TÓM TẮT:

Pháp luật liên quan đến hoạt động từ thiện xã hội của các tổ chức tôn giáo là cơ sở pháp lý quan trọng để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và huy động các nguồn lực góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Bài viết tập trung phân tích, đánh giá những ưu điểm và hạn chế, đồng thời có một số đề xuất nhằm hoàn thiện pháp luật liên quan đến hoạt động từ thiện xã hội của các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam hiện nay.

Từ khóa: Pháp luật, hoạt động từ thiện xã hội, tổ chức tôn giáo.

1. Đặt vấn đề

Pháp luật về lĩnh vực tôn giáo được hình thành và phát triển cùng với sự ra đời và phát triển của hệ thống pháp luật Việt Nam. Các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động từ thiện xã hội của các tổ chức tôn giáo ngày càng được bổ sung, hoàn thiện trở thành một bộ phận không thể thiếu trong hệ thống pháp luật về tôn giáo. Những năm gần đây, các chính sách trợ giúp xã hội ở Việt Nam được thực hiện sâu rộng hơn về quy mô, đối tượng thụ hưởng và mức trợ giúp.

Kinh phí trợ giúp thường xuyên từ ngân sách nhà nước và số người thụ hưởng tăng nhanh. Tuy nhiên, bên cạnh sự tự nỗ lực, Việt Nam vẫn cần huy động tối đa các nguồn lực trợ giúp từ tất cả các thành phần xã hội, trong đó có các tổ chức tôn giáo để bảo đảm sự ổn định chính trị, duy trì tăng trưởng kinh tế và thành quả an ninh xã hội đã đạt được, nhất là cải thiện chất lượng sống cho nhóm người dễ bị tổn thương.

Sự phát triển mạnh mẽ hoạt động từ thiện xã hội của các tổ chức tôn giáo đã tác động nhất định đến tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh trật tự của đất nước. Do vậy, để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước cần phải “tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo phù hợp với quản điểm của Đảng”1, trong đó có nội dung pháp luật liên quan đến hoạt động từ thiện xã hội của các tổ chức tôn giáo.

Pháp luật có vai trò quan trọng, quyết định đến nhận thức, thái độ, hành vi cũng như kết quả tham gia từ thiện xã hội của các tổ chức tôn giáo; tuy nhiên, hiện nay các quy định pháp luật còn có những thiếu sót, bất cập nhất định. Những hạn chế đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng lúng túng, thiếu thống nhất trong giải quyết các vấn đề liên quan đến hoạt động từ thiện xã hội của các tổ chức tôn giáo.

2. Một số đánh giá ban đầu về quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động từ thiện xã hội của các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam hiện nay

2.1. Ưu điểm  

Một là, về phương diện chung, pháp luật liên quan đến hoạt động từ thiện xã hội của các tổ chức tôn giáo được ban hành đã thể hiện tinh thần đổi mới, cởi mở, thông thoáng; thể chế hóa được quan điểm, chính sách của Đảng về công tác tôn giáo và từ thiện xã hội.

Nghị quyết 25/NQ-TW Hội nghị lần thức 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX (2003) là cơ sở quan trọng để Nhà nước ban hành nhiều văn bản pháp luật để thể chế hóa quan điểm của Đảng về hoạt động từ thiện xã hội của các tôn giáo và các quy định ngày càng cụ thể, hoàn thiện hơn. Hiện nay, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo ban hành ngày 18/11/2016 đã tạo điều kiện để các tổ chức tôn giáo tham gia các hoạt động giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo trên cơ sở tuân thủ pháp luật và phù hợp với hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo.

tu thien 1
Hoạt động từ thiện xã hội của các tổ chức tôn giáo nằm trong khuôn khổ chủ trương, chính sách xã hội hóa nói chung của Đảng, Nhà nước

Hoạt động từ thiện xã hội của các tổ chức tôn giáo nằm trong khuôn khổ chủ trương, chính sách xã hội hóa nói chung của Đảng, Nhà nước, các tổ chức tôn giáo chỉ gia nhập hệ thống phúc lợi xã hội công cộng chứ không lập tổ chức riêng, hướng tới hai mục tiêu: Thu hút tiềm năng trí tuệ vật chất trong các tôn giáo vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và tạo cơ hội giúp các nhóm đối tượng khó khăn, yếu thế được cải thiện đời sống.

Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong sự phát triển sự nghiệp giáo dục; thực hiện đa dạng hóa các loại hình trường và các hình thức giáo dục; khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sự nghiệp giáo dục; khuyến khích các cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài hoạt động từ thiện, cung cấp, hỗ trợ các thiết bị y tế và khám chữa bệnh.

Hai là, pháp luật đã có những quy định về phương thức hoạt động từ thiện xã hội của các tổ chức tôn giáo.

Mặc dù Luật Tín ngưỡng, tôn giáo chỉ quy định chung về hoạt động từ thiện xã hội của các tổ chức tôn giáo. Tuy nhiên các văn bản dưới luật đã làm rõ hơn phương thức hoạt động từ thiện xã hội của các tổ chức tôn giáo hiện nay. Đối với hoạt động quyên góp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, pháp luật quy định: “Cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc tổ chức quyên góp để thực hiện các hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo và từ thiện xã hội trên cơ sở tự nguyện của tổ chức, cá nhân trong nước theo quy định pháp luật có liên quan.

Người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng; tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc tổ chức quyên góp, trong đó nêu rõ mục đích, địa bàn, cách thức, thời gian quyên góp; phương thức quản lý và sử dụng tài sản được quyên góp. Tài sản được quyên góp phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích đã thông báo, phục vụ cho hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo và từ thiện xã hội”2.

Nhà nước coi trọng, đối xử bình đẳng, khuyến khích thuê cơ sở hạ tầng, ưu đãi tín dụng để thực hiện xã hội hóa,… Mặt khác, Nhà nước đòi hỏi tất cả các cơ sở thực hiện xã hội hóa được thành lập, cấp phép hoạt động phải đảm bảo theo quy hoạch và đảm bảo các tiêu chí về quy mô, tiêu chuẩn theo quy định nhằm phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, môi trường.

Ba là, quy định pháp luật liên quan đến hoạt động từ thiện xã hội của các tổ chức tôn giáo thống nhất với hoạt động từ thiện xã hội của các chủ thể khác.

tu thien
 Nhà nước quy định tư cách pháp nhân của các tổ chức tôn giáo 

Luật Tín ngưỡng, tôn giáo quy định hoạt động xuất bản kinh sách và xuất bản phẩm khác về tín ngưỡng, tôn giáo; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm tín ngưỡng, tôn giáo, đồ dùng tôn giáo phải tuân theo quy định của pháp luật về xuất bản và quy định khác của pháp luật. Các tổ chức tôn giáo được tham gia các hoạt động giáo dục, đào tạo, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo theo quy định của pháp luật khác có liên quan.

Như vậy, theo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo hoạt động từ thiện xã hội của các tổ chức tôn giáo có tính chất như hoạt động từ thiện xã hội của các cá nhân, tổ chức khác được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật có liên quan về giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội,... Trong lĩnh vực giáo dục, pháp luật quy định: “Nhà nước thành lập và khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập trường, lớp dành cho người khuyết tật nhằm giúp người khuyết tật được phục hồi chức năng, học văn hóa, học nghề và hòa nhập cộng đồng”3.

Bên cạnh đó, hoạt động từ thiện xã hội của các tổ chức tôn giáo chịu sự điều chỉnh của các văn bản pháp luật khác như Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao; Nghị định số 53/2006/NĐ-CP ngày 25/5/2006 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập; Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường,…

2.2. Hạn chế   

Bên cạnh những ưu điểm chủ yếu trên, hiện nay pháp luật Việt Nam liên quan đến hoạt động từ thiện xã hội của các tổ chức tôn giáo còn có những hạn chế nhất định:

Một là, một số quy định pháp luật về tư cách pháp nhân của các tổ chức từ thiện xã hội tôn giáo chưa thực sự phù hợp và rõ ràng.

Xã hội hóa các hoạt động từ thiện xã hội của các tổ chức tôn giáo đang là một trong những vấn đề cấp bách nhất cần sự quan tâm giải quyết của cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp. Nhà nước quy định tư cách pháp nhân của các tổ chức tôn giáo, trong khi địa vị pháp lý của các tổ chức tôn giáo nằm trong giáo hội đó như hội đoàn, dòng tu không được quy định rõ ràng. Vì vậy, các tổ chức tôn giáo gặp nhiều khó khăn khi tham gia các hoạt động xã hội, làm hạn chế tiềm năng của cộng đồng tôn giáo.

