Quản lý chi ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên

TS. NGUYỄN VĂN THÔNG (Khoa Kinh tế, Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Đại học Thái Nguyên) - ThS. NGUYỄN THỊ HƯƠNG (Phòng Khoa học - Công nghệ và Hợp tác quốc tế, Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Đại học Thái Nguyên) - TS. Nguyễn Thanh Minh (Khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Đại học Thái Nguyên)

TÓM TẮT:

Bài viết đánh giá thực trạng công tác quản lý ngân sách nhà nước (NSNN) tại huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên giai đoạn 2016 - 2018, từ đó đề xuất một số giải pháp tăng cường giúp việc sử dụng nguồn NSNN hiệu quả và tiết kiệm hơn.

Từ khóa: Ngân sách nhà nước, chi ngân sách nhà nước, quản lý chi ngân sách nhà nước, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên.

1. Đặt vấn đề

Hiện nay NSNN được xem là công cụ chính trong phát triển kinh tế, công bằng xã hội. Với nguồn thu ngân sách (NS) ngày càng tăng, Chính phủ tiếp tục sử dụng NSNN một cách hiệu quả cho các nội dung như: Xây dựng cơ bản, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế… nhằm điều tiết vĩ mô nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Hai bộ phận quan trọng trong NSNN đó là bộ phận thu - chi NSNN. Theo đó, sự cân đối thu - chi sẽ phản ánh việc sử dụng hiệu quả nguồn NSNN. Thực tế cho thấy, nếu thu NS lớn nhưng cách thức, phương pháp chi NSNN không hiệu quả sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế chính trị của một quốc gia. Vì vậy, việc quản lý, điều hành hoạt động chi ngân sách cần được đặt lên hàng đầu trong những năm gần đây. 

Tuần Giáo là huyện miền núi của tỉnh Điện Biên, điều kiện phát triển kinh tế khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số với các phong tục tập quán sản xuất lạc hậu, là huyện thuần nông, thu NS chưa đủ sức cân đối cho nhu cầu chi NSNN, còn phải trông chờ vào cân đối ngân sách từ cấp trên [1]. Với đặc thù là huyện miền núi hay bị thiên tai, dịch bệnh…, do đó yêu cầu chi cho công tác xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế đang là đòi hỏi cấp bách của các cấp, ngành ở địa phương. Bên cạnh đó, vẫn còn những bất cập trong công tác quản lý và điều hành chi NS như: Các cơ chế, chính sách giám sát quản lý NSNN chưa được tạo lập đồng bộ, công tác lập dự toán chi hàng năm chưa sát với thực tế; việc đầu tư chưa đúng trọng tâm; báo cáo quyết toán chi chưa kịp thời… Từ những thực tiễn trên, nhóm tác giả đã tiến hành nghiên cứu “Quản lý chi ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên”, nhằm phân tích, đánh giá thực trạng công tác quản lý chi NSNN trên địa bàn tỉnh để chỉ ra hạn chế, nguyên nhân, từ đó đề xuất giải pháp phù hợp trong thời gian tới.

