Tóm tắt:

Trong những năm gần đây, hoạt động du lịch của thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương. Để đạt được kết quả trên, đó là nhờ các cấp chính quyền của thành phố Sầm Sơn nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung đã thực hiện quyết liệt và hiệu quả công tác quản lý nhà nước về du lịch. Bài viết này bàn về công tác quản lý nhà nước tại Sầm Sơn đối với hoạt động du lịch.

Từ khóa: quản lý nhà nước, du lịch, thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

1. Thực trạng phát triển du lịch tại Sầm Sơn - Thanh Hóa

Trong giai đoạn 2016 - 2020, du lịch Sầm Sơn có sự phát triển liên tục, số lượng khách du lịch tăng qua từng năm, tuy nhiên trước bối cảnh dịch bệnh diễn ra phức tạp trong  thời gian vừa qua dẫn đến lượng khách trong năm 2020 tụt giảm chỉ còn 65,65% so với năm trước; mức tăng cao nhất trong giai đoạn là năm 2019 với 15,5%, mức tăng thấp nhất là 2,02% năm 2018. (Bảng 1).

             Bảng 1. Số lượt khách theo ghi nhận từ các cơ sở lưu trú

Mai Anh VũNguồn: Báo cáo tổng kết du lịch TP. Sầm Sơn giai đoạn 2016 - 2020

Mặc dù khách du lịch đến Sầm Sơn tương đối đông, nhưng thời gian lưu trú lại ngắn. Thời gian trung bình lưu trú đạt cao nhất là 1,97 ngày/1 khách vào năm 2016. Thời gian lưu trú trung bình thấp nhất là 1,78 ngày/1 khách vào năm 2017. Năm 2019, lượng khách tới thăm quan du lịch cao nhất trong giai đoạn với 9,75 triệu lượt khách, nhưng thời gian lưu trú trung bình đạt mức 1,96 ngày/khách. (Bảng 2)

Bảng 2. Tổng số lượt khách và số ngày khách giai đoạn 2016 - 2020

Mai Anh VũNguồn: Báo cáo tổng kết du lịch TP. Sầm Sơn giai đoạn 2016 - 2020

Số lượng khách tăng liên tục, kéo theo doanh số cũng tăng theo trong giai đoạn 2016 - 2020 cho thấy du lịch Sầm Sơn đã có sự phát triển đáng kể. Doanh thu năm 2016 tăng 1,34 lần so với năm 2015 - mức tăng cao nhất trong giai đoạn và mức tăng thấp nhất là 11,7%. Năm 2020 do dịch Covid-19, Chính phủ thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội trong phòng dịch nên du lịch tại Sầm Sơn chỉ còn hoạt động được hơn một nửa mùa du lịch. Vì vậy, lượng khách giảm, doanh thu giảm trong năm 2020. (Bảng 3).

Bảng 3. Doanh thu từ hoạt động du lịch tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2010 - 2020

Mai Anh VũNguồn: Báo cáo tổng kết du lịch TP. Sầm Sơn giai đoạn 2016 - 2020

2. Thực trạng công tác quản lý nhà nước đối với hoạt đông dụ du lịch trên địa bàn thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa

Năm 2020, tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát, với những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội của thành phố Sầm Sơn, đặc biệt là ngành du lịch, dịch vụ thương mại. Song, được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự phối hợp của các sở, ban ngành cấp tỉnh; đặc biệt là sự tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt của cấp ủy, chính quyền thành phố trong việc chỉ đạo các đơn vị chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó với tình hình dịch bệnh; cùng với sự nỗ lực của các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị, các xã, phường, doanh nghiệp và nhân dân đã góp phần giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực của đại dịch đến phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Thành phố Sầm Sơn là một trong những địa phương phục hồi nền kinh tế sớm nhất, đặc biệt là ngành dịch vụ du lịch và là địa phương đầu tiên trong cả nước cho phép tổ chức các hoạt động du lịch biển ngay sau khi hết thời gian giãn cách xã hội. Thành phố Sầm Sơn đã thực hiện rất tốt công tác quản lý nhà nước về du lịch.

