TÓM TẮT:

Quản lý tập thể quyền tác giả đã hình thành cách đây hơn 200 năm, nhưng đối với Việt Nam vẫn còn nhiều điều mới mẻ. Tuy chúng ta đã không ngừng nỗ lực, liên tục nâng cao tiếp thu các thành tựu mới nhưng với điều kiện kinh tế còn hạn chế, cộng với nhận thức còn chưa cao của phần đa các tầng lớp người dân, khiến cho việc hình thành tổ chức quản lý tập thể quyền, bước đầu trong công cuộc quản lý của các cơ quan chức năng, cũng nhưng việc nâng cao phát huy vai trò của quản lý tập thể vẫn còn nhiều khó khăn và thử thách. Bài báo nhằm đưa ra thực trạng quản lý quyền tác giả hiện nay, đồng thời đề xuất các biện pháp nhằm hoàn thiện cơ chế quản lý tập thể quyền tác giả tại Việt Nam.

Từ khóa: quản lý tập thể quyền tác giả, quyền tác giả, quyền liên quan.

 1. Yêu cầu hình thành quản lý tập thể quyền tác giả

Quản lý tập thể là bước tiến quan trọng trong quá trình quản lý quyền tác giả, đáp ứng những yêu cầu phát triển đối với các sản phẩm đa phương tiện, các tiến bộ kỹ thuật mới đang được áp dụng rộng rãi trong môi trường công nghệ số.

Quản lý tập thể là kinh nghiệm lịch sử của nhân loại, bắt nguồn từ các nước phát triển, đã mở đường để đạt được sự hài hòa về lợi ích trong quan hệ giữa Người sáng tạo - Nhà sử dụng - Công chúng hưởng thụ. Sự cần thiết của việc hình thành quản lý tập thể quyền tác giả có thể xét trên các góc độ sau:

Về góc độ kinh tế: Tác giả là người độc quyền trong việc sử dụng hoặc cho phép người khác sử dụng tác phẩm của mình. Điều đó có nghĩa khi muốn sử dụng tác phẩm trong thời gian địa điểm hay cách thức như thế nào, tất cả cần phải thông qua ý kiến của tác giả và đều do ý chí chủ quan của tác giả quyết định. Một tác giả không thể có khả năng giám sát tất cả các loại hình sử dụng tác phẩm của mình trong đời sống hàng ngày, đồng thời cũng không thể tự mình liên lạc đến từng đài phát thanh hay truyền hình để thương lượng thù lao và ngược lại, một tổ chức phát sóng sẽ kém hiệu quả nếu tự mình tìm kiếm sự cho phép của tất cả các tác giả cho việc sử dụng có bản quyền.

Về góc độ bảo vệ quyền: Lịch sử cho thấy những tranh chấp pháp lý giữa chủ thể quyền sở hữu trí tuệ với các tổ chức biểu diễn sử dụng tác phẩm hay cơ quan công quyền đều có kết quả bất lợi từ phía người sáng tạo tác phẩm, đây là cuộc đối đầu không cân sức giữa một bên là cá nhân tác giả chuyên sáng tạo tác phẩm với một bên là các tổ chức chuyên nghiệp trong việc sử dụng tác phẩm hay cơ quan mang quyền lực nhà nước. Từ đó bài học thực tiễn rút ra là luôn có một sự liên kết giữa chủ thể quyền sở hữu trí tuệ lại với nhau, hình thành một tổ chức vừa bảo vệ tác phẩm, cung cấp biểu phí, tiết kiệm thời gian và tạo tiếng nói cho tập thể tác giả đối với cộng đồng xã hội.

Về góc độ quản lý nhà nước: Việc hình thành tổ chức quản lý quyền cho tập thể tác giả là công cụ thực thi pháp luật góp phần chia sẻ và giảm bớt gánh nặng cho nhà nước đối với những công việc vượt quá hoạt động quản lý của các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Tạo sự bình đẳng trong các mối quan hệ cá nhân, bảo vệ các giá trị cốt lõi tinh hoa của tác phẩm, nâng cao vị thế của tác giả. 

Từ những yêu cầu thực tiễn trên cho thấy việc hình thành một tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả là hệ quả tất yếu, phù hợp với tiến trình phát triển của xã hội, đáp ứng nguyện vọng chính đáng trên nhằm bảo vệ toàn vẹn tác phẩm và thu lợi nhuận vật chất xứng đáng với giá trị của nó, đồng thời phục vụ lợi ích cho các chủ thể quyền và góp phần bảo đảm thực thi một cách có hiệu quả quyền tác giả theo đúng pháp luật.

"Quản lý tập thể là việc thực hiện quyền tác giả và quyền liên quan bởi các tổ chức đại diện và vì quyền lợi của chủ sở hữu".

2. Hệ thống tổ chức quản lý tập thể ở Việt Nam

Từ những năm 80 của thế kỷ XX, IFPI - Liên đoàn công nghiệp ghi âm quốc tế, CISAC - Liên đoàn quốc tế các công ty đại diện quyền của các tác giả và soạn giả, đã đến Việt Nam để truyền bá những kiến thức cơ bản về quản lý tập thể quyền tác giả, quyền liên quan. Điểm nhấn quan trọng là vào tháng 4 năm 2002, WIPO đã phối hợp với Việt Nam tổ chức Hội thảo về hoạt động của tổ chức quản lý quyền, quy tụ các chuyên gia của WIPO được mời đến từ các quốc gia phát triển, các quốc gia trong khu vực có đặc điểm tương đồng với Việt Nam, với nội dung giới thiệu pháp luật quốc tế, pháp luật quốc gia và kinh nghiệm thực thi.

Cơ sở pháp lý cho việc ra đời tổ chức phi chính phủ đã được quy định tại Sắc lệnh số 102/SL-R400, ngày 20 tháng 5 năm 1957 và Nghị định số 88/2003 NĐ-CP, ngày 30 tháng 7 năm 2003, sau này là quy định tại Điều 56 Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam 2005, Điều 41 Nghị định 100/2006 NĐ-CP, ngày 21 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ.

Các tổ chức QLTT QTG ở Việt Nam có địa vị pháp lý là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, hoạt động theo mô hình hội hoặc trung tâm bản quyền, tuân theo nguyên tắc phi lợi nhuận, tự nguyện, tự quản, tự trang trải kinh phí và chịu trách nhiệm trước pháp luật, đại diện theo ủy quyền cho các cá nhân, thành lập có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng. Quyền và nghĩa vụ của các tổ chức QLTT QTG được quy định tại khoản 3 điều 56 Luật Sở hữu trí tuệ:

  • Thực hiện các hoạt động khuyến khích sáng tạo và các hoạt động xã hội khác;
  • Hợp tác với các tổ chức tương ứng của tổ chức quốc tế và của các quốc gia trong việc bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan;
  • Báo cáo theo định kỳ và đột xuất về hoạt động đại diện tập thể cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đóng vai trò quan trọng cho sự ra đời các tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả, đồng thời thực hiện chức năng quản lý và hỗ trợ hoạt động của hệ thống này. Hiện các tổ chức quản lý tập thể đang từng bước phát huy và khẳng định vai trò không thể thiếu của mình đối với các chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan, bao gồm: Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam - VCPMC; Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam - VLCC; Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam - RIAV; Hiệp hội quyền sao chép Việt Nam - VIETRRO; Hội bảo vệ quyền của Nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam – APPA.

3. Vấn đề quản lý tập thể quyền tác giả tại Việt Nam

3.1. Chồng lấn lĩnh vực quản lý

Nguyên tắc quản lý tập thể quyền tác giả quy định rõ chỉ một tổ chức duy nhất có thể được phép quản lý cùng một quyền giống nhau cho cùng một nhóm chủ sở hữu quyền giống nhau (được áp dụng ở hầu hết các quốc gia, đơn cử như ở Thụy Sĩ và Hungari). Đối với Việt Nam, trong lĩnh vực bản ghi âm tác phẩm âm nhạc tại Việt Nam chỉ do riêng RIAV quản lý hay như quyền tác giả âm nhạc tại Việt Nam do VCPMC phụ trách, không có thêm bất kì tổ chức nào đứng ra cùng quản lý.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, vẫn chưa có sự phân biệt cụ thể các nhóm lĩnh vực quản lý đặc biệt là những nhóm lĩnh vực gần tương đồng nhau. Trên thực tế, đã ghi nhận trường hợp quản lý chồng lấn, như trong lĩnh vực tác phẩm âm nhạc. Điển hình là vào năm 2010, RIAV đã có cuộc vận động giới nhạc sĩ ký hợp đồng ủy thác với Hiệp hội RIAV để khai thác tác phẩm âm nhạc dưới nhiều hình thức như sử dụng tác phẩm để làm chương trình ghi âm trên băng ghi âm, đĩa quang, công nghệ số; xuất bản các ấn phẩm... Sau đó, VCPMC vừa có thông báo gửi Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Cục Bản quyền tác giả, Hiệp hội Công nghiệp ghi âm (RIAV) cùng gần 1.700 nhạc sĩ thành viên, để phản đối việc làm này. VCPMC cho rằng, theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ và điều lệ hoạt động của VCPMC thì toàn bộ quyền mà RIAV định ký với các tác giả (nhạc sĩ) đều đã được các tác giả ủy thác cho VCPMC quản lý và khai thác.

Cả hai tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả đều đưa ra các lập luận lý lẽ của mình, qua đó cũng phản ánh các quy định chưa rõ ràng của pháp luật về chức năng của các tổ chức quản quyền.

VCPMC căn cứ vào chức năng quản lý riêng của từng tổ chức cho rằng RIAV là tổ chức quản lý quyền liên quan của các tổ chức sản xuất bản ghi âm, ghi hình và đã lấn sang phạm vi của VCPMC là tổ chức quản lý quyền tác giả âm nhạc, qua đó gây ra xung đột pháp lý khi các tác giả khi cùng một tác phẩm nhưng ký ủy thác cho hai tổ chức quản lý tập thể. Trong khi RIAV khẳng định tác giả hoàn toàn có quyền ký ủy thác độc quyền cho VCPMC hoặc lựa chọn cách làm việc trực tiếp với các hãng băng đĩa. Thêm vào đó, căn cứ vào Điều 5.3 và 5.4, Chương II quy định trách nhiệm, quyền hạn của RIAV (Quyết định số 31/2003/QD-BNV ngày 16.6.2003 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ) cho thấy, RIAV có thể đại diện cho hội viên để tiến hành bảo vệ quyền tác giả cho giới nhạc sĩ đang có những tác phẩm được phổ biến qua các hình thức ghi âm, ghi hình.

Có thể khẳng định pháp luật Việt Nam đang thiếu những quy định trong việc phân chia các nhóm quyền và lĩnh vực cụ thể cho từng tổ chức quản lý hay giao toàn bộ quyền hạn quản lý cho một tổ chức quản lý nhất định.

3.2. Cấp phép độc quyền cho người sử dụng

Một trong những yếu tố quan trọng nhất của hệ thống quản lý tập thể là khả năng cấp phép cho người sử dụng để sử dụng toàn bộ kho tác phẩm do tổ chức quản lý tập thể đó quản lý, hoạt động cấp phép góp phần thúc đẩy mối quan hệ giữa các tổ chức quản lý tập thể và các đơn vị sử dụng.

Thực tế thì các chủ thể quyền tác giả tại Việt Nam lại thực hiện và quản lý các quyền của họ theo cách riêng của mỗi chủ thể. Các tác giả có thể thỏa thuận trực tiếp với từng bên sử dụng tác phẩm hay thông qua hình thức ủy quyền cho các tổ chức quản lý tập thể quản lý và khai thác quyền của mình theo các phương thức sau:

- Phương thức thứ nhất: các tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm đã thỏa thuận trả phí trực tiếp với các tác giả khi sử dụng tác phẩm của họ.

- Phương thức thứ hai: các tác giả có thể giao kết hợp đồng ủy quyền quản lý và khai thác quyền với một tổ chức quản lý tập thể để được hưởng thù lao cho các tác phẩm của mình.

Thực tế, đã có những tranh chấp lợi ích giữa bên sử dụng tác phẩm và tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả liên quan đến quyền được độc quyền nhận cấp phép sử dụng, và nếu phần thắng thuộc về bên sử dụng tác phẩm thì chắc chắn giá trị của tổ chức quản lý quyền sẽ bị giảm.

Qua đó nhận thấy, pháp luật Việt Nam chưa quy định về vấn đề giấy cấp phép, nghĩa là toàn bộ các quy định về vấn đề này phải dựa vào văn bản của pháp luật sở hữu trí tuệ và pháp luật dân sự. Theo đó, các chủ sở hữu quyền chỉ có thể chuyển giao một số quyền cho một tổ chức quản lý tập thể khi có hợp đồng ủy thác quyền.

3.3. Vị thế tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả

Độc quyền sử dụng và cấp phép sử dụng là quyền quan trọng nhất của tác giả đối với tác phẩm của mình. Tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả không chỉ đại diện mang tính chất tập thể cho cộng đồng tác giả mà còn còn là tiếng nói chung bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả. Thực tế việc vi phạm bản quyền và không trả tiền tác quyền cho tác giả xảy ra thường xuyên tại Việt Nam. Điều đáng nói ở đây không chỉ là quyền lợi của tác giả bị xâm phạm mà qua đó còn cho thấy vai trò thực tế của các tổ chức quản lý tập thể quyền hiện nay vẫn chưa được tôn trọng và đánh giá cao.

Chẳng hạn, đầu tháng 3/2012 tại Hà Nội, có hai chương trình ca nhạc cùng mang tên 'Ru tình,' cùng sử dụng các sáng tác của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. 'Ru tình' của Công ty cổ phần Interbrand VN có sự đồng ý của gia đình tác giả, còn 'Ru tình' của Liên đoàn Xiếc Việt Nam lại có giấy phép của Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Cụ thể ngày 1/7/2011, bà Trịnh Vĩnh Trinh - đại diện cho những người thừa kế của gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã ký hợp đồng tác quyền với Công ty cổ phần Interbrand VN, cho phép công ty này được độc quyền sử dụng các tác phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong vòng 1 tháng từ ngày 10/2/2012 đến 10/3/2012. Ngày 2/9/2011, phía gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lại ký Hợp đồng ủy quyền quản lý và khai thác quyền tác giả âm nhạc với Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) trong thời hạn 2 năm. Đến ngày 27/12/2011, Liên đoàn Xiếc Việt Nam tới VCPMC nộp tiền tác quyền để sử dụng ca khúc Trịnh Công Sơn vào các ngày 7 và 8/3/2012 thì được VCPMC chấp thuận việc khai thác tác phẩm. Ngày 28/12/2011, sau khi nhận được thông tin gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã ký hợp đồng tác quyền với Công ty cổ phần Interbrand VN, VCPMC lập tức có công văn gửi đến Liên đoàn Xiếc Việt Nam thông báo hủy bản đăng ký của chương trình đã cấp và mời đại diện đến nhận lại tiền tác quyền đã nộp. Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã có công văn trả lời nêu rõ việc biểu diễn đã được Cục Nghệ thuật biểu diễn thụ lý và cấp giấy phép số 259/GP-NTBD cho chương trình "Ru tình” do Cục trưởng Vương Duy Biên ký vào ngày 19/12/2011. Theo quy định trong Quyết định số 47/2004/QĐ-BVHTT về Hoạt động và tổ chức biểu diễn chuyên nghiệp, có nội dung không bắt buộc các đơn vị tổ chức biểu diễn phải có sự đồng ý của tác giả mới được cấp phép biểu diễn.”

Thói quen từ thời bao cấp và một thời gian dài hoạt động, các tổ chức biểu diễn gần như không quan tâm đến vấn đề tác quyền. Chính các nhạc sĩ cũng đã quen với việc sáng tác mà không cần thu tác quyền, chỉ cần sáng tác của mình được công chúng đón nhận, được nhiều người nhớ, nhiều người hát thì đã là niềm hạnh phúc. Ở Việt nam vài năm trở lại đây, tuy pháp luật sở hữu trí tuệ đã khẳng định vai trò quan trọng trong quá trình thực thi và bảo vệ những tác phẩm sáng tạo của tác giả, nhưng với việc các quyết định hành chính lấn quyền sang các quyền tư nhân bằng những quy định xâm phạm đến quyền tác giả trở thành thực trạng vi phạm nghiêm trọng, không chỉ đánh giá mức độ thực thi quyền yếu kém mà còn tác động không nhỏ đến vai trò phát triển giá trị tri thức trong nền kinh tế tri thức tại Việt nam hiện nay.

Qua thực trạng trên, có thể đánh giá tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả tại Việt Nam tuy đã hình thành, nhưng chưa có địa vị pháp lý “đủ lớn” để thực hiện vai trò của mình, các quy định của pháp luật làm co hẹp phạm vị áp dụng của các tổ chức tổ chức quản lý quyền tác giả hay cụ thể đang chèn ép quyền tác giả.

4. Đề xuất hoàn thiện quản lý tập thể về quyền tác giả

4.1. Nâng cao vị thế các tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả

Các tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả hiện nay phần đa vẫn mang tính chất thu-chi là chính, chức năng đại diện bảo vệ cho tập thể tác giả không được đề cao do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan tác động, từ đó phát sinh nhiều hệ quả tiêu cực trên thực tế, do vậy tác giả đề xuất một số ý kiến nhằm nâng cao vị thế của các tổ chức quản lý tập thể quyền như sau:

- Bộ Tài chính ban hành biểu phí áp dụng cụ thể cho việc sử dụng các tác phẩm thuộc quyền tác giả và quyền liên quan, có sự đóng góp ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Nội vụ, trên cơ sở đề xuất biểu giá của tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả. Đồng thời, quy định các biện pháp chế tài cho việc không thực hiện đúng biểu phí đối với chủ thể sử dụng và có biện pháp giám sát biểu phí cụ thể (trình bày phần 3.2) đối với các tổ chức quản lý tập thể quyền.

- Tôn trọng quyền của tác giả/chủ sở hữu tác phẩm trong việc cấp phép cho các chủ thể sử dụng, qua đó đề cao quyền đại diện và quản lý cấp phép sử dụng của các tổ chức quản lý tập thể quyền; Ban hành quy định về chế tài các hành vi vi phạm quyền tác giả, loại bỏ các quy định "mập mờ".

- Thiết lập quy chế chung cho toàn bộ tổ chức quản lý, phân định cụ thể vai trò chức năng của các tổ chức quản lý tập thể quyền trong từng lĩnh vực nhất định, tránh chồng lấn.

4.2. Biện pháp kiểm soát biểu giá

Tại Việt Nam các tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả chỉ có thể thực hiện mô hình cấp phép dựa trên cơ sở giấy phép tự nguyện, quản lý tập thể kiểu truyền thống - tức là dựa trên cơ sở những hợp đồng ủy thác cụ thể, với những tác phẩm cụ thể. Các quy định pháp luật hiện tại đã hình thành một cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các tổ chức quản lý tập thể. Điều này đem đến nhiều lợi thế cho các tổ chức quản lý tập thể. Tuy nhiên, trong tương lai theo xu hướng tất yếu khi các tổ chức quản lý tập thể nhận được thẩm quyền cấp giấy phép, đó là việc giám sát của cơ quan nhà nước là tối cần thiết, để hạn chế tình trạng độc quyền trên thực tế của các tổ chức quản lý tập thể và thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh.

 Bên cạnh việc áp dụng kiểu mô hình quản lý tự do truyền thống, thực tế các cơ chế giám sát hiện tại còn rất lỏng lẻo và thiếu các quy định chi tiết. Vì vậy, trong thời gian sắp tới, các cơ quan nhà nước cần có cơ chế giám sát chặt chẽ hoạt động của tổ chức quản lý tập thể. Đặc biệt là đối với các biểu giá trong lĩnh vực âm nhạc chính là một trong những yếu tố tác động rất nhiều đến thị trường sử dụng tác phẩm âm nhạc. Biểu giá không phù hợp sẽ hạn chế quyền tiếp cận tác phẩm của các đơn vị sử dụng và qua đó cộng đồng cũng không được thụ hưởng những tác phẩm có chất lượng. Khi đó, tổ chức quản lý tập thể sẽ không có được các hợp đồng cấp phép sử dụng và vì vậy mà sẽ không thu được tiền bản quyền, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của các chủ sở hữu quyền.

Vì những lý do này mà tác giả đề xuất giải pháp thiết lập cơ chế kiểm duyệt biểu giá. Vì biểu giá được thiết lập theo định kỳ hàng năm, vì vậy sẽ không quá khó khăn và mất nhiều thời gian cho việc soạn thảo và kiểm duyệt biểu giá. Mặt khác, biểu giá nếu được kiểm duyệt sẽ là cơ sở vững chắc để các tổ chức quản lý tập thể có thể dễ dàng làm việc với các đơn vị sử dụng. Việc kiểm duyệt biểu giá sẽ hạn chế khả năng tạo ra tình trạng độc quyền trên thực tế cho tổ chức quản lý tập thể, đồng thời vẫn duy trì một sự tự do nhất định cho các chủ sở hữu quyền. Vì vậy, trong trường hợp các tổ chức quản lý tập thể hoạt động không hiệu quả, các chủ sở hữu quyền vẫn có thể tiến hành cấp phép riêng lẻ.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2005). Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi bổ sung 2010).
  2. Thỏa thuận TRIPS(1994). Những khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ.
  3. Mihály Ficsor (2006). Quản lý tập thể quyền tác giả và quyền liên quan. Cục Bản quyền tác giả Việt Nam.
  4. Vũ Thị Thanh Tú (2010). Tổng quan về quản lý tập thể quyền tác giả, quyền liên quan - Một số đối chiếu với quản lý tập thể quyền tác giả, quyền liên quan ở các nước phát triển, chương trình nghiên cứu do Wallonie - Bruxelles International tài trợ.
  5. Vũ Mạnh Chu (2008). Chuyên đề về vấn đề Tổ chức quản lý tập thể, Trang thông tin Cục Bản quyền tác giả Việt Nam.
  6. Bùi Nguyên Hùng (2009). Một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động khai thác, chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan ở nước ta hiện nay. (Chuyên đề số 6, Đề tài NCKH về tài sản ảo, Ủy ban Kinh tế Quốc hội, 2009).
  7. Mạc Minh Quang (2007), Nâng cao năng lực của các cơ quan có thẩm quyền trong lĩnh vực xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, Luận văn Thạc sĩ Quản lý Khoa học và Công nghệ, VNU.
  8. Phó Đức Phương (2015), “Thực thi luật quyền tác giả hợp lý trong môi trường số và phương hướng bảo hộ nội dung trên truyền hình”, Bài phát biểu tại hội thảo, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam.
  9. Daniel Gervais. (2015). Collective management copyright and related rights. Innbundet: Kluwer Law International.

 

THE COLLECTIVE MANAGEMENT OF COPYRIGHT IN VIETNAM: EXISTING SHORTCOMINGS AND SOLUTIONS

Master. VO ANH PHUC 1

Master. PHAN DANG NGOC YEN VAN 1

1 Faculty of Business Administration – International Economics, Lac Hong University

ABSTRACT:

Collective management of copyright was established more than 200 years ago. However, it is a relatively new concept in Vietnam. Although Vietnam has constantly made efforts and continuously absorbed new  achievements, economic challenges and low awareness of most people make it quite difficult for the implementation of collective management of copyright. This paper presents the current situation of copyright management in Viettnam and proposes some measures to improve the collective management of copyright mechanism in Vietnam.

Keywords: collective management of copyright , copyright, related rights.

 

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 9, tháng 4 năm 2021]