Quyền tham chính của phụ nữ tại Việt Nam hiện nay

ThS. TRẦN HOÀNG HẠNH (Phó Trưởng khoa Đại cương - Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Trải qua hơn 30 năm phê chuẩn và thực hiện công ước CEDAW (Việt Nam phê chuẩn vào ngày 18/12/1982)[3,533], đến thời điểm này chúng ta đã đạt được nhiều ấn tượng nổi bật: tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội Khóa XIV là 26,72% - đứng thứ 18 trên thế giới với 1 chủ tịch Quốc hội, 3 ủy viên Bộ Chính trị; ở cấp tỉnh có 06 Bí thư, 13 Phó Bí thư, 08 Chủ tịch, 30 Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, 19 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, 16 phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội là nữ, cùng nhiều nữ cán bộ đảm nhiệm các vị trí trọng trách ở Trung ương và địa phương [5]. Bài viết dưới đây sẽ đề cập đến quyền tham chính của phụ nữ theo Công ước CEDAW và một số văn bản pháp luật, phân tích các yếu tố tác động và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao quyền tham gia của phụ nữ vào các hoạt động chính trị - xã hội căn cứ vào thực tiễn của Việt Nam hiện nay.

Từ khóa: Công ước CEDAW, quyền tham chính của phụ nữ, Luật bình đẳng giới, bầu cử, ứng cử của nữ giới.

1. Các quy định pháp luật về quyền tham chính của phụ nữ

Quyền tham chính của phụ nữ được hiểu là “quyền của phụ nữ trong việc tham gia vào các hoạt động chính trị - xã hội (được hiểu trên bình diện rộng bao gồm tất cả các yếu tố cấu thành của nền hành chính công trên các lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp và các tổ chức chính trị, chính trị xã hội, hiệp hội chuyên môn, nhóm, cộng đồng,…) mà không gặp phải bất cứ trở ngại, cản trở hay phân biệt đối xử nào” [4,242], các quốc gia thành viên của công ước CEDAW phải có trách nhiệm đảm bảo và thực hiện nghiêm túc.

Nhằm thực hiện tốt các quy định tại điều 7 công ước CEDAW, Khuyến nghị chung số 23 được Ủy ban CEDAW thông qua tại phiên họp lần thứ 16 năm 1997 nêu ra cụ thể những biện pháp mà các quốc gia thành viên cần thực hiện để hỗ trợ và khuyến khích phụ nữ thực hiện quyền tham chính bao gồm 3 nhóm biện pháp cơ bản.

  • Để bảo đảm quyền bầu cử ứng cử của phụ nữ, các quốc gia cần phải: (i) Bảo đảm tỷ lệ cân bằng giữa phụ nữ và nam giới trong việc nắm giữ các vị trí được bầu cử công khai; (ii) Làm cho phụ nữ hiểu tầm quan trọng và cách thức thực hiện quyền bỏ phiếu của họ; (iii) Khắc phục những rào cản như thất học, ngôn ngữ, nghèo nàn và những trở ngại cho việc thực hiện quyền tham chính của phụ nữ; (iiii) Giúp phụ nữ vượt qua những rào cản đó để thực hiện quyền bầu cử và đắc cử của họ.
  • Để bảo đảm quyền tham gia xây dựng chính sách, pháp luật và giữ các chức vụ trong chính quyền của phụ nữ các quốc gia cần: (i) Đảm bảo quyền bình đẳng đại diện của phụ nữ trong quá trình xây dựng chính sách của Chính phủ; (ii) Bảo đảm phụ nữ có quyền bình đẳng thực tế trong việc nắm giữ chức vụ; (iii) Bảo đảm quá trình tuyển dụng nhằm vào phụ nữ phải công khai và có tính thu hút.
  • Để bao đảm quyền tham gia các tổ chức xã hội của phụ nữ, các quốc gia cần: (i) Bảo đảm ban hành pháp chế có hiệu quả ngăn cấm phân biệt đối xử với phụ nữ; (ii) Khuyến khích các tổ chức phi chính phủ, các hội liên hiệp chính trị và cộng đồng chấp thuận các chiến lược, khuyến khích phụ nữ đại diện và tham gia vào công việc của họ.

Ngoài ra, trong một số trường hợp cần thiết, Khuyến nghị số 23 cũng yêu cầu các quốc gia thành viên thực thi một số biện pháp đặc biệt mang tính chất tạm thời tùy thuộc vào từng giai đoạn nhất định để nâng cao tỷ lệ phụ nữ tham gia vào hoạt động chính trị - xã hội, cụ thể như đào tạo, bồi dưỡng, vận động và trợ giúp tài chính cho cán bộ nữ, đề ra chỉ tiêu nhất định về tỷ lệ phụ nữ trong các cấp chính quyền,… sao cho phù hợp và mang tính thúc đẩy.

Việc “nội luật hóa” quyền tham chính của phụ nữ tại điều 7 Công ước CEDAW đã được Đảng, Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền quan tâm, tập trung triển khai thực thi có hiệu quả. Cụ thể trong vòng 25 năm trở lại đây, tính từ thập niên 1990, Quốc hội Việt Nam đã thông qua 188 Bộ luật và Luật [6]. Trong đó có quy định đảm bảo việc thực hiện quyền phụ nữ trong các lĩnh vực như tham chính, lao động, giáo dục, việc làm, y tế, chăm sóc sức khỏe, hôn nhân gia đình, quốc tịch, bầu cử,… Đặc biệt, Luật Bình đẳng giới được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2006 khẳng định Nhà nước quan tâm và bảo vệ quyền tham gia hoạt động chính trị - xã hội của phụ nữ, thực hiện nhiều biện pháp nhằm đảm bảo bình đẳng cho phụ nữ tham gia vào quản lý nhà nước, tham gia hoạt động xã hội.

2. Quyền tham chính của phụ nữ tại Việt Nam hiện nay

 Kể từ khi phê chuẩn công ước CEDAW cho đến thời điểm hiện tại, Đảng và Nhà nước ta đã chính thức ban hành và thực thi nhiều chủ trương, chính sách nhằm thay đổi nhận thức cộng đồng, góp phần khuyến khích, tạo điều kiện và từng bước nâng cao tỷ lệ phụ nữ Việt Nam tham gia và hoạt động chính trị - xã hội. Trải qua hơn 30 năm cố gắng, nhìn chung tỷ lệ phụ nữ nước ta tham chính ngày càng tăng qua từng năm, từng nhiệm kỳ. Cụ thể theo Báo cáo chung của Bộ Ngoại Giao và UNDP tại Chương trình lãnh đạo nữ Cambrige - Việt Nam: Nâng cao năng lực cho Phụ nữ trong khu vực Nhà nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (sau đây gọi tắt là EOWP) năm 2012 cho thấy đối với sự tham gia vào các tổ chức chính trị năm 2012 tỷ lệ nữ Đảng viên trên cả nước đạt 32% [1], tăng đáng kể so với năm 2005 chỉ có 20%; tỷ lệ nữ tham gia Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI là 18 ủy viên nữ trên tổng số 200 ủy viên chiếm 9% [1]. Đối với bộ máy Nhà nước, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII nhiệm kỳ 2011 - 2016 là 24,4%; tỷ lệ ứng cử viên nữ trong kỳ bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016 là 31%.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đáng khích lệ ban đầu nêu trên, chúng ta cần nhìn nhận nhiều vấn đề tồn tại trong thực tế đối với công tác cán bộ nữ hiện nay vẫn chưa được xử lý, giải quyết hiệu quả. Cụ thể trong tổng số ứng cử viên nữ được giới thiệu bầu vào Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016, chỉ có 47% trúng cử so với tỷ lệ 67% ứng cử viên nam, ở cấp địa phương phụ nữ chiếm 26% các vị trí trong Hội đồng nhân dân nhưng chỉ có 3% giữ chức vụ nữ chủ tịch Hội đồng nhân dân các cấp; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII nhiệm kỳ 2011-2016 là 24.4%, được đánh giá là thấp nhất trong 4 nhiệm kỳ vừa qua [1]; tỷ lệ nữ tham gia vào cấp ủy từ Trung ương cho đến tỉnh, huyện, xã dù có tăng qua các nhiệm kỳ, nhưng nhìn chung vẫn còn khiêm tốn so với nam giới theo số liệu chi tiết thể hiện trong Bảng 1, 2.

Bảng 1. Tỷ lệ nữ trong cấp ủy cấp trung ương, tỉnh, huyện và xã

trong nhiệm kỳ 2001 - 2005, 2006 - 2010 và 2011 - 2016

ty_le_nu_trong_cap_uy_cap_trung_uong

Nguồn: Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, 2011

Bảng 2. Phần trăm nữ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, huyện và xã trong giai đoạn 1994 - 2004, 2004 - 2011, 2011 - 2016

phan_tram_nu_dai_bieu_hoi_dong_nhan_dan_cap_tinh Nguồn: Văn phòng Quốc hội, 2011

So sánh với thế giới, theo báo cáo của Liên minh Nghị viện Thế giới, thời điểm cuối năm 2011, tỷ lệ phụ nữ tham chính tại Việt Nam đứng thứ 43 trên thế giới, giảm so với thứ 36 vào năm 2010 và 2009, thứ 33 năm 2008, thứ 31 năm 2007, thứ 25 năm 2006 và thứ 23 năm 2005. Nước ta cũng được đánh giá là một trong số 21 quốc gia có sự sụt giảm rõ rệt về tỷ lệ phụ nữ tham chính vào năm 2011 [7]. Trong  số 7 quốc gia (Trung Quốc, Cu Ba, Bắc Triều Tiên, Lào, Cộng hòa dân chủ Ả rập Xarauy, Tuốc-mê-nit-xtan và Việt Nam), Việt Nam đứng thứ 3 về tỷ lệ phụ nữ tham chính cấp Quốc gia (24,4%). Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và Cuba có tỷ lệ phụ nữ tham chính lần lượt là 25% và 45% [7]. Trung Quốc có tỷ lệ phụ nữ tham chính ở cấp địa phương rất cao - 43% [14].

Từ những bảng số liệu 1, và 2 cho thấy khoảng cách trong việc tham gia các hoạt động chính trị giữa nam và nữ tại Việt Nam vẫn còn chênh lệch khá xa, vấn đề này theo tác giả xuất phát từ một số nguyên nhân chính được bàn thảo sâu ở các nội dung dưới đây.

2.1. Yếu tố về chính trị

Chính trị được hiểu“là hoạt động trong lĩnh vực quan hệ giữa các giai cấp, cũng như các dân tộc và các quốc gia với vấn đề giành, giữ, tổ chức và sử dụng quyền lực Nhà nước; là sự tham gia của nhân dân vào công việc của Nhà nước và xã hội; là hoạt động chính trị thực tiễn của giai cấp, các đảng phái chính trị, các nhà nước nhằm tìm kiếm những khả năng thực hiện đường lối và những mục tiêu đã đề ra nhằm thỏa mãn lợi ích” [10,6].

Trong một xã hội có giai cấp, chính trị, với những thiết chế được đặt ra là để xác lập mối quan hệ giữa các giai cấp, trong đó xác định đâu là giai cấp thống trị, đâu là giai cấp, tầng lớp bị thống trị, đâu là giai cấp, tầng lớp tham gia vào thực hiện các nhiệm vụ chính trị [10,9]. Thực tế tại một số quốc gia đã chứng minh, nếu đảng chính trị cầm quyền có xu hướng cởi mở, ủng hộ dân chủ, tiến bộ và công bằng xã hội thì quốc gia đó sẽ hướng tới việc thực thi các chính sách bảo đảm công bằng trong việc tham gia hoạt động chính trị - xã hội của người dân (trong đó có nam và nữ). Và ngược lại, nếu Đảng chính trị tại đó duy trì quan điểm bảo thủ, tập trung quyền lực thì chắc chắn sẽ duy trì chủ trương hạn chế tối đa sự tham gia của phần lớn nhân dân vào quản lý đất nước và xã hội.

Tại mỗi quốc gia, chế độ Nhà nước nhất định, nếu được sự ủng hộ của Đảng cầm quyền, Nhà nước sẽ tạo lập một hệ thống pháp luật hoàn thiện và hiệu quả góp phần củng cố, bảo đảm và bảo vệ quyền lợi chính đáng của phụ nữ khi tham gia vào hoạt động chính trị, bầu cử, ứng cử, giữ các chức vụ và vị trí quan trọng trong chính quyền; đồng thời đấu tranh và xử lý mọi hành vi vi phạm, mọi biểu hiện phân biệt đối xử hay cố tình cản trở, gây khó cho việc thực hiện quyền tham chính của nữ giới.

Tại nước ta, Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội đã xây dựng và ban hành nhiều chính sách về lao động nữ, về sự tham gia của phụ nữ trong bầu cử, ứng cử, quy định tỷ lệ nữ giới bắt buộc trong cơ cấu bộ máy nhà nước thuộc các lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp, trong cấp ủy, đảng bộ và giữ chức vụ lãnh đạo khác nhau trong chính quyền các cấp. Từ những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã thể chế hóa, cụ thể hóa bằng các quy định pháp luật, tổ chức thực thi và có nhiều biện pháp đảm bảo thực hiện trong thực tế.

2.2. Yếu tố kinh tế

Về yếu tố kinh tế, Karl Marx đã có nhận định “phương thức sản xuất đời sống vật chất quyết định các quá trình sinh hoạt xã hội, chính trị và tinh thần nói chung” [3,15]. Hay nói cách khác, giữa kinh tế và chính trị có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại với nhau: giai cấp nào chiếm địa vị thống trị về kinh tế thì cũng chiếm địa vị thống trị trong đời sống tinh thần của xã hội; mâu thuẫn trong đời sống kinh tế xét cho cùng mang ý nghĩa quyết định hoặc nhằm giải quyết các mâu thuẫn trong lĩnh vực chính trị, tư tưởng.

Trong thực tiễn xã hội Việt Nam hiện tại đã minh chứng ai trong gia đình là người nắm quyền về kinh tế thì mặc nhiên được mọi thành viên trong gia đình công nhận có quyền cao nhất, có thể chỉ đạo, điều hành, quyết định mọi vấn đề có liên quan. Hơn 80% lãnh đạo, quản lý, người giữ chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, đơn vị, tổ chức ở nước ta hiện nay là nam giới nên việc chi phối các mối quan hệ xã hội cũng như đời sống tinh thần của mọi thành viên trong gia đình là rất lớn. Phụ nữ phụ thuộc chồng về mặt kinh tế vẫn còn chiếm tỷ lệ lớn nên gần như không có tiếng nói trong gia đình; lệ thuộc về mặt kinh tế sẽ dẫn đến lệ thuộc về phân công công việc, nghĩa vụ và trách nhiệm. Và cũng do không chủ động về kinh tế nên gần như phụ nữ không có cơ hội tham gia vào các hoạt động chính trị - xã hội.

2.3. Yếu tố pháp luật

Pháp luật được xem là sản phẩm của việc cụ thể hóa, chi tiết hóa các ý chí, chủ trương, quan điểm của giai cấp thống trị vào hoạt động của Nhà nước và xã hội. Giai cấp thống trị xem pháp luật là công cụ hiệu quả giúp Nhà nước quản lý toàn bộ các quan hệ của đời sống xã hội và hoạt động của người dân. Tương ứng với kiểu Nhà nước nào do giai cấp nào thiết lập nên thì sẽ có hình thức pháp luật như vậy đúng như Karl Maxc đã khẳng định về pháp luật tư sản của nhà nước tư sản: “Pháp luật của các ông chỉ là ý chí của giai cấp các ông được để lên thành luật, cái ý chí mà nội dung là do các điều kiện sinh hoạt vật chất của giai cấp các ông quyết định” [3,262-263].

Việt Nam đang trong giai đoạn cải cách kinh tế, đổi mới toàn diện hướng đến mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Công cuộc cải cách tư pháp và hoạt động xây dựng pháp luật, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật tác động mạnh mẽ đến toàn bộ đời sống xã hội nói chung và đến từng lĩnh vực cụ thể. Từ việc phê chuẩn công ước CEDAW, sau đó Việt Nam đã ban hành hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật để cụ thể hóa, nội luật hóa đã từng bước đem lại hiệu quả, góp phần nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ Việt Nam, thay đổi và dần xóa bỏ các rào cản, quan điểm, hủ tục lạc hậu, bất công, bất hợp lý cản trở nữ giới trong việc phấn đấu khẳng định mình, được bổ nhiệm, đề bạt, giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Tuy nhiên, cần nhìn nhận lại nhiều quy định pháp luật của Việt Nam đối với lao động nữ và cán bộ nữ còn nhiều điểm bất hợp lý, chưa tạo cơ hội cho chị em phát triển đúng tầm, đúng mức. Ví dụ như quy định về tuổi hưu của phụ nữ, mặc dù đã có sự điều chỉnh cho bớt chênh lệch so với nam giới nhưng vẫn chưa khấu trừ thời gian nghỉ thai sản, nuôi con nhỏ (là khoảng thời gian cần phụ nữ không thể tập trung phát triển chuyên môn và công việc) để cân bằng. Chưa có quy định xử phạt các hành vi phân biệt đối xử về mặt giới tính - là cản trở cho việc phát triển nguồn cán bộ nữ. Cụ thể như có một số cơ quan, tổ chức khi cùng một vị trí công việc nhưng mức lương trả khác nhau (nam luôn cao hơn nữ) dù đóng góp công sức là như nhau; quy định đối với phụ nữ khi đảm nhận chức vụ nhất định phải cam kết không kết hôn hoặc sinh con (để chỉ tập trung vào công việc) nếu không sẽ sa thải,… Những hành vi vi phạm này khoét sâu hơn vào bất bình đẳng nam nữ, gây thêm phần cản trở phụ nữ khi bắt buộc phải chọn lựa giữa hạnh phúc gia đình và thăng tiến trong công việc. 