2.1. Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về du lịch

Ủy ban Nhân dân thành phố Sầm Sơn quản lý trực tiếp Phòng Văn hóa - Thông tin thành phố. Trong khi đó, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thanh Hóa là nơi hỗ trợ về nghiệp vụ du lịch cho cơ quan nói trên. Căn cứ vào các nội dung tham mưu của Phòng Văn hóa - Thông tin thành phố và các cơ quan, phòng ban chuyên môn của thành phố; UBND thành phố đã kết hợp với Tổng cục Du lịch, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thanh Hóa tổ chức hướng dẫn thực hiện Luật Du lịch do Nhà nước ban hành cho các cơ sở du lịch - dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố, đồng thời ban hành các chính sách thể hiện vai trò quản lý nhà nước về du lịch.

Phòng Văn hóa và Thông tin của thành phố có gồm 1 Trưởng phòng, 1 Phó trưởng phòng và 6 cán bộ, công chức. Trưởng phòng chịu trách nhiệm trước UBND, Chủ tịch UBND thành phố và trước pháp luật về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và toàn bộ hoạt động của Phòng. Phó trưởng phòng giúp Trưởng phòng phụ trách và theo dõi một số mặt công tác; chịu trách nhiệm trước Trưởng phòng và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công. Khi Trưởng phòng vắng mặt, một Phó trưởng phòng được Trưởng phòng ủy nhiệm điều hành các hoạt động của Phòng. Phòng Văn hóa và Thông tin được phân công nhiệm vụ và quyền hạn rất chi tiết và rõ ràng.

2.2. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch

Nhận thức được những tiềm năng to lớn của du lịch Sầm Sơn nên công tác xây dựng và tổ chức triển khai quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch cũng đã sớm được thực hiện; hàng năm có tổng kết đánh giá để có phương án điều chỉnh kịp thời. Ngày 17 tháng 7 năm 2017, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 2525/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040. Sự phát triển của du lịch Việt Nam nói chung và của Sầm Sơn nói riêng có nhiều cơ hội và thách thức mới trong bối cảnh Việt Nam hội nhập với quốc tế và khu vực. Thành phố Sầm Sơn đã chủ động, phối hợp với các ngành liên quan lập dự án điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của thành phố đến năm 2020. Đồng thời, đây cũng là cơ sở để thành phố xây dựng các kế hoạch 5 năm, hằng năm, thông qua đó giao chỉ tiêu phấn đầu cho các xã, phường trên địa bàn thành phố.

Sự phát triển của ngành Du lịch Việt Nam nói chung và của Sầm Sơn nói riêng có nhiều cơ hội và thách thức mới trong bối cảnh Việt Nam hội nhập với quốc tế và khu vực. Nhận thức được những tiềm năng to lớn của du lịch Sầm Sơn, nên công tác xây dựng và tổ chức triển khai quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch cũng đã sớm được thực hiện; hàng năm có tổng kết đánh giá để có phương án điều chỉnh kịp thời. Thành phố Sầm Sơn đã chủ động, phối hợp với các ngành liên quan lập dự án điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch. Ngày 17 tháng 7 năm 2017, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 2525/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040.

Mặt khác, để cụ thể hóa quy hoạch chung, thành phố xác định và tập trung ưu tiên xây dựng các đồ án quy hoạch và dự án mục tiêu về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật: quy hoạch phát triển giao thông đô thị; quy hoạch cấp nước, thoát nước đô thị; quy hoạch xử lý chất thải rắn; quy hoạch nghĩa trang nhân dân đảo Sầm Sơn; quy hoạch hệ thống cây xanh trên các tuyến đường.

Công tác quản lý quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch của thành phố Sầm Sơn ngày càng đi vào nề nếp. Tăng cường công tác quản lý và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực xây dựng; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quản lý hoạt động xây dựng, tạo chuyển biến rõ nét trong công tác kiểm tra, giám sát quản lý xây dựng theo quy hoạch, xây dựng và thực hiện nếp sống văn minh đô thị.

