Phương thức hòa giải thương mại trong giải quyết tranh chấp thương mại tại Việt Nam và Trung Quốc

THS. TIAN JIAN (Chuyên viên cao cấp - Văn phòng luật sư Long Yun Vân Nam (Trung Quốc))

TÓM TẮT:

Bài báo nhằm giới thiệu và đánh giá những đặc điểm và vai trò quan trọng của hòa giải thương mại. Bên cạnh đó, bài báo đánh giá thực trạng và triển vọng hòa giải thương mại tại hai nước Việt Nam và Trung Quốc trong bối cảnh Công ước Singapore về Hòa giải thương mại quốc tế được ban hành và ký kết bởi đa số quốc gia trên thế giới. Bài báo cũng phân tích những lợi thế và bất cập, đưa ra những giải pháp trong việc áp dụng phương thức hòa giải thương mại để giải quyết những tranh chấp thương mại phát sinh trong bối cảnh quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc phát triển mạnh.

Từ khóa: hòa giải thương mại, giải quyết tranh chấp thương mại, thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc, Công ước Singapore về Hòa giải thương mại quốc tế.

1. Đặt vấn đề

Quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược đối với kinh tế hai nước. Trong những năm qua, quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc phát triển rất nhanh. Thương mại song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt được nhiều thành tựu, góp phần quan trọng cho sự tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia. Trong năm 2019, với kim ngạch thương mại song phương vượt 120 tỷ USD, Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc tại Đông Nam Á. Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan Việt Nam, dù gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn đạt hơn 130 tỷ USD trong năm 2019, tăng trưởng 13,8% so với năm 2019.

Sau 8 năm đàm phán, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã chính thức được ký kết vào ngày 15/11/2020. Đây là hiệp định thương mại tự do mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều tham gia. Quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc phát triển mạnh và có triển vọng tăng trưởng cao hơn nữa trong tương lai. Tuy nhiên, những tranh chấp thương mại cũng ngày càng tăng lên. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, doanh nghiệp tại hai nước còn gặp thêm nhiều khó khăn và rủi ro phát sinh khiến tranh chấp thương mại ngày càng tăng. Thực trạng này đòi hỏi phải tìm ra một phương thức giải quyết tốt nhất và hòa giải thương mại được xem là một giải pháp khả thi.

Trong các phương thức giải quyết tranh chấp, hòa giải thương mại là phương thức có nhiều ưu điểm. Tuy nhiên, phương thức này hiện vẫn chưa được sử dụng rộng rãi vì phần lớn các doanh nghiệp chưa hiểu rõ những quy định của pháp luật và các công ước quốc tế liên quan, cũng như những ưu điểm của hòa giải thương mại. Văn hóa và khung pháp lý của hai nước Việt Nam và Trung Quốc cũng có sự khác biệt. Do đó, việc giúp doanh nghiệp tại hai nước hiểu và sử dụng hiệu quả phương thức hòa giải thương mại là một yêu cầu cấp bách. Việc xây dựng cơ chế hợp tác về hòa giải thương mại giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc là đề tài quan trọng cần được tìm hiểu và nghiên cứu.

2. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu

2.1. Cơ sở lý luận

Lý thuyết kinh tế học pháp luật và kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, hòa giải thương mại là một phương thức giải quyết tranh chấp phổ biến trên thế giới, đặc biệt tại các quốc gia có nền kinh tế phát triển. Cùng với thương lượng và trọng tài, hòa giải thương mại được coi là một trong những phương thức giải quyết tranh chấp được các doanh nghiệp sử dụng nhiều, do những ưu điểm vượt trội của các phương thức này so với tố tụng tòa án.

Hòa giải thương mại được tiến hành theo một trình tự và thủ tục pháp định. Khác với thương lượng, hòa giải thương mại với tư cách là một phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án có sự tham gia của chủ thể trung gian - Hòa giải viên thương mại.

