Tập đoàn Kido (KDC) mới đây tuyên bố đã chính thức mua lại 51% cổ phần của Golden Hope Nhà Bè từ tay Tập đoàn dầu cọ Sime Darby (Malaysia). Như vậy, với việc đầu tư chi phối vào Vocarimex, Tường An và Golden Hope Nhà Bè, Kido đã nâng tổng thị phần trong ngành dầu ăn lên gần với thị phần của Cái Lân (hiện nắm giữ khoảng 40% thị phần, theo Euromonitor).

Ở lĩnh vực mía đường, tính đến nay, Thành Thành Công - Biên Hòa  (TTC Sugar) đã đầu tư rót vốn, liên doanh liên kết vào nhiều công ty cùng ngành. Có thể kể ra các tên tuổi đáng chú ý đã về cùng một nhà với SBT như: Bourbon Tây Ninh, Đường Biên Hòa, Đường Ninh Hòa, Mía đường Nhiệt điện Gia Lai, Mía đường Tây Ninh, HAGL Sugar... Tính chung, TTC Sugar đang dẫn đầu ngành mía đường Việt Nam, với thị phần nội địa xấp xỉ 40%.

thanh thanh cong
Thành Thành Công - Biên Hòa  (TTC Sugar) đã đầu tư rót vốn, liên doanh liên kết vào nhiều công ty cùng ngành

 

Trong lĩnh vực điện máy, Thế Giới Di Động (MWG) đã chiếm lĩnh thị trường bán lẻ điện máy, với 740 cửa hàng Điện Máy Xanh, gấp 10-12 lần so với chuỗi cửa hàng của Điện máy Chợ Lớn, Nguyễn Kim. Theo Thế giới Di Động, đây là con số bao gồm cả thâu tóm chuỗi điện máy Trần Anh. Với các động thái này, những so kè trong ngành bán lẻ điện máy sau gần một thập niên đã ngã ngũ, với phần thắng thuộc về Điện Máy Xanh (nắm 35% thị phần). Ở mảng bán lẻ điện thoại di động và máy tính bảng, chuỗi Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh cũng đã bằng với tất cả các kênh bán lẻ khác cộng lại (theo số liệu GfK).

Ông Trần Lệ Nguyên, CEO Kido, từng thừa nhận, cạnh tranh trong ngành dầu ăn rất gay gắt. Nhất là khi thuế nhập khẩu dầu về 0% (từ tháng 5.2017) đã thu hút nhiều doanh nghiệp nước ngoài ồ ạt đầu tư và tăng nhập khẩu sản phẩm vào Việt Nam. Thực tế, có thể thấy, khả năng Kido vượt qua Cái Lân là không dễ dàng. Năm 2015, Cái Lân đã chiếm lĩnh 39,2% toàn thị trường dầu ăn, bỏ xa tên tuổi đứng thứ 2 là Tường An (16,3%), theo Euromonitor. Tuy nhiên, những hoạt động tăng cường M&A gần đây của Kido trong ngành dầu ăn đã giúp Kido thu hẹp dần khoảng cách thị phần và không giấu tham vọng dẫn đầu thị trường trong tương lai gần.

dau an kido
Thông qua M&A, Kido cũng có thể cải thiện biên lợi nhuận cho doanh nghiệp dầu ăn

 

 

Ngoài ra, thâu tóm Golden Hope Nhà Bè còn hứa hẹn giúp Kido giải quyết được bài toán về giá và nguyên liệu đầu vào. Hiện tại, 90% nguyên liệu cho ngành dầu ăn Việt Nam vẫn phải nhập khẩu. Trong đó, Vocarimex được xem là đầu mối quan trọng. Bây giờ, thêm sự góp mặt của Golden Hope với nhà máy tiếp giáp cảng,  Kido sẽ càng có lợi thế trong nhập khẩu các nguyên liệu sản xuất từ Mỹ, Canada, Nam Mỹ, châu Âu, Malaysia. Thông qua M&A, Kido cũng có thể cải thiện biên lợi nhuận cho doanh nghiệp dầu ăn. Sau khi sáp nhập vào Kido, dù doanh thu năm 2017 của Tường An chỉ tăng 9% nhưng lợi nhuận ròng của TAC đã tăng gấp đôi.

Về phía TTC Sugar, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị TTC Group, từng nhấn mạnh, gia tăng quy mô, thị phần là cách thức dọn dường để TTC Sugar có thể hạ giá bán đường, tăng sức cạnh tranh với đường nhập khẩu, nhất là đường Thái Lan. Theo dự tính của TTC Sugar, trong 2 niên vụ tới, đường của TTC Sugar có thể giảm chi phí về 45 USD/tấn, tiệm cận mức chi phí hiện nay của đường Thái. Ngoài ra, TTC Sugar cũng sẽ tăng năng suất trồng và hướng đến nông nghiệp hiện đại, cơ giới hóa toàn diện.

Đối với Thế Giới Di Động, việc thâu tóm, mở cửa hàng mới, chuyển đổi cửa hàng (từ Thế Giới Di Động sang Điện Máy Xanh) đã và sẽ còn giúp MWG tối ưu chi phí, lấy thêm thị phần từ các cửa hàng nhỏ lẻ địa phương. Nhưng để duy trì tăng trưởng cao và quy mô doanh thu như đề ra (10 tỉ USD vào năm 2020), MWG đã tấn công sang nhiều ngành mới như chuỗi Bách Hóa Xanh, chuỗi nhà thuốc An Khang... Tham vọng của MWG là phải chiếm lĩnh vị trí cao trong ngành (top 3).

Lợi thế quy mô, đầu bảng cũng giúp doanh nghiệp hoạt động chuyên nghiệp và dễ dàng nắm bắt các cơ hội mới từ thị trường hơn. Trong thị trường thực phẩm tiêu dùng ở mức 50-60 tỉ USD, theo lãnh đạo MWG, chỉ cần chiếm giữ 10% thị phần là đã có thể hoàn thành nửa mục tiêu 10 tỉ USD của MWG. Đối với ngành đường, triển vọng vẫn còn khi mức tiêu thụ đường bình quân tại Việt Nam là 16 kg đường/người/năm... Đối với ngành dầu ăn, mức tiêu thụ dầu ăn của người Việt bình quân chỉ khoảng gần 10 kg/năm, thấp hơn chuẩn mà Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo (13,5 kg/năm).

Xu hướng này cũng đang diễn ra trong ngành nhựa, bia, ứng dụng công nghệ, bán lẻ... Khác chăng, bên thâu tóm là những tập đoàn hùng mạnh đến từ Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật..