Pin mặt trời hết hạn được xử lý thế nào?

Rất có thể, Việt Nam sẽ trở thành một số ít nước đi đầu có quy định pháp luật về tái chế pin mặt trời hết hạn sử dụng.

Giúp chủ đầu tư tuân thủ quy định

Tính đến tháng 7/2020, trên hệ thống điện quốc gia có tổng cộng 99 nhà máy điện mặt trời vận hành với tổng công suất là 5.053 MWp. Đối với điện mặt trời mái nhà, tính đến ngày 31/8/2020 đã có trên 47.000 hệ thống được lắp đặt với tổng công suất 1.128 MWp. Hai loại hình điện mặt trời và điện mặt trời áp mái có tổng công suất trên 6.000 MWp.

Qua theo dõi, Bộ Công Thương thấy rằng, phần lớn các dự án điện mặt trời sử dụng tấm quang điện công nghệ đơn và đa tinh thể của các nhà sản xuất hàng đầu thế giới có hiệu suất cao. Đây cũng là điều kiện để các ngân hàng cho dự án vay để đầu tư phát triển. Các tấm quang điện đơn và đa tinh thể có độ bền trên 25 năm với khoảng 80-85% vật liệu là nhôm và kính, khoảng 5-10% là nhựa, silicon 5-8%, kim loại khoảng 1% và có thể thu hồi mang lại hiệu quả kinh tế.

Tuy nhiên, trong dư luận xã hội và trên nghị trường, có băn khoăn, thắc mắc là các tấm pin này sau khi hết hạn sử dụng sẽ được xử lý thế nào?

Theo điều 8, Thông tư số 18/2020/TT-BCT của Bộ Công Thương thì trách nhiệm của các chủ đầu tư điện mặt trời là: “Thu gom, tháo dỡ, hoàn trả mặt bằng và chịu trách nhiệm xử lý toàn bộ vật tư, thiết bị, chất thải phát sinh của các công trình điện mặt trời trong quá trình xây dựng, vận hành hoặc khi kết thúc dự án điện mặt trời nối lưới, hệ thống điện mặt trời mái nhà theo đúng quy định của pháp luật về môi trường”.

Đây cũng là thông lệ trên thế giới. Luật pháp của EU yêu các nhà sản xuất phải đảm bảo những tấm pin mặt trời của họ tái chế đúng cách. Bang Washington, Hoa Kỳ thông qua luật buộc các nhà sản xuất pin mặt trời phải cung cấp cho công chúng một cách thuận tiện, an toàn về môi trường để tái chế tất cả các tấm pin quang điện họ mua từ sau ngày 1/7/2017.

Để giúp các chủ đầu tư tuân thủ đúng quy định của pháp luật, Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Sau đó, Thủ tướng có quyết định giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ 2 nội dung. Thứ nhất, nghiên cứu xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn của tấm pin quang điện; thứ hai, đưa ra phương án xử lý các tấm pin sau khi dự án hết thời hạn.

pin mat troi
Tính đến tháng 7/2020, trên hệ thống điện quốc gia có tổng cộng 99 nhà máy điện mặt trời vận hành với tổng công suất là 5.053 MWp

4 tin vui

Thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức nhiều hội thảo, diễn đàn về 2 nội dung này. Ngày 3/7 vừa qua, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Tập đoàn Khoa học An toàn toàn cầu Underwriters Laboratories (UL) tổ chức hội thảo về hệ thống tiêu chuẩn UL về năng lượng mặt trời và các hoạt động hợp tác với Việt Nam.

Hai bên đã trao đổi về tiêu chuẩn, thử nghiệm cũng như cơ chế chính sách liên quan đến phát triển năng lượng mặt trời và xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng nhằm quản lý chất lượng và an toàn cũng như xử lý thải bỏ sau vòng đời của các tấm pin quang điện.

Chắc chỉ trong một thời gian ngắn nữa, chúng ta sẽ hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn của tấm pin quang điện và phương án xử lý các tấm pin hết hạn sử dụng. Các chủ đầu tư điện mặt trời sẽ căn cứ vào các tiêu chuẩn, quy chuẩn để có phương án xử lý. Các bộ: Khoa học và Công nghệ, Tài Nguyên và Môi trường, Công Thương sẽ là những cơ quan chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát doanh nghiệp tuân thủ quy định pháp luật.

Rất có thể, Việt Nam sẽ trở thành một số ít nước đi đầu có quy định pháp luật về tái chế pin mặt trời hết hạn sử dụng.

Trên thế giới, một số nước lớn như Nhật Bản, Ấn Độ và Úc vẫn đang được bàn thảo, xây dựng cơ chế về tái chế pin mặt trời. Toàn Hoa Kỳ mới có bang Washington đưa ra quy định buộc các nhà sản xuất pin mặt trời phải cung cấp những thông tin về an toàn về môi trường để tái chế tất cả các tấm pin quang điện. Trên cấp độ quốc gia, chỉ có các nước thuộc EU có quy định yêu các nhà sản xuất phải đảm bảo những tấm pin mặt trời của họ tái chế đúng cách.

Với nước ta, có 4 tin rất vui về tái chế pin mặt trời. Một là, các thành phần giá trị trong pin, gồm silicon và bạc, có thể được tách riêng và tinh chế hiệu quả. Đây cũng là hướng đi một số ít đơn vị tái chế pin mặt trời ở nhiều nước đang nỗ lực khai thác. Việt Nam có thể tận dụng công nghệ của những nước đi tiên phong theo hướng này.

Hai là, các chủ đầu tư điện mặt trời nước ta đã ý thức được trách nhiệm của mình trong xử lý các tấm pin điện hết hạn sử dụng. Điển hình như ông Diệp Bảo Cánh, Chủ tịch Công ty Mặt Trời đỏ nói rằng: “Pin mặt trời nếu xử lý tốt sẽ không đáng lo ngại. Pin này đều có thể tái chế từ silicon, pin, kính”.

Ba là, với sự phát triển của khoa học công nghệ trong thời gian tới, chi phí xử lý các tấm pin sẽ ngày càng giảm và phù hợp với chi phí mà các nhà đầu tư bỏ ra cho các dự án điện mặt trời.

Bốn là, hầu hết các tấm pin mặt trời đều có tuổi thọ khoảng 25 năm. Trong khi nhà máy điện mặt trời đầu tiên ở Việt Nam là Nhà máy quang điện mặt trời Thiên Tân khởi công xây dựng 29/8/2015, khánh thành năm 2019.

Như vậy, tấm pin mặt trời đầu tiên của nước ta hết hạn sử dụng sẽ vào khoảng ngoài năm 2040, tức hơn 20 năm nữa, khoảng thời gian đủ để công nghệ tái chế pin mặt trời có nhiều tiến bộ vượt bậc với giá rẻ hơn rất nhiều so với hiện nay.

Ngọc Châu