Hòa giải viên thương mại làm trung gian hòa giải và hỗ trợ các bên giải quyết tranh chấp. Hòa giải viên thương mại bao gồm Hòa giải viên thương mại vụ việc và Hòa giải viên thương mại của tổ chức hòa giải thương mại. Tổ chức hòa giải thương mại bao gồm Trung tâm hòa giải thương mại và Trung tâm trọng tài.

2.1.1. Nhưng ưu điển vượt trội của hòa giải thương mại

a. Thủ tục hòa giải thương mại được tiến hành nhanh gọn, không gò bó và tiết kiệm thời gian;

b. Các bên có quyền tự định đoạt, lựa chọn bất kỳ người nào hoặc tổ chức nào làm trung gian hòa giải cũng như địa điểm tiến hành hòa giải. Do đó, các bên có thể tìm một trung gian hòa giải có hiểu biết chuyên môn sâu về vấn đề đang tranh chấp;

c. Hòa giải thương mại mang tính thân thiện nhằm tiếp tục giữ gìn và phát triển các mối quan hệ kinh doanh vì lợi ích của cả hai bên. Do đó, hòa giải thương mại thường ít gây hại đến quan hệ hợp tác vốn có của các bên có liên quan;

d. Các bên có thể giữ được bí mật kinh doanh và vấn đề tranh chấp;

e. Theo công ước quốc tế và luật trong nước của các nước nói chung và của Việt Nam, Trung Quốc nói riêng, đã có cơ chế pháp lý để công nhận và thi hành kết quả hòa giải .

2.1.2. Những nguyên tắc cơ bản của hòa giải thương mại:

a. Hòa giải mang tính chất tự nguyện;

b. Hòa giải mang tính bí mật;

c. Hòa giải viên phải độc lập và khách quan trong quá trình giải quyết tranh chấp;

d. Hòa giải không làm ảnh hưởng đến việc các bên sử dụng các phương thức giải quyết tranh chấp khác;

2.2. Phương pháp nghiên cứu

Số liệu của nghiên cứu này dựa trên các báo cáo, số liệu niên giám thống kê về hòa giải thương mại của hai nước Việt Nam và Trung Quốc. Nghiên cứu sử dụng những pháp luật liên quan về hòa giải thương mại của hai nước Việt Nam và Trung Quốc cũng như những công ước quốc tế về hòa giải thương mại và trọng tài, như Công ước Singapore về Hòa giải thương mại quốc tế và Công ước NewYork về công nhận và thi hành các phán quyết trọng tài nước ngoài.

Nghiên cứu này sử dụng kết hợp các phương pháp phân tích khác nhau gồm Phân tích so sánh, đánh giá thực trạng và xu hướng phát triển của hòa giải thương mại tại hai nước Việt Nam và Trung Quốc trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Nghiên cứu nêu ra những giải pháp nhằm thúc đẩy giải quyết tranh chấp thương mại giữa các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Trung Quốc bằng phương thức hòa giải thương mại.

3. Kết quả nghiên cứu

3.1. Sự phát triển của hòa giải thương mại tại Việt Nam

Ngày 16 tháng 5 năm 2013, Việt Nam đã thành lập Ban soạn thảo và thành lập tổ biên tập vào ngày 21 tháng 5 năm 2013. Sau đó, Nghị định 22/2017/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 22) được kiện toàn vào 14 tháng 2 năm 2014 và chính thức được Chính phủ Việt Nam ban hành, có hiệu lực từ ngày 15 tháng 4 năm 2017.

Ngày 18 tháng 12 năm 2018, Việt Nam trở thành thành viên của Ủy ban Liên hợp quốc về Luật Thương mại quốc tế (UNCITRAL).

