Quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế trên địa bàn các tỉnh khu vực duyên hải Trung bộ

TS. PHẠM VIỆT BÌNH (Khoa Kinh tế và Quản lý, Trường Đại học Điện lực)- THS. PHẠM TẤN PHÁT (Thành Đoàn Hà Nội)

 

TÓM TẮT:

Nghiên cứu sử dụng phương pháp ước lượng số liệu mảng động, cụ thể là phương pháp mô-men tổng quát hệ thống (S-GMM - System General methods of moments) để đánh giá ảnh hưởng của các nhân tố đến quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế trên địa bàn các tỉnh khu vực duyên hải Trung bộ trong giai đoạn 2007-2017.

Kết quả nghiên cứu cho thấy ảnh hưởng từ 2 nhân tố mới: Thể chế đã đóng góp tích cực vào quá trình chuyển dịch ngành kinh tế; hay liên kết vùng trên địa bàn còn tồn tại những khác biệt về chất, các địa phương ở khu vực liên kết các tỉnh ở Bắc Trung Bộ chưa tạo được ảnh hưởng rõ rệt như hai liên kết còn lại mà nổi bật là liên kết của các tỉnh khu vực Trung - Trung bộ từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi.

Từ khóa: Chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế, liên kết vùng, khu vực duyên hải Trung bộ, phương pháp S-GMM, thể chế.

1. Đặt vấn đề

Chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế là một vấn đề được nghiên cứu rất nhiều cả trong và ngoài nước. Thực tế, vấn đề chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế tại các nước đang phát triển như Việt Nam vẫn là chủ đề đáng lưu tâm. Các nhân tố truyền thống ảnh hưởng đến quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế tại địa phương có thể kể đến như nguồn lực về vồn, nguồn lực về lao động hay trình độ khoa học và công nghệ.

Khu vực duyên hải Trung bộ thời gian qua đã thu hút được nguồn vốn tương đối lớn để xây dựng nền tảng cơ bản nhằm phục vụ quá trình chuyển dịch sang các ngành công nghiệp. Ví dụ như tập trung quy hoạch các khu công nghiệp tại các vị trí phù hợp, xây dựng hệ thống giao thông nhằm đáp ứng nhu cầu di chuyển cũng như vận tải của doanh nghiệp, có các chính sách phù hợp để ưu đãi, khuyến khích các nhà đầu tư tham gia vào quá trình sản xuất sản phẩm trên địa bàn.

Ở khu vực dịch vụ, các địa phương cũng đã tận dụng nguồn lực về tài nguyên - thiên nhiên sẵn có để quy hoạch cụ thể, đồng bộ hỗ trợ dịch vụ du lịch bên cạnh cung cấp nền tảng về hậu cần tương đối hiệu quả cho các ngành dịch vụ liên quan phát triển. Tuy nhiên, vấn đề cần lưu tâm đầu tiên là sự chênh lệch giữa các địa phương về thu hút các nguồn vốn bên cạnh tồn tại sự cạnh tranh để có được các nguồn lực đến từ các nguồn lực uy tín. Thứ hai, hiệu quả của việc sử dụng các nguồn vốn chia theo các thành phần kinh tế là một vấn đề cần được đánh giá cụ thể nhằm thúc đẩy quá trình chuyển dịch kinh tế ngành, từ đó có chiến lược đúng đắn để có được các chỉ tiêu phát triển kinh tế ổn định, bền vững.

Thể chế đóng vai trò quan trọng trong tái cơ cấu nền kinh tế trong thời gian gần đây. Nhân tố này được sử dụng trong nhiều nghiên cứu trên thế giới cũng như gần đây tại Việt Nam nhờ sự xuất hiện của chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh từ năm 2007. Các địa phương tại Việt Nam nói chung hay các tỉnh duyên hải Trung bộ từ đây cũng đã có được chỉ báo nhằm cải thiện các bộ phận liên quan để đạt được các đánh giá tích cực hơn, từ đó cải thiện rõ rệt về cung cách điều hành cũng như thực hiện hiệu quả về thủ tục, chính sách các mặt để đạt được chuyển biến trong bộ máy.

le mon
Khu công nghiệp Lễ Môn - Thanh Hóa

2. Tổng quan nghiên cứu và cơ sở lý thuyết

Nghiên cứu về mối quan hệ giữa chuyển dịch cơ cấu và tăng trưởng kinh tế không còn là chủ đề mới trên thế giới. Các lý thuyết đi trước đề cập đến chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế, điển hình như "cất cánh" của Rostow (1960), mô hình hai khu vực của Oshima (1987), mô hình "đàn ngỗng bay" của Akamatsu (1962) hay lý thuyết về chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Syrquin (1988) và lý thuyết kinh tế cơ cấu mới của Lin và Monga (2010) là những cơ sở điển hình cho các nghiên cứu liên quan đến quá trình chuyển dịch cơ cấu hay tăng trưởng trên thế giới. Tuy nhiên, kết luận về sự tác động về cơ bản không giống nhau do sự khác nhau trong điều kiện kinh tế xã hội của các nước. Nghiên cứu định lượng còn phụ thuộc vào chất lượng của thông tin mà nhà khoa học tiếp cận được.

Carraro & Karfakis (2018) trong nghiên cứu của mình đã đánh giá tác động của các nhân tố ảnh hưởng đến quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế tại 11 nước khu vực Sa-ha-ra của châu Phi. Theo đó, nghiên cứu sử dụng các mô hình dữ liệu mảng cùng mô hình số liệu mảng động để đánh giá ảnh hưởng của thể chế chính sách, độ mở thương mại cùng ảnh hưởng hai chiều của tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đến quá trình.

Kết quả cho thấy, để chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế hiệu quả, các nước khu vực Sa-ha-ra cần tập trung cải thiện chính sách thể chế góp phần sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư bên cạnh việc cải thiện thị trường lao động cũng như thị trường tài. Trước đó, các nhà khoa học như Acemoglu & Robinson (2010) cũng đã nhấn mạnh vai trò của thể chế trong phát triển kinh tế hay cụ thể là chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế. De Vries & cộng sự (2015) cũng đã thừa kế nghiên cứu của Badiane & cộng sự (2012); Garcia-Verdu & cộng sự (2012); McMillan & Rodrik (2011) đánh giá các nhân tổ ảnh hưởng đến chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế thông qua đánh giá sự thay đổi trong khả năng sản xuất tổng hợp. Chỉ tiêu này được chia ra thành hai loại ảnh hưởng, ảnh hưởng nội khối (within-effect), ảnh hưởng chuyển dịch (shift-effect hay structural-change effect). Nghiên cứu của Carraro & Karfakis (2018) sử dụng các mô hình số liệu mảng cố định, ngẫu nhiên và phương pháp mô-men tổng quát hệ thống (S-GMM) để giải quyết vấn đề nội sinh.

Những nghiên cứu tại Việt Nam tập trung vào ảnh hưởng của quá trình chuyển dịch ngành kinh tế đến tăng trưởng kinh tế như Nguyễn Thị Minh (2009) đã ước lượng mô hình hồi quy số liệu mảng trong giai đoạn từ 2000 - 2007 tại các tỉnh/thành phố của Việt Nam hay nghiên cứu của Nguyễn Thị Cẩm Vân (2015) cũng sử dụng mô hình hồi quy số liệu mảng cho các tỉnh/thành phố tại Việt Nam trong thời kỳ 1998 - 2011. Kết quả của nghiên cứu cho thấy, ảnh hưởng tích cực của quá trình chuyển dịch ngành kinh tế của cả vốn và lao động đến tăng trưởng kinh tế nói chung, của các ngành nông nghiệp và dịch vụ nói riêng bên cạnh ảnh hưởng ngược chiều của chuyển dịch lao động giữa các ngành đến tăng trưởng của ngành công nghiệp.

may
Quá trình chuyển dịch ngành kinh tế có tác động đến chuyển dịch lao động giữa các ngành đến tăng trưởng của ngành công nghiệp

3. Dữ liệu, phương pháp và mô hình nghiên cứu

Dữ liệu của nghiên cứu được thu thập từ Niên giám thống kê của các tỉnh do Tổng cục Thống kê cung cấp.

Mô hình tác giả tổng hợp để đánh giá ảnh hưởng của các nhân tố đến quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành trên địa bàn các tỉnh khu vực Trung bộ dựa trên những nghiên cứu của De Vries & cộng sự (2015), Carraro & Karfakis (2018) bên cạnh việc sử dụng mô hình số liệu mảng động do Blundell & Bond (2000) phát triển.

Phương pháp hồi quy số liệu mảng với mô hình hồi quy số liệu mảng động khắc phục được các nhược điểm của mô hình tĩnh về việc xử lý vấn đề nội sinh cũng như tính không đồng nhất giữa các phần tử. Blundell & cộng sự (2001) cho thấy, GMM ước lượng không trọng số có thể sẽ không phù hợp khi T nhỏ vì ước lượng khá ngẫu nhiên, do đó các tác giả đề xuất phương pháp S-GMM (System GMM) dựa trên ý tưởng của Arellano & Bover (1995) khi đề xuất phương pháp D-GMM (Difference GMM) bằng cách bổ sung một vài ràng buộc. Thực nghiệm với S-GMM trên Stata được hướng dẫn trong nghiên cứu của Roodman (2009).

Mô hình hồi quy thực nghiệm có dạng:

(Xem bảng 1)

Bảng 1. Tóm tắt các biến trong mô hình hồi quy đánh giá các nhân tố tác động đến chuyển dịch cơ cấu GDP giữa ngành kinh tế

TT

Tên biến

Viết tắt

Đơn vị đo lượng

Ảnh hưởng dự kiến đến biến phụ thuộc

Nguồn dữ liệu

1

Chuyển dịch từ nông - lâm nghiệp sang công nghiệp

CNNL

Tỷ trọng GDP của ngành CN/Tỷ trọng GDP của ngành NL

 

Tác giả tính toán dựa trên số liệu của TCTK

2

Chuyển dịch từ nông - lâm nghiệp sang dịch vụ

DVNL

Tỷ trọng GDP của ngành DV/Tỷ trọng GDP của ngành NL

 

Tác giả tính toán dựa trên số liệu của TCTK

3

Chuyển dịch từ nông - lâm nghiệp sang tổng hợp ngành công nghiệp và dịch vụ

PNNNL

Tỷ trọng GDP của ngành CN & DV/Tỷ trọng GDP của ngành NL

 

Tác giả tính toán dựa trên số liệu của TCTK

4

Chỉ số chuyển dịch cơ cấu

S

Đánh giá tốc độ chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế

 

Tác giả tính toán dựa trên số liệu của TCTK

5

Lượng vốn FDI

lnFDI

Logarit tự nhiên của giá trị vốn FDI

+/-

TCTK

6

Lượng vốn đầu tư công

LnDTC

Logarit tự nhiên của giá trị vốn đầu tư công

+/-

TCTK

7

Lượng vốn đầu tư tư nhân

lnDTTN

Logarit tự nhiên của giá trị vốn đầu tư tư nhân

+/-

TCTK

8

Lượng vốn đầu tư vào giáo dục đào tạo

lnGDDT

Logarit tự nhiên của giá trị vốn cho giáo dục đào tạo

+

TCTK

9

Lượng vốn đầu tư cho khoa học công nghệ

lnKHCN

Logarit tự nhiên của giá trị vốn cho khoa học công nghệ

+

TCTK

10

Năng suất lao động 

lnNSLD

Logarit tự nhiên của giá trị GDP chia cho số lao động

+

TCTK

11

GRDP của địa phương - Đại diện cho đặc thù địa phương

lnGDP

Logarit tự nhiên của GRDP

+

TCTK

12

Biến đại diện cho Liên kết vùng

lnLKV

Logarit tự nhiên của tốc độ tăng trưởng bình quân của vùng

+/-

TCTK

13

Thể chế, chính sách

lnPCI

Logarit tự nhiên của Chỉ số PCI hàng năm

+/-

VCCI

Nguồn: Tổng hợp nghiên cứu của tác giả

4. Kết quả và thảo luận

Tác giả sử dụng các ước lượng để đánh giá các biến giải thích là biến ngoại sinh hay biến nội sinh, từ đó sử dụng phần mềm Stata để sử dụng mô hình S-GMM nhằm có được kết quả tin cậy hơn. Ngoài ra, để xử lý vấn đề nội sinh, nghiên cứu sử dụng 2 biến công cụ là biến trễ của biến giải thích và biến trễ của biến phụ thuộc là công cụ cho biến nội sinh. Nghiên cứu sử dụng các kiểm định Sargan, Hansen để đánh giá sự phù hợp của các biến trễ và các biến giải thích ở trong mô hình đề xuất. (Bảng 2)

Bảng 2. Kết quả ước lượng thực nghiệm mô hình (1)

Biến độc lập

Biến phụ thuộc

CNNL

DVNL

PNNNL

S

lnDTC

-0,794

(-0,51)

-7,636*

(-1,90)

-0,056

(-0,01)

-11,663

(-1,18)

lnDTTN

-0,918

(-1,24)

2,537**

(2,01)

4,238*

(1,72)

-18,548

(-1,29)

lnFDI

-0,092

(-0,53)

0,027

(0,13)

1,077***

(3,58)

-3,571

(-1,30)

lnKHCN

0,292

(0,97)

-3,376*

(-1,75)

2,133

(1,61)

2,271

(0,29)

lnGDDT

0,160

(0,81)

0,039

(0,10)

-2,909

(-1,41)

9,304

(1,12)

lnNSLD

0,271

(0,14)

40,229

(1,56)

27,150*

(1,85)

-34,554*

(-1,73)

lnPCI

12,47***

(2,81)

10,452

(1,59)

10,476

(1,12)

175,476*

(1,74)

lnLKV

0,429

(1,41)

3,423*

(1,83)

2,435***

(2,90)

-2,374

(-1,03)

lnGDP

0,967

(0,40)

-28,846

(-1,41)

-26,484**

(-2,28)

26,180**

(2,14)

lagCNNL

0,322***

(3,28)

 

 

 

lagDVNL

 

-0,209

(-0,29)

 

 

lagPNNNL

 

 

0,342

(1,33)

 

lagS

 

 

 

0,077

(0,23)

laglnDTC

-0,262

(-0,98)

3,881

(1,28)

-1,351

(-1,02)

11,698

(1,01)

Cons

-47,565**

(-2,41)

119,538

(1,07)

100,754

(1,21)

-722,525**

(-1,97)

Sargan

0,000

0,000

0,000

0,000

Hansen

0,944

1,000

1,000

0,999

Số quan sát

153

153

153

153

Trong ngoặc là giá trị z-test hoặc t-test, với ***, **, * lần lượt là giá trị p-value tương ứng với mức ý nghĩa nhỏ hơn 1%, 5%, 10%

Nguồn: Tính toán của tác giả

Đề cập đến ảnh hưởng của vốn đầu tư, vốn đầu tư công cho thấy sự thiếu hiệu quả khi ảnh hưởng đến chuyển dịch sang ngành dịch vụ. Trong khi đó, đầu tư tư nhân đang dần trở thành một kênh huy động vốn hiệu quả khi tác động tích cực đến chuyển dịch GDP ngành phi nông nghiệp nói chung và dịch vụ nói riêng với mức ý nghĩa thống kê là 5%. Điều này cho thấy các ngành dịch vụ đang thu hút được nguồn lực từ dòng vốn tư nhân trong nước và tính hiệu quả được phát huy một cách rõ rệt.

Ảnh hưởng của vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cho thấy sự hiệu quả nhất định lên tổng thể các ngành phi nông nghiệp, nguồn lực rất quan trọng này cần được tập trung thu hút hơn nữa để tạo động lực phát triển lên toàn vùng. Khoa học - công nghệ là nhân tố được đánh giá là nền tảng cho sự phát triển bền vững và hiệu quả trong dài hạn của cả nền kinh tế cũng như địa phương. Điều này cho thấy sự thiếu đầu tư cho khoa học - công nghệ dẫn đến quá trình chuyển dịch sang ngành dịch vụ của các địa phương thiếu sự hỗ trợ của nhân tố mang tính cốt lõi của tương lai nền kinh tế này.

Năng suất lao động cũng là biến có ý nghĩa thống kê nhưng ảnh hưởng ngược chiều với hai biến giải thích là chuyển dịch GDP sang các ngành phi nông nghiệp và chỉ số chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế. Một mặt, năng suất lao động tác động hiệu quả đến việc phi nông nghiệp trong tái cơ cấu các ngành trên địa bàn các tỉnh. Mặt khác, lại tác động ngược chiều đến chỉ số chuyển dịch cơ cấu ngành, minh chứng cho việc thiếu đồng bộ trong việc gia tăng năng suất lao động, mặc dù năng suất tăng lên giúp tỷ trọng các ngành phi nông nghiệp tăng lên nhưng tốc độ chuyển dịch của các địa phương nói chung chưa đạt yêu cầu.

Thể chế, chính sách đã cho thấy các ảnh hưởng tích cực mặc dù chỉ với 2 biến phụ thuộc. Thứ nhất, ảnh hưởng mạnh mẽ đến chuyển dịch cơ cấu ngành sang công nghiệp phù hợp với chủ trương công nghiệp hoá nói chung. Thứ hai, thể chế cũng tác động đến chỉ số chuyển dịch cơ cấu ngành, lý giải cho việc lành mạnh hoá các cơ chế, chính sách giúp thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành tương đối phù hợp, mặc dù ngành dịch vụ chưa cho thấy kết quả rõ ràng khi không có giá trị tin cậy về mặt thống kê. Kết quả này chỉ ra các địa phương tại khu vực duyên hải Trung bộ cần khai thác đồng bộ hơn nguồn lực cũng như lợi thế về bờ biển dài để có thêm những chuyển dịch hiệu quả.

