Quản lý phần vốn nhà nước theo phương thức PPP

Huy động sự tham gia của khu vực tư nhân để bổ sung cho nguồn vốn nhà nước và ODA vào các dự án kết cấu hạ tầng là rất cần thiết, mà phương thức đối tác công - tư (PPP) là một hình thức thích hợp. Như

Thu hút nguồn vốn tư nhân

Vừa qua, các nhà soạn thảo đã đưa ra Dự thảo (lần thứ tư) Nghị định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Đầu tư theo hình thức đối tác công tư là việc thực hiện các dự án trên cơ sở hợp đồng thỏa thuận về quyền, trách nhiệm và phân chia rủi ro giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để đầu tư trong các lĩnh vực quy định tại Điều 3 Dự thảo Nghị định này, bao gồm 9 lĩnh vực: 1. Kết cấu hạ tầng giao thông; 2. Hệ thống cung cấp nước sạch; hệ thống thoát nước; 3. Nhà máy điện, đường dây tải điện, cơ sở sản xuất năng lượng; 4. Kết cấu hạ tầng y tế, giáo dục, đào tạo, dạy nghề, văn hóa, thể thao; 5. Kết cấu hạ tầng thông tin, truyền thông, viễn thông; 6. Kết cấu hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp; Kết cấu hạ tầng thương mại; 7. Kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; 8. Trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước; nhà ở xã hội; 9. Dịch vụ công.

Ở nước ta, phương thức PPP với các hình thức như BOT, BTO… đã sớm được triển khai ở nhiều dự án hạ tầng, như dự án cầu Rạch Miễu, cầu Đồng Nai mới, tuyến tránh Quốc lộ 1A, đoạn qua TP. Phan Rang - Tháp Chàm… Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 71/2010/QĐ-TTg Ban hành Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Từ đó đến nay, việc triển khai các dự án PPP theo Quyết định 71 tuy đạt được những kết quả nhất định, nhưng còn không ít khó khăn, trở ngại cả về nhận thức, khuôn khổ thể chế và thực tiễn triển khai, mà rõ nét nhất là chưa có nhiều dự án thực hiện theo Quyết định này. Trong khi đó, nhu cầu đầu tư phát triển rất lớn, nếu không huy động được khu vực tư nhân tham gia ở mức khoảng 60% tổng vốn đầu tư phát triển thì Nhà nước không đủ kinh phí đầu tư tất cả các lĩnh vực.

Vì vậy, gánh nặng rất lớn đặt lên vai các nhà soạn thảo là thiết kế Nghị định Về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, sao cho thu hút được các nhà đầu tư tiềm năng vào phát triển cơ sở hạ tầng ở Việt Nam trong thời gian tới trong điều kiện môi trường pháp lý và năng lực cụ thể ở Việt Nam.

Quản lý phần vốn nhà nước

Theo định nghĩa của chính quyền bang British Columbia (Canada) thì PPP là “sự phối hợp giữa các cơ quan chính phủ và tổ chức tư nhân nhằm cung cấp cơ sở hạ tầng công, các tiện nghi cho cộng đồng và các dịch vụ liên quan”. Hiện nay, trên thế giới và ở Việt Nam, việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng chủ yếu bằng ngân sách nhà nước đang chuyển sang một xu hướng mới, là có sự giúp sức của khu vực tư nhân vào xây dựng những cơ sở hạ tầng hiện đại. Bản chất của sự hợp tác này là tư nhân hùn vốn cùng với nhà nước trong cung cấp cơ sở hạ tầng và dịch vụ công.

Dự án đường cao tốc từ Dầu Giây - Phan Thiết là dự án đầu tiên theo hình thức hợp tác công - tư

Vì thế một vấn đề được đặt ra là, làm sao quản lý được phần vốn nhà nước trong sự hợp tác này. Tại Điều 9 Dự thảo Nghị định đã thiết kế hình thức một Ban chỉ đạo ở cấp quốc gia về đầu tư PPP để giúp Chính phủ chỉ đạo, điều phối việc thực hiện đầu tư PPP với 3 nhiệm vụ là:

- Giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc và điều phối hoạt động giữa các bộ, ngành và địa phương trong quản lý và thực hiện đầu tư theo hình thức đối tác công tư; đồng thời, giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh.

- Chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư PPP.

Ở bên dưới, tức cấp bộ, ngành và địa phương có bộ phận chuyên trách quản lý nhà nước về đầu tư PPP với 5 nhiệm vụ:

a) Xây dựng các cơ chế, chính sách về thu hút đầu tư và đầu tư PPP.

b) Xây dựng kế hoạch dài hạn, trung hạn và hàng năm về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng PPP.

c) Tổ chức xúc tiến đầu tư, huy động vốn đầu tư; công bố danh mục dự án đầu tư PPP.

d) Tham mưu thực hiện các quyền, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong lĩnh vực đầu tư PPP.

đ) Theo dõi đánh giá các dự án, định kỳ tổng hợp các báo cáo về tình hình thực hiện và hiệu quả thu hút sử dụng vốn đầu tư.

Việc thiết kế những tổ chức ở cấp quốc gia và cấp bộ, ngành, địa phương trong việc quản lý phần vốn và dự án theo hình thức PPP, đã khắc phục được những điểm yếu của Quyết định 71 trước đó. Bởi lẽ, việc thực hiện đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng PPP thời gian qua cho thấy, sử dụng phương thức PPP đặc biệt tốn kém cho các giai đoạn chuẩn bị dự án (phần vốn này từ ngân sách nhà nước trung ương và địa phương) do những yêu cầu chặt chẽ và ở mức cao về kỹ thuật, tài chính, pháp luật, tư vấn quốc tế, v.v… nhất là việc soạn thảo một hợp đồng dự án có chất lượng trong hồ sơ mời thầu. Chính quyền ở cấp địa phương (do không có bộ phận chuyên trách quản lý PPP) trong nhiều trường hợp không tiên liệu được tất cả những chi phí này, chỉ thấy được một hình thức đầu tư dự án mới đang trong giai đoạn thí điểm, đang được tạo nhiều điều kiện thuận lợi từ cơ chế quản lý và cung cấp tài chính. Do vậy dẫn đến nhiều trường hợp đề xuất áp dụng phương thức PPP tùy tiện trong khi nhiều dự án hoặc có quy mô quá nhỏ, hoặc hoàn toàn có khả năng áp dụng các phương thức đầu tư giản tiện hơn.

Trần Thành Thọ