Quy định về kháng nghị, kháng nghị phúc thẩm trong bộ luật tố tụng hình sự năm 2015

NCS. MAI THỊ THANH THẢO (Học viện Khoa học xã hội)

TÓM TẮT:

Kháng cáo, kháng nghị bản án, quyết định sơ thẩm hình sự chưa có hiệu lực pháp luật được thực hiện một cách hợp pháp là sự kiện pháp lý làm phát sinh thủ tục xét xử phúc thẩm. Quy định về rút kháng cáo, kháng nghị trong giai đoạn này là cần thiết để chủ thể kháng cáo, kháng nghị kịp thời đề đạt mong muốn của mình đến Toà án cấp phúc thẩm nhằm kết thúc thủ tục xét xử phúc thẩm. So với Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2003, quy định này đã được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn, song vẫn còn những điểm chưa thống nhất khi đối chiếu với các quy định khác có liên quan. Vì vậy, việc nghiên cứu quy định rút kháng cáo, kháng nghị trong giai đoạn xét xử phúc thẩm của BLTTHS năm 2015 là cần thiết.

Từ khóa: Kháng cáo phúc thẩm, kháng nghị phúc thẩm, rút kháng cáo phúc thẩm, rút kháng nghị phúc thẩm, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

1. Đặt vấn đề

Tố tụng hình sự từ thời cổ đại đến bây giờ đều có chung mục đích là tìm kiếm sự thật khách quan của vụ án. Mặc dù cách thức và quan niệm về sự thật khách quan có thể khác nhau ở từng thời đại và ở các nhà nước khác nhau. Xuất phát từ mục đích chung đó, mong muốn hình thành thủ tục xét xử phúc thẩm - thủ tục xét xử lại hoặc xem xét lại bản án, quyết định của cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật khi có yêu cầu của các bên tranh tụng nhằm khắc phục những thiếu sót sai lầm của cấp sơ thẩm bảo đảm bản án có hiệu lực pháp luật phải là chân lý khách quan. Chính điều này lý giải sự hình thành chế định xét xử phúc thẩm trong pháp luật tố tụng hình sự của các nước.

Bên cạnh đó, chế định phúc thẩm còn là một nhu cầu tất yếu khách quan xuất phát từ bản chất tố tụng hình sự, nhằm đảm bảo hiệu quả hơn quyền con người, các quyền tự do cơ bản của công dân. Nền tư pháp không thể gọi là dân chủ và tiến bộ nếu trong đó thiếu các thiết chế pháp lý cần thiết để bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trên phương diện cá nhân người phạm tội cũng như phương diện Nhà nước.

Kháng cáo, kháng nghị bản án, quyết định sơ thẩm hình sự chưa có hiệu lực pháp luật được giải quyết theo thủ tục xét xử phúc thẩm trong tố tụng hình sự gọi tắt là kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm hình sự. Thủ tục xét xử phúc thẩm là thủ tục xét xử lại hoặc xem xét lại bản án, quyết định của cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật khi có yêu cầu của các bên tranh tụng, bảo đảm bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật phải là chân lý khách quan và bảo đảm quyền con người. Bộ luật Tố tụng hình sự (viết tắt là BLTTHS) năm 2015 ra đời, thay thế BLTTHS năm 2003, trong đó có nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng các yêu cầu lý luận và thực tiễn. Tuy nhiên, do những điều kiện nhất định nên bài viết này chỉ nghiên cứu quy định rút kháng cáo, kháng nghị trong giai đoạn xét xử phúc thẩm của BLTTHS năm 2015.

