Tuy nhiên, với việc làm chủ công nghệ, thay thế lực lượng kỹ sư nước ngoài trong từng dự án, công trình, khai thác những tài sản của Tập đoàn giao một cách hiệu quả, PV Power đã xua tan mọi nghi ngờ. Để hiểu hơn về những nỗ lực này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Huy Quang – Tổng giám đốc PV Power.

Tổng Giám đốc Vũ Huy Quang

PV: Thưa ông, mặc dù là đơn vị mới thành lập và hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực mới, nhưng đến nay, PV Power đã có những bước tiến vượt bậc trong làm chủ công nghệ, ông cho biết về quá trình đạt được kết quả đó?

TGĐ Vũ Huy Quang: Với định hướng chiến lược coi trọng công tác đào tạo, thu hút nhân lực có trình độ chuyên môn cao, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ sư kỹ thuật giỏi ngay từ khi thành lập và kết quả sau gần 7 năm đi vào hoạt động , thời điểm này có thể khẳng định rằng lực lượng cán bộ, kỹ sư của PV Power đã trưởng thành thực sự. Bằng chứng là lực lượng cán bộ, kỹ sư của chúng tôi đã nhanh chóng tiếp quản, làm chủ công nghệ các nhà máy điện có công nghệ hiện đại thay thế chuyên gia người nước ngoài trong cả lĩnh vực vận hành cũng như bảo dưỡng sửa chữa..

Đến nay, PV Power đang quản lý vận hành, bảo dưỡng sửa chữa hiệu quả 7 nhà máy điện gồm 04 nhà máy nhiệt điện khí chu trình hỗn hợp (Nhơn Trạch 1, Nhơn Trạch 2, Cà Mau 1&2); 02 nhà máy thủy điện (Nậm Cắt, Hủa Na); 01 phong điện Phú Quý. Tổng công suất đạt gần 2900 MW, sản lượng điện cung cấp hàng năm 15-16 tỷ Kwh, tương đương 13-15% tổng sản lượng điện sản xuất của cả nước.

Tổ máy số 1 của Thủy điện Hủa Na

Mới đây, tổ máy số 1 của Nhà máy Thủy điện Đakdrinh (125 MW) đã được đưa vào vận hành thương mại, dự kiến cuối tháng 7/2014 tổ máy số 2 sẽ được hòa lưới, nâng tổng công suất đặt các nhà máy điện PV Power quản lý lên trên 3.000 MW.

PV: PV Power đã thay thế lực lượng bảo trì, bảo dưỡng như thế nào thưa ông?

TGĐ Vũ Huy Quang: Công tác bảo dưỡng sửa chữa nhà máy điện, đặc biệt các nhà máy điện khí chu trình hỗn hợp là công việc hết sức phức tạp, càng phức tạp hơn khi các nhà máy điện do chúng tôi quản lý như nhà máy điện Cà Mau 1& 2, Nhà máy điện Nhơn Trạch 2 là các nhà máy điện Tuabin khí thế hệ F hiện đại nhất tại Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, với sự dám nghĩ, dám làm và luôn sáng tạo trong lao động, sự nỗ lực của cả tập thể chúng tôi đã và đang hiện thực hóa chiến lược từng bước chủ động, thay thế chuyên gia nước ngoài trong công tác bảo dưỡng sửa chữa, dự kiến đến 2015 tỷ trọng nội đia hóa có thể đạt tới 60%, cụ thể là:

- 100% công việc thuộc công tác bảo dưỡng thường xuyên, bảo trì ngăn ngừa các nhà máy điện do PV Power thực hiện không thuê chuyên gia nước ngoài;

- Công tác sửa chữa định kỳ chỉ thuê chuyên gia đối với phần Tuabin khí, các khối thiết bị còn lại do PV Power chủ động tự thực hiện.

PV: Được như vậy, hẳn PV Power đã rất chú trọng trong hoạt động đào tạo tay nghề cho đội ngũ kỹ sư, phải không ông?

TGĐ Vũ Huy Quang: Đúng vậy. Vì nhận thấy sự cần thiết của đội ngũ bảo trì, bảo dưỡng vì vậy, ngay sau thành lập, chúng tôi mạnh dạn đề xuất với Tập đoàn cho phép thành lập 1 đơn vị chuyên bảo trì, bảo dưỡng các nhà máy điện. Chúng tôi đào tạo tại chỗ và gửi đi đào tạo tại nước ngoài… Hàng tháng, quý, chúng tôi đều có giao ban kỹ thuật để rút kinh nghiệm trong việc thực hiện các hạng mục công trình… Nhờ vậy, đội ngũ kỹ sư, thợ lành nghề của chúng tôi ngày càng dạn dầy theo năm tháng.

 Những nỗ lực này quả thật không uổng phí bởi tháng 5/2013 xảy ra có sự cố mất điện toàn bộ hệ thống điện miền Nam khiến cho nền kinh tế nói chung, các nhà máy điện nói riêng trong đó có nhà máy điện của PV Power bị tổn thất rất lớn. Nhưng với lực lượng kĩ sư, kĩ thuật có nhiều kinh nghiệm đã thường trực tại chỗ, xử lý kịp thời nên Nhà máy Điện Nhơn Trạch 2 của chúng tôi đã kịp thời dừng sự cố an toàn và là một trong những nhà máy điện đầu tiên khởi động và hòa lưới điện trở lại sau sự cố lưới điện quốc gia nói trên, được EVN và được Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia đánh giá cao.

Lực lượng bảo dưỡng, bảo trì của PV POWER tại Nhà máy điện Cà Mau

PV: Thuyết phục đối tác người nước ngoài chưa bao giờ là một việc dễ dàng, nhất là khi chúng ta có xuất phát điểm công nghệ thấp như Việt Nam. Việc này dã diễn ra như thế nào trong PV Power?

TGĐ Vũ Huy Quang: Đúng vậy, trong quá trình thực hiện việc sửa chữa lớn các nhà máy điện, nếu chúng ta không có kinh nghiệm và năng lực thực sự thì sẽ bị nhà thầu nước ngoài tạo sức ép, có thể dẫn tới phát sinh chi phí sửa chữa lên tới hàng triệu đô la. Nhớ lại thời gian khi thực hiện công tác trung tu Nhà máy điện Cà Mau 2 năm 2011, quá trình mở máy phát hiện thiết bị có bất thường cần xử lý khắc phục để đảm bảo cho chu kỳ vận hành tiếp theo.

 Nhà thầu nước ngoài đề xuất phương án cần thiết phải tháo rời thiết bị, vận chuyển sang xưởng sửa chữa của họ đặt tại Singapore để thực hiện việc sửa chữa, thời gian vận chuyển đi về và thời gian sửa chữa có thể kéo dài trong vài tháng đồng thời khuyến cáo cần thiết phải mua bổ sung khẩn thiết bị mới tương tự để lắp cho tổ máy vận hành trở lại. 

Tuy nhiên, sau quá trình rà soát và xem xét kỹ càng, các cán bộ, kỹ sư trong hội đồng kỹ thuật của chúng tôi đã đề xuất phương án xử lý khắc phục tại chỗ mà không cần thiết phải thực hiện theo phương án hết sức tốn kém của nhà thầu. Chúng tôi đã yêu cầu Nhà thầu nước ngoài và kiên quyết đàm phán để họ chấp thuận thực hiện phương án của chúng tôi. 

Quá trình đàm phán kéo dài nhiều ngày và rất căng thẳng, kết quả Nhà thầu nước ngoài đã phải nhượng bộ và chấp thuận hợp tác thực hiện phương án do chúng tôi đề xuất, toàn bộ quá trình xử lý bất thường này hoàn thành sau một ca làm việc. Việc này không những tiếp tục khẳng định trình độ chuyên môn của đội ngũ kỹ sư chúng tôi mà còn khẳng định định hướng đúng trong việc thay thế kỹ sư nước ngoài trên các công trình điện của Tập đoàn, mặt khác, việc làm này còn có giá trị là lợi tiết kiệm hàng triệu đô la cho Nhà nước.

PV: Vâng, xin cảm ơn sự chia sẻ chân thành của ông!

Lê Hằng (thực hiện)


PV Power là một trong những đơn vị có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật và được Hội đồng KHCN của Tập đoàn đánh giá cao. Trong 7 năm vừa qua, toàn Tổng công ty có 83 sáng kiến được công nhận cấp Tổng công ty, nổi bật nhất là 03 sáng kiến gồm:

1. Sáng kiến” Hệ thống chống tạo bọt trước bơm nước làm mát” của tác giả Nguyễn Anh Tuấn và Lê Bảo Đức đã đoạt giải tại Hội thi Sáng tạo ngành Dầu khí lần I năm 2010.

2. Sáng kiến “Vệ sinh vòi đốt tuabin khí V94.3A bằng sóng siêu âm kết hợp với hóa chất” của tập thể cán bộ Công ty Điện lực Dầu khí Cà Mau có số tiền làm lợi cho mỗi lần thực hiện là 15,9 tỉ đồng.

3. Sáng kiến “Bỏ bê tông áo hầm dẫn dòng thi công” của tập thể cán bộ Công ty Cổ phần Thủy điện Hủa Na có số tiền làm lợi là 20 tỉ đồng.