Quản trị chuỗi cung ứng trong thương mại điện tử: trường hợp lựa chọn mô hình và chiến lược hoàn tất đơn hàng

TRẦN THỊ ÁNH (Khoa Hệ thống thông tin, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Bài viết nhằm khảo sát hiện trạng hậu cần thương mại điện tử (TMĐT) hay còn gọi là quản trị chuỗi cung ứng trong TMĐT. Trong đó, bài viết tập trung vào nghiên cứu các mô hình quản trị chuỗi cung ứng trong TMĐT và giải pháp phân phối hàng hóa thông qua kênh trực tuyến (Internet) đến người khách hàng. Bên cạnh đó, bài viết cũng sẽ khảo sát mô hình và chiến lược hoàn tất đơn hàng từ kinh nghiệm của Công ty toàn cầu Amazon và trường hợp Công ty Tiki tại Việt Nam, từ đó đề xuất giải pháp làm cơ sở áp dụng vào công ty khởi nghiệp TMĐT trong tương lai.

Từ khóa: thương mại điện tử, quản trị chuỗi cung ứng, hoàn tất đơn hàng, hậu cần.

1. Đặt vấn đề

TMĐT là quá trình mua, bán hoặc trao đổi sản phẩm, dịch vụ hoặc thông tin qua mạng máy tính (Turban và cộng sự, 2018). Trong TMĐT xét về bản chất giao dịch có thể chia ra làm 2 mô hình kinh doanh chính, đó là B2B (Business to Business) và B2C (Business to Consumer). Cùng với sự phát triển bùng nổ của TMĐT, dịch vụ hậu cần trong TMĐT cũng giữ vị trí vô cùng quan trọng khi góp phần hoàn tất đơn hàng cho khách hàng, bao gồm việc đóng gói, vận chuyển, thu tiền (nếu có) và hoạt động sau bán hàng cũng có thể được thực hiện. Hoạt động hậu cần là hoạt động kết nối toàn bộ các khâu từ nguyên vật liệu thô, qua sản xuất, phân phối và tới tay người dùng cuối. Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài báo này, tác giả chỉ nhấn mạnh và thực hiện nghiên cứu trong phạm vi hậu cần TMĐT bắt đầu từ khâu phân phối sản phẩm đến người dùng cuối của các doanh nghiệp thực hiện TMĐT. Ước tính dịch vụ hậu cần TMĐT có thể chiếm 40% giá mà khách hàng phải trả cho hàng hóa (Bayles và Bhatia, 2000).

Theo Báo cáo TMĐT các nước Đông Nam Á năm 2019 của Google, Temasek và Bain & Company, quy mô TMĐT bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của Việt Nam năm 2019 đã đạt 12 tỷ USD. Báo cáo này dự đoán tốc độ tăng trưởng trung bình cho cả giai đoạn 2015 - 2025 là 29%. Khi đó, quy mô TMĐT của Việt Nam sẽ vươn tới ngưỡng 43 tỷ USD và đứng ở vị trí thứ 3 trong khối ASEAN (Google, Temasek và Bain & Company,

“E-Conomy SEA”, 2019). Con số này cho thấy, TMĐT đang ngày càng phát triển lớn mạnh và cạnh tranh cũng khá gay gắt giữa các công ty nội địa và công ty nước ngoài gia nhập vào thị trường TMĐT tại Việt Nam.

Quản trị chuỗi cung ứng trong TMĐT thường bao gồm 3 giai đoạn chính: 1) giai đoạn đầu tiên là việc bổ sung hàng hóa từ các nhà sản xuất sản phẩm đến các trung tâm phân phối - Distrubution Centers (DCs) hoặc nhà kho; 2) Giai đoạn thứ hai liên quan đến việc thực hiện đơn hàng tại các trung tâm phân phối TMĐT thông qua các hoạt động sắp xếp, chọn và đóng gói đơn hàng; 3) Giai đoạn thứ ba liên quan đến việc giao nhanh các đơn đặt hàng từ các trung tâm phân phối (DC) cho khách hàng (Graham và cộng sự, 2013).