2. Khái niệm về kháng cáo, kháng nghị

BLTTHS năm 2015 không quy định cụ thể khái niệm kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm nên không thể đưa ra được một khái niệm chính thống. Nhưng dựa vào tính chất của xét xử phúc thẩm quy định tại Điều 330, người có quyền kháng cáo quy định tại Điều 331 và kháng nghị của Viện Kiểm sát quy định tại Điều 336 BLTTHS 2015 có thể khái quát kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm như sau:

- Kháng cáo phúc thẩm là việc một số người tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật thực hiện quyền đề nghị Tòa án cấp trên xét xử lại bản án sơ thẩm, xét lại quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật trong thời hạn luật định nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Quyền kháng cáo bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật theo thủ tục phúc thẩm không áp dụng cho tất cả các chủ thể tham giam tố tụng, chỉ quy định cho những người tham gia tố tụng mà quyền lợi của họ hoặc quyền lợi của người mà họ có trách nhiệm bảo vệ nhằm bảo đảm trực tiếp quyền hợp pháp của họ và bảo đảm tính ổn định của bản án, quyết định sơ thẩm.

- Xung quanh kháng nghị phúc thẩm, trong khoa học hình sự hiện nay cũng tồn tại nhiều quan điểm khác nhau, tùy theo cách thức và góc độ tiếp cận vấn đề: Theo Từ điển Luật học nêu định nghĩa về kháng nghị nói chung trong đó có kháng nghị phúc thẩm là “kháng nghị là việc người có thẩm quyền bằng văn bản của mình gửi đến Tòa án có thẩm quyền làm ngưng hiệu lực phán quyết của Tòa án trong bản án, quyết định để xét xử theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm nhằm làm cho vụ án được chính xác, khách quan và đúng pháp luật”.

Theo Từ điển giải thích Luật học thì kháng nghị là việc “người có thẩm quyền yêu cầu Tòa án xét lại bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật theo thủ tục phúc thẩm”.

Nếu tiếp cận dưới góc độ là một trong những quyền tố tụng của Viện Kiểm sát, theo đó kháng nghị phúc thẩm là: “Một trong những quyền của Viện kiểm sát được thể hiện bằng một văn bản pháp lý thể hiện quan điểm không thống nhất với bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp sơ thẩm vì xét xử thiếu căn cứ, không phù hợp với pháp luật của Tòa án cấp phúc thẩm xét xử lại vụ án đó đúng pháp luật” hoặc kháng nghị phúc thẩm là “một quyền năng pháp lý đặc biệt, một hoạt động quan trọng của Viện Kiểm sát nhân dân và chỉ Viện Kiểm sát mới có quyền kháng nghị phúc thẩm nhằm bảo đảm cho mọi hoạt động tư pháp được tiến hành đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, khắc phục tình trạng bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội”.

Nếu tiếp cận khái niệm kháng nghị dưới góc độ hành vi tố tụng, theo đó kháng nghị được hiểu là “hành vi tố tụng của người có thẩm quyền, thể hiện việc phản đối toàn bộ hoặc một phần nội dung bản án, quyết định của Tòa án”.

Như vậy, kháng nghị phúc thẩm là việc Viện Kiểm sát có thẩm quyền thực hiện quyền năng pháp lý bằng một văn bản pháp lý thể hiện quan điểm không thống nhất với bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp sơ thẩm vì xét xử thiếu căn cứ, không hợp pháp và yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xét xử lại vụ án đó, xét lại quyết định đó đúng pháp luật.

3. Quy định về rút kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm trong Bộ luật Tố tụng hình sự 2015

Điều 342 BLTTHS năm 2015 quy định thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị như sau:

“Điều 342. Thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị:

1. Trước khi bắt đầu phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, người kháng cáo có quyền thay đổi, bổ sung kháng cáo, Viện Kiểm sát ra quyết định kháng nghị có quyền thay đổi, bổ sung kháng nghị nhưng không được làm xấu hơn tình trạng của bị cáo; người kháng cáo rút một phần hoặc toàn bộ kháng cáo; Viện Kiểm sát ra quyết định kháng nghị hoặc Viện Kiểm sát cấp trên trực tiếp có quyền rút một phần hoặc toàn bộ kháng nghị.

2. Việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị trước khi mở phiên tòa phải lập văn bản và gửi cho Tòa án cấp phúc thẩm. Tòa án cấp phúc thẩm phải thông báo cho Viện Kiểm sát, bị cáo và những người có liên quan đến kháng cáo, kháng nghị biết về việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị. Việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị tại phiên tòa được ghi vào biên bản phiên tòa.

3. Trường hợp người kháng cáo rút một phần kháng cáo, Viện Kiểm sát rút một phần kháng nghị tại phiên tòa mà xét thấy không liên quan đến kháng cáo, kháng nghị khác thì Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định về việc rút một phần kháng cáo, kháng nghị và quyết định đình chỉ xét xử phần kháng cáo, kháng nghị đó trong bản án phúc thẩm.”

So với Điều 238 BLTTHS năm 2003, thì Điều 342 BLTTHS năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 và khoản 3 Điều này, cụ thể: “2. Việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị trước khi mở phiên tòa phải lập văn bản và gửi cho Tòa án cấp phúc thẩm. Tòa án cấp phúc thẩm phải thông báo cho Viện Kiểm sát, bị cáo và những người có liên quan đến kháng cáo, kháng nghị biết về việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị. Việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị tại phiên tòa được ghi vào biên bản phiên tòa.

3. Trường hợp người kháng cáo rút một phần kháng cáo, Viện kiểm sát rút một phần kháng nghị tại phiên tòa mà xét thấy không liên quan đến kháng cáo, kháng nghị khác thì Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định về việc rút một phần kháng cáo, kháng nghị và quyết định đình chỉ xét xử phần kháng cáo, kháng nghị đó trong bản án phúc thẩm.”

Theo đó, nếu việc rút kháng cáo, kháng nghị trước khi mở phiên tòa, thì phải lập văn bản thông báo và gửi Tòa án xét xử phúc thẩm. Tòa án xét xử phúc thẩm có trách nhiệm thông báo cho Viện Kiểm sát, bị cáo và những người liên quan đến kháng cáo, kháng nghị biết việc rút kháng cáo, kháng nghị. Nếu việc rút kháng cáo, kháng nghị tại phiên tòa xét xử thì ghi biên bản phiên tòa. Như vậy, thủ tục rút kháng cáo, kháng nghị có thể áp dụng cho cả 2 trường hợp: rút một phần kháng cáo, kháng nghị và rút toàn bộ kháng cáo, kháng nghị.

Trường hợp người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo, Viện Kiểm sát rút toàn bộ kháng nghị trước khi mở phiên tòa xét xử phúc thẩm, thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm. Nếu việc rút toàn bộ kháng cáo, kháng nghị tại phiên toà, thì do Hội đồng xét xử thực hiện.

Trường hợp người kháng cáo rút một phần kháng cáo, Viện Kiểm sát rút một phần kháng nghị mà xét thấy không liên quan đến kháng cáo, kháng nghị khác, thì một phần kháng cáo, kháng nghị đã rút phải đình chỉ xét xử. Việc ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với phần kháng cáo, kháng nghị đã rút trước khi mở phiên tòa do Thẩm phán chủ tọa phiên tòa thực hiện; tại phiên tòa do Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định về việc rút đó và quyết định đình chỉ xét xử phần kháng cáo, kháng nghị đó trong bản án phúc thẩm.

Như vậy, khi rút kháng cáo, kháng nghị, thì hậu quả pháp lý của việc rút là đình chỉ xét xử phúc thẩm (tùy vào mức độ rút mà đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với vụ án hoặc đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với phần kháng cáo, kháng nghị đã rút).

Có thể nhận ra, những nội dung không thay đổi so với BLTTHS năm 2003 như: Người kháng cáo có quyền rút một phần hoặc toàn bộ kháng cáo, Viện Kiểm sát có thẩm quyền rút một phần hoặc toàn bộ kháng nghị; trường hợp rút toàn bộ kháng cáo, kháng nghị thì việc xét xử phúc thẩm phải được đình chỉ…

Tuy nhiên tại khoản 3 Điều 342 BLTTHS 2015 có thay đổi đáng kể so với khoản 2 Điều 238 BLTTHS năm 2003 đó là: “Trường hợp rút một phần kháng cáo, Viện Kiểm sát rút một phần kháng nghị tại phiên tòa mà xét thấy không liên quan đến kháng cáo, kháng nghị khác, thì Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định về việc rút một phần kháng cáo, kháng nghị và quyết định đình chỉ xét xử phần kháng cáo, kháng nghị trong bản án phúc thẩm”. Liên quan đến nội dung này, khoản 2 Điều 348 BLTTHS 2015 quy định: “Trường hợp người kháng cáo rút một phần kháng cáo, Viện Kiểm sát rút một phần kháng nghị trước khi mở phiên tòa mà xét thấy không liên quan đến kháng cáo, kháng nghị khác thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với phần kháng cáo, kháng nghị đã rút”. Như vậy, thời điểm trước hoặc tại phiên tòa nếu một phần kháng cáo, kháng nghị bị rút mà phần đó không liên quan đến kháng cáo, kháng nghị còn lại, thì phần kháng cáo, kháng nghị đã rút phải được đình chỉ và Hội đồng xét xử không xem xét đến.

Quy định rút một phần kháng cáo, kháng nghị không được quy định cụ thể trong BLTTHS năm 2003, mà được hướng dẫn tại tiểu mục 7.2 mục 7 Phần I Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP ngày 08/12/2005 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ tư “xét xử phúc thẩm” của BLTTHS (gọi tắt là Nghị quyết số 05) như sau: “Khi xét xử phúc thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm có quyền xem xét đối với các phần có kháng cáo, kháng nghị đã bị rút mà không có liên quan đến phần kháng cáo, kháng nghị còn lại theo quy định tại Điều 241 và khoản 2 Điều 249 của BLTTHS. Nếu Tòa án cấp phúc thẩm không xem xét các phần có kháng cáo, kháng nghị đã bị rút, thì những phần của bản án hoặc quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị”.

Điều 241 BLTTHS năm 2003 quy định phạm vi xét xử phúc thẩm, theo đó Tòa án cấp phúc thẩm xét nội dung kháng cáo, kháng nghị. Nếu xét thấy cần thiết, thì Tòa án cấp phúc thẩm có thể xem xét các phần khác không bị kháng cáo, kháng nghị của bản án. Như vậy, phạm vi xét xử phúc thẩm được mở rộng đối với phần không bị kháng cáo, kháng nghị khi xét thấy cần thiết. BLTTHS năm 2003 không quy định cụ thể các trường hợp được coi là “xét thấy cần thiết”. Tuy nhiên qua nghiên cứu khoản 2 Điều 249 BLTTHS năm 2003 thì “xét thấy cần thiết” được hiểu là một trong các trường hợp sau đây khi có căn cứ: Có thể giảm nhẹ hình phạt; áp dụng điều khoản Bộ luật Hình sự về tội nhẹ hơn; chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn; giữ nguyên mức hình phạt tù và cho hưởng án treo.

Điều 249 BLTTHS năm 2003 quy định về sửa bản án sơ thẩm, trong đó khoản 2 Điều này quy định đối với những bị cáo không kháng cáo hoặc không bị kháng cáo, kháng nghị “nếu có căn cứ, Hội đồng xét xử phúc thẩm có thể giảm hình phạt hoặc áp dụng điều khoản Bộ luật Hình sự về tội nhẹ hơn, chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn; giữ nguyên hình phạt tù cho hưởng án treo”.

So sánh Điều 241 BLTTHS năm 2003 với Điều 345 BLTTHS năm 2015 quy định về phạm vi xét xử phúc thẩm, khoản 2 Điều 249 BLTTHS năm 2003 với khoản 3 Điều 357 BLTTHS năm 2015 quy định về sửa bản án sơ thẩm đối với những bị cáo không kháng cáo hoặc không bị kháng nghị thì thấy tinh thần và nội dung không thay đổi: “Trường hợp có căn cứ, Hội đồng xét xử phúc thẩm có thể sửa bản án sơ thẩm theo quy định tại khoản 1 Điều này cho những bị cáo không kháng cáo hoặc không bị kháng cáo, kháng nghị”.

