PTC1 nét đẹp không phai

Truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" đã trở thành nét văn hóa và sẽ được mãi duy trì trong ngôi nhà chung Truyền tải điện 1.

Chiến tranh đã đi qua bao năm, mà những nỗi đau cả tinh thần và thể xác vẫn còn đó. Đau thương, khó khăn vất vả là vậy. Nhưng chính vì thế, mỗi con người trong mỗi hoàn cảnh khắc nghiệt lại luôn tìm hướng đi tới.

Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sỹ 27 – 7, ngày vinh danh những người, những gia đình đã hy sinh một phần xương máu cho Tổ quốc hôm nay được sống trong hòa bình, tươi đẹp, công tác đền ơn đáp nghĩa tại PTC1 lại được triển khai trên khắp các đơn vị.

Những việc làm nhỏ, không mang giá trị vật chất nhưng có ý nghĩa tinh thần thật lớn lao, được gửi gắm tới gia đình các đồng chí CBCNV trong công ty là Thương binh, con em Liệt sỹ với sự trân trọng và lòng biết ơn sâu sắc. Đây là một trong những nét đẹp văn hóa được nối tiếp qua nhiều thời kỳ, song hành cùng với sự phát triển đi lên của công ty.

Truyền tải Điện 1
Đoàn thắp hương, mặc niệm tại bàn thờ các anh hùng liệt sỹ trong nghĩa trang Quốc gia Vị Xuyên

Năm nay cũng vậy, được sự quan tâm của Đảng ủy, lãnh đạo và Công đoàn Công ty, anh em chúng tôi, những đồng chí thương binh, con em các gia đình Liệt sỹ lại được gặp nhau trong một chuyến đi thật ý nghĩa, vui vẻ, ấm áp của những người đồng cảnh, đồng cảm và là đồng nghiệp.

Điểm đến đầu tiên là Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Nằm cạnh QL2 cách TP Hà Giang 18km về phía Hà Nội. Nghĩa trang được khởi công xây dựng năm 1990 hoàn thành năm 1991 và được tu bổ nâng cấp năm 2004.

Nơi đây đang yên nghỉ trên 1700 liệt sĩ, trong đó chủ yếu là liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc tại mặt trận Vị Xuyên giai đoạn 1979 - 1989, hiện còn 273 mộ chưa xác định được thông tin, các liệt sĩ thuộc 32 tỉnh thành từ Bình Trị Thiên trở ra. Đây mới là một phần các liệt sĩ hy sinh được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ.

Trong cuộc chiến cam go ác liệt suốt hơn 10 năm, hiện nay trên tuyến biên giới huyện Vị Xuyên ước tính còn trên 2 nghìn liệt sĩ nằm lại, do tính chất ác liệt của cuộc chiến, địa hình núi cao, thung sâu đạn pháo cày xới, địa hình, địa vật thay đổi, chưa thể tìm kiếm, chưa thể cất bốc, quy tập các anh trở về quê hương với đồng đội.

Truyền tải điện 1
Đoàn thắp hương, mặc niệm tại bàn thờ các anh hùng liệt sỹ trong nghĩa trang Quốc gia Vị Xuyên

Điểm đến tiếp theo là Cột cờ Lũng Cú. Từ xa chúng tôi đã nhìn thấy cột cờ Lũng Cú lừng lững giữa trời bao la, lộng gió. Có anh trong đoàn tiên lượng: Leo một mạch lên tới đỉnh cột cờ chắc chắn cả đoàn ai cũng phải thở dốc, ù tai, nhưng bù lại sẽ được hít căng lồng ngực cái không khí mát lành, được nghe tiếng lá cờ reo phần phật như hồn thiêng sông núi vọng về…

Nơi đón tiếp chúng tôi vào cuối giờ chiều ngày thứ nhất là lòng hồ thủy điện dòng sông Nho Quế. Trước mặt chúng tôi là danh lam thắng cảnh hẻm vực Tu Sản và Mã Pì Lèng. Công viên địa chất toàn cầu, Cao nguyên đá Đồng Văn, Nơi đây xuất phát điểm, khởi nguồn của dòng điện, nhờ sức nước được tích lại trên sông Nho Quế.