2.4. Yếu tố tôn giáo

Theo Ph.Ăngghen, tôn giáo được xem là một “hiện tượng thuộc đời sống tinh thần của xã hội”, “hình thái ý thức xã hội đặc biệt phản ánh cái tồn tại xã hội đã sinh ra nó” [4,172]. Trong giai đoạn Nhà nước mới hình thành chưa có sự xuất hiện của pháp luật, giai cấp thống trị chủ yếu quản lý xã hội, điều chỉnh hành vi của con người thông qua các quy phạm đạo đức, phong tục, tập quán của cộng đồng, hệ thống giáo lý, tín điều của tôn giáo. Theo tiến trình lịch sử cùng với sự phát triển của xã hội loại người, những nội dung này có ảnh hưởng rất lớn, lâu dài, mang tính bền vững ngay cả khi hệ thống pháp luật xuất hiện. Có những vấn đề xã hội hiện nay việc áp dụng pháp luật chưa phải là cách thức giải quyết hiệu quả nhất nếu so sánh với việc sử dụng chuẩn mực đạo đức, tín điều tôn giáo để xử lý. Chính vì vậy, tôn giáo càng có điều kiện ăn sâu, bám rễ, nhiều khi dần dần với thời gian trở thành ý thức hệ, thành “quốc giáo” của cả một quốc gia. Những quốc gia nào tôn giáo theo xu hướng cởi mở, dễ tiếp nhận cái mới thường có tư tưởng cấp tiến ủng hộ quan điểm tôn trọng quyền con người, đề cao quyền bình đẳng của mọi đối tượng trong xã hội, đặc biệt là phụ nữ. Ngược lại những quốc gia mà tôn giáo theo quan điểm bảo thủ, khép kín sẽ không bao giờ ủng hộ dân chủ, quyền bình đẳng nam nữ hay khuyến khích và tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển.

Việt Nam chúng ta hiện nay là quốc gia đa tôn giáo, các tôn giáo có xu hướng chung sống hòa bình, đan xen, chịu ảnh hưởng và có sự tác động qua lại lẫn nhau, mỗi tôn giáo có đặc trưng riêng, có địa bàn hoạt động với số lượng tín đồ nhất định. Tuy nhiên vẫn còn một số tôn giáo vẫn tồn tại tư tưởng và giáo lý coi thường phụ nữ, xem phụ nữ là thứ yếu, phải biết chịu nhịn và tuân phục phái nam, nghiêm trọng hơn là việc không cho phép phụ nữ tham gia các hoạt động chính trị - xã hội, không có quyền bầu cử, ứng cử, không được đi làm mà trách nhiệm chính là phục vụ gia đình. Chính vì vậy, Nhà nước với vai trò lãnh đạo quản lý phải có trách nhiệm điều chỉnh và định hướng các hoạt động tôn giáo làm sao hướng đến mục tiêu tích cực: hỗ trợ và phục vụ cho việc kiến tạo đất nước và xã hội, tôn trọng và đảm bảo dân chủ, bình đẳng, tạo điều kiện cho mỗi cá nhân có cơ hội phát triển và khẳng định bản thân.

2.5. Yếu tố văn hóa xã hội

"Văn hóa bao gồm tất cả những gì làm cho dân tộc này khác với dân tộc khác, từ những sản phẩm tinh vi hiện đại nhất cho đến tín ngưỡng, phong tục, tập quán, lối sống và lao động" [12,798]. Văn hóa Việt Nam đã được hun đúc từ nhiều nguồn: nguồn văn hóa truyền thuyết trong thời các Vua Hùng dựng nước, nguồn văn hóa của cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam, nguồn văn hóa các tôn giáo, nguồn văn hóa phương Tây và nguồn văn hóa Macxit [11].

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, văn hóa Việt Nam đã có sự tiếp thu, học hỏi, đúc kết, kế thừa tinh hoa văn hóa của nhân loại và của 54 dân tộc anh em cùng chung sống, chắt lọc và giữ gìn cái tiến bộ, phát triển loại bỏ cái lạc hậu, bảo thủ, thể hiện được bản sắc dân tộc Việt không bị lẫn lộn, đồng hóa hay đan xen với các nền văn hóa khác.

Tuy nhiên cần phải thẳng thắn thừa nhận bên cạnh những điểm mạnh thì nền văn hóa Việt Nam do chịu ảnh hưởng lớn nhất của Nho giáo nên còn tồn đọng nhiều tư tưởng, quan điểm cổ hủ, lạc hậu, lâu dần cùng với thời gian nó trở thành ý thức hệ, hệ tư tưởng ăn sâu, khó thay đổi, tạo nên những định kiến xã hội kéo dài hàng trăm năm cho đến tận ngày nay. Đây cũng là nguyên nhân chính gây cản trở lớn nhất đến việc phát triển của phụ nữ, đến việc tạo lập bình đẳng nam nữ. Cụ thể, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” của ông cha ta từ thời xưa đến nay vẫn là một trong những lý do khiến phụ nữ khó có thể tham gia các hoạt động chính trị - xã hội, khó có cơ hội khẳng định mình, ít có thể được tạo điều kiện phấn đấu đạt đến mục tiêu mong muốn. Cụ thể trong cuộc sống và công việc, nếu như những yếu tố như “tham vọng, lòng dũng cảm, sự quyết tâm đạt đến mục tiêu, thăng tiến, đề bạt…” ở nam được coi là tích cực, đáng coi trọng, hoan nghênh, khuyến khích, tạo điều kiện thì ở nữ giới lại bị coi là tiêu cực, trái ngược, không phù hợp thậm chí là xấu xa; đàn ông tham chính thì “tài giỏi, tự tin, đúng tầm, bản lĩnh” nhưng nếu phụ nữ thích làm chính trị thì “tan cửa nát nhà” “đàn bà như vậy là bỏ đi”. Mặc dù xã hội hiện đại đã có sự nhìn nhận cởi mở, thông thoáng hơn về những vấn đề này, tuy nhiên những quan niệm nêu trên vẫn còn tồn tại khá phổ biến.

Bên cạnh đó, do nếp nghĩ nhiệm vụ của phụ nữ là phải “tề gia nội trợ” nên dù phụ nữ có chức vụ, vai trò, vị trí đến đâu, tham gia quản lý nhà nước, điều hành cơ quan giỏi cỡ nào thì gánh nặng chu toàn việc nhà là không thể tránh khỏi, việc san sẻ hỗ trợ từ gia đình, chồng con và xã hội là khá thấp, vì đa số mặc nhiên đó là việc của đàn bà. Đây cũng là nguyên nhân khiến công tác phát triển đội ngũ cán bộ nữ gặp khó vì không thể cùng lúc hai vai, vừa “giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong một thời gian liên tục, kéo dài.

Cũng chính vì những tập quán, suy nghĩ lạc hậu ảnh hưởng từ văn hóa kéo dài quá lâu đã gây tạo nên bất bình đẳng nam nữ sâu rộng từ gia đình cho đến nhà trường, cơ quan, đoàn thể và xã hội mà đến nay vẫn chưa thể khắc phục được. Trong gia đình vẫn còn tồn tại quan niệm ưu tiên con trai hơn con gái kể cả trong đầu tư giáo dục, học hành, phân công lao động, thụ hưởng quyền lợi và tài sản. Ngoài xã hội và cơ quan nếu cùng một vị trí để đề bạt, bổ nhiệm cũng luôn chú trọng nam hơn nữ, điều đó lý giải tại sao lãnh đạo nam ở hầu hết các cơ quan, tổ chức luôn chiếm đa số. Ngay cả trong cơ hội làm việc, tuổi nghỉ hưu của nữ cũng trước nam vô hình chung tước đoạt cơ hội phấn đấu để được quy hoạch, bổ nhiệm cho chị em. Khoa học đã chứng minh, phụ nữ sống lâu hơn nam giới và trong các công việc liên quan đến chuyên môn sâu, hoạt động trí óc phụ nữ có thể đảm nhận tốt như nam giới với cùng độ tuổi.

2.6. Trình độ dân trí

Trình độ dân trí cũng là yếu tố ảnh hưởng phần lớn đến quyền tham chính của phụ nữ. Có thể nói khi dân trí phát triển đến một trình độ nhất định, người dân nói chung và phụ nữ mới có thể có đủ hiểu biết để nhìn nhận và ý thức được vai trò, vị trí và quyền lợi của chính bản thân mình. Không có tri thức con người, ta không biết nhận thức đúng sai, thật hay giả, việc gì nên làm và không nên làm, do vậy người dân nói chung và đặc biệt là phụ nữ sẽ dễ dàng bị lôi kéo, thuyết phục đồng thuận với cách suy nghĩ truyền thống, những tiêu chuẩn, thước đo từ lâu được số đông cổ súy là chuẩn mực, là phù hợp, là cao cả, đẹp đẽ, cao quý. Đó cũng là một trong các lý do mà nhiều quốc gia không khuyến khích hay tạo điều kiện để phụ nữ được hưởng một nền giáo dục trọn vẹn, đầy đủ như nam giới để dễ bề thống trị hơn. Bản thân phụ nữ do tác động của gia đình, của nền tảng xã hội, tôn giáo đang theo và phong tục hiện tại nên cũng cam chịu, chấp nhận, không đấu tranh, do vậy tự mình tước đi cơ hội phát triển và phấn đấu của chính mình.

3.Các giải pháp nhằm thúc đẩy và cải thiện quyền tham chính của phụ nữ Việt Nam

Trên cơ sở phân tích các nội dung trên, Đảng và Nhà nước cần tập trung làm tốt một số nhóm giải pháp sau đây nhằm từng bước thúc đẩy và cải thiện sự phát triển về quyền tham chính của phụ nữ trong thời gian tới bao gồm:

- Nhóm giải pháp về giáo dục: Đảng và Nhà nước cần xây dựng và thiết lập cơ chế đảm bảo nền giáo dục công bằng và bình đẳng cho cả nam và nữ, đảm bảo cơ hội tiếp cận giáo dục, học tập đầy đủ và toàn diện của đối tượng là học sinh nữ, đặt ra các chính sách ưu tiên và bắt buộc trong giáo dục đối với nữ giới. Có trí thức, được học tập và hiểu biết, được trang bị đủ kiến thức và kỹ năng thì nữ giới mới có thể nhìn nhận lại vai trò, vị trí, giá trị bản thân, mạnh dạn và tự tin tham gia vào hoạt động chính trị - xã hội, đấu tranh để đòi hỏi quyền lợi chính đáng mà họ phải được thụ hưởng, từng bước tiến đến xóa bỏ bất bình đẳng nam nữ trên mọi lĩnh vực. tThực tiễn tại các quốc gia Bắc Âu đã chứng minh nhận định này “đầu tư đúng cho giáo dục thì Nhà nước sẽ có được tất cả”.

- Nhóm giải pháp về chủ trương, chính sách, xây dựng hệ thống pháp luật: Tổng dân số của Việt Nam tính đến thời điểm ngày 31/12/2019 là 96,2 triệu người, trong đó dân số nam là 47,88 triệu người, chiếm 49,8%; nữ là 48,3 triệu người, chiếm 50,2% [2]. Có thể thấy, nữ giới chiếm tỷ lệ hơn 50% tổng dân số nước ta. Chính vì vậy, chúng ta cần chú trọng việc xây dựng và ban hành nhiều chủ trương, chính sách phù hợp và hiệu quả dành cho nhóm đối tượng là lao động nữ; đồng thời thiết lập những chế tài hợp lý, đủ sức răn đe, nhằm xử lý triệt để các vi phạm cản trở sự phát triển và tước đoạt cơ hội làm việc, tham gia các hoạt động chính trị - xã hội, thăng tiến và phát triển của cán bộ nữ.

- Nhóm giải pháp về tuyên truyền, vận động: Đây là nhóm giải pháp cần được tiến hành thường xuyên, liên tục trong một khoảng thời gian nhất định (có thể kéo dài) mục đích chính nhằm từng bước thay đổi nhận thức của gia đình, cộng đồng và xã hội. Những rào cản gây tạo sự trì trệ, làm chậm sự tiến bộ của phụ nữ xuất phát phần lớn lại từ phía gia đình, trong đó chính phụ nữ lại là đối tượng đóng vai trò chính: sự cam chịu, nhẫn nhịn, duy trì tư tưởng cổ hủ, lạc hậu, coi thường phụ nữ, không ủng hộ phụ nữ thăng tiến từ phía người mẹ, người bà, cô dì chú bác, dòng họ,… góp phần làm nặng nề thêm, kéo giảm sự nỗ lực phấn đấu của nữ giới. Chỉ khi thay đổi được nhận thức từ những chủ thể này thì ý thức của toàn xã hội mới có thể chuyển biến mạnh mẽ về cách nhìn nhận, có thái độ đúng đắn ủng hộ quyền tham chính của phụ nữ, tạo điều kiện và cơ hội khuyến khích nữ giới phát triển.

