Qatar ban hành quy định mới về đầu tư nước ngoài

Việc ban hành quy định mới về đầu tư nước ngoài là một trong những chính sách mở cửa của Qatar nhằm đưa Qatar trở thành điểm đến thu hút đầu tư nước ngoài, với một số nội dung đáng lưu ý như các quy định về Biện pháp kiểm soát đối với vốn đầu tư nước ngoài (không phải người Qatar); các chính sách khuyến khích Đầu tư…

Theo thông báo của Đại sứ quán Qatar tại Hà Nội, để thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế, Qatar đã ban hành Luật số 1 năm 2019 quy định vốn đầu tư nước ngoài vào hoạt động kinh tế tại Qatar (Law No. 1 of 2019 On Regulating Non-Qatari Capital Investment in the Economic Activity) để thay thế Luật số 13 năm 2000.

Việc ban hành quy định mới về đầu tư nước ngoài là một trong những chính sách mở cửa của Qatar nhằm đưa Qatar trở thành điểm đến thu hút đầu tư nước ngoài, với một số nội dung đáng lưu ý như các quy định về Biện pháp kiểm soát đối với vốn đầu tư nước ngoài (không phải người Qatar); các chính sách khuyến khích Đầu tư…

Theo đó, hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế Qatar đều được khuyến khích thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (trừ các lĩnh vực bị cấm gồm: ngân hàng và công ty bảo hiểm). Một số ưu đãi chính có thể kể đến như: các nhà đầu tư nước ngoài được phép sở hữu 100% trong một công ty Qatar, thay vì nắm giữ 49% cổ phần hoặc 51% cổ phần với một đối tác địa phương Qatar; các nhà đầu tư có thể đầu tư vào các kế hoạch hưu trí tư nhân và tiếp cận nhiều khoản đầu tư tài chính khác trong nước; các quy trình thành lập doanh nghiệp và xin giấy phép hợp lý hơn… Các dự án đầu tư ngoài sẽ được miễn thuế thu nhập theo các biện pháp kiểm soát, thủ tục và thời hạn được quy định trong Luật thuế thu nhập, được miễn thuế hải quan đối với máy móc, thiết bị nhập khẩu cần thiết để lập dự án…

Các doanh nghiệp quan tâm có thể tham khảo nội dung chi tiết tại file kèm theo và liên hệ trực tiếp với Cơ quan đầu mối của Qatar phụ trách về đầu tư nước ngoài là Bộ Thương mại và Công nghiệp Qatar (https://www.moci.gov.qa/en/) để được cung cấp các dịch vụ tư vấn thông qua Cổng thông tin đầu tư Qatar (https://invest.gov.qa/).

Với sự “nới lỏng” hơn về các quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài, nhằm hướng tới giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế Qatar vào ngành dầu khí, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tranh thủ tận dụng cơ hội để mở rộng đầu tư kinh doanh vào các lĩnh vực có tiềm năng tại Qatar như: nông nghiệp và thực phẩm chế biến, mỹ phẩm chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ thể thao; chế tạo; hóa chất; thông tin, truyền thông và công nghệ…

Qatar là quốc gia Ả Rập thuộc khu vực Trung Đông với diện tích 11,581 km2 và dân số khoảng 2,8 triệu người. Qatar là một quốc gia phát triển có nền kinh tế thị trường với mức thu nhập bình quân đầu người cao hàng đầu trên thế giới (hơn 50.000 USD/người) nhờ có nguồn tài nguyên dầu mỏ lớn và trữ lượng khí đốt thiên nhiên lớn thứ 3 thế giới. Dầu thô và khí thiên nhiên được xem là trụ cột của nền kinh tế Qatar (chiếm hơn 70% tổng doanh thu của Chính phủ, hơn 60% tổng sản phẩm nội địa và gần 85% nguồn thu từ xuất khẩu).

Về hợp tác trong lĩnh vực thương mại giữa Việt Nam và Qatar, năm 2020, tổng kim ngạch thương mại song phương đạt 550,3 triệu USD, tăng 76% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Qatar đạt 376 triệu USD, tăng mạnh 183% so với năm 2019; kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường Qatar trong năm 2020 đạt 174,3 triệu USD, giảm 3,1% so với năm 2019.

Các mặt hàng chính Việt Nam xuất khẩu sang Qatar gồm: tàu thuyền các loại; sản phẩm sắt thép; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; hàng thủy sản; hàng rau quả; gạo; linh kiện ô tô; sản phẩm hóa chất. Ngược lại, các mặt hàng chính Việt Nam nhập khẩu từ Qatar gồm: khí đốt hóa lỏng; chất dẻo nguyên liệu; kim loại thường khác; sản phẩm hóa chất; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng…

 

Thanh Xuân