Quản trị rủi ro tín dụng ở các NHTM: Kinh nghiệm của Mỹ và một vài gợi ý cho Việt Nam

ThS. NGUYỄN THỊ NGỌC QUỲNH (Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam)

TÓM TẮT:

Hoạt động tín dụng là nghiệp vụ chủ yếu của hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam, mang lại 80% - 90% thu nhập của mỗi ngân hàng. Tuy nhiên, khi rủi ro tín dụng quá cao sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh ngân hàng. Bởi vậy, việc học tập kinh nghiệm trong việc quản trị rủi ro tín dụng của các NHTM ở Mỹ sẽ là bài học quý báu đối với các NHTM Việt Nam.

Từ khóa: Quản trị rủi ro tín dụng, ngân hàng thương mại, Mỹ, Việt Nam.

1. Kinh nghiệm quản trị rủi ro tín dụng của các NHTM ở Mỹ

Thực tế, các NHTM ở Mỹ đã kiểm soát rủi ro tín dụng bằng những cách thức như sau:

Thứ nhất, chú trọng việc nuôi dưỡng mối quan hệ lâu dài và tổng hợp với bên đi vay và phục vụ mọi nhu cầu về tài chính của họ. Kết quả là những người cho vay sẽ hiểu nhiều hơn về tình hình tài chính của khách hàng và có được lợi nhuận khi bán các sản phẩm tài chính đa dạng, trong khi đó bên vay sẽ có được một nguồn hỗ trợ lâu dài cùng với dịch vụ tín dụng.

Thứ hai, chú trọng việc thẩm định khoản vay hơn là việc kiểm soát khoản vay. Việc cắt giảm hoặc làm tắt trong quá trình thẩm định sẽ dẫn đến khoản nợ xấu. Thêm vào đó, cho vay các khoản nợ có rủi ro sẽ không đáng nếu tính đến khối lượng công việc phải thực hiện để khoản vay không bị quá hạn.

Hơn nữa, các NHTM đã sử dụng phương pháp chấm điểm tín dụng nhằm đánh giá đúng tình trạng của từng bên vay. Cụ thể: Việc chấm điểm tín dụng sẽ căn cứ vào công thức có sẵn để đo lường và tiên đoán về mức độ rủi ro của các khách hàng tiềm năng, được thiết kế để cải tạo quy trình thẩm định khoản vay. Thông thường, chấm điểm tín dụng theo cách truyền thống thường được sử dụng cho vay tiêu dùng, khi dựa vào đó để duyệt khoản tín dụng thẻ hoặc tín dụng để mua ô tô, họ là khách hàng tiềm năng trong một chuỗi khách hàng.

Thứ ba, tránh sử dụng những đơn vị môi giới, vì các đơn vị môi giới không có động cơ để đem lại các khoản vay có chất lượng cao hơn, do họ được trả không căn cứ vào chất lượng khoản vay.

Thứ tư, yêu cầu bên vay phải chứng tỏ được kinh nghiệm của mình trong kinh doanh, phải cung cấp thế chấp cả tài sản cá nhân và tài sản doanh nghiệp cho dù là tài sản đảm bảo có cần thiết hay không, để tạo ra động lực về tâm lý cho bên vay đối với khoản vay.

Thứ năm, tập trung quyết định cho vay để bảo đảm tính thống nhất và kiểm soát. Mặc dù các bên cho vay nhỏ hoặc lớn có thể khác nhau về phương pháp xem xét khoản vay, cả 2 đều yêu cầu có ít nhất một cán bộ, không phải là cán bộ thẩm định khoản vay, để xem xét lại khoản vay và đưa ra quyết định phê duyệt cuối cùng. Kết cấu này loạibỏ việc ra quyết định phê duyệt cuối cùng từ nhiều cán bộ rải rác, mà tập trung việc phê duyệt vào một cán bộ hoặc một nhóm để đảm bảo tính thống nhất, kiểm soát và hiệu quả trong thẩm định khoản vay.

Thứ sáu, yêu cầu cán bộ cho vay phải có trách nhiệm với khoản vay mà họ cho vay. Quyết định tín dụng chỉ tốt khi thông tin trình bày, việc phân tích phải đầy đủ, đa số các đơn vị cho vay đều tin vào trách nhiệm của cán bộ cho vay. Mặc dù không có đơn vị nào nhấn mạnh về việc phạt các cán bộ khi có nợ khó đòi, nhưng đa số trường hợp các cán bộ cho vay phải hỗ trợ việc thu hồi các khoản vay khó đòi.

