PM3- CM: Công trình khí đầu tiên hoàn toàn do Việt Nam thiết kế và xây dựng

Sau quá trình triển khai xây dựng 2 hệ thống đường ống khí Bạch Hổ - Dinh Cố và Nam Côn Sơn, các công ty tại Việt Nam đã có thể tự lực triển khai xây dựng tuyến ống khí thứ 3 tại Việt Nam là PM3- CM.

Sáng kiến hiệu quả cao trong triển khai Dự án PM3- CM

Nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn khí từ khu vực PM3-CAA và lô 46/Cái Nước làm nguyên, nhiên liệu cho các nhà máy điện, đạm tại khu vực Cà Mau, bảo đảm an ninh năng lượng và an ninh lương thực quốc gia; đồng thời phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi, năm 2000 Tổng công ty Dầu khí Việt Nam, nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã quyết định thành lập Ban Chuẩn bị đầu tư và triển khai hàng loạt các công việc như thiết kế chi tiết tuyến ống, đền bù giải phóng mặt bằng,...

Đặc biệt là theo đề xuất của Ban Chuẩn bị đầu tư, Tổng công ty Dầu khí Việt Nam đã kiến nghị và thuyết phục các bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt việc nắn tuyến ống và thay đổi vị trí điểm tiếp bờ đến Mũi Tràm (thay vì cửa sông Ông Đốc theo Thiết kế tổng thể - FEED), làm lợi cho nhà nước 10 triệu đôla Mỹ, đồng thời rút ngắn một nửa tiến độ thi công đường ống trên bờ.

PM3 - Cà Mau
Người lao động dầu khí trong triển khai Dự án đường ống dẫn khí PM3 - CM - Ảnh tư liệu

Dự án hệ thống đường ống dẫn khí PM3-CM đã được khởi công ngày 29/04/2006. Tổng thầu EPC là Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro, các nhà thầu phụ gồm Công ty PTSC (đối với phần đường ống trên biển), PVECC (đối với phần đường ống trên bờ), PVEng (đối với Trạm xử lý khí),… Đây đều là những công ty trong nước tham gia các khâu khác nhau trong quá trình xây dựng.

Trong quá trình triển khai dự án, nhiều giải pháp được đưa ra và áp dụng, điển hình như khi thi công đường ống khí qua đầm lầy đoạn trên bờ từ Mũi Tràm đến Cà Mau dài 27 km, Ban Quản lý Dự án đã cho áp dụng biện pháp thi công mới rất hiệu quả là đào kênh vận chuyển ống và thiết bị dọc tuyến thay vì làm đường công vụ dọc tuyến rất khó khăn và ảnh hưởng đến tiến độ.

duong ong
Quá trình thi công đường ống

Như vậy, có thể thấy sau quá trình triển khai xây dựng 02 hệ thống đường ống khí Bạch Hổ - Dinh Cố và Nam Côn Sơn, các công ty tại Việt Nam đã có thể tự lực triển khai xây dựng tuyến ống khí thứ 3 tại Việt Nam. Điều đó cho thấy sự trưởng thành của các đơn vị trong nước trong lĩnh vực xây dựng các công trình dầu khí. Đến nay hệ thống đường ống khí PM3-CM vẫn hoạt động an toàn và ổn định, đảm bảo cung cấp khí cho cụm công nghiệp Khí – Điện – Đạm Cà Mau.

Sử dụng khí giàu CO2 cho sản xuất điện và đạm tại Cà Mau

So với các bể Nam Côn Sơn, Cửu Long thì khí tại khu vực khu vực PM3-CAA có hàm lượng CO2 cao hơn rất nhiều, ảnh hưởng đến chất lượng khí và yêu cầu thiết bị phải chịu được ăn mòn.

Giàn BR-E thuộc cụm giàn phía Nam, là giàn xử lý khí (Gas Processing Platform) quan trọng của hệ thống giàn PM3. Giàn BR-E có vai trò xử lý, loại bỏ CO2 với hàm lượng rất cao trong khí tự nhiên (khoảng 40% mol CO2 ) có công suất thiết kế 680 MMSCFD.

Với đặc điểm khí nguyên liệu có thành phần trung bình CO2 cao đến 40%, để xử lý, loại bỏ CO2 , tại giàn BR-E sử dụng hệ thống màng Membrane để tách chọn lọc CO2 (và cả H2S) ra khỏi khí tự nhiên. Công nghệ màng cho phép CO2 thấm qua màng trong khi hydrocarbon ít thấm hơn nên có thể tách CO2 ra khỏi dòng khí. Công nghệ tách khí CO2 này tuy đã phổ biến trên thế giới nhưng tại Việt Nam thì đây là lần đầu tiên được áp dụng và cho kết quả rất tốt với chất lượng sản phẩm khí đầu ra đúng theo thiết kế. Khí khô sau khi được làm ngọt đến 8% CO2 được đưa về giàn trung tâm BR-A rồi sang BR-B để vận chuyển bằng đường ống PM3-CM về Cà Mau. Do hàm lượng CO2 trong khí đầu vào đường ống là 8%, hệ thống đường ống PM3 – CM làm việc ở điều kiện khắc nghiệt hơn so với hệ thống đường ống khí Bạch Hổ - Dinh Cố và Nam Côn Sơn nên vấn đề liên quan đến khả năng chống ăn mòn, cũng như công tác kiểm tra, giám sát, bảo dưỡng định kỳ luôn được đặc biệt quan tâm, đảm bảo cho sự hoạt động an toàn, ổn định và hiệu quả của hệ thống đường ống PM3 – CM.

PM3 - Cà Mau a
Người lao động làm việc tại Hệ thống khí PM3 - Cà Mau

Công trình đường ống PM3-CM bao gồm 298km đường ống biển và 27km đường ống bờ. Đường ống dẫn khí PM3-CM tiếp bờ tại ấp Mũi Tràm, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, sau đó đi xuyên qua rừng quốc gia U Minh Hạ đến Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau tại xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. Công trình bắt đầu thi công từ tháng 06/2005.

Ngày 29/4/2007, công trình chính thức đón dòng khí đầu tiên vào bờ. Ngày 15/5/2007, bắt đầu cấp khí cho Nhà máy Điện Cà Mau 1. Ngày 28/5/2008, cấp khí cho Nhà máy Điện Cà Mau 2. Ngày 15/9/2011, cấp khí cho Nhà máy Đạm Cà Mau. Và ngày 06/12/2017, Công ty Khí Cà Mau tiếp nhận quản lý vận hành Nhà máy Xử lý khí Cà Mau - mảnh ghép hoàn thiện toàn bộ Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau.

Qua 15 năm xây dựng, hình thành và phát triển, đến nay hệ thống khí PM3-CM đã tiếp nhận hơn 22 tỷ m3 khí, cấp khí ổn định cho 2 nhà máy điện với công suất 1.500MW, 1 nhà máy đạm với công suất 800.000 tấn phân đạm/năm và 1 nhà máy xử lý khí để sản xuất 120.000 tấn LPG và 5.000 tấn condensate 1 năm. Tính đến nay, hệ thống đã đóng góp cho ngân sách nhà nước hơn 12 nghìn tỷ đồng.

PV