Quản lý nhà nước về khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang

TS. Nguyễn Văn Đại (Giảng viên, Phó Trưởng Khoa Luật học - Trường Đại học Vinh), CN. Huỳnh Thị Ngọc Thuận (Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang)

Tóm tắt:

Quản lý nhà nước trong các lĩnh vực, quản lý nhà nước về tài nguyên luôn là chủ đề được sự quan tâm đặc biệt của các nhà quản lý, người nghiên cứu khoa học, đặc biệt là từ khi Luật Tài nguyên nước năm 2012 ra đời. Tài nguyên nước dưới đất là nguồn tài nguyên vô cùng quan trọng quyết định đến sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng lãnh thổ và quốc gia. Tuy nhiên, thực tiễn quản lý nhà nước về lĩnh vực này ở các địa phương nước ta đang còn bộc lộ những tồn tại, vướng mắc cần phải được khắc phục hoàn thiện cả về mặt thể chế và tổ chức thực hiện. Bài viết được các tác giả phân tích dựa trên thực tiễn tại tỉnh Tiền Giang.

Từ khóa: quản lý nhà nước, tài nguyên nước dưới đất, tỉnh Tiền Giang.

1. Khái niệm, đặc điểm, vai trò quản lý nhà nước về khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất của Ủy ban nhân dân

1.1. Khái niệm, đặc điểm quản lý nhà nước về khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất của Ủy ban nhân dân

Quản lý nhà nước về khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất là hoạt động xây dựng, ban hành pháp luật, tổ chức thực hiện pháp luật của Nhà nước, đó là sự tác động có tổ chức và điều chỉnh bằng pháp luật đối với các quá trình xã hội và hành vi hoạt động của con người trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất do các chủ thể trong hệ thống cơ quan nhà nước thực hiện nhằm thực thi chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước, ổn định, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích chung của cộng đồng.

Việc quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả tài nguyên nước có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của con người, vì vậy nó đã trở thành chủ đề quan trọng không chỉ đối với Việt Nam mà luôn là chủ đề được bàn thảo nhiều nhất trên các diễn đàn quốc tế. Bên cạnh đó, trước xu thế toàn cầu hóa, mở cửa, hội nhập với thế giới và khu vực, Nhà nước đóng vai trò là người định hướng, dẫn dắt sự phát triển kinh tế, bảo đảm thống nhất các lợi ích cơ bản trong xã hội. Do đó, quản lý nhà nước bằng pháp luật về khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có một số đặc điểm sau đây:

Thứ nhất, quản lý nhà nước về khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất của UBND là quá trình tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên nước. Điều này khẳng định rằng, chính sách về tài nguyên nước cũng như bất kỳ chính sách nào của Nhà nước, chỉ có thể thực hiện và phát huy đầy đủ, có hiệu quả khi được xác lập dưới một hình thức pháp luật nhất định. Do tính tổ chức và điều chỉnh phổ biến của pháp luật là bảo đảm hữu hiệu cho sự quản lý của Nhà nước trên phạm vi toàn xã hội.

Thứ hai, quản lý nhà nước tạo hành lang pháp lý an toàn, thuận lợi cho lĩnh vực khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất phát triển trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước đã được pháp luật điều chỉnh theo nguyên tắc “Tiết kiệm, an toàn, có hiệu quả; đảm bảo sử dụng tổng hợp, đa mục tiêu, công bằng, hợp lý, hài hòa lợi ích, bình đẳng về quyền và nghĩa vụ giữa các tổ chức, cá nhân”. Nguyên tắc này cho phép mọi tổ chức, cá nhân có quyền khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất để phục vụ cho các mục đích sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, các mục đích khác và được Nhà nước bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp trong quá trình khai thác, sử dụng.