Thứ bảy, áp dụng hệ số tín nhiệm cho các khoản vay mới và thẩm định lại hệ số này theo định kỳ trong suốt thời hạn của khoản vay. Theo đó, các NHTM ở Mỹ có một hệ thống chấm hệ số tín nhiệm hoặc có kế hoạch để tạo ra một chương trình chấm điểm. Trong một chương trình điển hình, một khoản vay mới sẽ được áp dụng một giá trị bằng số thể hiện mức rủi ro vào thời điểm thẩm định khoản vay. Trong suốt thời gian vay vốn, con số này có thể được duyệt lại, căn cứ vào lịch sử trả nợ của bên vay và các yếu tố khác. Khi có trục trặc được tìm ra, cần có cách để nhận ra và theo dõi các khoản nợ xấu. Hệ thống này khác với chấm điểm tín dụng, được sử dụng trước đó để ra quyết định vay vốn.

Thứ tám, xác định nợ xấu sớm và tăng cường các nỗ lực thu hồi nợ rất mạnh mẽ; luôn theo dõi để xác định sớm những dấu hiệu của khoản vay xấu trong tương lai. Cách tốt nhất để xác định sớm các dấu hiệu là luôn giữ mối liên hệ với khách hàng, không đợi cho đến khi khoản vay trở nên quá hạn. Sự tích cực xác định và tìm kiếm khả năng thu hồi các khoản nợ chỉ trong vài ngày kể từ khi khoản vay bị trễcó thể làm giảm thời gian cần có tiêu tốn vào các động tác thu hồi nợ và cho phép các bên cho vay điều chỉnh thời hạn trả nợ hoặc giải quyết các vấn đề khác của bên vay sớm.

Thứ chín, việc đề xuất đúng lối ra cho các khoản nợ xấu là quan trọng hơn việc thu hồi nợ. Việc tất toán khoản nợ xấu chỉ nên xem xét khi đó là cách cuối cùng để thu hồi khoản vay có vấn đề, vì thu hồi có thể hiệu quả hơn thông qua việc tiếp tục trả nợ của một doanh nghiệp vẫn đang hoạt động hơn là phải tất toán tài sản.

2. Một vài đề xuất cho Việt Nam trong quản trị rủi ro tín dụng của các NHTM

2.1. Xây dựng hệ thống quản trị rủi ro theo chuẩn mực quốc tế

Xu thế hội nhập quốc tế đòi hỏi các NHTM Việt Nam phải đáp ứng các yêu cầu quản trị nói chung và quản trị rủi ro (QTRR) nói riêng theo chuẩn mực quốc tế, đồng thời mở ra các cơ hội để ngành Ngân hàng có thể tiếp cận nhanh và gần hơn với các chuẩn mực đó.

Hiện nay, bên cạnh nỗ lực giải quyết các khoản nợ xấu từ hoạt động cho vay trong quá khứ, các NHTM Việt Nam đã bắt đầu chuẩn bị các bước dài hơi hơn bằng cách xây dựng hệ thống quản lý rủi ro (QLRR) tiên tiến, nhằm phòng ngừa rủi ro trong tương lai, thay vì phải giải quyết “sự đã rồi”.

QTRR vẫn là một chức năng khá mới mẻ đối với các NHTM Việt Nam. Giải quyết các vấn đề rủi ro trong ngân hàng không chỉ đơn giản là chi phí thực hiện kinh doanh, mà còn là con đường để hiểu rõ hơn hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Hơn thế nữa, sự kết hợp giữa giám sát của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và sự sẵn sàng chủ động của các ngân hàng sẽ giúp xây dựng hệ thống ngân hàng Việt Nam vững mạnh.

Trước tình hình đó, Hiệp ước Basel là một thước đo chung để QLRR tại các NHTM Việt Nam. Một ngân hàng tuân thủ Hiệp ước Basel II đồng nghĩa với việc có một hệ thống QLRR tiên tiến, hiện đại. Hiệp ước Basel II không chỉ là tuân thủ, tiếp nhận thực hiện Hiệp ước Basel chính là thực hiện chuẩn mực tối thiểu đánh giá rủi ro ngân hàng phải đối mặt và để đảm bảo đủ vốn, tăng hiệu quả hoạt động nói chung.

Trong thời gian qua, các NHTM Việt Nam đã quan tâm quản trị các loại rủi ro, như rủi ro thanh khoản, rủi ro tín dụng, rủi ro lãi suất, rủi ro hoạt động. Kết quả “Khảo sát về ngành Ngân hàng Việt Nam 2013” của Công ty Cung cấp các dịch vụ kiểm toán, thuế và tư vấn - KPMG: 80% ngân hàng đã nắm bắt được việc NHNN lập kế hoạch thực hiện khung giám sát theo Hiệp ước Basel II. NHNN đã tài trợ các khóa đào tạo giới thiệu ý nghĩa của Basel II cho các ngân hàng, nhưng chưa đưa ra hướng dẫn về việc khi nào các quy định mới được ban hành; Các ngân hàng cũng chưa sẵn sàng để cam kết thực hiện lộ trình triển khai hay đưa ra một quyết định quan trọng gây tốn kém.

Tuy nhiên, 57% đối tượng tham gia khảo sát cho rằng, vấn đề QTRR hoạt động là đáng quan ngại nhất. Nhiều ngân hàng đang triển khai QLRR hoạt động ở những công việc ban đầu, như: nghiên cứu thiết lập quy trình, xây dựng các văn bản về QTRR hoạt động, theo dõi các rủi ro và cảnh báo… Về cơ sở tính toán vốn cho rủi ro hoạt động thì 64% các ngân hàng sẽ sử dụng phương pháp tiêu chuẩn để tính vốn, trong khi 14% ngân hàng lại sử dụng phương pháp chỉ số cơ bản và 21% vẫn chưa quyết định. Tất cả các ngân hàng đều chỉ ra rằng còn rất nhiều khó khăn khi triển khai áp dụng Hiệp ước Basel II. Hai khó khăn chung được nhắc đến nhiều nhất chính là chi phí triển khai Hiệp ước Basel II (85%) và thiếu dữ liệu lịch sử (78%).

2.2. Thực hiện một số giải pháp nâng cao quản trị rủi ro hoạt động

Để xây dựng được cơ sở dữ liệu tổn thất đầy đủ và tin cậy, thời gian tới, các NHTM cần tập trung vào những giải pháp sau:

Thứ nhất, cần phải có sự tham gia của tất cả các phòng ban trong các hoạt động thu thập dữ liệu tổn thất. Thêm vào đó, cần xây dựng và chính thức hóa quy trình thu thập dữ liệu tổn thất. Quy trình này phải linh hoạt để có thể cập nhật các nguồn thông tin, cũng như phản ánh đúng các khả năng rủi ro hoạt động khi môi trường kinh doanh thay đổi. Quy trình này cần được thông báo rộng rãi và thống nhất trong toàn ngân hàng.

Thứ hai, trên cơ sở thu thập các dữ liệu rủi ro, tổn thất nội bộ và bên ngoài, NHTM đo lường rủi ro hoạt động theo 2 phương pháp: Đo lường định tính và định lượng. Đối với đo lường định lượng thì việc lưu trữ dữ liệu là quan trọng nhất. NHTM phải lưu trữ ít nhất là 3 năm dữ liệu rủi ro hoạt động và chất lượng dữ liệu phải có kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo tính đúng đắn trong việc tính toán.

Thứ ba, ngân hàng cần xác định các rủi ro chính trong các hoạt động theo từng phòng/ban nghiệp vụ, nhằm mục đích giám sát hàng ngày các chuẩn mực và điều kiện về tổ chức ở cấp độ từ dưới lên dựa trên hoạt động kinh doanh, thường xuyên rà soát lại các quy trình và rủi ro đã được xác định. Từ đó, phân tích sát hơn những loại rủi ro hoạt động liên quan đến mảng kinh doanh. Thiết lập một hệ thống cảnh báo sớm có hiệu lực, coi đó như một biện pháp phòng ngừa để giảm thiểu rủi ro hoạt động. Để xác định các rủi ro chính, ngân hàng dựa trên những chỉ số rủi ro chính (KRI) được xây dựng cho từng lĩnh vực kinh doanh.

Thứ tư, ngân hàng còn phải phân loại mức độ rủi ro hoạt động theo cấp độ quan trọng từ thấp đến cao trong hoạt động của mình và xác định các cấp độ báo cáo cho phù hợp. Đồng thời, đưa ra những phương pháp hoặc cách thức để đánh giá và kiểm soát rủi ro ở nhiều mức độ khác nhau (cấp lãnh đạo, quản lý hay cán bộ…). Việc đánh giá và kiểm soát rủi ro phải được diễn ra thường xuyên và áp dụng cho toàn bộ các phòng/ban, nghiệp vụ kinh doanh trong hệ thống.

Thứ năm, một công cụ thường được sử dụng trong QTRR hoạt động là phân tích kịch bản. Lợi ích của phân tích kịch bản là hỗ trợ ban lãnh đạo rút ra những thông tin cần thiết cho hoạt động điều hành, không ngừng cải thiện quy trình QLRR hoạt động, thực hiện giám sát rủi ro chủ động để bổ sung cho việc phân tích dữ liệu tổn thất sau này.

Để xác định kịch bản, ngân hàng cần lưu ý các điều kiện tiên quyết: Những gì xảy ra gần đây? Những gì có thể xảy ra trong điều kiện hiện tại, những gì có thể xảy ra sắp tới? Xác suất ước tính là bao nhiêu? Tổn thất dễ xảy ra nhất là gì? Những rủi ro nào cần tính đến trong trường hợp xấu nhất? Các biện pháp để giảm các rủi ro này?... Với các kịch bản lựa chọn, ngân hàng ước tính rủi ro hoạt động trên cơ sở toàn bộ hoạt động kinh doanh của toàn bộ phận, đồng thời rà soát mức độ mà các tổn thất lớn có thể xảy ra. Dựa vào đó, các NHTM sẽ tính toán hay điều chỉnh giá trị rủi ro và phân bổ vốn dự phòng rủi ro hoạt động theo phương pháp thích hợp được hướng dẫn trong Basel II.

Thứ sáu, ngân hàng cần sớm xây dựng hệ thống báo cáo nhằm đáp ứng các yêu cầu của NHNN cũng như đáp ứng nhu cầu quản trị nội bộ. Theo Basel II, ban lãnh đạo ngân hàng nên triển khai một quy trình để thường xuyên giám sát hồ sơ rủi ro hoạt động và các nguy cơ trọng yếu có thể gây ra tổn thất. Cơ chế báo cáo phù hợp cần phải có ở cấp độ hội đồng quản trị, ban điều hành, đơn vị kinh doanh nhằm tạo điều kiện chủ động QTRR hoạt động.

Thứ bảy, cần chú trọng công tác quản trị nội bộ, giúp ngân hàng chủ động nắm bắt những biến động trên thị trường, nhìn nhận được dấu hiệu rủi ro và cảnh báo sớm rủi ro. Để quản trị nội bộ tốt, ban lãnh đạo cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng trong QTRR hoạt động của ngân hàng, thường xuyên cập nhật quá trình đánh giá rủi ro hoạt động, đặc biệt những rủi ro trong phát triển sản phẩm mới, hoặc triển khai một hoạt động kinh doanh mới.

Thứ tám, các NHTM cần nâng cao hiệu quả hệ thống kiểm toán nội bộ. Định kỳ, kiểm toán nội bộ đánh giá hoạt động kinh doanh, tập trung vào các rủi ro chiến lược và rủi ro hoạt động, từ đó đưa ra các khuyến nghị để cấp quản lý rà soát, xác định và giải quyết. Yêu cầu bộ phận kiểm toán nội bộ phải có hiểu biết toàn diện về toàn bộ hoạt động ngân hàng, các vấn đề pháp lý và quy định.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Đào Thanh Tú (2014). Xây dựng hệ thống quản trị rủi ro hoạt động tại các NHTM Việt Nam, Tạp chí Tài chính, số 6/2014.

2. Phan Thị Linh (2012). Kinh nghiệm quản lý rủi ro tín dụng trên thế giới, Tạp chí Pháp lý, số 7/2012.

CREDIT RISK MANAGEMENT: EXPERIENCE FROM AMERICAN COMMERCIAL BANKS AND SUGGESTION FOR VIETNAM COMMERCIAL BANKS

Master. NGUYEN THI NGOC QUYNH

Vietnam Technological and Commercial Joint Stock Bank

ABSTRACT:

Credit activities are the main operations of the Vietnamese commercial banking sector. Revenue from these activities accounts for from 80% to 90% of the total revenue of commercial banks in Vietnam. However, the increase in the credit risks could adversely impact on the performance of commercial banks. Therefore, it is important for the Vietnamese commercial banks to learn valuable experience of credit risk management from American commercial banks.

Keywords: Credit risk management, commercial banks, the U.S.A, Vietnam.

Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 03 tháng 03/2017 tại đây