Đây là đập Thủy điện Nho Quế 1 có công suất lắp máy 32 MW, sản lượng điện hàng năm 129 triệu KWh, đặt tại xã Xín Cái và Giàng Chu Phìn tại huyện Mèo Vạc, cách cầu Tràng Hương về phía thượng lưu khoảng 250 m. Thủy điện khởi công năm 2013, hoàn thành tháng 6/2015. Trong lòng chúng tôi dấy lên lòng tự hào khi đồng đội chúng tôi trực tiếp chung tay truyền tải dòng điện cao áp từ đây hòa vào lưới điện Quốc gia.

Truyền tải Điện 1
Đoàn thắp hương tại các phần mộ liệt sĩ Nghĩa trang Quốc gia Vị Xuyên

Ngược dòng sông Nho Quế giữa mênh mông trời nước bao la, bao suy tư, tâm sự của những con người vừa đồng cảnh, đồng cảm vừa là đồng nghiệp được chia sẻ. Từ những niềm vui nhỏ nhỏ hàng ngày, đến những khó khăn vất vả trong cuộc sống thường nhật khi gia đình thiếu đi một người trụ cột. Mái tóc bạc trắng của mẹ với cả quãng đời còn lại vượt khó, thờ chồng nuôi con… Những vết thương cũ tái phát khi trái nắng trở trời.

Chiến tranh đã đi qua bao năm, mà những nỗi đau cả tinh thần và thể xác vẫn còn đó. Đau thương, khó khăn vất vả là vậy. Nhưng chính vì thế, mỗi con người trong mỗi hoàn cảnh khắc nghiệt lại luôn tìm hướng đi tới. Gom góp những niềm vui nhỏ nhoi gieo trồng ngay dưới chân mình thành hạnh phúc lớn lao.

Có anh khoe, được sự quan tâm giúp đỡ của công ty, hai vợ chồng được làm cùng đơn vị, hai con đã tốt nghiệp đại học. Có chị vừa kể vừa dưng dưng nước mắt cảm động vì năm nào Mẹ chị cũng vui khi lãnh đạo, công đoàng đơn vị xuống thăm, thắp hương lên bàn thờ Cha và tặng quà cho mẹ. Có anh giãi bày, tôi thật vui khi hàng năm được sự qua tâm của Công ty anh chị em cùng hoàn cảnh lại được gặp nhau, chia sẻ động viên nhau cùng vượt lên trên những khó khăn vất vả.

Hôm sau, chúng tôi rời cao nguyên đá Đồng Văn về với những người lính Truyền tải điện (đội TTĐ TP. Hà Giang). Các đồng nghiệp Truyền Tải Điện Đông Bắc 3 đón chúng tôi như những người trong gia đình mới đi xa về. Như những người anh em một nhà, các bạn trẻ đón chúng tôi thật thân tình ngay tại trụ sở của đội.

Bên chén nước chè thơm nồng trong cái nắng nhẹ khi giao mùa của cao nguyên, những mái đầu bạc tụm lại bên mái đầu xanh, những câu chuyện đời, chuyện nghề hòa lẫn cùng tiếng cười mộc mạc. Trong không gian tĩnh lặng của núi rừng khiến tiếng cười của những người lính Truyền tải điện vang xa hơn, bay cao hơn, sảng khoái hơn.

Ba ngày gặp gỡ ngắn ngủi nhưng đầy ý nghĩa, vui vẻ, ấm áp của những người đồng cảnh, đồng cảm và là đồng nghiệp chúng tôi qua đi thật nhanh. Những cái nắm tay thật chặt, cùng những lời hẹn gặp vào dịp kỷ niệm sang năm vì chúng tôi tin chắc rằng, với truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" và sự quan tâm của Đảng ủy, lãnh đạo, Công đoàn Công ty, nét văn hóa mà ít doanh nghiệp nào có được này sẽ được mãi duy trì trong ngôi nhà chung Truyền tải điện 1.

Ngày mai khi trở về đơn vị, chúng tôi lại trèo đèo lội suối nhưng không phải như một cuộc giã ngoại, mà là theo những tuyến đường dây. Lại thức thâu đêm cho những ca trực, cho những dự án, công trình mới. Cho dòng điện thân yêu theo cánh tay người lính Truyền tải điện vươn xa, vươn xa mãi.

Mạnh Hùng