Thứ ba, quản lý nhà nước về khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất hướng đến mục tiêu khắc phục mặt trái của cơ chế thị trường, thực hiện công bằng xã hội. Quản lý, bảo vệ, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên nước dưới đất; phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra đảm bảo cân bằng giữa nhu cầu cho sinh hoạt, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường trên từng lưu vực sông, từng vùng, từng địa phương, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phù hợp với khả năng đáp ứng của tài nguyên nước trong điều kiện biến đổi khí hậu. Hướng tới quản trị tổng hợp lĩnh vực tài nguyên nước trên nền tảng công nghệ số; quản lý, sử dụng tài nguyên nước theo chu trình tuần hoàn, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, phục vụ đa mục tiêu, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Thứ tư, quản lý nhà nước về khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất phù hợp với quan hệ quản lý tài nguyên nước quốc tế trong tiến trình toàn cầu hóa. Theo luật quốc tế hiện nay, quốc gia sở tại có chủ quyền đối với mọi nguồn tài nguyên nằm trong lãnh thổ của mình, đó là quyền khai thác, quản lý nguồn nước, không khí cũng như mọi tài nguyên trong lãnh thổ quốc gia và những quốc gia khác có nghĩa vụ tôn trọng chủ quyền đó. Cụ thể, nguồn nước quốc tế (sông, hồ, nước ngầm quốc tế) là những loại tài nguyên có thể mở rộng phạm vi sử dụng qua nhiều quốc gia, điều này cũng dẫn đến khả năng việc khai thác tài nguyên ở quốc gia này sẽ gây thiệt hại cho quốc gia khác.

1.2. Vai trò của quản lý nhà nước về khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất của Ủy ban nhân dân

Thứ nhất, bảo đảm cho hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất được thực hiện theo các quy định thống nhất, công bằng, bảo đảm lợi ích của các chủ thể, hướng đến thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Tài nguyên nước là một ngành liên quan đến nhiều ngành khác trong nền kinh tế. Điều 70, 71 của Luật Tài nguyên nước quy định: Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về tài nguyên nước trong phạm vi cả nước, Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước UBND cấp tỉnh tham mưu quản lý nhà nước về tài nguyên nước trong phạm vi của tỉnh, Phòng Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước UBND cấp huyện tham mưu quản lý nhà nước về tài nguyên nước trong phạm vi của huyện, Công chức Địa chính - Môi trường chịu trách nhiệm trước UBND cấp xã tham mưu quản lý nhà nước về tài nguyên nước trong phạm vi của xã.

Thứ hai, bảo đảm thực hiện đầy đủ chức năng quản lý nhà nước về khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất.

UBND cấp tỉnh tạo lập môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất phát triển theo cơ chế thị trường. Trước hết và quan trọng nhất là môi trường về chính trị - xã hội ổn định. Đồng thời, UBND cấp tỉnh phải tạo lập môi trường pháp lý, tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn, cùng một sân chơi chung, cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế. UBND cấp tỉnh kết hợp các quy luật kinh tế khách quan với chủ trương, chính sách, cơ chế nhằm phát huy tác dụng chức năng và nhiệm vụ khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất, mở rộng thị trường, khuyến khích phát triển sản xuất, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về hàng hóa và dịch vụ.

UBND cấp tỉnh xây dựng quy hoạch, đồng thời ban hành các kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh gắn với khả năng cung cấp của nguồn nước, bảo vệ tài nguyên nước; bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông, không vượt quá ngưỡng khai thác đối với các tầng chứa nước và có các biện pháp bảo đảm đời sống dân cư.

Thứ ba, góp phần thực hiện được yêu cầu, mục tiêu cụ thể của quản lý nhà nước về khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất.

Trong nền kinh tế thị trường, UBND cấp tỉnh đóng vai trò là người định hướng, dẫn dắt sự phát triển trong lĩnh vực khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất, bảo đảm thống nhất các lợi ích cơ bản trong toàn tỉnh. Sự định hướng đó trước hết là bằng chiến lược, quy hoạch và pháp luật, đề ra những mục tiêu chung cho sự phát triển, công bằng, thống nhất, dung hòa các quyền lợi chung và riêng. Trong thời kỳ phát triển của nền kinh tế thị trường qua nhiều thập kỷ qua cho đến nay, vai trò quản lý về khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất của UBND cấp tỉnh đã được khẳng định cả về lý luận và thực tiễn.

2. Đánh giá thực trạng quản lý nhà nước về khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang

2.1. Về những kết quả đạt được

Thứ nhất, bảo đảm tốt các nguyên tắc quản lý nhà nước về khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất của UBND tỉnh Tiền Giang

UBND tỉnh tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc Đảng lãnh đạo trong quản lý nhà nước về khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất, thông qua việc cụ thể hóa bằng Kế hoạch, Chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Tỉnh ủy. Nguyên tắc tập trung dân chủ được thực hiện thường xuyên trong công tác chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh. Nguyên tắc làm việc của UBND tỉnh Tiền Giang được cụ thể hóa trong Quy chế làm việc của UBND tỉnh. UBND tỉnh làm việc theo chế độ kết hợp giữa quyền hạn, trách nhiệm của tập thể UBND tỉnh với quyền hạn, trách nhiệm của cá nhân Chủ tịch và cá nhân từng thành viên UBND tỉnh. Nguyên tắc quản lý theo ngành, chức năng kết hợp với quản lý theo địa phương được UBND tỉnh Tiền Giang vận dụng tốt trong quản lý nhà nước về khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất trên phạm vi toàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh chấp hành sự chỉ đạo điều hành trực tiếp từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất từ Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Thứ hai, bảo đảm thẩm quyền quản lý nhà nước về khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang.

Theo thẩm quyền quản lý nhà nước bằng pháp luật về khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất, Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ được giao từ ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước; khoanh định, công bố vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất; cấp, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ, thu hồi giấy phép về tài nguyên nước dưới đất thẩm quyền; hướng dẫn việc đăng ký khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất; báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường về tình hình quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước dưới đất; xây dựng cơ sở dữ liệu; quản lý, lưu trữ thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước; thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm pháp luật về tài nguyên nước.

Thứ ba, bảo đảm đầy đủ nội dung quản lý nhà nước về khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang.

Trên cơ sở quy định của pháp luật về khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất ở Trung ương, theo nhiệm vụ phân cấp UBND tỉnh, từng bước xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất ở địa phương. Thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; bảo đảm trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc tuân thủ, chấp hành, sử dụng, áp dụng đúng đắn pháp luật tài nguyên nước của cán bộ, công chức, tổ chức, cá nhân hoạt động cấp nước và người dân trên địa bàn quản lý; công tác giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật cũng được quan tâm, tổ chức thực hiện thường xuyên góp phần thực hiện tốt pháp luật về khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất.

Thứ tư, bảo đảm các hình thức quản lý nhà nước về khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang.

Công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật của UBND tỉnh bảo đảm đúng theo trình tự, thủ tục luật định. Việc ban hành các văn bản áp dụng quy phạm pháp luật để giải quyết từng công việc cụ thể cũng được thực hiện theo quy định. Ngoài ra, UBND tỉnh còn áp dụng những biện pháp tổ chức trực tiếp và thực hiện những tác động về nghiệp vụ - kỹ thuật trong hoạt động quản lý, chỉ đạo và điều hành.

2.2. Những hạn chế, vướng mắc và nguyên nhân

Một là, việc chấp hành quy định về quan trắc, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất chưa nghiêm, chưa thực hiện được việc tổng hợp các tài liệu quan trắc nhằm chỉnh lý, phân tích và dự báo định lượng thường kỳ sát với thực tế; đồng thời, tỷ lệ thất thoát trong quá trình khai thác nước dưới đất của các tổ chức, cá nhân còn khá cao (trên 20%), gây lãng phí tài nguyên nước. Nguyên nhân giai đoạn năm 2017 - 2021, theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Thông tư số 47/2017/TT-BTNMT ngày 7/11/2017 về giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước rất khó thực hiện: tần suất quan trắc mực nước quá dầy (2 lần/ngày), giám sát chất lượng nước không cụ thể về tần suất và các thông số quan trắc.

