Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam tìm hướng phát triển các nguồn thu dịch vụ môi trường rừng

Trải qua hơn 10 năm hoạt động, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam ( DVMT) đã đạt được nhiều thành tựu nhất định với nguồn thu hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm. Dự kiến năm 2021, cả nước sẽ thu được 2.800 tỷ đồng đảm bảo hỗ trợ duy trì 6,5 triệu ha rừng trong lưu vực cung ứng DVMTR (chiếm 44% diện tích rừng cả nước) bằng nguồn tiền DVMTR.

Để giữ vững và phát huy các tiêu chí về bảo vệ và phát triển rừng bền vững tại địa phương, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam (Quỹ Trung ương) tập trung hoàn thành những nhiệm vụ trọng tâm nhằm duy trì và phát triển nguồn thu cho dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) song song với quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Đây là nguồn tài chính ngoài ngân sách ổn định, bền vững và có tiềm năng được gia tăng khi khai thác thêm các DVMTR mới, góp phần làm giảm gánh nặng đầu tư ngân sách nhà nước cho ngành lâm nghiệp, hỗ trợ kịp thời cho người dân miền núi bảo vệ rừng nâng cao đời sống.

Đảm bảo thu đúng thu đủ, chi đủ chi đúng đối tượng và kịp thời

Ông Lê Văn Thanh - Phó Giám đốc Quỹ Trung ương cho biết: Năm 2021, mặc dù có những khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 nhưng Quỹ Trung ương tiếp tục phấn đấu hoàn thành mục tiêu, thực hiện tốt, hiệu quả chính sách chi trả DVMTR theo quy định tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp (Nghị định số 156/2018/NĐ-CP), đảm bảo thu đúng, thu đủ; chi đúng, chi đủ, kịp thời, an toàn, công khai, minh bạch; nghiên cứu, áp dụng chuyển đổi số trong công tác thu, chi, xác định diện tích rừng, xây dựng bản đồ chi trả DVMTR; phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan kịp thời đôn đốc, thu tiền DVMTR chậm nộp.

Thời gian qua, Quỹ Trung ương đã thực hiện thu đúng, thu đủ từ các loại DVMTR đối với cơ sở sản xuất thủy điện, cung ứng nước sạch, cơ sở sản xuất công nghiệp, trong đó chủ yếu nguồn thu đến từ thủy điện. Cùng với sự phát triển của hệ thống thủy điện, chi trả DVMTR ngày càng có những tác động hiệu quả, giúp gia tăng giá trị của ngành lâm nghiệp đóng góp cho nền kinh tế.

anh 2
Người dân tuần tra bảo vệ rừng - Quỹ BV&PTR tỉnh Lai Châu
 

Phát triển nguồn thu dịch vụ môi trường rừng

Theo thỏa thuận, Việt Nam chuyển nhượng cho Quỹ Đối tác carbon trong lâm nghiệp (FCPF) 10,3 triệu tấn CO2e giảm phát thải từ rừng tại sáu tỉnh vùng Bắc Trung Bộ, gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, giai đoạn 2018-2024. FCPF sẽ chi trả cho dịch vụ này là 51,5 triệu USD.

Việt Nam đang thực hiện giảm phát thải khí nhà kính, phát triển nền kinh tế xanh với quyết tâm cao, từng bước hình thành thị trường tín chỉ carbon. Việc chi trả DVMTR đối với dịch vụ hấp thụ, lưu giữ carbon của rừng là việc làm thiết yếu theo đúng thông lệ quốc tế, đồng thời đảm bảo quyền và lợi ích của các bên, đảm bảo quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp tham gia, bao gồm cả quyền về kinh tế và tinh thần.

Hiện nay, bên cạnh loại DVMTR đối với thủy điện, nước sạch được triển khai từ khi chính sách ra đời, đã có thêm DVMTR mới đối với cơ sở du lịch, cơ sở sản xuất công nghiệp và dịch vụ nuôi trồng thủy sản được áp dụng triển khai rộng rãi trên toàn quốc quy định tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP.

Với mục tiêu tiếp tục phát triển hệ thống Quỹ BV&PTR trong cả nước gắn với thực hiện chính sách chi trả DVMTR hiệu quả, trong đó đặt trọng tâm ngoài việc duy trì huy động nguồn thu xã hội hóa hiện có, thời gian tới, Quỹ Trung ương sẽ tiếp tục tham mưu cho các cấp có thẩm quyền cụ thể hoá các quy định, hướng dẫn liên quan đến các nguồn thu khác.

Phát huy kết quả đã đạt được, trong xu thế hội nhập sâu rộng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách chi trả DVMTR, nâng cao nhận thức cho các bên liên quan và cho các hoạt động phát triển nguồn thu DVMTR. Chính sách chi trả DVMTR cũng cần được triển khai gắn với chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, thu hút cộng đồng địa phương vào các hoạt động bảo vệ, nâng cao chất lượng rừng và phục hồi rừng, góp phần cải thiện sinh kế, giúp người dân đặc biệt là đồng bào dân tộc nghèo miền núi có thêm động lực sống gắn bó với rừng.

Thời gian tới, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam phối hợp với các bên liên quan tiếp tục nghiên cứu, đánh giá DVMTR đối với dịch vụ hấp thụ và lưu trữ carbon của rừng (carbon nội địa) để phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay; thúc đẩy carbon quốc tế từ Thỏa thuận giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ của Việt Nam và các đối tác tiềm năng khác ví dụ như các dự án năng lượng tái tạo...

Chung Thắng