2. Thực trạng công tác quản lý chi NSNN trên địa bàn huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên

2.1. Thực trạng công tác quản lý NSNN tại huyện Tuần Giáo giai đoạn 2016 - 2018

2.1.1. Lập dự toán ngân sách

Bảng 1. Dự toán chi NSNN huyện Tuần Giáo giai đoạn 2016 - 2018

Đơn vị tính: Triệu đồng

Dự toán chi NSNN huyện Tuần Giáo giai đoạn 2016 - 2018

Nguồn: Phòng Tài chính & Kế hoạch huyện Tuần Giáo

Trong giai đoạn 2016 - 2018, dự toán chi ngân sách huyện Tuần Giáo có sự biến động khá lớn. Cụ thể, tổng dự toán năm 2017 thấp gần bằng 90% năm 2016. Nguyên nhân được chỉ ra là dự đoán trong năm có hiện tượng giông lốc và sương muối tại địa phương sẽ ảnh hưởng tới năng suất cây trồng và vật nuôi. Rồi giá cả nông sản thị trường có xu hướng giảm cũng là một yếu tố khiến dự toán thu ngân sách năm 2017 thấp. Vì vậy, các khoản chi trong năm bị cắt giảm, đặc biệt là đầu tư XDCB có sự sụt giảm lớn nhất do nhiều hàng mục được chuyển giao quản lý cho cấp tỉnh. Năm 2018, mức dự toán đã tăng hơn 30% so với năm 2017 nhờ những tín hiệu khả quan có được trong thu NSNN cấp huyện năm 2018. Công tác quản lý lập dự toán chi ngân sách huyện Tuần Giáo đảm bảo giữa cơ cấu chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên và các lĩnh vực khác tạo điều kiện thuận lợi trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị cũng như nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN.

2.1.2. Quản lý chấp hành dự toán chi ngân sách nhà nước

Giai đoạn 2016 - 2018 số liệu dự toán và thực tế quyết toán chi ngân sách nhà nước ở huyện Tuần Giáo có sự chênh lệch khá lớn (chi tiết được thể hiện ở Bảng 2). Đặc biệt năm 2017, dự toán là 517.691 triệu đồng nhưng khi quyết toán chi là 698.398 triệu đồng, chênh lệch giữa thực chi với dự toán là 180.707 triệu đồng, tức tăng 34,91%. Mức chi thực tế lớn hơn so với dự toán là do thu ngân sách trong năm tăng mạnh. Hơn nữa, một số trường học nhận được nguồn ngân sách bổ sung để xây dựng và sửa chữa cơ sở vật chất. Trong giai đoạn 2016 - 2018, mặc dù huyện không xảy ra tình trạng bội chi ngân sách do thu thực tế lớn hơn dự toán.

Tuy nhiên, kết quả này phản ánh khâu lập dự toán vẫn chưa được tốt. Vì kế hoạch luôn có sự điều chỉnh, bổ sung vào những tháng cuối năm, một số nguồn thu được ghi kế hoạch cho đầu tư, như nguồn khai thác quỹ đất nhưng nguồn thu không đạt nên tỷ lệ giải ngân thấp, tạo áp lực cho Kho bạc Nhà nước và phòng Tài chính và Kế hoạch vào những tháng cuối năm.

2.1.3. Quyết toán chi NSNN        

Bảng 2. Dự toán và quyết toán chi NSNN huyện Tuần Giáo

Đơn vị tính: triệu đồng

Dự toán và quyết toán chi NSNN huyện Tuần Giáo

Nguồn: Phòng Tài chính & Kế hoạch huyện Tuần Giáo

Giai đoạn 2016 - 2018, công tác quyết toán NSNN huyện Tuần Giáo đã cơ bản thực hiện đúng quy trình, đảm bảo tính chính xác của số liệu quyết toán và kịp thời gian theo yêu cầu của Sở Tài chính. Tuy vậy, vẫn còn những tồn tại thường xảy ra đó là: Số liệu dự toán và số liệu quyết toán thường có sự chênh lệch do quá trình lập dự toán không sát thực tế; thời gian lập và gửi báo cáo quyết toán một số đơn vị, xã, thị trấn còn chậm; một số biểu mẫu báo cáo quyết toán chưa đúng theo quy định. Cụ thể, có 03 khoản mục chi NSNN liên tục tăng là: Chi thường xuyên với mức tăng cao nhất trong nhóm năm 2017 - tăng 22% so với năm 2016, năm 2018 tăng gần 5% so với năm 2017. Tiếp theo là các chương trình mục tiêu với mức tăng khoảng 40 - 50 tỷ đồng/năm và cuối cùng là chi chuyển nguồn có tốc độ tăng không đều trong giai đoạn 2016 - 2018.