Trước khi ban hành Nghị định 22, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã cung cấp dịch vụ hòa giải với Quy tắc hòa giải từ năm 2007 và đã có 5 vụ việc hòa giải tại VIAC theo Quy tắc này. Nghị định 22 đã tạo cơ sở pháp lý cho việc hình thành, phát triển dịch vụ hòa giải thương mại với tư cách là một trong những phương thức giải quyết tranh chấp thương mại độc lập, tạo hành lang pháp lý thống nhất trong việc khuyến khích các bên tranh chấp sử dụng dịch vụ hòa giải. Như vậy, Nghị định 22 về hòa giải thương mại và trước đó là Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2017 với Chương 33 về Thủ tục công nhận kết quả hòa giải ngoài Tòa án có thể được coi là mốc đánh dấu đối với sự ra đời trên thực tế và toàn diện của Hòa giải thương mại tại Việt Nam.

Theo số liệu thống kê mới nhất, Việt Nam hiện đã có 22 tổ chức hòa giải thương mại, trong đó 15 trung tâm hòa giải thương mại và 7 trung tâm trọng tài thực hiện chức năng hòa giải. Số lượng hòa giải viên tại Việt Nam là hơn 100 người.

Sự ra đời và có hiệu lực của Nghị định 22 là một dấu ấn quan trọng của việc áp dụng phương thức hòa giải thương mại tại Việt Nam. So với nhiều quốc gia bao gồm Trung Quốc, Việt Nam đã đi trước một bước về xây dựng khung pháp lý trong nước về hòa giải thương mại. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan, Việt Nam vẫn chưa tham gia Công ước Singapore về Hoà giải thương mại quốc tế.

3.2. Sự phát triển của hòa giải thương mại tại Trung Quốc

Năm 1987, để đáp ứng được yêu cầu phát triển của hoạt động ngoại thương, Hội đồng Xúc tiến thương mại quốc tế Trung Quốc (CCPIT) đã thành lập Trung tâm Hòa giải thương mại. Đến nay, Trung tâm Hòa giải thương mại của CCPTT đã lập 54 chi nhánh tại các địa phương và ngành tại Trung Quốc. Trung tâm này cũng hợp tác với các nước xây dựng 21 cơ chế hợp tác về hòa giải thương mại quốc tế. Ngoài ra, các tổ chức hòa giải thương mại cũng phát triển mạnh trong hệ thống hội doanh nhân tại Trung Quốc. Đến cuối năm 2018, hệ thống Liên đoàn Công Thương Trung Quốc (ACFIC) đã có 1.520 tổ chức hòa giải thương mại.

Hòa giải thương mại quốc tế đang ngày càng được áp dụng và đã trở thành xu thế phát triển tất yếu. Tại thành phố Thượng Hải, trung tâm kinh tế của Trung Quốc, riêng Trung tâm Hòa giải thương mại Jing Mao Thượng Hải (SCMC-Shanghai Commercial Mediation Center) đã thụ lý 1.314 vụ việc hòa giải thương mại với tổng giá trị kinh tế các vụ việc lên đến hơn 3,8 tỷ USD. Trong đó, 765 vụ việc đạt được kết quả hòa giải thành (chiếm tỷ lệ 58,21%) và 100% kết quả hoà giải thành đã được tự nguyện thi hành.    

Khác với Việt Nam, Trung Quốc hiện vẫn chưa có khung pháp lý trong nước dành riêng cho hòa giải thương mại. Đây là một bất cập đối với hòa giải thương mại tại Trung Quốc. Hòa giải thương mại vẫn chưa trở thành một trong những phương thức giải quyết tranh chấp thương mại độc lập, mà vẫn phải kết hợp với những phương thức như tòa án và trọng tài tại Trung Quốc.

Trung Quốc hết sức coi trong việc hợp tác quốc tế về hòa giải thường mại. Kể từ năm 2016, Trung Quốc đã tổ chức 4 lần diễn đàn thượng đỉnh quốc tế về hòa giải thương mại quốc tế. Mặc dù đại dịch Covid-19 bùng phát, nhưng Trung Quốc vẫn tổ chức diễn đàn thương mại quốc tế về hòa giải thương mại lần thứ 5 trong năm 2020. Các diễn đàn thương mại này đã tạo một sân chơi giao lưu quốc tế quan trọng, góp phần tích cực vào sự phát triển của hòa giải thương mại quốc tế.

