QLTT Hà Nội: Quyết liệt kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng phòng chống dịch Covid-19

Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp khi một số tỉnh, thành khác đã ghi nhận các trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng. Để đảm bảo chất lượng, bình ổn giá các mặt hàng phòng, chống dịch Covid- 19, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường đối với các mặt hàng thiết bị y tế, trong phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Nguồn hàng phải luôn được đảm bảo

Thực tế cho thấy các mặt hàng phòng, chống dịch thời gian này đang là mặt hàng được nhiều người tiêu dùng quan tâm, thường xuyên mua sắm, bởi trên địa bàn Hà Nội đang có nhiều ca là F1, F2 của bệnh nhân mắc Covid-19. Điều này đã làm cho nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch tăng trở lại, tuy nhiên không còn tình trạng khan hiếm, hay đội giá quá cao như đợt dịch Covid -19 đầu tiên, vì vậy mặt hàng này vẫn được người dân quan tâm, mua sắm, sử dụng.

Theo ghi nhận của Phóng viên, một số siêu thị trên địa bàn Hà Nội như: siêu thị Big C, các cửa hàng tiện ích Vinmart +, các hiệu thuốc tây bầy bán các mặt hàng về phòng, chống dịch Covid-19 đã chủ động nhập nguồn hàng như khẩu trang y tế, găng tay y tế, dung dịch nước rửa tay… từ trước và có chất lượng cao, giá cả hợp lý, chứng từ, hoá đơn đầy đủ. Các mặt hàng này cũng có giấy xác nhận kiểm tra chất lượng của cơ quan có thẩm quyền cấp.

Chị Vũ Thị Thuý chủ một nhà thuốc tây trên phố Đỗ Quang cho biết, nhà thuốc chúng tôi luôn nêu cao ý thức chấp hành quy định của pháp luật nên các mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch phải đảm bảo chất lượng và có giấy tờ hợp pháp bán đúng giá niêm yết.

Kiểm soát chặt các mặt hàng phòng chống dịch Covid-19

Để đảm bảo các mặt hàng có chất lượng được lưu thông trên thị trường, Cục Quản lý thị trường Hà Nội tăng cường công tác quản lý địa bàn nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hoá trên thị trường để mua gom, tích chữ hoặc lợi dụng dịch bệnh để nâng giá, ép giá bất hợp lý đối với các hàng hoá là trang thiết bị y tế như khẩu trang, các loại nước rửa tay, nước sát trùng… khi có sự biến động lớn về cung cầu hàng hoá gây xáo trộn tình hình thị trường trên địa bàn, đặc biệt là những khu vực có bệnh nhân Covid -19.

Đồng thời chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Theo đại diện Cục Quản lý thị trường Thành phố Hà Nội (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội) cho biết, qua công tác kiểm tra, kiểm soát, thanh tra, đa số các cơ sở kinh doanh đều đã có ý thức chấp hành quy định pháp luật, không đầu cơ găm hàng, định giá bán hàng bất hợp lý.

Đại diện Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội) cũng cho biết thêm, lực lượng chức năng của Hà Nội luôn xác định công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên để chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, không có vùng cấm.

Đặc biệt, công tác thanh, kiểm tra phải luôn được thực hiện thường xuyên, liên tục nhằm bảo đảm ổn định thị trường, đảm bảo nguồn hàng, nhất là các mặt hàng phục vụ thiết yếu, phục vụ sinh hoạt của người dân và các mặt hàng phòng, chống dịch bệnh với mức giá ổn định.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội tiếp tục bám sát vào chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, các Bộ, ngành, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) và Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội để chỉ đạo các đơn vị thành viên tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân biết về sự tác hại của việc buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm an toàn thực phẩm, chủ động phòng tránh.

Hướng dẫn và phổ biến pháp luật cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh trên địa bàn Thành phố nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật.

Tăng cường công tác trao đổi thông tin, phối hợp tốt với các lực lượng chức năng trong Thành phố, ở Trung ương và các địa phương khác, nhất là các tỉnh biên giới trọng điểm như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hải Phòng, Lào Cai…bảo đảm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hoạt động vận chuyển hàng nhập lậu từ biên giới, cửa khẩu về Hà Nội để tiêu thụ.

Với tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, thời gian tiếp theo lực lượng quản lý thị trường và các ngành chức năng Hà Nội vẫn tiếp tục công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhất là đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh khẩu trang, các trang thiết bị y tế nhằm ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng.

 

Phương Thúy