PMI tháng 3/2023, ngành sản xuất Việt Nam giảm còn 47,7 điểm khi nhu cầu suy yếu

Chỉ số PMI tháng 3/2023 ngành sản xuất của Việt Nam chỉ đạt 47,7 điểm khi sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và việc làm đều giảm do nhu cầu khách hàng suy yếu.

Báo cáo Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 3/2023 do S&P Global thực hiện cho thấy cả sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và việc làm trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đều đã giảm trở lại khi nhu cầu khách hàng giảm.

Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam
Diễn biến chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam qua các năm (Nguồn: S&P Global)

 

Cụ thể, chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 3/2023 chỉ đạt 47,7 điểm, thấp hơn mức 51,2 điểm ghi nhận hồi tháng 2/2023. Đây cũng là lần thứ tư trong vòng 5 tháng trở lại đây, chỉ số này nằm dưới ngưỡng 50 điểm - mức phân định giữa sự mở rộng và thu hẹp của các hoạt động sản xuất.

S&P Global đánh giá, mặc dù các điều kiện kinh doanh suy giảm ít hơn so với khoảng thời gian cuối năm ngoái đầu năm nay, nhưng sự suy giảm trong tháng 3/2023 vẫn tương đối mạnh.

Theo các công ty tham gia khảo sát của báo cáo, việc đà tăng trưởng chững lại đã phản ánh bức tranh tương đối ảm đạm của nhu cầu. Cả tổng số lượng đơn đặt hàng mới và số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới đều giảm tương ứng. Trong đó, tổng số lượng đơn đặt hàng mới đã giảm lần thứ tư trong 5 tháng qua, và số lượng đơn đặt hàng mới từ nước ngoài lần đầu tiên giảm trong 3 tháng trở lại đây.

Nhu cầu giảm đã khiến sản lượng ngành sản xuất trong tháng 3/2023 giảm theo. Tuy nhiên, S&P Global đánh giá mức suy giảm sản lượng này chỉ ở mức thấp. Sản lượng ở lĩnh vực hàng hoá tiêu dùng và hàng hoá trung gian giảm, ngược lại, sản lượng ở lĩnh vực hàng hoá đầu tư cơ bản đã tăng lên.

Tồn kho hàng thành phẩm trong tháng 3/2023 hầu như không thay đổi so với tháng 2/2023. Trong bối cảnh các yếu tố kinh doanh suy yếu, các nhà sản xuất đã giảm hoạt động mua hàng và việc làm. Trong đó, lượng hàng tồn kho đầu vào giảm tháng thứ 3 iliên tiếp với tốc độ giảm mạnh nhất kể từ tháng 6/2021.

Theo S&P Global có những dấu hiệu cho thấy áp lực lạm phát đã giảm vào đầu quý 1/2023. Mặc dù cước phí của nhà cung cấp tăng khiến chi phí đầu vào tiếp tục tăng, tốc độ lạm phát đã ở mức thấp nhất kể từ tháng 10/2022, qua đó kết thúc thời kỳ gia tăng lạm phát do chi phí đẩy.

Với việc giá cả đầu vào tăng chậm lại và các công ty vẫn muốn cạnh tranh về giá để kích cầu, giá cả đầu ra trong tháng 3/2023 chỉ tăng nhẹ, và tốc độ tăng giá bán hàng ở mức thấp nhất trong vòng 3 tháng trở lại đây.

Báo cáo của S&P Global cũng nhấn mạnh mặc dù có dấu hiệu suy yếu vào cuối quý 1/2023, các nhà sản xuất vẫn lạc quan rằng sản lượng sẽ tăng lên trong vòng 12 tháng tới. Mặc dù tâm lý kinh doanh của các công ty trong tháng 3/2023 giảm so với hồi tháng 2, nhưng vẫn đang ở mức cao thứ 2 trong vòng 5 tháng trở lại đây với kỳ vọng rằng nhu cầu sẽ cải thiện và các điều kiện thị trường sẽ ổn định. Một số công ty cũng cho biết các kế hoạch mở rộng kinh doanh thời gian tới.

Quỳnh Trang