Hiện nay các doanh nghiệp bán lẻ trực tuyến lớn trên thế giới và tại Việt Nam như: Amazon, JingDong, Lazada, Tiki, Sendo cũng đã đầu tư các trung tâm phân phối và các kênh phân phối vệ tinh để có thể thực hiện việc hoàn tất đơn hàng một cách nhanh nhất dựa vào đội ngũ và kho vận nội tại của doanh nghiệp. Một trung tâm phân phối điển hình có thể có hệ thống lưu trữ và truy xuất tự động có khả năng sắp xếp, trình tự và lưu trữ nhiều loại sản phẩm với độ chính xác và hiệu quả cao (Ross và cộng sự., 2009).

2. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu sử dụng phương pháp định tính được áp dụng khảo sát các mô hình phương pháp từ các kết quả nghiên cứu liên quan đã công bố. Bên cạnh đó, phương pháp chuyên gia cũng được nghiên cứu triển khai để từ đó lựa chọn và đề xuất mô hình phù hợp. Phương pháp được áp dụng để thực hiện các bước từ thu thập, chọn lọc dữ liệu từ các tài liệu liên quan đến vấn đề nghiên cứu cũng như khảo sát các mô hình quản trị chuỗi cung ứng trong TMĐT cũng như chiến lược hoàn tất đơn hàng được triển khai vào các công ty bán lẻ trực tuyến lớn trên thế giới và tại Việt Nam.

3. Các mô hình và chiến lược quản trị chuỗi cung ứng điện tử trong TMĐT

Đối với các doanh nghiệp TMĐT, việc hoàn tất đơn hàng là ý nghĩa then chốt trong tất cả các hoạt động kinh doanh TMĐT. Do đó, trong khuôn khổ bài báo, tác giả giới thiệu 3 mô hình, chiến lược hoàn tất đơn hàng phổ biến nhất hiện nay đối với các doanh nghiệp thực hiện TMĐT nhằm giúp các doanh nghiệp tại Việt Nam có thể lựa chọn mô hình phù hợp với doanh nghiệp mình.

3.1. Mô hình hoàn tất đơn hàng tự cấp (Direct Fulfillment- Self Fulfillment Model)

Mô hình hoàn tất đơn hàng tự cấp là các hoạt động hậu cầu do chính doanh nghiệp tự tổ chức và thực hiện từ việc sở hữu hàng hóa, lưu trữ và quản lý kho hàng, xử lý đơn hàng, đóng gói đến việc vận chuyển, giao hàng.              

Nhiều công ty chọn xây dựng mạng lưới dịch vụ hậu cần của riêng mình, bởi vì chất lượng dịch vụ hậu cần, đặc biệt là dịch vụ chặng cuối, là một trong những yếu tố quan trọng nhất để kinh doanh TMĐT thành công (Lee và Whang, 2001).

Với mô hình hoàn tất đơn hàng tự cấp, công ty sẽ phải chịu áp lực rất lớn trong việc quản lý bộ phận dịch vụ hậu cần: số lượng lớn nhân viên và các nguồn lực khác. Hơn nữa, trong kinh doanh TMĐT, dịch vụ hậu cần phải bao phủ khắp cả nước, thậm chí trên toàn thế giới. Mạng lưới hậu cần tự hỗ trợ khó có thể đáp ứng tất cả các yêu cầu về dịch vụ hậu cần (Lynch và cộng sự, 2000).

3.2. Mô hình hoàn tất đơn hàng bên thứ ba (Third Party Fulfillment Model)

Với mô hình hoàn tất đơn hàng, việc thực hiện hoàn toàn do hậu cần bên thứ ba đảm nhận, những người thực hiện mọi việc từ lưu trữ hàng tồn kho đến quản lý, đóng gói, dán nhãn và vận chuyển đến khách hàng. Lý do đầu tiên khiến các công ty chọn thuê ngoài nhằm có thể giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp ở một mức độ nào đó (Xiao và cộng sự, 2014). Công ty không cần đầu tư nhiều nguồn lực để có thể chuyên tâm vào công việc kinh doanh chính hơn. Do đó, năng lực cốt lõi và khả năng cạnh tranh có thể được tăng lên. Ngoài ra, bằng cách thuê ngoài, các công ty được phép giảm đầu tư vào tài sản cố định, nhà kho, đội xe, hệ thống thông tin và các thiết bị khác liên quan đến hậu cần mua sắm (Huq và cộng sự, 2015).

3.3. Mô hình Drop-shipping

Mô hình Drop-shipping tiết kiệm cho các chủ doanh nghiệp TMĐT từ những khâu về quản lý hàng tồn kho, đóng gói đến vận chuyển. Mô hình thực hiện đơn hàng được hoạt động bằng cách gửi hàng trực tiếp từ nhà sản xuất hoặc kho hàng của nhà cung cấp đến địa điểm của khách hàng. Điều này có nghĩa là người bán sẽ không giữ hàng tồn kho trên thực tế.

4. Giải pháp áp dụng mô hình quản trị chuỗi cung ứng trong TMĐT trên thế giới và tại Việt Nam

4.1. Trên thế giới

4.1.1. Mô hình kinh doanh và hoạt động quản trị chuỗi cung ứng trong TMĐT tại Amazon.com

Amazon là công ty bán lẻ trực tuyến lớn nhất tại Mỹ. Amazon bắt đầu như một cửa hàng sách trực tuyến nhưng phạm vi kinh doanh hiện tại của nó bao gồm: DVD, blue ray, CD, trò chơi điện tử, đồ điện tử, đồ nội thất, thực phẩm, đồ chơi, đồ trang sức,... Amazon có một trang web bán hàng độc lập tại các quốc gia và khu vực khác nhau, bao gồm: Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Ireland, Pháp, Canada, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan, Úc, Brazil, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Mexico và tại Việt Nam (chương trình Amazon Global Selling).

Amazon tiết kiệm rất nhiều chi phí lưu trữ bằng cách tích hợp hàng tồn kho trong các trung tâm phân phối (Distribution Center-DC) và kho của đối tác. Khi đó, Amazon không cần phải giữ một lượng hàng tồn kho cao như các cửa hàng bán lẻ trực tiếp. Những sản phẩm dễ dàng phân loại và vận chuyển được lưu trữ trong thiết bị tự động hóa cao (Hays và cộng sự, 2005), trong khi những sản phẩm có hình dạng bất thường được xử lý bằng thiết bị tự động hóa.

Khi Amazon đóng vai trò người bán, cửa hàng trực tuyến là phần cốt lõi trong hoạt động kinh doanh của họ. Amazon chịu trách nhiệm về mối quan hệ với khách hàng phía trước cũng như hậu cần phía sau. Một khi khách hàng đặt hàng, Amazon sẽ quyết định trung tâm phân phối nào sẽ giao hàng cho khách hàng đó và sau đó hoàn tất đơn hàng. Toàn bộ quy trình bao gồm: lấy hàng (products to Amazon), lựa chọn (purchase products), đóng gói (pick & pack products), vận chuyển hàng hóa đến khách hàng (ship products to customers).

Một mô hình khác mà Amazon đóng vai trò là người bán là chương trình cửa hàng hợp tác. Trong chương trình này, các công ty bên thứ ba bán hàng hóa của họ thông qua trang web của Amazon, trong khi Amazon chịu trách nhiệm cung cấp công nghệ và dịch vụ hậu cần. Khi các shop đăng ký bán hàng trên Amazon sẽ thực hiện quy trình gửi hàng, đóng gói sản phẩm, nhập kho Amazon theo yêu cầu của họ.

Hình 1: Quy trình gửi hàng tại Amazon của các shop bán hàng

Quy trình gửi hàng tại Amazon của các shop bán hàng

Nguồn: Tác giả tổng hợp từ giải pháp của Amazon

Hình 2: Quy trình gắn mã, quản lý hàng hóa và xuất hàng hóa khỏi kho tại Amazon

Quy trình gắn mã, quản lý hàng hóa và xuất hàng hóa khỏi kho tại Amazon

Nguồn: Tác giả tổng hợp từ giải pháp của Amazon

Vai trò thứ hai là đại lý trung gian,  Amazon đã đề xuất mô hình người tạo lập thị trường, cho phép người bán hàng bên thứ ba hiển thị sản phẩm trên trang web của Amazon. Thị trường này phục vụ cho người bán hàng là cá nhân hoặc doanh nghiệp nhỏ, Amazon chỉ chịu trách nhiệm hỗ trợ công nghệ và mối quan hệ khách hàng.

