Quản lý nguồn nhân lực nâng cao chất lượng đào tạo tại Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội

LTS: Đối với bất kỳ một trường đại học nào, đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên và nhân viên đóng một vai trò rất quan trọng và quyết định sự thành công trong xây dựng và phát triển nhà trường. Bài viế

 

1. Một số nét khái quát về Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội

 Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội được thành lập tháng 12 năm 2005, trên cơ sở kế thừa truyền thống đào tạo trên 100 năm của các cơ sở đào tạo tiền thân.

 Hiện nay, Nhà trường có 1143 giảng viên, trong đó có 594 giảng viên cơ hữu, 549 giảng viên thỉnh giảng, 704/1143 giảng viên có trình độ trên đại học, chiếm tỷ lệ 61,5%. Đội ngũ giảng viên của Trường được đảm bảo cân bằng về kinh nghiệm chuyên môn và trẻ hoá của đội ngũ giảng viên theo quy định.Tuổi đời và thâm niên công tác của giảng viên cho thấy bình quân thâm niên công tác của giảng viên là 10,25 năm, tỷ lệ giảng viên có độ tuổi dưới 40 chiếm 42,25%, trong đó, đa số  có trình độ trên đại học. Năm học 2008-2009, Nhà trường có hơn 50 nghìn học sinh, sinh viên theo học.

 Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, Nhà trường đã xây dựng và triển khai thực hiện các kế hoạch tuyển dụng, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ giảng viên và nhân viên; quy hoạch bổ nhiệm cán bộ quản lý trong từng năm học phù hợp với điều kiện cụ thể. Các quy trình tuyển dụng, tiêu chí tuyển dụng, bổ nhiệm rõ ràng, công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng. Kết quả tuyển dụng, bổ nhiệm cho thấy các cán bộ quản lý, giảng viên, nhân viên nhà trường đều có phẩm chất đạo đức tốt, năng lực quản lý chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng đáp ứng và hoàn thành nhiệm vụ được giao.

 2. Công tác tuyển dụng

 Nhà trường đã xây dựng và thực hiện thủ tục quy trình tuyển dụng cán bộ, viên chức (CBVC) nhằm đảm bảo chất lượng, đảm bảo tính công khai, dân chủ và nhằm thực hiện đúng quy định về công tác tuyển dụng  cán bộ, viên chức của Nhà nước theo Nghị định 116 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Công Thương và Bộ Giáo dục và Đào tạo. Từ năm 2006 đến nay, Nhà trường đã tuyển được 146 cán bộ, giảng viên cơ hữu, 253 cán bộ, giảng viên mời giảng và hợp đồng làm việc.

 Quy trình tuyển dụng gồm các bước

 3. Công tác xây dựng và phát triển đội ngũ

 Đối với công tác bồi dưỡng và phát triển đội ngũ được Nhà trường xác định là một trong những mục tiêu chất lượng hàng năm và có kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện. Nhà trường có quy định cụ thể, rõ ràng các mức hỗ trợ về thời gian và kinh phí cho đội ngũ cán bộ quản lý và giảng viên tham gia các hoạt động nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trong nước và ngoài nước: Giảng viên đi học cao học được hỗ trợ toàn bộ học phí, các khoản đóng góp theo quy định và được hỗ trợ 20% lương cơ bản. Làm nghiên cứu sinh được hỗ trợ toàn bộ tiền học phí và các khoản đóng góp theo quy định và hỗ trợ 50% lương cơ bản. Những trường hợp đi học tập ở nước ngoài, ngoài kinh phí tài trợ được hỗ trợ 100% lương, tiền bảo hiểm và được xét nâng bậc lương, xét danh hiệu thi đua hàng năm. Trường hợp đi học tập ở nước ngoài nếu chỉ được tài trợ một phần kinh phí thì Nhà trường vẫn hỗ trợ thêm một phần kinh phí và tiền vé máy bay đi và về nước, 100% lương và tiền bảo hiểm. Nhà trường đưa ra quy định giảm khối lượng giảng dạy cho các cán bộ quản lý: Trưởng khoa, Giám đốc trung tâm đào tạo giảm 50%; Phó Trưởng khoa, Phó Giám đốc trung tâm đào tạo giảm 25%; giảm 10% cho các Trưởng bộ môn

 Tổ chức các lớp bồi dưỡng trong và ngoài Trường về quản lý, chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ cho hàng ngàn lượt cán bộ giáo viên, nhân viên trong nhà trường với sự hỗ trợ 100% kinh phí và thời gian học tập.

 4. Công tác kiểm tra đánh giá và đánh giá lại cán bộ, giáo viên và nhân viên

 Đầu mỗi học kỳ hoặc năm học, các đơn vị tiến hành xây dựng kế hoạch đánh giá lại gửi về phòng Tổ chức - Hành chính phê duyệt. Nội dung đánh giá trên các mặt sau:

 + Đánh giá mức độ hài lòng của khách hàng (học sinh sinh viên -HSSV) qua việc phát phiếu thăm dò mức độ hài lòng của HSSV đối với môn học > 20% số lớp trong mỗi học kỳ.