3.3. Sự tác động tích cực và cơ hội mang lại của Công ước Singapore về hòa giải thương mại quốc tế đối với hai nước Việt Nam và Trung Quốc

Ngày 7 tháng 8 năm 2019, các đoàn đại biểu đến từ 70 quốc gia, bao gồm khoảng 1.600 nhà lãnh đạo và quan chức chính phủ, doanh nhân, thẩm phán, luật sư và các học giả đã tụ họp tại Singapore để tham gia hội nghị và lễ ký kết Công ước Singapore về hoà giải thương mại quốc tế. Tổng số 46 nước đã ký kết Công ước, bao gồm hai nền kinh tế lớn nhất trên thế giới là Mỹ và Trung Quốc, ba trên bốn nền kinh tế lớn nhất Châu Á (Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc) và 5 nước ASEAN (Brunei, Malaysia, Lào, Philippines và Singapore). Các nước tham gia ký kết Công ước Singapore về hòa giải thương mại quốc tế đều là những đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam và Trung Quốc.

Công ước Singapore về hòa giải thương mại quốc tế không chỉ như một bước ngoặt phát triển đối với hoạt động hòa giải thương mại quốc tế, mà còn là nền tảng cho hợp tác đa phương và thúc đẩy thương mại quốc tế. Công ước này là sự kết tinh các ưu điểm của giải pháp hợp tác về hòa giải và được kỳ vọng mang lại cơ hội lớn cho các nước trên thế giới nói chung và Việt Nam, Trung Quốc nói riêng. Cho đến nay, đã có 53 quốc gia ký kết Công ước này. Theo quy chế, Công ước này đã có hiệu lực từ ngày 12 tháng 9 năm 2020.

Tại Việt Nam, trước khi Công ước Singapre về hòa giải thương mại quốc tế ra đời, Việt Nam đã có pháp luật trong nước tương đối hoàn chỉnh về hòa giải thương mại. Tuy nhiên, một số khái niệm và phạm vi điều chỉnh của luật trong nước và của Công ước Singapore về hòa giải thương mại quốc tế còn có sự khác biệt. Do đó, dù đã là quan sát viên từ ban đầu, Việt Nam vẫn chưa ký kết Công ước này.

Công ước Singapore về hòa giải thương mại quốc tế đã tạo ra một cơ chế khá thuận tiện về công nhận và thi hành kết quả hòa giải thành trong các nước tham gia Công ước.

Tại Trung Quốc, sau khi ký kết Công ước Singapore về hòa giải thương mại quốc tế, giới luật pháp tại Trung Quốc cũng đang khẩn trương xúc tiến hoàn chỉnh pháp luật trong nước về hòa giải thương mại để tạo ra hàng lang pháp lý cho hòa giải thương mại như một phương thức giải quyết tranh chấp độc lập và thúc đẩy hòa giải thương mại phát triển sâu rộng.

3.4. Những kinh nghiệm của Trung Quốc trong việc áp dụng hòa giải thương mại giải quyết tranh chấp thương mại giữa các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Trung Quốc

Tháng 12 năm 2011, nhằm giải quyến những tranh chấp thương mại trong bối cảnh quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng phát triển, Tòa án nhân dân thành phố Đông Hưng (Trung Quốc) đã lập Phòng hòa giải tại Khu biên mậu Đông Hưng thuộc Khu tự trị Quảng Tây (Trung Quốc). Tháng 3 năm 2014, Phòng hòa giải này được nâng cấp và chính thức thành lập tòa lưu động đặc biệt về tranh chấp thương mại giữa các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Trung Quốc với mô hình 2+2 để triển khai công việc hòa giải và xét xử. Đây là một sáng tạo mới cho phương thức giải quyết tranh chấp giữa doanh nghiệp hai nước, góp phần thúc đẩy sự phát triển bên vững của thương mại song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc.