Yếu tố liên kết vùng ở đây được chia cụ thể thành 3 vùng: Vùng kinh tế Bắc Trung bộ từ Thanh Hoá đến Quảng Trị; Vùng kinh tế trọng điểm Trung bộ từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định; Vùng kinh tế Nam Trung bộ từ Phú Yên đến Bình Thuận. Liên kết vùng cho thấy ảnh hưởng tương đối tích cực với ngành dễ kết hợp hơn, đó là dịch vụ. Điều này minh chứng cho những hiệu quả bước đầu của sự liên kết giữa các địa phương.

Cuối cùng, mô tả của quy mô cụ thể của từng địa phương thông qua giá trị GDP. Yếu tố này có thể miêu tả đặc tính của từng tỉnh/thành phố với giá trị đóng góp qua từng năm. Quy mô tăng trưởng của các địa phương không thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành sang phi nông nghiệp thông qua dấu âm, tại Bảng 2, nhưng lại cho thấy ảnh hưởng ngược chiều giống như năng suất lao động, tuy nhiên quy mô tăng trưởng lại thuận chiều với tốc độ chuyển dịch cơ cấu ngành nói chung.

phu yen
 Liên kết vùng cho thấy ảnh hưởng tương đối tích cực với ngành dễ kết hợp hơn

5. Kết luận và khuyến nghị

Theo kết quả phân tích, những nhân tố đang thúc đẩy tích cực quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế trên địa bàn các tỉnh trong khu vực bao gồm nguồn vốn đầu tư tư nhân và trực tiếp nước ngoài; bên cạnh đó là năng suất lao động và đặc biệt là thể chế. Tín hiệu này cho thấy các địa phương nằm trên dải đất ven biển miền Trung đang có những bước chuyển mình của bộ máy công quyền nhằm khai thác tối đa các lợi thế và khắc phục các nhược điểm để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhờ chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế đúng hướng. Một số khuyến nghị được đề xuất dựa trên kết quả nghiên cứu như sau:

Thứ nhất, các địa phương cần có “Chính sách phát triển vùng” phù hợp. Cụ thể:

(i) Hoàn thiện thể chế phân cấp thẩm quyền giữa trung ương và địa phương tại nội bộ vùng. Phân cấp thẩm quyền giữa trung ương và địa phương là một trong những nội dung cơ bản của quản lý nhà nước về kinh tế. Trong thời gian tới, cần khẩn trương nghiên cứu và ban hành thể chế phân cấp thẩm quyền trong hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế;

(ii) Đổi mới công tác quy hoạch phát triển vùng duyên hải miền Trung. Công tác quy hoạch thời gian qua đã có nhiều đóng góp vào phát triển kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, công tác này cũng đã bộc lộ không ít hạn chế, có quá nhiều quy hoạch được lập, nhưng chất lượng nhiều quy hoạch còn thấp, mang đậm tính chủ quan; nội dung các quy hoạch thiếu sự gắn kết, dẫn đến trùng lắp.

(iii) Nghiên cứu xây dựng và thể chế hóa cơ chế điều phối liên kết vùng duyên hải miền Trung. Các Ban chỉ đạo được thành lập và giải tán thời gian qua mới chỉ phát huy vai trò tham mưu cho Bộ Chính trị và Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng, chứ chưa phải là cơ quan có quyền lực thực sự trong việc chỉ đạo, điều phối các hoạt động nêu trên.

Thứ hai, tiếp tục công cuộc “Lành mạnh hóa chính sách, minh bạch hóa thể chế”. Các địa phương có thể khai thác thêm các nội dung để cải thiện hệ thống chính trị của mình, như:

(i) Công khai các cơ chế, chủ trương, chính sách đang và chuẩn bị được áp dụng. Các chính sách của bộ máy công quyền hay các quy hoạch về phát triển kinh tế - xã hội cần được cung cấp thông tin để doanh nghiệp, người dân đóng góp tham gia ý kiến nhằm đạt được sự đồng thuận cao trong áp dụng trên thực tế;

(ii) Chú trọng vào công tác cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Nhóm các tỉnh như Đà Nẵng, Quảng Nam hay Thanh Hóa đã minh chứng cho tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng như chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế hợp lý dựa trên cải thiện chất lượng của bộ máy hành chính;

(iii) Nêu cao vai trò của kinh tế tư nhân. Chính sách cần khuyến khích các hoạt động đầu tư phát triển của khu vực tư nhân bên cạnh nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, hai bộ phận đã chứng minh được vai trò của mình trong việc thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế hiệu quả hơn tại các địa phương trong khu vực.

Thứ ba, "Việc nghiên cứu và áp dụng nền tảng khoa học - công nghệ hiện đại" cần đón đầu được xu hướng.

(i) Cần có những chính sách hỗ trợ, đầu tư cho nghiên cứu, chuyển giao nền tảng khoa học - công nghệ mới đối với các doanh nghiệp. Các dây chuyền hiện đại cũng cần được có cơ chế ưu đãi về thuế để doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc tiếp cận những sản phẩm này.

(ii) Có chính sách đầu tư cho hệ thống cơ sở vật chất về công nghệ thông tin, bưu chính viễn thông nhằm giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận sớm với nền tảng khoa học, các công cụ cần thiết của nền tảng này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Acemoglu, D., & Robinson, J. (2010), The role of institutions in growth and development. Leadership and growth, 135.
  2. Arellano, M., & Bover, O. (1995), Another look at the instrumental variable estimation of error-components models. Journal of econometrics, 68(1), 29-51.
  3. Akamatsu, K. (1962), 'A historical pattern of economic growth in developing countries', The developing economies, Vol. 1, pp. 3-25.
  4. Badiane, F., Gowda, B., Cissé, N., Diouf, D., Sadio, O., & Timko, M. (2012), Genetic relationship of cowpea (Vigna unguiculata) varieties from Senegal based on SSR markers. Genet. Mol. Res, 11(1), 292-304.
  5. Blundell, R., & Bond, S. (2000), GMM estimation with persistent panel data: an application to production functions. Econometric reviews, 19(3), 321-340.
  6. Blundell, R., Bond, S., & Windmeijer, F. (2001), Estimation in dynamic panel data models: improving on the performance of the standard GMM estimator Nonstationary panels, panel cointegration, and dynamic panels (pp. 53-91): Emerald Group Publishing Limited.
  7. Carraro, A., & Karfakis, P. (2018), Institutions, economic freedom and structural transformation in 11 sub-Saharan African countries, FAO Agricultural Development Economics, Working Paper 18-01.
  8. De Vries, G., Timmer, M., & De Vries, K. (2015), Structural transformation in Africa: Static gains, dynamic losses. The Journal of Development Studies, 51(6), 674-688.
  9. Garcia-Verdu, R., Thomas, A., & Wakeman-Linn, J. (2012), Structural transformation in sub-Saharan Africa. Regional economic outlook: sub-Saharan Africa. Maintaining growth in an uncertain world, 51-71.
  10. Hamm, P., & King, L. (2010), Post-manichean economics: Foreign investment, state capacity and economic development in transition economies, Technical Report.
  11. Lin, J. & Celestin, M. (2010), Growth identification and facilitation: the role of the state in the dynamics of structural change, The World Bank.
  12. McMillan, M. S., & Rodrik, D. (2011), Globalization, structural change and productivity growth, (No. w17143). National Bureau of Economic Research, Massachusetts, USA.
  13. Nguyễn Thị Cẩm Vân (2015), Chuyển dịch cơ cấu và tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Luận án tiến sĩ, Đại học Kinh tế Quốc dân.
  14. Nguyễn Thị Minh (2009), Tăng trưởng, chuyển đổi cơ cấu và chính sách tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam thời kỳ đổi mới, NXB Khoa học kỹ thuật, Hà Nội.
  15. Oshima, H. T. (1987), Economic Growth in Monsoon Asia: A Comparative Study, University of Tokyo Press.
  16. Roodman, D. (2009), How to do xtabond2: An introduction to difference and system GMM in Stata. The Stata Journal, 9(1), 86-136.
  17. Rostow, W. (1960), The stages of economic growth: A non-communist manifesto, Cambridge University Press.
  18. Syrquin, M. (1988), 'Patterns of structural change', Handbook of development economics, Vol. 1, pp. 203-273.
  19. Vũ Thị Thu Hương (2017), Chuyển dịch cơ cấu lao động tại Việt Nam: Các yếu tố tác động và vai trò đối với tăng trưởng kinh tế. Luận án tiến sĩ, Đại học Kinh tế Quốc dân.