Theo quy định tại Điều 30 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo về tư cách pháp nhân của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc thì tổ chức tôn giáo đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký pháp nhân phi thương mại cho tổ chức tôn giáo trực thuộc khi đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 21 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 21, tổ chức tôn giáo phải có hiến chương, nhưng thực tế tổ chức tôn giáo như đạo Công giáo chưa có hiến chương để có cơ sở xác định tư cách pháp nhân của tổ chức tôn giáo trực thuộc theo quy định pháp luật. Bên cạnh đó, theo giáo luật đạo Công giáo thì các dòng tu cũng không phải là một cấp hành chính đạo.

Những mâu thuẫn này không chỉ thể hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước mà còn thể hiện trong thực tiễn; điều đó dẫn đến hiện tượng “lách luật”. Một số cơ sở từ thiện xã hội của Công giáo về thực chất là do các giáo xứ, dòng tu trực tiếp điều hành, quản lý nhưng về mặt danh nghĩa lại do một cá nhân, hoặc tổ chức khác đứng tên. Việc các nữ tu, linh mục đứng tên với tư cách công dân để phù hợp với quy định của pháp luật lại mâu thuẫn với quy định của Giáo hội là tài sản của Giáo hội không phải của các cá nhân các chức sắc, nhà tu hành.

Hai là, pháp luật chưa quy định rõ ràng về mức độ tham gia hoạt động từ thiện xã hội của các tổ chức tôn giáo trong các lĩnh vực cụ thể.

Pháp luật hiện nay chưa quy định rõ ràng, cụ thể việc cho phép các cá nhân, tổ chức tôn giáo tham gia các hoạt động giáo dục, y tế, từ hiện nhân đạo ở loại hình nào, phạm vi mà mức độ đến đâu. Một số địa phương nhìn nhận vấn đề từ thiện dưới khía cạnh dễ bị lợi dụng để truyền giáo và tuyên truyền tiêu cực nên quản lý khá chặt, ít tạo điều kiện. Trong khi đó, có địa phương lại nhìn nhận theo hướng tích cực, từ đó quan tâm ủng hộ, vận dụng linh hoạt để các tổ chức tôn giáo được phép mở các cơ sở giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo.

tu thien 2
Các tổ chức tôn giáo được tham gia các hoạt động giáo dục, đào tạo, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo theo quy định của pháp luật khác có liên quan

Tham gia vào các lĩnh vực của đời sống xã hội là một nhu cầu bức thiết nên các tôn giáo thường xuyên đề xuất Nhà nước cần có chính sách mở rộng các hoạt động từ thiện xã hội. Thực tế này đang đặt ra yêu cầu đối với Nhà nước cần sớm đổi mới và hoàn thiện các chính sách, pháp luật cũng như tăng cường công tác quản lý nhằm huy động các nguồn lực vật chất của tôn giáo để góp phần giải quyết các vấn đề xã hội liên quan.

Ba là, một số quy định về thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động từ thiện xã hội của các tổ chức tôn giáo còn chưa thuận tiện và phù hợp.

Một trong những khó khăn, vướng mắc lớn nhất của các tổ chức từ thiện xã hội tôn giáo chính là sự chưa rõ ràng trong việc cấp giấy phép hoạt động hoặc mở rộng địa bàn hoạt động, làm mất nhiều thời gian của các cá nhân và tổ chức từ thiện xã hội. Các thủ tục hành chính trong việc tiếp nhận các nguồn viện trợ của các cá nhân, tổ chức nước ngoài cũng tồn tại nhiều bất cập. Thực tế cho thấy, một số cơ sở từ thiện xã hội của tôn giáo từ chối nguồn viện trợ này vì e ngại sự phức tạp trong thủ tục tiếp nhận và báo cáo thanh quyết toán tài chính.

Bên cạnh đó, các tổ chức viện trợ phi chính phủ nước ngoài liên quan đến tôn giáo tại Việt Nam cũng vấp phải những khó khăn về thủ tục hành chính. Quá trình thẩm định và phê duyệt dự án cũng có những khâu phức tạp, không thống nhất. Chính sự phối hợp thiếu chặt chẽ này đã làm giảm thiện chí cũng như tiến độ và hiệu quả hoạt động của các tổ chức từ thiện xã hội tôn giáo nước ngoài ở Việt Nam, làm mất đi một nguồn lực vật chất bên ngoài đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

3. Một số đề xuất góp phần hoàn thiện pháp luật Việt Nam liên quan đến hoạt động từ thiện xã hội của các tổ chức tôn giáo

Một là, hoàn thiện pháp luật về an sinh xã hội liên quan đến hoạt động từ thiện xã hội của các tổ chức tôn giáo.

