Quản lý thị trường: Huy động tổng lực ứng phó khẩn cấp với dịch tả lợn châu Phi

Để phòng chống và ngăn chặn sự lây lan dịch tả lợn châu Phi, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) ban hành Công văn huy động toàn bộ lực lượng QLTT các tỉnh, thành tăng cường phối hợp kiểm tra việc vận chuyển, kinh doanh lợn, thịt lợn và sản phẩm từ lợn.

Hiện nay, dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện tại Việt Nam, đặc biệt tại hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình, các cơ quan chức năng đã phát hiện các ổ dịch tả lợn Châu Phi và có nguy cơ lây lan sang các tỉnh lân cận.

Để phòng chống và ngăn chặn sự lây lan dịch tả này, Tổng cục QLTT ban hành Công văn số 325/TCQLTT-CNV ngày 20 tháng 2 năm 2019 đề nghị Cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường phối hợp với cơ quan liên quan trên địa bàn thuộc ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Y tế tăng cường kiểm tra việc vận chuyển, kinh doanh lợn, thịt lợn và sản phẩm từ lợn.

Đặc biệt, Cục QLTT tỉnh Hưng Yên và Thái Bình và các tỉnh lân cận cần chủ động phối hợp với cơ quan thực hiện chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân, Ban chỉ đạo 389 tỉnh, thành phố triển khai quyết liệt các biện pháp ngăn chặn, khống chế dịch tả lợn Châu Phi.

dịch tả lợn châu phi
Tổng Cục QLTT đã ban hành công văn, huy động toàn bộ lực lượng QLTT tại các tỉnh, thành để có những giải pháp phòng chống và ngăn chặn sự lây lan dịch tả lợn châu Phi

Theo báo cáo nhanh của Cục QLTT địa phương, Các Đội QLTT huyện, thành phố phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trên địa bàn theo dõi nắm bắt tình hình, tăng cường kiểm tra tại các đầu mối giao thông, các điểm thu gom, tập kết, trung chuyển thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn, chú trọng vào các địa bàn đông dân cư, các khu công nghiệp nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi kinh doanh, vận chuyển thịt lợn, sản phẩm từ thịt lợn, nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch…

Bên cạnh đó, lực lượng QLTT các tỉnh, thành cũng tập trung lực lượng cho công tác chống dịch, trực tiếp điều động cán bộ tham gia Ban Chỉ đạo, Tổ công tác phòng chống dịch và tham gia các chốt kiểm dịch tại các đầu mối giao thông do UBND tỉnh thành lập.

Đồng thời, Cục QLTT các tỉnh, thành cũng đã chỉ đạo các Đội QLTT địa bàn huyện, thành phố tham gia các Đoàn kiểm tra liên ngành huyện, xã, thống kê các tổ chức, cá nhân có trang trại chăn nuôi lợn, cơ sở giết mổ để tuyên truyền và kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển kinh doanh trái phép động vật, sản phẩm động vật, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn.

Như đã thông tin, ngày 20/02/2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa có thông báo về việc xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi tại Hưng Yên và Thái Bình với 3 ổ dịch tại các huyện, thị xã. Cụ thể, Hưng Yên có 2 ổ dịch gồm 130 con lợn, Thái Bình có một ổ dịch với 123 con nhiễm bệnh.

Sau khi phát hiện các ổ dịch trên, Cục Thú y đã tiến hành tiêu hủy ngay lập tức toàn bộ số lợn có xét nghiệm dương tính với bệnh dịch. Chính quyền địa phương đã lập các chốt chặn vận chuyển, buôn bán lợn sống, các sản phẩm từ thịt lợn và khử trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi, chợ dân sinh.

Bệnh dịch lợn tả châu Phi có cơ chế lây qua đường tiếp xúc với máu, dịch nhầy của lợn bệnh. Lợn bị bệnh có biểu hiện là sốt rất cao, chết từ từ chứ không chết đồng loạt như các loại bệnh lây qua đường hô hấp. Hiện nay, lợn mắc bệnh có tỷ lệ chết 100% vì chưa có thuốc chữa.

Theo thông tin từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE), tính từ năm 2017 đến ngày 18/2/2019, đã có 20 quốc gia báo cáo bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tổng cộng đã có hơn 1,08 triệu con lợn buộc phải tiêu hủy.

Từ ngày 3/8/2018 đến ngày 18/2/2019, Trung Quốc thông báo tổng cộng có 105 ổ dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại 25 tỉnh (trong đó có nhiều ổ dịch xảy ra tại tỉnh Vân Nam và Quảng Đông gần biên giới với Việt Nam). Tổng cộng đã có hơn 950.000 con lợn các loại buộc phải tiêu hủy.

Thu Thủy