4. Những lợi thế và khó khăn cần khắc phục trong việc thúc đẩy giải quyết tranh chấp thương mại giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc

Văn hoá của Việt Nam và Trung Quốc đều đề cao phương châm “Dĩ hòa vi quý, hòa khí sinh tài” và đây là một nền tảng văn hóa thuận lợi cho việc giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại.

Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc có chủ trương về thúc đẩy mối quan hệ kinh tế hai nước phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập. Do đó, việc thúc đẩy áp dụng phương thức hòa giải thương mại để giải quyết tranh chấp thương mại giữa các doanh nghiệp thuộc hai nước sẽ thuận lợi cho việc phát triển bền vững quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Sự hoàn thiện và phát triển không ngừng của hệ thống pháp luật của Việt Nam và Trung Quốc sẽ tạo nền tảng pháp lý ngày càng vững chắc cho phương thức hòa giải thương mại. Tuy nhiên, việc thi hành kết quả hòa giải thành cần được coi trọng. Do đây là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy hoạt động hòa giải thương mại. Bên cạnh đó, việc áp dụng phương thức hòa giải giải quyết tranh chấp sẽ giúp tiết kiệm tài nguyên tư pháp, giảm bớt gánh nặng xét xử ngày càng tăng thêm đối với các tòa án.

5. Biện pháp giải quyết về vấn đề công nhận và thi hành kết quả hòa giải thành trước khi Việt Nam chính thức ký kết và phê duyệt Công ước Singpore về hòa giải thương mại quốc tế

5.1. Cơ chế thi hành kết quả hòa giải thành trong nước của Việt Nam

a. Tự nguyện thi hành, trong đó, thi hành kết quả hòa giải thành như 1 hợp đồng;

b. Yêu cầu tòa án ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, thi hành như quyết định của tòa án theo pháp luật vê tố tụng dân sự và luật thi hành án;

c. Yêu cầu Hội đồng trọng tài ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên, thi hành như Phán quyết trọng tài theo pháp luật trọng tài thương mại và luật về thi hành án.

5.2. Cơ chế thi hành kết quả hòa giải thành bởi tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài

a. Tự nguyện thi hành như một hợp đồng;

b. Ghi nhận như Phán quyết trọng tài nước ngoài, viện dẫn những quy định trong Công ước NewYork về công nhận và thi hành các phán quyết trọng tài nước ngoài để thi hành;

c. Ghi nhận bản án của tòa án nước ngoài, viện dẫn cơ chế tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và các nước để thi hành;

d. Để tránh rủi ro gặp trục trặc hoặc bị từ chối theo quy định về những trường hợp từ chối của pháp luật: nếu kết quả hòa giải thành cần được thi hành ở Việt Nam thì nên tiến hành hòa giải tại Việt Nam với sự hỗ trợ của các tổ chức hòa giải thương mại tại Việt Nam. Nếu kết quả hòa giải thành cần được thi hành ở nước ngoài thì nên áp dụng Cơ chế phối kết hợp Hòa giải và Trọng tài (Arb-Med-Arb) như Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam - Trung tâm Hòa giải Việt Nam ( VIAC & VMC).

6. Giải pháp thúc đẩy áp dụng phương thức hòa giải thương mại giải quyết tranh chấp thương mại giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Trung Quốc

a. Phổ biến và nâng cao ý thức của doanh nhân hai nước về hòa giải thương mại;

b. Cơ quan tư pháp, công nghiệp và thương mai và tổ chức hòa giải thương mại của hai nước Việt Nam và Trung Quốc tăng cường hợp tác giao lưu và xây dựng cơ chế hợp tác khả thi về hoà giải thương mại quốc tế;

c. Đào tạo và xây dựng đội ngũ hòa giải viên am hiểu về ngôn ngữ, văn hóa, pháp luật của hai nước Việt Nam và Trung Quốc;

d. Cơ quan tư pháp hai nước Việt Nam và Trung Quốc tạo điều kiện tốt nhất cho việc thi hành kết quả hòa giải thành theo pháp luật của mỗi nước (ngoại trừ những trường hợp từ chối theo pháp luật mỗi nước), tạo niềm tin và khuyến khích doanh nhân hai nước Việt Nam và Trung Quốc áp dụng hòa giải thương mại giải quyết tranh chấp;

e. Trong bối cảnh Việt Nam chưa ký kết công ước Singapore về hoà giải thương mại quốc tế, cần xây dựng lộ trình khả thi về thi hành kết quả hòa giải thành có yếu tố nước ngoài;

f. Hoàn thiện pháp luật về hòa giải thương mại của mỗi nước Việt Nam và Trung Quốc, tháo gỡ những khó khăn trong việc ký kết và phê chuẩn cũng như thực thi Công ước Singapore về hòa giải thương mại quốc tế;

g. Tận dụng phương tiện công nghệ cao để tiến hành hòa giải thương mại trực tuyến, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Phan Trọng Đạt. (2020).Tổng quan về hòa giải thương mại tại Việt Nam. Hà Nội, Việt Nam: Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) thuộc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC).

2. Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Trung tâm Giải quyết tranh chấp hiệu quả (CEDR). (2020). Sổ tay hòa giải viện. Truy cập ngày 17 tháng 3 năm 2020, từ https://www.vmc.org.vn/images/Resources/Legal-research-and-study/200317_So%20tay%20hoa%20giai%20EV/Handbook_Mediator+Training_March+2020.pdf

3.    An Hạ. (2020). Công ước Singapore về Hòa giải thương mại quốc tế và khả năng tham gia của Việt Nam. Truy cập ngày 16 tháng 11 năm 2020, từ https://phaply.net.vn/cong-uoc-singapore-ve-hoa-giai-thuong-mai-quoc-te-va-kha-nang-tham-gia-cong-uoc-cua-viet-nam/

4.    Vũ Hùng. (2019). Công ước Singapore về hòa giải thương mại quốc tế – một thời đại mới xuất hiện. Truy cập ngày 17 tháng 9 năm 2019, từ  https://tapchitoaan.vn/bai-viet/phap-luat/cong-uoc-singapore-ve-hoa-giai-mot-thoi-dai-moi-xuat-hien

5.    Hang Wei. (2019). Hòa giải thương mại quốc tế bước vào thời đại mới. Nhật báo Pháp chế (Thuộc Bộ tư pháp Trung Quốc).

6. Zhu Huafang, David Gu,Guo Youning. (2020). Annual Review of Commercial Mediation in China. Bắc Kinh, Trung Quốc: Trung tâm Trọng tài Bắc Kinh

7. Guo Tao. (2020). Tổng quan Diễn đàn thượng đỉnh hòa giải thương mại quốc tế năm 2020. Truy cập ngày 20 tháng 11 năm 2020, từ http://www.ccpit.org/Contents/Channel_4250/2020/1120/1309043/content_1309043.htm

8. I. Strong. (2016). An Empirical Assessment of International Commercial Mediation. Truy cập ngày 1 tháng 9 năm 2016, từ https://scholarlycommons.law.wlu.edu/cgi/viewcontent.cgi?article=4526&context=wlulr

Using commercial mediation to resolve commercial disputes between enterprises of Vietnam and enterprises of China   

Master. Tian Jian

Senior specialist, Yun Nan Long Yun Law Firm (China)

ABSTRACT:

This paper introduces and assesses the characteristics and the important roles of commercial mediation. In addition, the paper evaluates the prospects of using commercial mediation to resolve commercial disputes between enterprises of Vietnam and enterprises of China when the Singapore Convention on International Trade Mediation has been signed by many countries. This paper analyzes the advantages and shortcomings of commercial mediation in handling commerical disputes. Based on the paper’s findings, some solutions are proposed to increase the effectiveness of commercial mediation in resolving trade disputes between enterprises of Vietnam and enterprises of China in the context of rapid growth in bilateral trade between Vietnam and China.   

Keywords: commercial mediation, settlement of commercia disputes, Vietnam and China trade relations, Singapore Convention on Mediation.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 3, tháng 2 năm 2021]