Quan điểm về giảng dạy môn nghe cho sinh viên chuyên ngành tiếng Trung ở giai đoạn sơ cấp

TS. TRẦN QUANG HUY (Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Môn kỹ năng nghe trong bốn môn kỹ năng của tiếng Trung luôn được sinh viên đánh giá là môn khó ở bất kỳ cấp độ nào. Trong quá trình học, sinh viên gặp rất nhiều khó khăn từ việc thiếu vốn từ vựng, ngữ pháp; thiếu những vốn kiến thức liên quan chủ đề nghe, thiếu kỹ năng nghe đúng… Bài viết chia sẻ quan điểm về cách giảng dạy môn nghe cho sinh viên chuyên ngành tiếng Trung ở giai đoạn sơ cấp nhằm khắc phục phần nào các khó khăn mà sinh viên đang gặp phải, từ đó nâng cao hiệu quả giảng dạy kỹ năng nghe chuyên ngành tiếng Trung.

Từ khóa: Môn nghe, sinh viên ngành tiếng Trung, giai đoạn sơ cấp, giảng dạy.

1. Đặt vấn đề

Khi học môn ngoại ngữ, quá trình nghe là quá trình người nghe tiếp nhận tín hiệu (đoạn âm thanh) từ người nói, sau đó người nghe sẽ dùng những kiến thức có được từ ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp,… tiến hành xử lý thông tin được tiếp nhận, cuối cùng đưa ra phán đoán của mình. Người học muốn có kỹ năng nghe tốt phải hội đủ nhiều yếu tố như: Có khả năng phân biệt các âm tiết tốt, nhất là từ đồng âm khác nghĩa; Có được vốn từ vựng ngữ pháp nhất định, phải có vốn hiểu biết nhất định về nội dung chủ đề được nghe (văn hóa, lịch sử, địa lý, đời sống xã hội,… liên quan đến ngôn ngữ mình đang học) và phải đủ nhanh để đưa ra phán đoán trong thời gian nhất định. Vì vậy, kỹ năng nghe luôn là kỹ năng khó đối với người học, đặc biệt là đối với người bắt đầu học.

Ở một góc độ khác, việc nghe cơ bản là hành vi mang tính bị động, tính chủ động tiếp nhận thông tin khó được phát huy, khi nghe không được hoặc nghe không hiểu, người học dễ nảy sinh tâm lý chán nản, không khí trên lớp học thường khô khan, cũng là những nguyên nhân dẫn đến việc rèn luyện kỹ năng nghe chưa hiệu quả. Việc sinh viên năm thứ nhất khi mới bắt đầu tiếp cận với tiếng Trung (giai đoạn sơ cấp) gặp những khó khăn cơ bản nêu trên là điều hoàn toàn bình thường. Bài viết thông qua điều tra khảo sát, tác giả sẽ chỉ ra những khó khăn mà sinh viên chuyên ngành Ngôn ngữ Trung tại Trường Đại Mở Thành phố Hồ Chí Minh đang gặp phải, đồng thời đưa ra một quan điểm giảng dạy để trả lời cho những câu hỏi nêu trên.

2. Cơ sở lý thuyết

2.1. Lý thuyết về “năng lực giao tiếp”

Dựa trên những lý luận “năng lực ngôn ngữ”, của nhà ngôn ngữ học người Mỹ Chomsky, hay khái niệm về “năng lực giao tiếp” của nhà ngôn ngữ học D. H. Hymes trong những năm 60 và M. Canles (1983) đã nhận định: Năng lực giao tiếp chính là sự tổng hòa của năng lực ngôn ngữ và năng lực vận dụng ngôn ngữ. Trong giảng dạy ngôn ngữ thứ 2, việc bồi dưỡng cho người học năng lực ngôn ngữ thứ 2 và năng lực giao tiếp bằng ngôn ngữ thứ 2 là mục tiêu quan trọng nhất, phải tiến hành cùng lúc song song với nhau. Việc nghe và đọc thuộc năng lực tiếp nhận ngôn ngữ, còn nói và viết thuộc năng lực biểu đạt và ứng dụng ngôn ngữ. Năng lực tiếp nhận (nghe, đọc) chính là tiền đề, là cơ sở cho năng lực biểu đạt và ứng dụng (nói, viết). Người học nên nghe hiểu trước rồi mới đến nói và viết đúng, tiến tới nói và viết hay. Nếu nghe không hiểu thì cũng khó đạt được hiệu quả giao tiếp. Như vậy có thể thấy để đạt được hiệu quả giao tiếp trong học ngoại ngữ, việc rèn luyện kỹ năng nghe cho người học đã đóng vai trò rất quan trọng. 

2.2. Giả thuyết “i+1” (Input Hypothesis)

Giáo sư ngôn ngữ học người Mỹ Stephen Krashen trong Lý thuyết về thụ đắc ngôn ngữ thứ hai có đưa ra giả thuyết “i+1” (Input Hypothesis) là: cho rằng quá tiếp nhận ngôn ngữ thứ hai được thực hiện khi người học được tiếp nhận trình độ ngôn ngữ cao hơn một chút dựa trên trình độ sẵn có của người học. Trong đó: i chính là trình độ hiện có của người học; 1 chính là việc nâng cao hơn một bước so với trình độ hiện tại. Năng lực nghe thuộc năng lực tiếp nhận đầu vào, đối với việc giảng dạy môn nghe, theo giả thuyết “i+1”, người dạy nên bắt đầu từ trình độ ngôn ngữ thực tế vốn có của người học, từ đó từng bước củng cố nâng cao trình độ cho người học. Người dạy nên sử dụng các phương pháp giảng dạy trình tự hợp lý để dễ dàng tiếp nhận kiến thức, từ đó việc học tập môn nghe đạt hiệu quả hơn.

3. Phương pháp và đối tượng nghiên cứu

3.1. Đối tượng nghiên cứu

Tiến hành điều tra khảo sát về tình hình học môn nghe trên 90 sinh viên năm thứ nhất ngành Ngôn ngữ Trung hiện đang theo học tại Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh khi đã hoàn thành xong học kỳ 1 năm thứ nhất và đang trong giai đoạn học kỳ 2. Khối lượng từ vựng tích lũy của sinh viên trong giai đoạn này khoảng từ 300 đến 400 từ. Hiện nay, số sinh viên này đã học xong môn Kỹ năng Nghe 1 và đang trong quá trình học môn Kỹ năng Nghe 2.

3.2. Phương pháp - phạm vi nghiên cứu

Phát phiếu điều tra, khảo sát kết hợp phỏng vấn toàn bộ 90 sinh viên năm thứ nhất hiện đang theo học tại ngành Ngôn ngữ Trung Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh về tình hình học môn nghe ở giai đoạn sơ cấp. Sau khi thu thập phiếu khảo sát, tiến hành thống kê, mô tả số liệu thu thập được từ đó chỉ rõ ra những khó khăn chủ yếu của sinh viên ngành Ngôn ngữ Trung trong giai đoạn sơ cấp khi học môn nghe. Phiếu khảo sát bao gồm 2 phần chính: Phần thứ nhất khảo sát những khó khăn mà sinh viên đang gặp phải; Phần thứ hai khảo sát những mặt tích cực sau một thời gian học môn nghe. Sinh viên lựa chọn có hoặc không, có thể có nhiều sự lựa chọn cùng lúc.

Từ những khó khăn được chỉ ra thông qua khảo sát, tác giả đưa ra kiến nghị giảng dạy phù hợp nhằm giúp sinh viên khắc phục đồng thời nâng cao hiệu quả giảng dạy môn nghe.

4. Kết quả khảo sát

Sau khi tiến hành điều tra khảo sát, kết quả khảo sát thể hiện tại Bảng 1 và Bảng 2.

Bảng 1. Những khó khăn sinh viên năm thứ nhất đang gặp phải khi học nghe

Những khó khăn sinh viên năm thứ nhất

Số liệu từ Bảng 1 cho thấy những khó khăn chủ yếu mà sinh viên ở giai đoạn sơ cấp bao gồm:

1. Gặp khó khăn về việc nhận biết các âm tiết, đặc biệt là các từ đồng âm (chiếm 92%);

2. Thiếu vốn từ vựng và ngữ pháp (chiếm 82%);

3. Không theo kịp tốc độ người nói (chiếm 75%);

4. Thiếu kiến thức liên quan đến chủ đề nghe, như: văn hóa, lịch sử, đời sống xã hội liên quan đến Trung Quốc (chiếm 54%);

5. Không nắm được cấu trúc câu (51%).

Giảng viên khi giảng dạy môn nghe ở giai đoạn sơ cấp nên chú ý những yếu tố này để có phương án giảng dạy phù hợp nhằm giúp sinh viên khắc phục những khó khăn trên.

Bảng 2. Những mặt tích cực sau một thời gian học môn nghe

Những mặt tích cực

Số liệu từ Bảng 2 cho thấy, sau một thời gian học môn nghe, sinh viên đã có cải thiện đáng kể ở một số mặt như: Phương pháp nghe, tốc độ nghe dần được cải thiện; nâng cao được vốn từ vựng ngữ pháp, mẫu câu,… Đặc biệt do mới tiếp xúc với tiếng Trung nên khả năng phân biệt các âm tiết hay phân biệt các từ đồng âm còn hạn chế, giảng viên nên chú ý đến điều này. Ngoài ra, giảng viên có thể kết hợp cho sinh viên nói, việc có thể sử dụng thêm vốn từ vựng ngữ pháp học được áp dụng vào trong thực tế sẽ giúp sinh viên tăng thêm hứng thú học nghe.

Bản chất của việc nghe hiểu là người nghe sử dụng cơ quan thính giác để tiếp nhận và giải mã các tín hiệu ngôn ngữ, những tín hiệu ngôn ngữ đó nhanh chóng xuất hiện và cũng rất nhanh chóng qua đi, người nghe trong khoảng thời gian nhất định phải tiếp nhận và xử lý các đoạn tín hiệu đó. Nếu người nghe chỉ cần nghe không hiểu 1 từ, 1 cụm hoặc 1 câu, dừng lại suy nghĩ thì rất có thể có thể bỏ lỡ cả 1 nội dung phía sau, dẫn đến nghe không hiểu cả 1 nội dung, dẫn đến tâm lý chán nản khi học. Người dạy cần lường trước được những khó khăn trong quá trình này để có phương án giảng dạy phù hợp nhằm giúp cho người học có thể giảm thiểu những khó khăn đang gặp phải. Một mặt, cần tăng cường sự tương tác giữa người học với người dạy để người học cảm thấy học môn nghe có hiệu quả hơn.

5. Kiến nghị giảng dạy

Dưới đây là một kiến nghị giảng dạy của tác giả đối việc giảng dạy môn nghe cho sinh viên ngành Ngôn ngữ Trung ở giai đoạn sơ cấp.

5.1. Giai đoạn chuẩn bị

- Chuẩn bị giáo trình/nội dung học phù hợp: Việc chuẩn bị giáo trình và xác định nội dung học phù hợp với trình độ sinh viên là rất quan trọng. Giảng viên nên lường trước được độ khó của giáo trình để cân nhắc sử dụng, đặc biệt là giáo trình sử dụng cho người mới bắt đầu học luôn phải được cân nhắc kỹ càng. Phần từ vựng và điểm ngữ pháp mới không nên quá nhiều, nội dung chủ đề không quá phức tạp đối với người học tránh gây tâm lý chán nản.

- Xác định mục tiêu nhiệm vụ rõ ràng: Cần xác định mục tiêu cụ thể cho cả môn học và cho cả từng buổi học. Đối với trình độ sơ cấp, khi mà sinh viên mới bắt đầu tiếp xúc với tiếng Trung thì nhiệm vụ chủ yếu của giai đoạn này bao gồm nghe rõ phân biệt các âm tiết (bao gồm các thanh mẫu, vận mẫu và dấu), nghe hiểu từ từ vựng cho đến những câu đơn giản theo nội dung chủ đề bài, tập nghe được trọng âm trong câu.   

- Chuẩn bị đồ dùng dạy học kỹ càng nếu cần, đặc biệt giảng viên có thể chuẩn bị thêm hình ảnh trực quan sinh động để minh họa thêm trong bài học (hình ảnh, tranh vẽ,…).

5.2. Giai đoạn trên lớp

a. Trước khi nghe:

- Chuẩn bị từ vựng: Hiện nay, việc có nên cho người học chuẩn bị trước từ vựng hay không vẫn là một câu hỏi đang được tranh luận với nhiều quan điểm giảng dạy khác nhau. Dựa trên giả thuyết “i+1” của Krashen và tình hình thực tế giảng dạy hiện nay, việc chuẩn bị trước từ vựng trước khi nghe sẽ phát huy mặt tích cực. Đối với sinh viên ở trình độ sơ cấp, khi nền tảng từ vựng ngữ pháp chưa có nhiều, việc chuẩn bị trước từ vựng là cần thiết, giúp giảm thiểu những khó khăn về mặt từ vựng và ngữ pháp. Giảng viên cũng có thể định hướng cho sinh viên trong mỗi bài nên chuẩn bị trước những từ vựng gì, hay điểm ngữ pháp nào. Trên lớp, giảng viên có thể giảng trước một vài từ khó, giảng sơ một vài điểm ngữ pháp khó trong nội dung bài nghe để sinh viên dễ dàng tiếp cận hơn.

- Trước khi nghe, giảng viên nên hướng dẫn sinh viên một số kỹ năng trong khi nghe như: nghe lướt để đoán ý chính, ghi chú những từ quan trọng (những con số, địa điểm, thời gian,…), nghe chọn lọc thông tin theo yêu cầu, sau bước nghe lướt sẽ là nghe kỹ để xác nhận chính xác thông tin mình cần.

- Giảng viên có thể giới thiệu sơ qua chủ đề, ngữ cảnh, tình huống liên quan đến nội dung bài nghe để gợi tính tò mò của sinh viên, từ đó làm tăng hứng thú của sinh viên đối với bài học và tiết học.

- Giảng viên nhấn mạnh lại những yêu cầu cụ thể đối với bài nghe (có thể dựa theo yêu cầu trong giáo trình hoặc tự giáo viên đưa ra) để sinh viên nắm rõ nhiệm vụ phải thực hiện sau khi nghe: lựa chọn thông tin đáp án đúng A-B-C-D, lựa chọn điền từ thích hợp vào ô trống, trả lời câu hỏi, phán đoán đúng sai,…  

b. Quá trình nghe:

- Về số lần nghe: Giảng viên căn cứ vào độ khó dễ ở nội dung của từng bài và trình độ thực tế của sinh viên để cân nhắc có thể cho sinh viên nghe 1 lần hay 2, 3 lần. Trong đó, lần 1 có thể cho sinh viên nghe để đoán sơ nội dung đang nghe, lần 2 lần 3 là quá trình nghe kỹ, đây là quá trình sinh viên lọc thông tin mình cần để hoàn thành yêu cầu của giảng viên.

- Về tốc độ nói của người nói trong bài nghe: Đối với những đoạn hội thoại, hay những đoạn văn nhiều câu, nếu sinh viên nghe không hiểu và gặp khó khăn trong việc tiếp nhận thông tin thì trong lần nghe thứ 2 hoặc 3, giảng viên cân nhắc có thể chia nhỏ đoạn văn nghe ra, cho sinh viên nghe thành từng câu đơn.

c. Quá trình sau khi nghe:

- Kiểm tra thông tin nghe: Sau khi nghe sinh viên đưa ra các đáp án, giảng viên cho sinh viên kiểm tra thông tin thu nhận được và thông tin chính của nội dung bài nghe, qua đó cũng kiểm tra mức độ hoàn thành nhiệm vụ của sinh viên sau khi nghe. Giảng viên có thể cho sinh viên nghe lại những câu mà sinh viên nghe chưa được.

- Thảo luận: Sinh viên thảo luận về các nội dung nghe được. Giảng viên có thể cho sinh viên sử dụng tiếng Trung thuật lại nội dung nghe được. Việc có thể sử dụng thêm vốn từ vựng ngữ pháp học được áp dụng vào trong thực tế sẽ giúp sinh viên tăng thêm hứng thú học nghe, đồng thời luyện tập được năng lực giao tiếp. 

- Tổng kết sau khi nghe:

+ Giảng viên tổng kết lại những điểm mà sinh viên nghe chưa được để sinh viên rút kinh nghiệm: Đặc biệt chú ý về phân biệt các thanh mẫu vận mẫu, về từ đồng âm khác nghĩa vì đây chính là một trong những khó khăn lớn nhất mà sinh viên ở giai đoạn sơ cấp đang gặp phải.

+ Giảng viên có thể giảng sơ lại một số từ vựng hay điểm ngữ pháp khó trong phần nội dung nghe. Có thể kết hợp giảng thêm cho sinh viên kiến thức liên quan đến văn hóa, lịch sử, đời sống xã hội liên quan đến Trung Quốc nếu có xuất hiện trong nội dung nghe.

6. Kết luận

Mục đích cuối cùng của môn nghe cũng chính là bồi dưỡng cho sinh viên có thói quen nghe và kỹ năng nghe tốt, từ đó tạo bước đệm cơ bản để sinh viên có thể tự tin sử dụng tiếng Trung khi giao tiếp xã hội. Sinh viên lúc mới bắt đầu tiếp xúc với tiếng Trung khi rèn luyện kỹ năng nghe sẽ gặp rất nhiều khó khăn về mặt ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp, kiến thức về văn hóa lịch sử… liên quan đến Trung Quốc, do đó rất cần sự hướng dẫn hiệu quả của giảng viên. Qua bài nghiên cứu cũng xin chia sẻ một cách nhìn của tác giả về quy trình giảng dạy môn nghe cho sinh viên chuyên ngành tiếng Trung ở giai đoạn sơ cấp với hi vọng sẽ giảm bớt những vấn đề sinh viên đang gặp phải, từ đó có hứng thú học môn nghe hơn, từ đó nâng cao hiệu quả giảng dạy kỹ năng nghe chuyên ngành tiếng Trung.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Liu Xun (2009). Dẫn luận về giảng dạy Hán ngữ như một ngoại ngữ. NXB Đại học Ngôn ngữ Bắc Kinh, trang 77-78 (tạm dịch).
  2. Huang Xiao Ying (2008). Nghệ thuật Giảng dạy Hán ngữ như một ngoại Ngữ. NXB Đại học Ngôn ngữ Bắc Kinh, trang 152-162 (tạm dịch).
  3. Wei Ying (2010). Những khó khăn và giải pháp về dạy môn nghe trong giảng dạy Hán ngữ. Tạp chí Ngôn Ngữ Văn học, trang 5-6 (tạm dịch).
  4. Zhao Kun & Fan Qi Xue (2007). Vài vấn đề về dạy môn nghe trong giảng dạy Hán ngữ. Tạp chí tuyển tập văn hóa khoa học giáo dục, trang 43-47 (tạm dịch).
  5. Geng Jun (2007). Vài điểm về dạy môn nghe trong giảng dạy Hán ngữ. Tạp chí Học viện Sư phạm Lạc Dương, trang 148-150 (tạm dịch).

THE POINT OF VIEW ON TEACHING CHINESE LISTENING SKILL

FOR STUDENTS AT THE ELEMENTARY LEVEL

• Ph.D TRAN QUANG HUY

Ho Chi Minh City Open University

ABSTRACT:

Among four Chinese language skills, listening skill at any level is always a difficult skill for foreign learners. During the learning process, students face many difficulties including the lack of vocabulary, grammar, knowledge about listening topics and correct listening skills. The article is to shares views on how to teach Chinese listening skill for students at the elementary level to partially overcome the difficulties that students are facing, thereby improving the effectiveness of teaching Chinese listening skill.

Keywords: Listening course, students studying Chinese, elementary level, teaching.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 17, tháng 7 năm 2020]