2.3. Công tác quản lý dịch vụ du lịch

Năm 2020, thành phố đã ban hành 20 phương án tổ chức, quản lý các hoạt động du lịch. Các phương án được xây dựng một cách khoa học, cụ thể, phân công rõ nhiệm vụ cho các phòng, ban, đơn vị, UBND các xã, phường. Nhìn chung, các phòng, ban, đơn vị, xã, phường và các tổ chức liên quan  đã thực hiện tương đối tốt nhiệm vụ được phân công, góp phần quan trọng vào thành công của hoạt động du lịch dịch vụ.

Bên cạnh đó, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 1035/QĐ-UBND ngày 6/4/2020 về việc thành lập Tổ kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh dịch vụ thương mại, du lịch trên địa bàn thành phố Sầm Sơn với 9 thành viên là lãnh đạo, chuyên viên của các phòng chuyên môn. Tổ kiểm tra có nhiệm vụ giúp UBND thành phố thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn để kịp thời tham mưu cho UBND thành phố văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh và xử lý các trường hợp vị phạm các quy định của pháp luật, cũng như địa phương trong việc tổ chức các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch. Qua đó, ý thức của người kinh doanh đã được nâng lên rõ rệt; chất lượng của hầu hết các dịch vụ năm 2020 đã có tiến bộ, rõ nhất là qua thái độ ứng xử của người dân, trong công tác quản lý giá cả, đo lường, thực hiện niêm yết và bán theo giá niêm yết.

2.4. Công tác quảng bá, tuyên truyền

Trong năm 2020, UBND thành phố đã phối hợp với trên 30 cơ quan báo chí có văn phòng thường trú tại Thanh Hóa tổ chức viết bài tuyên truyền về điểm đến an toàn, cũng như các hoạt động kích cầu du lịch của thành phố.

Chỉnh trang và làm mới gần 24 biển nội quy bãi biển trên khuôn viên phía Đông đường Hồ Xuân Hương.

Tổ chức hoạt động có hiệu quả website du lịch Sầm Sơn (Dulichsamson.gov.vn), bổ sung các tính năng mới cho website như số hóa đồ họa 3D, bản đồ định vị chỉ đường, hỗ trợ khách du lịch đặt phòng tự động thông qua cổng thông tin, giới thiệu các điểm tham quan, mua sắm, khu vui chơi, làng nghề, cẩm nang du lịch, cơ sở lưu trú, giới thiệu tour trọng điểm trong địa bàn thành phố và của tỉnh.

Năm 2020, thành phố tiếp tục đầu tư kinh phí triển khai tu bổ, chỉnh trang, sửa chữa máy tăng âm, kéo dây cáp trục tín hiệu, hoàn thành đưa vào vận hành sử dụng thêm 6 cụm loa với chiều dài 1.500m từ đường Hai Bà Trưng đến khu vực Vạn Chài, nâng tổng số loa truyền thanh phục vụ cho công tác tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị cũng như hoạt động du lịch của thành phố lên 82 loa. Hệ thống truyền thanh của Thành phố đã thông báo phát thanh tuyên truyền 1.030 lượt phương án quản lý du lịch; 150 tin, bài du lịch, giới thiệu danh lam thắng cảnh, di tích của thành phố; 890 tin tìm trẻ lạc, 60 tin tìm giấy tờ rơi,… Đặc biệt, vào thứ 4 hàng tuần, duy trì phát sóng Chuyên mục Môi trường Du lịch, thời lượng từ 5 phút - 10 phút, phát vào khung giờ: 17 giờ và phát lại 6 giờ 30 phút sáng thứ 5 hàng tuần.

Lập Fanpage Facebook: https://www.facebook.com/www.dulichsamson.gov.vn/ để quảng bá, kích cầu hình ảnh du lịch của thành phố trên mạng xã hội và hiện có hơn 9.950 nghìn lượt đăng ký, tương tác, thích và chia sẻ ở trang này.

