PVEP xây dựng lộ trình Giảm phát thải ròng với mục tiêu Net Zero sớm hơn 2050

PVEP coi “Chuyển dịch năng lượng, thích ứng với Biến đổi khí hậu” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hiện nay, cần khẩn trương thực hiện, tìm kiếm giải pháp dịch chuyển cho PVEP.

Nhận thức được tầm quan trọng và trách nhiệm của mình trong lộ trình hướng tới Net zero của Việt Nam đã được cam kết tại COP 26 tại Glasgow và chương trình hành động CDNL của Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam(PVN), Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) đã chủ động xây dựng Lộ trình Giảm phát thải ròng, hướng tới Net zero cho PVEP & các đơn vị, dự án từ tháng 7/2022.

Nhằm điểm lại những kết quả đã đạt được trong Giai đoạn 1 của Kế hoạch xây dựng Lộ trình Giảm phát thải ròng cho PVEP & các đơn vị dự án, Ban Công nghệ & An toàn Môi trường (CN&ATMT) PVEP đã tổ chức Hội thảo Giảm phát thải ròng trong 02 ngày tại Vĩnh Phúc. Ông Ngô Khánh Xạ - Phó Tổng Giám đốc PVEP chủ trì Hội thảo, với sự có mặt của Ông Lê Hồng Thái – Trưởng Ban CN&ATMT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các Lãnh đạo Ban CN&ATMT Tập đoàn, đại diện các bộ phận an toàn môi trường, sản xuất của hơn 20 đơn vị, nhà thầu dầu khí trong Tập đoàn.

Nội dung hội thảo

 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Ông Đinh Thế Hùng – Trưởng Ban CN&ATMT PVEP đã nhấn mạnh Chuyển dịch năng lượng, thích ứng với Biến đổi khí hậu là xu thế không thể đảo ngược. Ban Lãnh đạo PVEP coi “Chuyển dịch năng lượng, thích ứng với Biến đổi khí hậu” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hiện nay, cần khẩn trương thực hiện, tìm kiếm giải pháp dịch chuyển cho PVEP.

Trong năm vừa qua, PVEP cùng các Đơn vị/Dự án đã có những bước đi ban đầu trong hành trình Giảm phát thải Khí nhà kính, bắt đầu bằng việc xây dựng Đề cương và Kế hoạch cho việc xây dựng Lộ trình Giảm phát thải ròng của PVEP và các đơn vị/dự án. Những kết quả bước đầu này này mang một ý nghĩa to lớn, tạo tiền đề cho các bước triển khai sau này trong Hành trình tiến tới Net Zero của PVEP, chuẩn bị sẵn sàng cho những mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu.

Ông Đinh Thế Hùng – Trưởng Ban CN&ATMT PVEP (ngoài cùng bên trái) phát biểu khai mạc Hội thảo
Ông Đinh Thế Hùng – Trưởng Ban CN&ATMT PVEP (ngoài cùng bên trái) phát biểu khai mạc Hội thảo

Tại Hội nghị, PVEP đã chia sẻ những kết quả kiểm kê khí nhà kính trong giai đoạn từ 2017-2022. Theo đánh giá, mỗi năm tổng phát thải của 06 Đơn vị/dự án của PVEP (PVEP POC, 2 dự án do PVEP điều hành thuê – dự án lô 01&02, dự án lô 01/97&02/97, các JOCs – CL JOC, HLHV JOC, TL JOC) từ 1,6 – 2 triệu tấn CO2e. Trong đó, quá trình đốt nhiên liệu và đốt đuốc phát thải lần lượt 49% và 39%, chiếm tỷ lệ phát thải lớn nhất.

Theo uớc tính, trong tương lai, PVEP sẽ phát thải khoảng 2,2-2,4 triệu tấn CO2e vào năm 2030 và có xu hướng giảm dần cho đến năm 2040, 2050. Từ những số liệu này, PVEP xác định mục tiêu cho những biện pháp giảm phát thải sẽ cần tập trung chủ yếu vào những nguồn phát thải lớn này.

Kết quả của Giai đoạn 1 sẽ tạo cơ sở thực hiện Giai đoạn 2 – đề xuất giải pháp giảm thiểu KNK, trung hòa Carbon và thiết lập mục tiêu Giảm phát thải ròng cho PVEP, dự kiến sẽ hoàn thành vào Quý 1/2024.

Nguồn phát thải KNK của PVEP từ 2017-2022theo kết quả kiểm kê sơ bộ
Nguồn phát thải KNK của PVEP từ 2017-2022theo kết quả kiểm kê sơ bộ 

 

Song song với quá trình kiểm kê KNK, PVEP cũng đã xây dựng sơ bộ Lộ trình Net zero. Theo đó, với mong muốn đạt Net zero sớm hơn 2050, các giải pháp được PVEP tập trung phát triển là chuyển dịch năng lượng, triển khai dự án thu hồi và chôn lấp Carbon (CCS) vào 2030 và trồng rừng với mục đích bảo vệ môi trường và trung hòa Carbon.

Trong năm 2022-2023, PVEP cùng các đơn vị dự án đã trồng hơn 150.000 cây xanh với khả năng hấp thụ 5.500 tấn CO2e mỗi năm. PVEP hiện đang nghiên cứu việc lựa chọn cây trồng cho khả năng hấp thụ CO2 cao và xây dựng Lộ trình trồng rừng dài hạn nhằm giúp PVEP trung hòa 5-7% lượng khí thải từ nay đến 2050.

Cũng tại Hội nghị, PVEP POC – đơn vị thành viên của PVEP, cũng là một trong những đơn vị tiên phong, tích cực cùng PVEP trong hoạt động chuyển dịch năng lượng và chống biến đổi khí hậu đã chia sẻ và có đánh giá sâu sắc về sự khác biệt giữa các phương pháp tính toán kiểm kê phát thải KNK và phương pháp dự báo phát thải dài hạn.

Bà Đỗ Thị Thu Phương – Phó trưởng ban CN&ATMT Tập đoàn Dầu khí chia sẻ về định hướng về công tác Kiểm kê, đo đạc KNK
Bà Đỗ Thị Thu Phương – Phó trưởng ban CN&ATMT Tập đoàn Dầu khí chia sẻ về định hướng về công tác Kiểm kê, đo đạc KNK

 

Chia sẻ tại Hội nghị, Bà Đỗ Thị Thu Phương – Phó Ban CN&ATMT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng chia sẻ những định hướng của PVN về công tác Kiểm kê, đo đạc, thẩm định và báo cáo các mục tiêu giảm phát thải tới các đơn vị/dự án trong ngành dầu khí, cũng như chiến lược dài hạn của PVN về chuyển dịch năng lượng của toàn ngành dầu khí.

Đại diện Lãnh đạo PVN, Ông Lê Hồng Thái đánh giá cao công tác tổ chức Hội nghị Giảm phát thải ròng của PVEP, khi lần đầu tổ chức hội thảo về chủ đề đang rất mới mẻ, được cả thế giới quan tâm. Xu hướng chuyển dịch là tất yếu, nguồn tài nguyên dầu khí cũng dẫn cạn kiệt. Việc chủ động tìm hiểu, nghiên cứu và tìm tòi về giải pháp Thu hồi và Chôn lấp CO2 của PVEP trong thời gian qua sẽ thúc đẩy không chỉ PVEP, mà toàn ngành Dầu khí nhanh chóng đạt được mục tiêu net zero vào 2050, tạo đà cho sự phát triển bền vững.

Phó Tổng giám đốc Ngô Khánh Xạ phát biểu tại Hội thảo
Phó Tổng giám đốc Ngô Khánh Xạ phát biểu tại Hội thảo

 

Phát biểu kết luận, Ông Ngô Khánh Xạ - Phó TGĐ PVEP đánh giá cao việc thực hiện công tác liên quan đến các hoạt động KNK và biến đổi khí hậu của các đơn vị/dự án, trong đó có những nỗ lực về giảm phát thải khí nhà kính; tuy mới sơ khởi nhưng là tiền đề cho hành trình hướng tới Net Zero.

Khi nhu cầu dầu mỏ được dự báo sẽ đạt đỉnh vào năm 2030, việc điều chỉnh hệ thống năng lượng là điều cần thiết, nhưng cần cân bằng giữa an ninh năng lượng, nhu cầu của tự nhiên và xã hội hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Công nghiệp dầu khí đương nhiên có thể tự trung hòa Carbon trước năm 2050, nhưng chính ngành công nghiệp dầu khí cũng có thể giúp các lĩnh vực khác đạt được trung hòa carbon sớm hơn khi biết tận dụng cơ sở hạ tầng sẵn có, đội ngũ nhân viên có trình độ và kinh nghiệm vào các dự án trung hòa Carbon (thu hồi và chôn lấp CO2, năng lượng tái tạo …).

Ông Ngô Khánh Xạ kêu gọi các đơn vị/nhà thầu trong khối E&P cùng chung tay, đồng thuận và phối hợp  trong việc triển khai công tác chống biến đổi khí hậu, nhanh chóng đạt mục tiêu Net Zero, đi đầu trong các giải pháp trung hòa Carbon và tạo cảm hứng, cũng như hỗ trợ cho các ngành công nghiệp khác trong mục tiêu Netzero của chính họ.

Anh Đức