Hai là, quy định về hạn chế khai thác tại Nghị định số 167/2018/NĐ-CP ngày 26/12/2018 của Chính phủ, trong đó có tiêu chí sử dụng giá trị mực nước động để hạn chế khai thác nước dưới đất, mực nước động cho phép của từng giếng được tính từ mặt đất tại khu vực xung quanh giếng đến một nửa bề dày của tầng chứa nước không áp hoặc đến mái của tầng chứa nước có áp thuộc địa bàn tỉnh Tiền Giang không được vượt quá 30m là chưa hợp lý. Bởi lẽ, giá trị mực nước động phụ thuộc vào nhiều yếu tố của công trình khai thác trong quá trình thi công, nó không đại diện cho giá trị mực nước của tầng chứa nước tại khu vực đó.

Ba là, đối với các trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất phải đăng ký theo quy định tại khoản 2 Điều 44 Luật Tài nguyên nước, thì Nghị định số 201/2013/NĐ-CP của Chính phủ có quy định về đăng ký khai thác nước dưới đất theo khoản 4 Điều 44 Luật Tài nguyên nước. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai quy định về đăng ký khai thác nước dưới đất, tỉnh đã gặp khó khăn trong công tác thẩm định hồ sơ đăng ký và trong công tác quản lý đối tượng đăng ký. Cụ thể: không quy định về độ sâu giếng, kết cấu giếng khoan (lưu lượng ≤ 10 m3/ngày đêm); thiếu quy định về lắp đặt thiết bị đo lưu lượng nước khai thác để làm cơ sở xác định quy mô khai thác đối với các trường hợp khai thác nước dưới đất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có quy mô không vượt quá 10 m3/ngày đêm; điều này gián tiếp dẫn đến việc có thể các đối tượng né tránh việc đề nghị xin cấp phép theo quy định. Đây là một bất cập trong quy định về đăng ký khai thác nước dưới đất khi tổ chức triển khai ở địa bàn có số lượng đối tượng đăng ký khai thác nước dưới đất rất lớn như tỉnh Tiền Giang.

Bốn là, việc sử dụng đất công đặt giếng khoan. Qua kết quả rà soát, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 351 giếng khoan (54 tổ chức; 109 tổ hợp tác, cá nhân) đặt trên đất không đúng mục đích sử dụng theo quy định (đất công, đất giáo dục, đất y tế, đất tôn giáo,...). Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị UBND cấp huyện tổ chức rà soát bước đầu xác định: có 168 giếng khoan phải di dời; 183 giếng khoan có thể thực hiện thủ tục thuê đất theo quy định (đối với các trường hợp đất đặt giếng khoan phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất năm 2021 và đăng ký, bổ sung vào kế hoạch sử dụng đất năm 2022 đối với trường hợp không phù hợp kế hoạch sử dụng đất năm 2021).

Năm là, việc khai thác, sử dụng nước dưới đất để cấp nước sinh hoạt tại các trạm cấp nước không đạt chất lượng theo quy định ở khu vực huyện Chợ Gạo và huyện Gò Công Tây. Theo Kế hoạch số 82/KH-UBND ngày 01/4/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh năm 2020 và sau năm 2020, kế hoạch đã xác định danh mục đầu tư các dự án, công trình phục vụ cấp nước sinh hoạt cho khu vực phía Đông của tỉnh, trong đó đầu tư 8 tuyến ống trên địa bàn huyện Gò Công Tây và đầu tư 4 tuyến ống trên địa bàn huyện Chợ Gạo để cải thiện chất lượng nước cho khu vực xã Hòa Định, xã Xuân Đông, xã Bình Phan, xã Bình Phục Nhứt, huyện Chợ Gạo theo phương thức đấu nối, tiếp nhận nguồn nước Nhà máy Nước Đồng Tâm thay thế nguồn nước dưới đất không đạt chất lượng trên địa bàn huyện Chợ Gạo và huyện Gò Công Tây.

3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang

3.1. Giải pháp về xây dựng, hoàn thiện pháp luật

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức lấy ý kiến các địa phương xây dựng hồ sơ sửa đổi Luật Tài nguyên nước năm 2012. Theo đó, Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sẽ bao gồm các nội dung: Bảo đảm an ninh tài nguyên nước, thống nhất quản lý nguồn tài nguyên nước nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả; tăng cường xã hội hóa các hoạt động: quan trắc tài nguyên nước, phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; bảo vệ lòng bờ, bãi sông, khôi phục cảnh quan, phát triển nguồn sinh thủy. Bên cạnh đó, bổ sung quy định về kinh tế nước, coi sản phẩm nước là hàng hóa thiết yếu được quản lý, vận hành theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước; khuyến khích, thu hút các nguồn lực xã hội, các thành phần kinh tế đầu tư vào ngành Nước nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng, bảo vệ. Đồng thời, bổ sung công cụ kinh tế, cơ chế tài chính liên quan đến phân bổ nguồn thu cho các đối tượng thụ hưởng từ hoạt động bảo vệ nguồn sinh thủy. Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) dự kiến sẽ trình Bộ Tư pháp thẩm định, trình Chính phủ cho ý kiến và đề xuất đưa vào chương trình sửa đổi luật của Quốc hội năm 2023.

Ngoài ra, trong quá trình triển khai thi hành Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước gặp phải một số vướng mắc, đòi hỏi phải đơn giản hóa một số thủ tục hành chính, trong đó có nội dung các biểu mẫu, báo cáo tại Thông tư số 27/2014/TT-BTNMT quy định việc đăng ký khai thác nước dưới đất, mẫu hồ sơ cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép tài nguyên nước để bảo đảm phù hợp với hiện trạng khai thác, sử dụng nước của các đối tượng, nhất là các công trình thủy lợi. Trên cơ sở đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường có Công văn số 1963/BTNMT-TNN ngày 18/4/2022 góp ý kiến cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 201/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã có công văn số 2116/UBND-KT ngày 20/4/2022 về việc góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 201/NĐ-CP của Chính phủ.

3.2. Giải pháp về tổ chức thực hiện

Thứ nhất, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tài nguyên nước. Để xây dựng nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, đòi hỏi mọi hoạt động của Nhà nước phải theo pháp luật và quản lý xã hội bằng pháp luật. Đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền giáo dục pháp luật sâu rộng trong cộng đồng để nâng cao ý thức pháp luật và thực hiện pháp luật cho cán bộ, công chức, tổ chức và cá nhân là yêu cầu khách quan. Đất nước ta đang trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế nhiều chính sách, pháp luật mới chứa đựng nhiều nội dung, quy định mới và thay đổi thường xuyên, nếu không kịp thời tuyên truyền phổ biến, giáo dục cho cán bộ, công chức, tổ chức và cá nhân sẽ dẫn đến tình trạng không biết luật, nhiều khi vi phạm là do thiếu hiểu biết pháp luật. Hoạt động phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật có nội dung riêng, chủ thể thực hiện, hình thức thực hiện khác nhau và ngay cả kinh phí bảo đảm thực hiện từng hoạt động phổ biến, tuyên truyền giáo dục pháp luật cũng có nhiều nguồn khác nhau.

Thứ hai, đối với việc sử dụng đất công đặt giếng khoan ở các địa phương. Đối với các trường hợp giếng khoan đặt trên đất công buộc phải di dời: hoàn thành việc di dời và thực hiện trám lấp giếng trước ngày 31/12/2025. Cụ thể: (1) đối với các giếng khoan có giấy phép hết hạn trước ngày 31/12/2022 thì được xem xét tiếp tục cho gia hạn/cấp mới 1 năm để thực hiện di dời và trám lắp giếng khoan cũ do không đủ điều kiện gia hạn trong thời hạn 3 năm; (2) đối với các giếng khoan có giấy phép hết hạn sau năm 2022 thì cho tiếp tục sử dụng giếng khoan cho đến khi giấy phép hết hiệu lực và phải đảm bảo hoàn thành việc di dời và trám lấp giếng khoan trước khi giấy phép hết hiệu lực. Đối với các trường hợp giếng khoan đủ điều kiện để thực hiện thủ tục thuê đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013: yêu cầu tổ chức, cá nhân phải hoàn thành việc thuê đất theo quy định trước ngày 31/12/2023. Các trường hợp giấy phép khai thác hết hạn trước ngày 31/12/2022 thì được xem xét tiếp tục cho gia hạn giấy phép đến ngày 31/12/2023. Kể từ ngày 01/01/2024, các trường hợp không thực hiện thuê đất thì thực hiện lấp hủy giếng theo quy định.

Thứ ba, tăng cường các hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra; xử lý nghiêm minh, kịp thời mọi vi phạm pháp luật về khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất. Quản lý nhà nước về khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất đòi hỏi mọi hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải được thực hiện theo quy định của pháp luật và mọi hành vi vi phạm phải được xử lý nghiêm minh, kịp thời. Một trong những điều kiện để thực hiện đạt nội dung trên là phải tăng cường các hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra đối với lĩnh vực tài nguyên nước.

Đối với HĐND tỉnh, tăng cường hoạt động giám sát đối với hoạt động của UBND tỉnh nói chung và hoạt động trên lĩnh vực tài nguyên nước nói riêng. HĐND tỉnh phải giám sát chuyên sâu các chuyên đề về lập quy hoạch khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước dưới đất; điều tra, xác định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; về tổ chức thực hiện quy định pháp luật tài nguyên nước.

UBND tỉnh tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động của Sở Tài nguyên và Môi trường - cơ quan chịu trách nhiệm chính trong quản lý nhà nước về khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất, vì nếu không làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên sẽ không kịp thời phát hiện những hạn chế, thiếu sót để khắc phục, sửa chữa sẽ gây ảnh hưởng, thậm chí kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tài liệu tham khảo:

  1. Thủ tướng Chính phủ (2014). Quyết định số 182/QĐ-TTg ngày 23/1/2014 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Kế hoạch nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ, sử dụng tổng hợp tài nguyên nước giai đoạn 2014 - 2020.
  2. Thủ tướng Chính phủ (2012). Quyết định số 1474/QĐ-TTg ngày 5/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu.
  3. Thủ tướng Chính phủ (2021). Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể điều tra cơ tra tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
  4. Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang (2021). Quyết định số 14/2021/QĐ-UBND ngày 18/6/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang ban hành Quy định quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
  5. Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang (2022). Kế hoạch số 13/KH-UBND ngày 13/1/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang ban hành kế hoạch thực hiện điều tra tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

THE STATE MANAGEMENT OF EXPLOITING AND USING GROUNDWATER RESOURCES IN TIEN GIANG PROVINCE

Ph.D Nguyen Van Dai1

Huynh Thi Ngoc Thuan2

1Lecturer, Vice Dean, Faculty of Law, Vinh University

2Chau Thanh District Department of Natural Resources and Environment, Tien Giang province

Abstract:

State management in general and the state management of water resources in particular has always been a topic of special interest to managers and scientific researchers, especially since the promulgation of the Law on Water Resources in 2012. Groundwater resources are extremely important resources that determine the socio-economic development of a region and a country. However, the state management of groundwater resources in many localities in Vietnam has revealed many shortcomings in terms of regime and implementation organization. This paper analyzes the state management of groundwater resources in Tien Giang province.

Keywords: state management, groundwater resources, Tien Giang province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 16, tháng 6 năm 2022]