2.5. Công tác chỉnh trang đô thị, vệ sinh môi trường

UBND thành phố Sầm Sơn đã ban hành các văn bản về việc tạm dừng thi công các công trình đang thi công tại các khu vực kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố trong thời gian diễn ra các hoạt động của Lễ hội và các tháng cao điểm du lịch Sầm Sơn. Đồng thời, vận động các tổ chức, cá nhân có nhà nghỉ, khách sạn, cơ sở kinh doanh, chỉnh trang lại công trình, vật kiến trúc, lắp đặt hệ thống đèn trang trí, biển hiệu, trồng cây xanh,... tự giác tháo dỡ các kết cấu công trình mái che, mái vẩy, biển quảng cáo ảnh hưởng đến trục cảnh quan, mỹ quan đô thị.

Tiếp tục không bố trí kinh doanh tại vỉa hè hai bên đường Hồ Xuân Hương và khuôn viên bãi biển (trừ các hạng mục kinh doanh đã ký kết với Tập đoàn FLC) để tạo không gian đi bộ, dạo mát cho du khách và nhân dân. Sắp xếp lại các bến thuyền trên khu vực bãi biển để mở rộng bãi tắm, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Sửa chữa 132 bộ đèn cao áp tại các tuyến đường phục vụ cho hoạt động du lịch và Lễ khởi công dự án quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội thành phố Sầm Sơn. Trong năm, thành phố đã phối hợp với các sở, ngành, cơ quan đơn vị tổ chức rà soát các điểm xây dựng nhà vệ sinh công cộng, các biển chỉ dẫn phục vụ cho hoạt động du lịch.

UBND thành phố tiếp tục ban hành Phương án 748/PA-UBND ngày 09/3/2020 về đảm bảo vệ sinh môi trường đô thị năm 2020, trong đó, quy định cụ thể về thời gian thu gom và vận chuyển rác thải trên địa bàn thành phố, nhất là các khu, điểm du lịch nhằm đảm bảo môi trường đô thị luôn Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp.

2.6. Công tác phòng chống dịch bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm

Trong năm 2020, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 198/QĐ-UBND ngày 16/1/2020 về việc thành lập đoàn thẩm định vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố. Tổ chức thẩm định và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm cho 101 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Ban hành Phương án số 704/PA-UBND về đảm bảo công tác vệ sinh an toàn thực phẩm trong mùa du lịch năm 2020; Tổ chức 05 lớp cập nhật kiến thức VSATTP cho gần 600 người lao động trực tiếp sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm, những người phục vụ ăn uống ở các hàng ăn đường phố và các khách sạn, nhà nghỉ. Tổ chức thanh tra chuyên ngành về công tác đảm bảo vệ sinh ANTT đối với 54 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố (trong đó, xử lý vi phạm 20 cơ sở, phạt hành chính 64.500.000 đồng). Tổ chức ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm cho 324 cơ sở thuộc ngành Y tế đã góp phần làm tốt công tác giám sát ngộ độc thực phẩm tại cơ sở; không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm với số lượng đông người. không để xuất hiện các dịch bệnh lây lan rộng, đặc biệt số lượng ngộ độc thực phẩm trong năm được giảm thiểu đáng kể, không có trường hợp tử vong vì ngộ độc thực phẩm trên địa bàn thành phố.

Ban Chỉ đạo du lịch Sầm Sơn duy trì các Tổ điều hành của UBND thành phố; chú trọng tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực dịch vụ du lịch; thành lập đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện “mục tiêu kép” vừa kiểm tra toàn diện các lĩnh vực hoạt động du lịch, dịch vụ; vừa kiểm tra công tác phòng, chống dịch, bệnh Covid-19. Ngoài ra, còn tăng cường tối đa các hoạt động gắn với các phương án phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

2.7. Công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ

Thành phố đã thành lập 5 đội quản lý trật tự du lịch, hoạt động trên khuôn viên bãi biển, núi Trường Lệ và các trục đường chính của thành phố. Vào những tháng cao điểm của du lịch, các đội tổ chức trực, tuần tra 24/24h hàng ngày. Các đội bảo vệ liên ngành đã trực tiếp phát hiện nhiều vụ việc liên quan đến an ninh trật tự (ANTT); đã thu giữ 523 kg hải sản các loại, 1.142 phao và áo bơi các loại, 95 giác hơi, 210 chiếu; phối hợp với Ban chỉ đạo du lịch và Tổ tuyên truyền, vận động của UBND phường ra quân 4 buổi làm trật tự dưới khuôn viên bãi biển. Vì vậy, tình hình ANTT năm 2020 được thực hiện tốt. Trên địa bàn không để xảy ra các vụ trọng án, các vụ việc phức tạp. Tình trạng trộm cắp, cò lơ dẫn khách, ép khách, ép giá giảm đáng kể. Các vụ việc liên quan đến du khách được xử lý kiên quyết, kịp thời.

Tiếp tục ban hành phương án tổ chức giao thông trên địa bàn thành phố và phương án quản lý các bãi trông giữ xe trên địa bàn thành phố; Bổ sung hệ thống biển báo giao thông; sơn vạch điểm dừng đỗ cho ô tô, xe điện, xích lô; tổ chức nhiều đợt cao điểm tuyên truyền, tuần tra kiểm soát đảm bảo ATGT; kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè gây mất ATGT. Qua đó, đã phát hiện 2.072 trường hợp vi phạm, phạt tiền 1.251.510.000 đồng. Hệ thống camera hỗ trợ công tác an ninh, đảm bảo an toàn giao thông tại các ngã ba, ngã tư đường trong nội thành và các nơi tập trung đông người hoặc có nguy cơ về ANTT.

Công tác phòng, chống cháy nổ được quan tâm, trong năm 2020, UBND thành phố đã chỉ đạo Công an thành phố phối hợp Phòng Cảnh sát PCCC tỉnh tổ chức 4 lớp huấn luyện nghiệp vụ PCCC với tổng học viên tham gia là 718 người; hướng dẫn 206 cơ sở tự tổ chức thực tập phương án chữa cháy của cơ sở.  Kiểm tra, xử lý hành chính về PCCC 54 trường hợp; ra 54 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC. Xử phạt vi phạm hành chính 43 trường hợp.

2.8. Công tác thanh tra, kiểm tra các điều kiện kinh doanh

Năm 2020, UBND thành phố đã chỉ đạo Đội Kiểm tra liên ngành chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra các lĩnh vực như quản lý giá, điều kiện kinh doanh đối với các dịch vụ kinh doanh có điều kiện,... đặc biệt xử lý kiên quyết các vụ việc có tính chất điển hình, các vụ việc mà du khách phản ánh qua đường dây nóng. Đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố bố trí 100% quân số ứng trực 24/24h, nhất là trong những ngày nghỉ Lễ và những ngày cuối tuần, sẵn sàng ứng trực và kịp thời xử lý các vụ việc theo chỉ đạo từ đường dây nóng của thành phố. Tuy nhiên, năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid -19, Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố chỉ tổ chức kiểm tra và xử lý các vụ việc phản ánh qua đường dây nóng. Kết quả, thành phố đã tổ chức kiểm tra phát hiện và xử lý 25 vụ, xử lý 11 vụ (trong đó có 1 vụ gian lận thương mại, 7 vi phạm về giá, 3 vụ vi phạm về ghi nhãn hàng). Qua đó, từng bước chấn chỉnh và góp phần nâng cao ý thức cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn.

2.9. Đào tạo nguồn nhân lực

Năm 2020, UBND thành phố đã ban hành phương án số 737/PA-UBND ngày 09/3/2020 về Tập huấn cán bộ quản lý và người lao động tham gia hoạt động du lịch dịch vụ năm 2020. Theo phương án, thành phố đã tổ chức cập nhật kiến thức quản lý nhà nước về du lịch, các phương án, quy định về kinh doanh dịch vụ du lịch của địa phương cũng như nghiệp vụ chuyên môn trong quản lý khách sạn nhà hàng cho hơn 500 cán bộ và gần 3.000 lao động trực tiếp.

3. Đánh giá việc thực hiện công tác quản lý nhà nước của UBND TP. Sầm Sơn đối với hoạt động du lịch

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới còn diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng đến hoạt động du lịch của cả nước nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng, trong đó có thành phố Sầm Sơn nhận thấy việc thực hiện công tác quản lý nhà nước tại Sầm Sơn trong thời gian vừa qua đạt được nhiều hiệu quả rất đáng được ghi nhận.

Thứ nhất, UBND TP. Sầm Sơn đã thực hiện công tác quy hoạch và kế hoạch phát triển du lịch của thành phố có sự đổi mới toàn diện cả về nội dung, phương pháp và tổ chức thực hiện, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn xây dựng chiến lược và kế hoạch kinh doanh của mình sát hợp với thị trường, phù hợp với định hướng phát triển chung của địa phương. Mặt khác, hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư phát triển từ hạ tầng giao thông đường thủy, đường bộ đến các phương tiện giao thông được đầu tư về số lượng và chất lượng; đã tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm hơn, nhờ đó khắc phục được một phần hiện tượng đầu tư dàn trải, gây lãng phí.

Thứ hai, TP. Sầm Sơn đã thực hiện tốt công tác tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về du lịch với bộ máy tinh gọn hiệu quả. Có sự phân công nhiệm vụ chi tiết, quyền hạn rõ ràng và có sự phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan. Đồng thời, thành phố đã ban hành những văn bản kịp thời, chính xác giúp cho công tác quản lý nhà nước về du lịch đạt nhiều hiệu quả.

Thứ ba, công tác quảng bá tuyên truyền và phòng chống dịch bệnh được triển khai đồng loạt và đem lại hiệu quả thiết thực. Việc phối hợp với các cơ quan truyền thông báo chí và hệ thống truyền thông thông tin tại chỗ đã giúp TP. Sầm Sơn quảng bá hình ảnh, tuyên truyền có hiệu quả việc thực hiện các hoạt động du lịch. Giúp các cơ sở kinh doanh, cư dân địa phương và khách du lịch nhận thức được việc phải tham gia hoạt động du lịch để có được lợi ích kinh tế vừa phòng chống dịch bệnh Covid-19, từ đó góp phần thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ là vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Thứ tư, công tác đào tạo, bồi dưỡng và hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch được tăng cường. Chuẩn bị tương đối chu đáo về kế hoạch tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn về du lịch. Chương trình, nội dung và thời gian tổ chức các lớp học phù hợp với từng loại đối tượng, do đó chất lượng các lớp học đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra. Qua đó, cập nhật kiến thức quản lý nhà nước về du lịch cho các cán bộ. Trang bị cho học viên nhiều kiến thức bổ ích về kỹ năng, nghiệp vụ cho người lao động, từng bước nâng cao chất lượng quản lý và phục vụ khách du lịch.

Thứ năm, công tác đảm bảo an ninh trật tự, kiểm tra, thanh tra đối với hoạt động du lịch được duy trì thường xuyên, góp phần ổn định thị trường, đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh du lịch, giữ gìn kỷ cương pháp luật trong hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố.

Tài liệu tham khảo:

  1. UBND thành phố Sầm Sơn, Thanh Hóa (2020). Báo cáo tổng kết hoạt động du lịch các năm 2015 - 2016 - 2017 - 2018 - 2019 - 2020.
  2. Cục Thống kê tỉnh Thanh Hóa (2018). Niên giám thống kê tỉnh Thanh Hóa năm 2018.
  3. Cục Thống kê tỉnh Thanh Hóa (2020). Niên giám thống kê tỉnh Thanh Hóa năm 2020.

THE STATE MANAGEMENT OF SAM SON CITY’S AUTHORITIES ON LOCAL TOURISM ACTIVITIES

Trinh Xuan Truong 1

Mai Anh Vu 2

1 Thanh Hoa Province School of Politics

2 Thanh Hoa University of Culture, Sports and Tourism

Abstract:

In recent years, tourism activities of Sam Son City, Thanh Hoa Province have experienced a strong growth, positively contributing to the general local and provincial socio-economic development. This encouraging result is thanks to the authorities of Sam Son City in particular and of Thanh Hoa Province in general as they have drastically and effectively implemented the state management on tourism sector. This paper presents the state management of Sam Son City’s authorities on local tourism activities.

Keywords: state management, tourism, Sam Son City, Thanh Hoa Province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 19, tháng 8 năm 2021]