- Nhóm giải pháp về tài chính: Đảng và Nhà nước cần xây dựng và quy định cơ chế hỗ trợ tài chính phù hợp đối với trẻ em gái và phụ nữ trong thụ hưởng giáo dục, trong khám chữa bệnh để đảm bảo sức khỏe sinh sản. Vì phụ nữ ngoài công việc còn đảm nhận thiên chức làm mẹ, duy trì và phát triển giống nòi, nuôi dạy và giáo dục con cái. Có đảm bảo về sức khỏe sinh sản, nòi giống mới hùng cường, có đảm bảo về thu nhập, phụ nữ mới có thể cân bằng thiên chức vừa làm mẹ, làm vợ vừa tham gia các hoạt động chính trị - xã hội hiệu quả. Thực tế xã hội hiện đại hiện nay đã cho thấy tình trạng nữ giới lựa chọn cuộc sống độc thân, không lập gia đình mà tập trung cho công việc, khẳng định bản thân qua chức vụ, thu nhập, hình ảnh và mức độ lan tỏa. Tất cả những yếu tố đó cho thấy, một mặt để thấy nữ giới muốn chứng minh vai trò không thua kém nam giới trong bất cứ công việc nào, và cho thấy xu thế lựa chọn của phụ nữ hiện đại: khi không được chủ thể quản lý tạo điều kiện để phát triển toàn diện họ sẽ chỉ lựa chọn những gì có phù hợp bản thân, vô hình chung lâu dài sẽ tạo ra mất cân bằng trong xã hội, vấn đề này rất cần có sự tham gia điều tiết và định hướng của Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Ngoại giao và UNDP (2012), Chương trình lãnh đạo nữ Cambrige - Việt Nam: Nâng cao năng lực cho phụ nữ trong khu vực nhà nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (EOWP), truy cập từ website http://undp.org/30282_Factsheet_Women_Political_Representation_in_Vietnam_VN.pdf
  2. Chung, (2019), Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng, Báo điện tử Đại Đoàn kết, truy cập tại website http://daidoanket.vn/xa-hoi/viet-nam-dang-o-thoi-ky-co-cau-dan-so-vang-tintuc455143
  3. Nguyễn Đăng Dung, Vũ Công Giao, Lã Khánh Tùng (2009), Giáo trình Lý luận và Pháp luật về quyền con người (2009), Khoa Luật - ĐH Quốc gia Hà Nội, tr.533.
  4. Nguyễn Đăng Dung - Vũ Công Giao - Lã Khánh Tùng (2009), Giáo trình Lý luận & Pháp luật về quyền con người, Khoa Luật - ĐH Quốc gia HN, tr.242.
  5. Vũ Thị Hoa (2018), Nữ đại biểu Quốc hội - Minh chứng sinh động cho tiến trình bình đẳng giới ở Việt Nam, truy cập từ website https://moha.gov.vn/congtaccanbonu/binhdanggioi/nu-dai-bieu-quoc-hoi-minh-chung-sinh-dong-cho-tien-trinh-binh-dang-gioi-o-viet-nam-39958.html
  6. Phạm Thị Hương (2016), Thực tiễn hơn 25 năm thực hiện công ước CEDAW tại Việt Nam, truy cập từ website https://cvdvn.net/2016/01/07/thuc-tien-hon-25-nam-thuc-hien-cong-uoc-cedaw-o-viet-nam/.
  7. Liên minh Nghị viện Thế giới (2012), truy cập tại website http://www.ipu.org/wmn-e/world.htm
  8. Mac - Ph. Angghen (1980), Toàn tập, tập 1, Nxb Sự thật, Hà Nội, tr.262 - 263
  9. Mac - Ph. Angghen (1980), Toàn tập, tập 2, Nxb Sự thật, Hà Nội, tr.172
  10. Bùi Trọng Tài, Lê Văn Cảnh (2011), Chính trị học Đại cương, Nxb Đại học Thái Nguyên.
  11. Trần Trọng Tân (2013), Về văn hóa Việt Nam và việc xây dựng nền văn hóa, truy cập từ website https://www.nhandan.com.vn/vanhoa/item/350202-.html
  12. Từ điển Bách khoa Việt Nam (2005), tập 4, Nxb Từ điển Bách khoa Hà Nội, tr.798
  13. UNIFEM - Quỹ Phát triển Phụ nữ LHQ (2009), Giới thiệu tóm tắt về CEDAW, Hà Nội, tr.13.
  14. UNDP (2010), Báo cáo năm 2010: Phụ nữ tham chính tại cấp địa phương ở khu vực Châu Á, Thái Bình Dương, truy cập từ website tại: http://www.undp.mn/publications/WomenInLocalGovernmentStatusReport2010.pdf

THE POLITICAL RIGHTS OF WOMEN IN VIETNAM

Master. TRAN HOANG HANH

Deputy Head, General Department, Cadre Academy of Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

Over the past thirty years of ratifying and implementing the Convention on the Elimination of All Forms of Discrimination Against Women (CEDAW) which Vietnam approved on December 18, 1982, Vietnam has achieved many striking results. In which, the percentage of congresswomen in the XIV National Assembly is 26.72%, ranked 18th in the world with 01 National Assembly chairwoman and 3 female Politburo members. At the provincial level, there are 06 female secretaries, 13 female deputy secretaries, 08 female presidents, 30 female vice presidents of the People's Council, 19 female vice presidents of the People's Committee, 16 female deputy heads of the National Assembly delegations and many female officers who are holding key positions at central and local authorities. This article presents the political right of women according to the CEDAW and some legal documents. This article analyzes the factors affecting the political right of women and proposes some solutions for enhancing the rights of women to participate in socio-political activities based on Vietnam’s current conditions.

Keywords: Convention on the Elimination of All Forms of Discrimination Against Women (CEDAW), women's political rights, Law on Gender Equality, election, female candidate.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ,

Số 17, tháng 7 năm 2020]