Quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư Việt Nam - Lào không ngừng mở rộng

Ngày 13/9/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến tỉnh Savannakhet và tỉnh Khammouan, bắt đầu chuyến thăm làm việc tại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào theo lời mời

Tại huyện Nongbok, tỉnh Khammouan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong đã đến dự lễ khởi công dự án khai thác và chế biến muối mỏ kali do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam làm chủ đầu tư. Đây là dự án đặc biệt quan trọng và là một trong những dự án đầu tư lớn nhất của Việt Nam ở nước ngoài được Chính phủ Việt Nam giao cho Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) làm chủ đầu tư. Dự án có phạm vi khai thác 10 km2, công suất 320.000 tấn/năm với tổng mức đầu tư 522 triệu USD, trong đó Vinachem đóng góp bằng vốn tự có là 105 triệu USD và các nguồn vốn vay của ngân hàng thương mại của Việt Nam. Dự án hoàn thành sẽ giảm đáng kể lượng phân bón kali nhập khẩu của Việt Nam và Lào, giải quyết khủng hoảng tình trạng thừa muối ăn, thiếu muối công nghiệp và muối chất lượng cao ở Việt Nam hiện nay.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong nhấn mạnh, dự án do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đầu tư là dự án có công nghệ hiện đại, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của Lào. Dự án thể hiện sự quan tâm của Đảng, Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào. Thủ tướng Thongsing Thammavong biểu dương và đánh giá cao chủ đầu tư đã phối hợp chặt chẽ với phía Lào để triển khai các thủ tục cần thiết đưa dự án vào khởi công đúng tiến độ mà Chính phủ hai nước giao; tin tưởng với kinh nghiệm của các chuyên gia, kỹ sư và công nhân Việt Nam, dự án sớm được đưa vào hoạt động, tạo việc làm cho nhân dân tỉnh Khammouan, đóng góp quan trọng vào thúc đẩy phát triển kinh tế của Lào.

Phát biểu tại buổi Lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ nhờ nỗ lực to lớn và sự hợp tác chặt chẽ, đầy hiệu quả giữa hai Đảng, hai Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân hai nước, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Lào đã không ngừng mở rộng và phát triển, với nhiều hình thức phong phú, qua đó Việt Nam luôn nằm trong nhóm các nước có vốn đầu tư lớn nhất tại Lào. “Các dự án đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào không chỉ là hoạt động kinh tế đơn thuần hai bên cùng có lợi mà còn thể hiện sự coi trọng của Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam đối với đất nước Lào anh em và mong muốn đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, xã hội của đất nước Lào” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh. Theo Thủ tướng, dự án khai thác và chế biến muối mỏ kali là dự án trọng điểm, nằm trong Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hóa chất của Việt Nam. Dự án sẽ trở thành bộ phận của nền kinh tế Lào, khi đi vào vận hành sẽ mang lại lợi ích lớn cho cả hai nước, trong đó có tỉnh Khammouan, góp phần tạo nhiều việc làm, tăng thu ngân sách, chuyển giao công nghệ và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Bên cạnh đó, dự án sẽ tạo động lực mới cho quan hệ hợp tác kinh tế song phương Việt Nam - Lào, góp phần quan trọng không ngừng củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào.

Thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn Đảng, Nhà nước, Chính phủ Lào anh em cũng như các cấp chính quyền địa phương và tỉnh Khammouan đã quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Trung Lào và việc triển khai dự án. Thủ tướng đề nghị Chính phủ Lào và chính quyền các cấp cho phép Tập đoàn Hóa chất Việt Nam tiếp tục triển khai dự án ở diện tích rộng hơn để bảo đảm nguồn nguyên liệu, có cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế, thủ tục thông quan đối với vật liệu, máy móc và thiết bị, thủ tục thuê đất và tạo điều kiện cho lao động, chuyên gia Việt Nam sang làm việc tại dự án. Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn Hóa chất Việt Nam chấp hành nghiêm túc các quy định và luật pháp của nước bạn Lào, bảo đảm triển khai dự án hiệu quả, đúng tiến độ và chất lượng, tiếp tục tích cực đóng góp vào công tác xã hội ở địa phương.