 + Đánh giá đồng nghiệp: Việc tham gia vào các buổi sinh hoạt chuyên môn, và các hoạt động khác của đơn vị, Nhà trường. Tổ trưởng bộ môn tiến hành dự giờ và kiểm tra hồ sơ giảng dạy của giảng viên ít nhất là 2 lần/1 học kỳ

 + Đánh giá việc chấp hành nội quy, quy định của đơn vị, Nhà trường. Hàng tháng trưởng đơn vị đánh giá theo mẫu phiếu đánh giá xếp loại nhân viên và mẫu phiếu đánh giá xếp loại giáo viên.

 Cán bộ, giáo viên, nhân viên làm việc theo chế độ hợp đồng sau khi đánh giá lại được ký tiếp hợp đồng phải đạt các yêu cầu sau:

 + Hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Có ít nhất 2/3 số tháng trong học kỳ xếp loại A, còn lại xếp loại B, không có tháng xếp loại C,D.

 + Chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Tích cực tham gia vào các hoạt động của đơn vị, Nhà trường.

 + Có đạo đức, lối sống lành mạnh. Tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

 + Đối với giáo viên có điểm tổng kết dự giờ đạt 14/20 điểm trở lên và mức độ hài lòng của HSSV đối với môn học phải đạt từ 75% trở lên.

 Như vậy, Công tác kiểm tra đánh giá và đánh giá lại cán bộ, giáo viên và nhân viên đựợc nhà trường hết sức quan tâm...Trường đã xây dựng được hệ thống văn bản quy định rõ ràng để xây dựng các kế hoạch và phương pháp đánh giá một cách phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường và có tính khả thi cao.

 5. Công tác quy hoạch, bồi dưỡng và bổ nhiệm cán bộ quản lý

 Đảng uỷ đã xác định rõ mục đích, yêu cầu, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác quy hoạch cán bộ. Trong quá trình thực hiện đã bám sát những quan điểm, nguyên tắc, quy trình về quy hoạch cán bộ theo tinh thần Nghị quyết số 42 của Bộ Chính trị về “Công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH”, Hướng dẫn số 410 ngày 17/11/2006 của Đảng uỷ khối Công nghiệp và tuân thủ những quy định về phân công, phân cấp quản lý cán bộ. Với nỗ lực, quyết tâm cao của BCH và Ban Thường vụ Đảng ủy nên công tác quy hoạch cán bộ của Nhà trường đạt nhiều kết quả.

 Hiện tại đội ngũ cán bộ quản lý chủ chốt của nhà trường gồm 40 người, hầu hết có trình độ sau đại học trở lên. Chất lượng cán bộ được quy hoạch đảm bảo về trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, cụ thể: cán bộ được quy hoạch vào các chức danh cán bộ diện Đảng uỷ khối quản lý có 100% cán bộ đạt trình độ trên đại học; có 64,7% cán bộ có trình độ cao cấp lý luận chính trị (LLCT).

 Trong quá trình thực hiện quy hoạch cán bộ, Đảng uỷ bám sát tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ LLCT, năng lực thực tiễn, trình độ quản lý của từng chức danh cán bộ để tiến hành quy hoạch. Việc thực hiện quy trình giới thiệu nhân sự quy hoạch cán bộ được chuẩn bị kỹ, cơ bản bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan, công khai, một chức danh được quy hoạch từ 2 đến 3 người, một người được quy hoạch 1-2 chức danh. Quá trình thực hiện quy hoạch cán bộ đã phát huy trí tuệ và đề cao tinh thần trách nhiệm của tập thể cấp uỷ.

 Tóm lại, những kế hoạch, thủ tục quy trình tuyển dụng, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ giảng viên và nhân viên; kế hoạch đánh giá và đánh giá lại cán bộ, giáo viên và nhân viên hợp đồng; công tác quy hoạch bổ nhiệm cán bộ quản lý mà trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã xây dựng và triển khai thực hiện trong những năm vừa qua là đúng hướng và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, hàng năm Nhà trường cần nghiên cứu, rà soát và cải tiến các thủ thục quy trình sao cho phù hợp với điều kiện cụ thể của Trường và trong quá trình triển khai, thực hiện các thủ tục quy trình, người quản lý cần vận dụng một cách linh hoạt, khoa học và sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập cũng như nâng cao vị thế và uy tín của Trường.

        Tài liệu tham khảo

 1. Nguyễn Thị Mỹ Lộc, Giáo trình cáo học quản lý nhân lực, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2003.

 2. “Báo cáo tiêu chí kiểm định chất lượng”. Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.

 3. “Thủ tục qui trình tuyển dụng cán bộ viên chức”. Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.

 4. “Thủ tục qui trình đánh giá năng lực cán bộ viên chức”. Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.

 

  • Tags: