Quỹ ngoại Singapore kỳ vọng gì khi muốn chi hơn 1.400 tỷ đồng để mua cổ phiếu VNM?

Quỹ Platinum Victory Pte. Ltd vừa tiếp tục đăng ký mua vào gần 20,9 triệu cổ phiếu VNM của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk). Dự kiến quỹ này sẽ phải chi hơn 1.400 tỷ đồng để hoàn tất giao dịch trên.
Cổ phiếu VNM
Giá nguyên liệu đầu vào neo ở mức thấp sẽ thúc đẩy lãi ròng của Vinamilk tiếp tục tăng trong năm nay.

Quỹ Platinum Victory Pte. Ltd (Singapore) vừa đăng ký mua vào gần 20,9 triệu cổ phiếu VNM của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) trong khoảng thời gian từ ngày 21/2 - 21/3/2024 theo hình thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh.

Hiện Platinum Victory Pte. Ltd đang nắm giữ hơn 221,8 triệu cổ phiếu VNM, tương ứng 10,62% vốn điều lệ Vinamilk, và là cổ đông lớn thứ 3 tại Vinamilk sau Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC, chi phối 36% vốn điều lệ) và F&N Dairy Investments Pte Ltd (chi phối 17,69% vốn điều lệ).

Nếu giao dịch trên của Platinum Victory Pte. Ltd diễn ra thành công, tỷ lệ sở hữu của quỹ này tại Vinamilk sẽ được nâng lên mức 11,62%. Kết thúc ngày 16/2, thị giá cổ phiếu VNM đạt 70.000 đồng/cổ phiếu. Tạm tính ở mức giá này, Platinum Victory Pte. Ltd sẽ cần chi ra khoảng 1.463 tỷ đồng để mua hết 20,9 triệu cổ phiếu VNM như đã đăng ký.

Xét về kết quả kinh doanh, trong năm 2023, Vinamilk ghi nhận 60.479 tỷ đồng doanh thu thuần và 9.019 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 0,7% và 5,2% so với năm 2022. So với kế hoạch kinh doanh, hãng sữa này đã hoàn thành 95% mục tiêu doanh thu và 105% mục tiêu lợi nhuận cả năm trong bối cảnh tiêu thụ toàn ngành sữa Việt Nam thu hẹp do sức mua suy yếu.

Đáng chú ý, tính chung cả năm 2023, biên lợi nhuận gộp của Vinamilk đạt 40,7%, tăng 80 điểm cơ bản so với năm 2022, chủ yếu nhờ giá sữa bột nguyên liệu giảm.

Hiện nhiều tổ chức tài chính dự báo lãi ròng của Vinamilk sẽ tiếp tục tăng lên trong năm 2024 nhờ thị phần được củng cố và hưởng lợi giá nguyên liệu đầu vào như sữa bột, đường… giảm.

Giá cổ phiếu VNM Vinamilk
Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu VNM của Vinamilk kể từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Vinamilk (VNM): Giá nguyên liệu đầu vào ở mức thấp nhất 5 năm, tự tin về kết quả quý 1" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Theo chia sẻ mới đây của ông Lê Thanh Liêm - Giám đốc Tài chính Vinamilk, kết quả kinh doanh quý 1/2024 sẽ “tốt hơn nhiều” so với cùng kỳ năm 2023. Đồng thời, do giá nguyên liệu tiếp tục giảm trong thời điểm cuối năm 2023 nên hiện Vinamilk đã chốt giá nguyên liệu cho sản xuất đến hết nửa đầu năm 2024.

Trước đó, hồi tháng 11/2023, Vinamilk cho biết đã chốt giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất cho đến quý 1/2024. Tại thời điểm đó, giá sữa bột nguyên kem trên thế giới dao động quanh vùng giá thấp nhất 5 năm.

Do giá sữa nguyên liệu thuận lợi, Vinamilk dự kiến biên lợi nhuận gộp năm 2024 sẽ tiếp tục tăng thêm khoảng 100 điểm cơ bản, lên mức 42%.

Trong năm nay, Vinamilk ưu tiên tăng trưởng doanh thu và tăng thị phần với mục tiêu doanh thu tăng 5% so với năm 2023. Tuy nhiên, ban lãnh đạo công ty vẫn giữ quan điểm thận trọng về mức tiêu thụ trên diện rộng khi sức mua nói chung khó có thể hồi phục nhanh. Đồng thời, Vinamilk cũng chưa có kế hoạch tăng giá bán trong năm 2024.

Về kế hoạch đầu tư, Vinamilk dự kiến sẽ đầu tư từ 2.000 - 3.000 tỷ đồng trong năm nay để mở rộng trang trại bò sữa mới của Mộc Châu Milk (mã cổ phiếu MCM) tại miền Bắc và trang trại Tây Ninh tại miền Nam.

Đáng chú ý, Vinamilk sẽ thuê tư vấn để cải tiến các hoạt động tiếp thị của mảng sữa bột cho trẻ sơ sinh, tái cơ cấu các kênh phân phối theo hướng tiếp cận nhiều hơn với các kênh bệnh viện và kênh bán hàng hiện đại nhằm đạt mục tiêu giành lại thêm 1% thị phần tại mảng này. Công ty dự kiến sẽ có bao bì mới cho sữa bột dành cho trẻ sơ sinh vào nửa đầu năm 2024.

Duy Quang