Các cơ quan nghiên cứu và quản lý nhà nước về tôn giáo cần tăng cường đề xuất chính sách, pháp luật đối với hoạt động của các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam. Trước mắt, Nhà nước cần tiến hành rà soát để loại bỏ các văn bản pháp quy đã lạc hậu, mâu thuẫn; kịp thời điều chỉnh, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động từ thiện xã hội của các tổ chức tôn giáo cho phù hợp với những vấn đề mới nảy sinh trong thực tế cuộc sống. Bên cạnh đó, cần tăng cường hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về an sinh xã hội, tìm ra cơ chế, giải pháp mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính sách đó để góp phần đảm bảo an sinh xã hội bền vững và bảo vệ các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương.

tu thien

Hai là, cần quan tâm và có những quy định cụ thể về vấn đề công nhận tư cách pháp nhân cho tổ chức tôn giáo.

Nhà nước cần quan tâm và có những quy định cụ thể về vấn đề công nhận tư cách pháp nhân tổ chức tôn giáo, đặc biệt là việc công nhận tư cách pháp nhân phi thương mại của của các tổ chức tôn giáo trực thuộc, đây là chủ thể thường xuyên tiến hành các hoạt động từ thiện xã hội. Với các tổ chức tôn giáo, khi được công nhận theo pháp luật thì có thể tham gia mọi hoạt động xã hội bình đẳng như các tổ chức xã hội khác.

Các tổ chức từ thiện xã hội tôn giáo, cũng như các tổ chức từ thiện xã hội của các chủ thể khác cần được khuyến khích, tạo điều kiện và đối xử công bằng, trên cơ sở chú ý đến các yếu tố pháp lý ảnh hưởng đến hoạt động từ thiện xã hội như thủ tục thành lập, hoạt động, hình thức quản lý và trách nhiệm pháp lý liên quan.

Ba là, cần có những quy định pháp luật để tạo lập, củng cố cơ chế, chính sách phối hợp giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị liên quan đến quản lý nhà nước đối với hoạt động từ thiện xã hội của các tổ chức tôn giáo.

Để hoạt động từ thiện xã hội của các tổ chức tôn giáo đạt hiệu quả, cần có cơ chế, chính sách phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa Ban Tôn giáo, Mặt trận Tổ quốc và các ban, ngành, đoàn thể khác trong quản lý nhà nước. Các cơ chế, chính sách cần được đổi mới theo hướng phân công, phân cấp cụ thể cho từng đơn vị, tổ chức. Trong đó, Mặt trận Tổ quốc đóng vai trò phát động và hướng hoạt động từ thiện của các cá nhân, tổ chức tôn giáo vào phong trào từ thiện nhân đạo chung của mọi tầng lớp nhân dân.

Ban Tôn giáo có nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với hoạt động này, để vừa phát huy mặt tích cực, đồng thời giảm thiểu mặt tiêu cực trong hoạt động từ thiện nhân đạo của tôn giáo. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng cần có cơ chế, phương thức giám sát chặt chẽ hoạt động từ thiện nhân đạo của các tổ chức này để đảm bảo các hoạt động từ thiện diễn ra theo đúng quy định của pháp luật. Trong quản lý hoạt động viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài liên quan đến tôn giáo, cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng có liên quan như Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Bộ Công an, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Tôn giáo Chính phủ.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

1 Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb.Chính trị quốc gia.

2 Chính phủ (2017), Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo.

3 Quốc hội (2019), Luật Giáo dục.

TÀI LIỆU THAM KHẢO: 

1. Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX (2003), Nghị quyết 25 Hội nghị lần thứ bảy.

2. Ban chấp hành Trung ương Đảng (2005), Nghị quyết số 48/NQ-TW ngày 24/5/2005 về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.

3. Chính phủ (2006), Nghị định số 53/2006/NĐ-CP ngày 25/5/2006 về chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập.

4. Chính phủ (2008), Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 về chính sách khuyến khích xã hội hóa với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.

5. Chính phủ (2017), Nghị định 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.

6. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia.

7. Quốc hội (2016), Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.

8. Quốc hội (2019), Luật Giáo dục.