trình TPM để nâng cao năng suất thiết bị, chất lượng sản phẩm của chúng tôi duy trì ở mức ổn định và sản phẩm ra đạt chất lượng đến 95% – 98% loại A”.

Theo chuyên gia, muốn phương pháp TPM hiệu quả cần có sự hợp lực và tương tác của tất cả các thành viên trong dây chuyền sản xuất để nâng cao hiệu suất hoạt động của thiết bị. Tại doanh nghiệp, công việc bảo dưỡng là rất quan trọng và việc dừng thiết bị để bảo trì có kế hoạch như một mắt xích trong quy trình sản xuất, nhưng cần phải giảm thiểu, thậm chí không được dừng thiết bị khẩn cấp do sự cố, do tai nạn hay những sai hỏng.

 Để đạt được điều này, cách đơn giản nhất là những người công nhân điều khiển thiết bị cùng tham gia vào nhiệm vụ bảo trì thường xuyên mà không phụ thuộc nhiều vào cơ khí hoặc kỹ sư. Cả cán bộ và nhân viên cần sẽ được đào tạo và thực hành các phương pháp phân tích, cải tiến, nhằm nâng cao hiệu suất thiết bị tổng thể của cả dây chuyền, qua đó nâng cao tính chủ động, tinh thần làm việc nhóm và hơn hết là sự hợp tác công việc giữa các bộ phận.

Với những lợi ích và kết quả đã đạt được từ phương pháp TPM cho các doanh nghiệp ngành dệt may, công cụ này đòi hỏi sự nỗ lực trong nhiều năm của doanh nghiệp để thực hiện thành công và duy trì bền vững.