Là nhà cung cấp dịch vụ kinh doanh TMĐT toàn diện, Amazon cung cấp một số cơ sở hạ tầng công nghệ, hỗ trợ thiết kế trang web và kinh nghiệm thiết kế cửa hàng cho một số công ty. Mô hình này cho phép các nhà bán lẻ duy trì thương hiệu của riêng họ và quyền sở hữu website của khách hàng. Sau đó, các nhà bán lẻ có thể thực hiện việc triển khai trên môi trường mạng với sự trợ giúp của Amazon.

4.2. Tại Việt Nam

4.2.1. Mô hình kinh doanh và hoạt động quản trị chuỗi cung ứng trong TMĐT của Tiki

Thành lập từ tháng 3/2010 với khởi đầu là doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm bán sách trực tuyến. Trải qua hơn 10 năm phát triển dịch vụ TMĐT Tiki hiện nay đang phát triển một cách mạnh mẽ, Tiki đạt được tỷ lệ hài lòng cao nhất đến từ khách hàng và tỷ lệ hoàn vốn thấp nhất do khả năng kiểm soát chuỗi cung cấp hợp lý, hợp tác với các nhãn hiệu lớn đến khâu quản lý kho, hậu cần, thanh toán,… Với hàng loạt các thành tích đạt được như đứng top 4 thương hiệu tạo dấu ấn trên mạng xã hội 2016, hội sách online lớn nhất Việt Nam, lọt Top 1 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam trong ngành Internet/E-commerce 2018 (Anphabe bình chọn), Top 50 nơi làm việc tốt nhất châu Á 2019 (Tạp chí HR Asia bình chọn).

Để giải quyết tốt hậu cần TMĐT của mình, Tiki đã đầu tư kho vận trung tâm tại 6 thành phố lớn, gồm: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng, Nha Trang với diện tích 30,000m2, nhằm thực hiện tốt nhất dịch vụ TikiNow trong 2h và hoàn tất đơn hàng cho khách hàng nhanh nhất với chi phí thấp nhất.

Khi Tiki đóng vài trò là người bán (mô hình kinh doanh TMĐT B2C), cửa hàng trực tuyến là phần cốt lõi trong hoạt động kinh doanh của họ. Với mô hình này, Tiki là nhà phân phối các sản phẩm đến tay người dùng cuối thông qua sàn TMĐT của mình. Tiki chịu trách nhiệm quản trị mối quan hệ khách hàng từ khâu tiếp cận khách hàng cho đến hoạt động hoàn tất đơn hàng, chăm sóc khách hàng sau bán hàng. Khi nhận được đơn đặt hàng của khách hàng, Tiki sẽ chọn kho trung tâm nào gần khách hàng nhất để thực hiện việc xuất hàng và giao hàng đến tận tay khách hàng nhanh nhất.

Vai trò thứ 2, Tiki là đại lý trung gian. Vào đầu năm 2017, Tiki đã triển khai mô hình sàn giao dịch TMĐT (Marketplace) nhằm với vai trò trung gian cung cấp giải pháp và dịch vụ TMĐT cho các doanh nghiệp, cửa hàng khi bán các sản phẩm trên sàn giao dịch của Tiki. Với mô hình này, Tiki có thể chịu trách nhiệm về khâu kỹ thuật và dịch vụ hậu cần, hoặc chỉ hỗ trợ các cửa hàng vận hành về mặt kỹ thuật. Những hoạt động này là tùy thuộc vào thỏa thuận hợp tác giữa Tiki và các cửa hàng khi tham gia sàn giao dịch Tiki với các mô hình lưu kho khác nhau.

Tiki triển khai mô hình vận hành quản trị chuỗi cung ứng trong TMĐT của mình như sau: (1) Lưu kho Tiki (FBT); (2) Qua kho Tiki (ODF); (3) Nhà bán tự vận hành (SD); (4) E - Delivery. Với mô hình Lưu kho Tiki, Nhà Bán hàng thực hiện việc gửi hàng hóa vào Kho Ti Ki. Theo đó, Tiki chịu trách nhiệm quản lý hàng hóa lưu kho và xử lý toàn bộ đơn hàng của khách hàng từ lấy hàng, đóng gói, xuất kho cho đến khi giao hàng thành công (Hình 3). Hình thức lưu kho tại Tiki (Fulfillment by Tiki) là bài toán giúp Tiki thực hiện dịch vụ giao hàng trong 2h đối với 6 tỉnh, thành phố trong cả nước.

 Để giao hàng trong 2 tiếng, mô hình truyền thống được thay đổi thành “point to point”. Theo đó, đơn vị vận chuyển sẽ nhận hàng tại nơi gần khách hàng nhất và giao ngay tới họ. Thời gian giao hàng được rút ngắn hơn nhờ giảm được các bước trung gian và quãng đường vận chuyển.

Hình 3: Mô hình lưu kho Tiki-Fulfillment by Tiki

Mô hình lưu kho Tiki-Fulfillment by Tiki

Nguồn: Tiki.com

Mô hình qua kho Tiki có 2 lựa chọn để hợp tác: Tiki lấy hàng tại kho nhà bán về nhập kho và quản lý tại kho Tiki hoặc nhà bán mang hàng trực tiếp đến kho Tiki.

Hình 4: Quy trình qua kho Tiki - ODF (On Demand Fullfillment)

Quy trình qua kho Tiki - ODF (On Demand Fullfillment)

Nguồn: Tiki.com

Mô hình nhà bán tự vận hành trên nền tảng sàn giao dịch TMĐT của Tiki.

Hình 5: Mô hình nhà bán tự vận hành - SD (Seller Delivery)

Mô hình nhà bán tự vận hành - SD (Seller Delivery)

Nguồn: Tiki.com

Mô hình E-Delivery phục vụ nhà bán là nhà cung cấp các dịch vụ ăn uống, du lịch, khóa học và nhiều sản phẩm dịch vụ khác.

Hình 6: Mô hình E-Delivery

Mô hình E-Delivery

Nguồn: Tiki.com

5. Đánh giá và thảo luận các yếu tố thành công trong mô hình quản trị chuỗi cung ứng trong TMĐT

Qua tình huống trình bày tại phần 4 về các doanh nghiệp bán lẻ trực tuyến điển hình mà nhóm tác giả lựa chọn giới thiệu mô hình kinh doanh và quản trị chuỗi cung ứng, nhằm đúc kết được những hoạt động liên quan đến hậu cần TMĐT, mô hình và chiến lược quản trị chuỗi cung ứng trong TMĐT được áp dụng của các công ty.

Bảng 1. Các yếu tố góp phần thành công của chuỗi cung ứng
trong Thương mại điện tử

Các yếu tố góp phần thành công của chuỗi cung ứng trong Thương mại điện tử

Nguồn: Ying Yu và cộng sự, 2017; Nhóm tác giả tổng hợp và phân tích

Qua 2 tình huống nghiên cứu thực tế về quản trị chuỗi cung ứng trong TMĐT của Tiki và Amazon trên Bảng 1 cho thấy, để vận hành tốt chuỗi cung ứng trong TMĐT, các doanh nghiệp tham gia thị trường TMĐT cần xác định mô hình kinh doanh TMĐT, đồng thời lựa chọn hợp lý mô hình chuỗi cung ứng. Với một công ty mới thành lập hay một nhà bán hàng đơn lẻ, doanh nghiệp có thể lựa chọn việc thuê ngoài hoạt động hậu cần TMĐT với dịch vụ Third-party-logistic nhằm giảm thiểu chi phí vận hành đội ngũ giao hàng, xe hàng và các yếu tố khác như đã được phân tích trong phần 4.

6. Kết luận

Nghiên cứu đã nêu ra được các mô hình, chiến lược hậu cần TMĐT hiện nay. Đồng thời bài viết đã nghiên cứu 2 trường hợp điển hình về bán lẻ trực tuyến trên thế giới và tại Việt Nam. Nghiên cứu cho thấy việc lựa chọn mô hình, chiến lược quản trị chuỗi cung ứng trong TMĐT là rất quan trọng: từ hoạt động lưu kho tại các trung tâm phân phối, lấy hàng từ trung tâm phân phối chuyển đến các trung tâm vệ tinh, hay đặt các trung tâm phân phối nhỏ tại các tỉnh thành trong cả nước để có thể vận chuyển sản phẩm đến với khách hàng một cách nhanh nhất với chi phí vận chuyển thấp nhất, nhằm tiết kiệm chi phí, gia tăng sự hài lòng của khách hàng. Nghiên cứu này làm tiền đề lý thuyết để vận dụng vào giải quyết bài toán thực tế cho công ty khởi nghiệp trong tương lai hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bán lẻ trực tuyến.

Ghi chú:

Nghiên cứu này được tài trợ bởi Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, trong đề tài mã số CS/2019-10

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bayles, D.L. and Bhatia, H. (2000). E-commerce Logistics & Fulfillment: Delivering the Goods. NJ: Prentice Hall PTR, Upper Saddle River.
  2. Ellinger, A.E., Lynch, D.F., Andzulis, J.K. and Smith, R.J. (2003). B-to-B e-commerce: a content analytical assessment of motor carrier websites. Journal of Business Logistics, 24(1), 199-220.
  3. Ross, A.D., Twede, D., Clarke, R.H. and Ryan, M. (2009). A framework for developing implementation strategies for a radio frequency identification (RFID) system in a distribution center environment. Journal of Business Logistics, 30(1), 157-183
  4. Ta, H., Esper, T. and Hofer, A.R. (2015). Business-to-consumer (B2C) collaboration: rethinking the role of consumers in supply chain management. Journal of Business Logistics, 36(1), 133-134.
  5. Tan, K.H., Zhan, Y., Ji, G., Ye, F. and Chang, C. (2015). Harvesting big data to enhance supply chain innovation capabilities: an analytic infrastructure based on deduction graph. International Journal of Production Economics, 165, 223-233.
  6. Abigail, B.J., Cindy, L.B., & James, M.D. (2019). Understanding future changes in tropical cyclogenesis using Self-Organizing Maps. Weather and Climate Extremes, 26, 1-12.
  7. Ying Yu and Xin Wang (2017). E-commerce logistics in supply chain management Implementations and future perspective in furniture industry. Industrial Management & Data Systems, 117(10), 2263-2286.
  8. Graham, D., Manikas, I. and Folinas, D. (2013). E-Logistics and E-Supply Chain Management: Applications for Evolving Business. IGI Global, Hershey, PA.
  9. Cronin, M.J. (2014). Amazon fast tracks transformation. In Top Down Innovation (pp. 49-60). USA: Springer International Publishing.
  10. Hays, T., Keskinocak, P. and De López, V.M. (2005). Strategies and challenges of Internet grocery retailing logistics. In Applications of Supply Chain Management and E-Commerce Research (pp. 217-252). USA: Springer.
  11. Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (2020). Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam (EBI). Hà Nội.

SUPPLY CHAIN MANAGEMENT IN E-COMMERCE:

FULFILLMENT MODELS AND STRATEGIES

• TRAN THI ANH

Faculty of Information Systems, University of Economics and Law,

Vietnam National University - Ho Chi Minh City  

ABSTRACT:

This paper is to survey the current e-commerce logistics in Vietnam. The paper focuses on surveying and analyzing supply chain management models and solutions for distributing goods via online channels to customers in Vietnams e-commerce sector. The paper also analyzes fulfillment models and strategies of Amazon, the global leading e-commerce company, and  Vietnam-based Tiki. Based on the paper’s findings, some solutions are proposed to help future e-commerce startups.

Keywords: e-commerce, supply chain management, fulfillment, logistics.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 22, tháng 9 năm 2022]