Hiện nay, chi thường xuyên chiếm tỷ lệ cao nhất trong các khoản mục chi của huyện Tuần Giáo, thường chiếm khoảng 85% tổng chi NSNN và liên tục gia tăng trong những năm trở lại đây. Trong đó, có 4 khoản mục lớn thường được phân bổ vốn trong chi thường xuyên, gồm:

* Chi sự nghiệp giáo dục, đào tạo, dạy nghề: Đây là khoản chi chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng chi thường xuyên NSNN/năm, chiếm trên 60% tổng chi thường xuyên NSNN/năm. Dự toán chi năm 2016 có lớn hơn quyết toán chi khoảng 3,4 tỷ đồng, do có sự hợp nhất một số điểm trường về cùng một khu vực nên giảm bớt chút chi phí. Những năm sau, chi sự nghiệp giáo dục đào tạo vẫn tăng do điều chỉnh mức lương cho giáo viên và bổ sung các trang thiết bị phục vụ giảng dạy cho học sinh và hỗ trợ trang bị phục vụ bán trú.

* Chi sự nghiệp kinh tế: Chi sự nghiệp kinh tế năm 2017 tăng hơn với năm 2016 là 26.398 triệu đồng (tăng hơn 52%). Bước sang năm 2018 có giảm nhưng không đáng kể, giảm 16 triệu đồng so với năm 2017 [3]. Dự toán chi sự nghiệp kinh tế năm 2016 cao hơn quyết toán, khi thực hiện chỉ đạt 82% so với dự toán đề ra. Nguyên nhân là do dự toán bổ sung vào cuối năm, một số đơn vị chấp hành dự toán còn hạn chế như chưa hoàn thiện hồ sơ thanh toán nên để chuyển vào các năm tiếp theo. Các năm 2017 và năm 2018 lại có mức gia tăng liên tục các khoản chi thực tế so với dự toán.  

* Chi quản lý hành chính, đảng, đoàn thể: Giai đoạn 2016 - 2018 chiếm vị trí thứ 2 trong chi thường xuyên NSNN huyện Tuần Giáo, bình quân khoảng 18 - 20%/năm. Cụ thể, năm 2016, dự toán chi cao hơn quyết toán gần 600 triệu [3] nhưng đến năm 2017 mức chi thực tế đã tăng gấp đôi so với dự toán, năm 2018 mặc dù có giảm nhưng chi thực tế vẫn tăng hơn 2,5 tỷ đồng.

* Chi sự nghiệp đảm bảo xã hội: Giai đoạn 2016 - 2018, mức chi có nhiều biến động do nguồn thu các năm có sự biến động, điều này tác động đến dự toán và quyết toán của khoản mục trên. Năm 2016, dự toán chi lớn hơn quyết toán 2,9 tỷ đồng khi chính sách hỗ trợ xây nhà cho người nghèo bị tạm dừng vì thay đổi một số quy định xét duyệt tiêu chuẩn liên quan, số tiền chi thực tế chỉ đạt 98% so với dự toán. Năm 2017, thu NSNN tăng mạnh nên chi cho công tác đảm bảo xã hội tăng đột biến lên gần 32 tỷ, chi thực tế tăng hơn 21% so với dự toán đề ra. Năm 2018, mức tăng chi thực tế lại lớn hơn dự toán 2 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2017 [3].

2.1.4. Công tác thanh tra, kiểm tra ngân sách huyện Tuần Giáo

Trong 3 năm qua, số lượng các cuộc thanh tra tăng lên trong từng thời kỳ với từng nội dung. Hơn nữa, cán bộ thanh tra ngày càng có chuyên môn tốt hơn trong các lĩnh vực được phân công. Nhờ vậy, quá trình thanh - kiểm tra diễn ra nhanh gọn, hiệu quả, không bỏ lỡ sai phạm.

Số cuộc thanh tra chi NSNN cấp huyện tăng từ 10 - 15 vụ/năm, trong đó số vụ xử lý sai phạm chiếm thấp hơn 20% tổng số cuộc/năm. Số vốn thu hồi tính bình quân khoảng 50 - 70 triệu đồng/vụ. Kết quả này không quá lo ngại và phản ánh sự sát sao trong các khâu nhằm hạn chế sai phạm không đáng có trong quá trình chi NSNN huyện Tuần Giáo giai đoạn 2016 - 2018.

Đối với Kho bạc Nhà nước huyện đã thực hiện tốt việc kiểm soát các khoản thu chi TX NS toàn huyện, đặc biệt là quản lý chi thường xuyên các đơn vị sử dụng ngân sách ở huyện. Tính từ năm 2016 đến năm 2018, Kho bạc Nhà nước huyện Tuần Giáo đã từ chối thanh toán 450 chứng từ chi TX không đủ điều kiện thanh toán với số tiền 22,495 triệu đồng. Trong những năm qua, Kho bạc Nhà nước huyện đã làm tốt công tác KSC TX NSNN qua Kho bạc Nhà nước huyện nên số hồ sơ, chứng từ và số tiền bị từ chối thanh toán hàng năm có xu hướng giảm dần.

Bảng 3. Hoạt động thanh tra chi TX qua KBNN Tuần Giáo

Hoạt động thanh tra chi TX qua KBNN Tuần Giáo

Nguồn: KBNN huyện Tuần Giáo

2.2. Đánh giá chung về quản lý NSNN tại huyện Tuần Giáo

2.2.1. Kết quả đạt được

- Quá trình xét duyệt dự toán, phân bổ ngân sách đã thực hiện đúng quy định của luật NSNN, việc chấp hành dự toán đã có nhiều tiến bộ, kinh phí chi thường xuyên được quản lý sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm, từng bước có sự đổi mới từ thủ tục cho đến thời gian cấp phát và xem xét hiệu quả sau cấp phát. Công tác kiểm soát chi của Kho bạc Nhà nước ngày càng chặt chẽ hơn.

- Công tác lập, thẩm định, xét duyệt báo cáo quyết toán đã đi vào nề nếp, chất lượng báo cáo quyết toán đã được nâng lên rõ rệt. Báo cáo quyết toán đã phản ánh tương đối chính xác và trung thực tình hình sử dụng NS cũng như hoạt động của đơn vị trong năm ngân sách.

- Đối với quản lý chi thường xuyên: Về cơ bản đã đáp ứng nhu cầu chi thường xuyên ngày càng tăng và mở rộng trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của huyện. Ngoài các khoản chi thường xuyên, NS huyện đã đáp ứng các nhu cầu có tính đột xuất, nhất là trong trường hợp thiên tai, bão lụt cũng như các trường hợp trợ cấp đột xuất khác.

- Đối với quản lý chi đầu tư phát triển huyện đã tuân thủ các quy định của Nhà nước về quản lý đầu tư và xây dựng, về cấp phát thanh toán vốn đầu tư, về quyết toán vốn đầu tư, từ đó góp phần hạn chế tối đa việc lãng phí, thất thoát trong đầu tư xây dựng cơ bản ngay từ khâu quyết định đầu tư, bố trí vốn đầu tư, thực hiện đầu tư và thanh quyết toán vốn đầu tư. Nâng cao chất lượng công tác thẩm định dự án, thẩm định thiết kế tổng dự toán… Tăng cường công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm đối với các chủ đầu tư và các bên có liên quan trong quản lý chất lượng công trình.

2.2.2. Những điểm hạn chế

Quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan trong công tác quản lý chi chưa được thể hiện rõ. Còn nhiều cơ quan, đơn vị cùng tham gia quản lý, kiểm soát thanh toán chi NSNN như: Đơn vị sử dụng NSNN, cơ quan tài chính và Kho bạc Nhà nước. Tuy nhiên, quy định về trách nhiệm và quyền hạn của các cơ quan, đơn vị trong việc quản lý, KSC NSNN chỉ mới đề cập ở mức độ chung chung, chưa cụ thể, còn trùng lặp và chồng chéo.

Công tác lập dự toán chi NSNN hàng năm chưa thật sự sát với thực tế, vẫn còn tình trạng mức dự toán chi ngân sách thấp hơn rất nhiều so với quyết toán chi hàng năm.

Chất lượng lập dự toán của nhiều đơn vị sử dụng NSNN còn thấp, chưa bao quát hết yêu cầu nhiệm vụ chi trong năm kế hoạch; ngân sách chi thường xuyên và ngân sách chi đầu tư phát triển được lập một cách riêng lẻ, độc lập; lập dự toán sai mẫu biểu, không đúng mục lục NSNN... Vì vậy, trong quá trình chấp hành dự toán chi, đơn vị phải xin bổ sung hoặc điều chỉnh dự toán nhiều lần làm tăng khối lượng công việc của cơ quan quản lý tài chính, gây lãng phí thời gian và công sức.

Việc phân bổ dự toán còn nặng về hình thức, coi nhẹ nhu cầu chi tiêu của cấp dưới và chưa xem xét đúng mức đặc điểm, tình hình cụ thể trong kỳ kế hoạch nên việc phân bổ dự toán còn cào bằng, chưa phù hợp với thực tế.

Công tác chỉ đạo hướng dẫn của các cơ quan cấp trên đối với phòng Tài chính - Kế hoạch trong quản lý chi NSNN chưa được thường xuyên, dẫn đến nhiều quy định mới trong quản lý NS chưa được phòng Tài chính tiếp cận và chưa được triển khai thực hiện kịp thời, dẫn đến tình trạng lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện.

Công tác thanh tra, kiểm tra trên lĩnh vực này tuy được tiến hành thường xuyên nhưng kết luận, xử lý sai phạm còn chưa nghiêm minh.

3. Một số giải pháp đề xuất

3.1. Nâng cao chất lượng công tác lập dự toán

Các cơ quan thuộc hệ thống tài chính cần có chương trình kế hoạch cụ thể khảo sát nắm chắc tình hình hoạt động của các cơ sở kinh tế, các đối tượng kinh doanh và các đối tượng sử dụng nguồn kinh phí ngân sách để xây dựng dự toán sát thực, khoa học. Các cơ sở lập dự toán, các cơ quan tổng hợp cần tính toán kỹ các yếu tố ảnh hưởng đến việc lập dự toán NSNN, nhất là tình hình biến động về kinh tế, giá cả và chính sách chế độ của Nhà nước. Từ đó, đưa ra được hệ số điều chỉnh phù hợp, khắc phục tình trạng thiếu chuẩn xác và tin cậy của số liệu, ảnh hưởng tiêu cực đến việc phân tích kinh tế, tài chính, xét duyệt giao kế hoạch và điều hành thực hiện kế hoạch những năm sau.

Trong công tác quản lý chi thường xuyên NSNN, các đơn vị thụ hưởng NS cần tuân thủ quy trình xây dựng dự toán, các văn bản hướng dẫn xây dựng dự toán và định mức chi NS do cấp trên ban hành. Việc lập dự toán phải bám sát nhiệm vụ được giao của địa phương, đơn vị. Trên cơ sở khảo sát, điều tra nhu cầu, nhiệm vụ thu - chi của đơn vị dự toán trực tiếp sử dụng ngân sách để có căn cứ thiết lập, xây dựng định mức chi, cơ cấu chi trong định mức phù hợp với khả năng thực tế của ngân sách.

Với công tác chi đầu tư phát triển, các cấp có thẩm quyền cần kiểm soát chặt chẽ việc lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư các dự án đầu tư công. Thực hiện nghiêm các quy định về thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn và chỉ bố trí mới đối với các công trình trọng điểm cấp bách của huyện.

3.2. Tăng cường công tác chấp hành chi hiệu quả, tiết kiệm

Phân định rõ nội dung và phạm vi chi NSNN, tập trung nguồn lực thực hiện những nhiệm vụ khu vực tư nhân không thể hoặc ít có động lực tham gia. Về định mức phân bổ và chuyển giao nguồn lực tài chính giữa chính quyền cấp trên và cấp dưới cần căn cứ vào các tiêu thức: Hiệu quả kinh tế; công bằng về tài chính; trách nhiệm về chính trị và hiệu lực hành chính.

3.3. Hoàn thiện công tác quyết toán chi NSNN

- Lập kế hoạch, sắp xếp lịch trình cho công tác thẩm định quyết toán chi NSNN của các đơn vị dự toán ngay từ đầu năm. Phải bám sát tiến độ thực hiện như kế hoạch đã lập, tránh tình trạng “khi nào sắp xếp được thời gian thì thực hiện”.

- Xây dựng chương trình làm việc cụ thể cho công tác thẩm định quyết toán chi NSNN nhằm giảm thời gian thực hiện công việc, và tránh được nhiều thiếu sót.

- Lấy việc hoàn thành công tác thẩm định quyết toán chi NSNN làm một trong nhiều tiêu chí đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ được giao trong năm, có chế độ khen thưởng, biểu dương kịp thời đối với những cá nhân, tập thể hoàn thành xuất sắc nhằm khích lệ tinh thần.

Để thực hiện được những giải pháp nêu trên cần phải đảm bảo các nội dung sau:

- Các chính sách, chế độ, định mức phân bổ, định mức chi NSNN phải được cụ thể hóa. Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến tài chính công cần được quy định rõ ràng, tránh chồng chéo, khó hiểu.

- Nguồn nhân lực là yếu tố quyết định hiệu quả của công tác quyết toán chi NSNN, thẩm định quyết toán chi NSNN đòi hỏi phải nhanh để đúng thời hạn, phải chính xác để phát hiện kịp thời những sai sót, đánh giá được hiệu quả của việc sử dụng ngân sách. Vì vậy, đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý chi NSNN đòi hỏi phải thật sự chất lượng về trình độ, nghiệp vụ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp.

3.4. Giải pháp hỗ trợ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý chi NSNN

-  Gia tăng vai trò thanh, kiểm tra chi NSNN từ nhiều thành phần trong xã hội.

- Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý.

- Cải cách các thủ tục hành chính và ứng dụng khoa học - công nghệ thông tin trong quản lý chi NS.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. UBND huyện Tuần Giáo, Báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách nhà nước huyện Tuần Giáo năm 2016, 2017, 2018.
  1. Phòng Tài chính và Kế hoạch huyện Tuần Giáo, năm 2016, 2017, 2018.
  2. UBND huyện Tuần Giáo, Báo cáo kết quả thực hiện kinh tế xã hội năm 2016, 2017, 2018.
  3. Kho bạc Nhà nước huyện Tuần Giáo, Báo cáo hoạt động thanh tra chi TX qua KBNN Tuần Giáo năm 2016, 2017, 2018.

THE STATE BUDGET MANAGEMENT

OF TUAN GIAO DISTRICT, DIEN BIEN PROVINCE

• Ph.D NGUYEN VAN THONG

Faculty of Economics,

Thai Nguyen University of Economics and Business Administration

• Master. NGUYEN THI HUONG

Department of Science - Technology and International Cooperation,

Thai Nguyen University of Economics and Business Administration

• Ph.D NGUYEN THANH MINH

Faculty of Business Administration,

Thai Nguyen University of Economics and Business Administration

ABSTRACT:

This article assesses the state budget management of Tuan Giao District, Dien Bien Province from 2016 to 2018, thereby proposing some solutions to strengthen the management of state budget expenditures in Tuan Giao District. This article is expected to help the district use the state budget more effectively and economically.

Keywords: State budget, sstate budget expenditures, state budget expenditures management, Tuan Giao District, Dien Bien Province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 29+30, tháng 12 năm 2020]