BLTTHS năm 2003 quy định Tòa án cấp phúc thẩm có quyền xem xét các phần có kháng cáo, kháng nghị đã bị rút mà không liên quan đến kháng cáo, kháng nghị khác. Đây là quy định logic và phù hợp với quy định về phạm vi xét xử, sửa bản án sơ thẩm. Vì phần kháng cáo, kháng nghị đã bị rút coi như không có kháng cáo, kháng nghị, Tòa án cấp phúc thẩm khi xét xử phúc thẩm có thể xem xét các phần khác không bị kháng cáo, kháng nghị và nếu có căn cứ, có thể áp dụng quy định có lợi cho bị cáo không có kháng cáo hoặc không bị kháng cáo, kháng nghị, không bị giới hạn bởi phần kháng cáo, kháng nghị đã rút. Với tinh thần và nội dung không thay đổi, tuy nhiên, khoản 3 Điều 342 và khoản 2 Điều 348 BLTTHS 2015 quy định đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với trường hợp rút một phần kháng cáo, kháng nghị mà xét thấy không liên quan đến kháng cáo, kháng nghị còn lại là không phù hợp với quy định về phạm vi xét xử phúc thẩm cũng như vô hiệu hóa một phần sửa bản án sơ thẩm đối với những bị cáo không kháng cáo hoặc không bị kháng cáo kháng nghị. Ngay cả khi Hội đồng xét xử phúc thẩm có căn cứ có thể sửa bản án theo hướng: Giảm hình phạt cho bị cáo, chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn theo nguyên tắc có lợi cho họ cũng không thể thực hiện được.

4. Kết luận

Quy định về kháng cáo, kháng nghị trong BLTTHS là một trong những chế định quan trọng quyết định việc có hay không xét xử phúc thẩm bản án và xem xét lại quyết định của Tòa án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật. Quy định về xét xử phúc thẩm nói chung và rút kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm nói riêng trong BLTTHS năm 2015 đã có những sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Có thể thấy, quy định rút kháng cáo, kháng nghị đã ghi nhận việc đề cao tính tự nguyện của chủ thể kháng cáo, kháng nghị và góp phần bảo đảm tính ổn định của bản án, giảm bớt số lượng án mà cấp phúc thẩm phải xét xử đồng thời tiết kiệm nhiều nguồn lực cho người tham gia tố tụng và các cơ quan tiến hành tố tụng. Tuy nhiên lại không thống nhất với phạm vi xét xử và sửa bản án sơ thẩm. Vì vậy, cần có sự điều chỉnh cho phù hợp ■

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bộ luật Tố tụng hình sự nước CHXHCN Việt Nam, 2003.

2. Bộ luật Tố tụng hình sự nước CHXHCN Việt Nam, 2015.

3. Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP ngày 08/12/2005 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ tư “xét xử phúc thẩm” của Bộ luật Tố tụng hình sự.

4. Từ điển Luật học, Nxb Tư pháp và Nxb Từ điển Bách khoa.

5. Từ điển giải thích Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội.

6. Hiến pháp 2013.

REGULATIONS ON ANTI-DISCHARGE REMOVAL

IN THE CRIMINAL CODE OF CONDUCT IN 2015

● MAI THI THANH THAO

Post - Graduate Academy of Social Sciences

ABSTRACT:

Appeals and protests against judgments or decisions of first instance criminal cases which have not been legally effected, are legal events giving rise to appellate procedures. The withdrawal of an appeal or protest at this stage is necessary in order for the subject of the appeal or protest to timely reach his or her expectation to the Court of Appeal in order to complete the appellate procedure. Compared with the 2003 CPC, this provision has been amended and supplemented to suit the reality, but there are still some inconsistencies in comparison with other relevant regulations. Therefore, it is necessary to study the regulations on withdrawal of appeals and protests in the appellate trial stage of the CPC.

Keywords: Appeal, protest, withdraw of appeal, withdraw of protest, 2015 Criminal Procedure Code.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 3 tháng 3/2018 tại đây