TÓM TẮT:

Hầu như mọi sinh viên khi bước vào môi trường đại học đều trang bị cho mình một chiếc máy tính xách tay với những tính năng phù hợp, nhằm đáp ứng các nhu cầu của bản thân. Có thể thấy tệp khách hàng sinh viên là một trong những phân khúc đầy tiềm năng cho việc kinh doanh máy tính xách tay mà các hãng cần nghiên cứu và khai thác.

Mục đích chính của bài nghiên cứu là tìm hiểu các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn thương hiệu máy tính xách tay của sinh viên các trường đại học khối ngành kinh tế trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, từ đó đưa ra các giải pháp giúp cho các doanh nghiệp kinh doanh phân phối máy tính xách tay có những chính sách sản xuất sản phẩm phù hợp cung cấp cho khách hàng.

Trong đề tài nghiên cứu này, nhóm tác giả sử dụng kết hợp cả 2 phương pháp định tính và định lượng. Kết quả cho thấy, có 2 yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua của sinh viên các trường đại học khối ngành kinh tế trên thị trường thành phố Hồ Chí Minh. Mức độ đồng ý trung bình của các đáp viên đối với các yếu tố là khá cao và xấp xỉ nhau.

Mô hình đã giải thích được 65,4% quyết định mua máy tính xách tay của đối tượng nghiên cứu. Từ đó, nhóm tác giả đưa ra một số kiến nghị và đề xuất cho doanh nghiệp.

Từ khóa: máy tính xách tay, hành vi khách hàng, người tiêu dùng, thành phố Hồ Chí Minh.

1. Giới thiệu chung

Trong bối cảnh thị trường máy tính xách tay đang được nhận định là có khả năng bão hòa vì sự thay thế của điện thoại thông minh và máy tính bảng, thì doanh thu từ mặt hàng này trong những năm gần đây dần có dấu hiệu khởi sắc. Theo đánh giá của Công ty TNHH Nghiên cứu Thị trường Công nghệ và Bán lẻ Gfk Việt Nam, năm 2019, thị trường máy tính xách tay tăng 7% về số lượng và 15% về giá trị doanh thu so với cùng kỳ năm trước đó. Đặc biệt, trong khi nhiều ngành nghề, lĩnh vực đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, thì doanh thu đến từ máy tính xách tay của các cửa hàng điện máy vẫn tăng trưởng mạnh, giúp cho sản phẩm này lấy lại được vị thế của mình.

Theo thống kê của Thế giới Di động, trong 2 tháng đầu năm 2020, ngành hàng máy tính xách tay ghi nhận mức tăng trưởng mạnh 80% so với cùng kỳ, do nhu cầu học tập trực tuyến và làm việc tại nhà tăng cao. Trong tương lai, ngành hàng này vẫn được dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa với sự đa dạng mẫu mã và các tính năng hiện đại.

Giữa xu thế biến động không ngừng của thế giới, để có thể tồn tại trong môi trường công nghệ khốc liệt, đòi hỏi các hãng sản xuất phải liên tục nghiên cứu và cho ra đời các sản phẩm đầy đủ các chủng loại, cấu hình, với mức giá từ bình dân đến cao cấp, nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Để có thể thực hiện gia tăng thị phần một cách tối ưu và hiệu quả, nhằm đến đúng đối tượng khách hàng, doanh nghiệp cần tìm hiểu bằng cách nào mà thương hiệu có thể tiếp cận được sinh viên, hay cụ thể hơn là những yếu tố mà tệp khách hàng này sẽ cân nhắc trước khi đưa ra quyết định mua sắm một chiếc máy tính xách tay.

Đặc biệt, đối với những sinh viên khối ngành kinh tế, nhu cầu không mang tính đặc thù mà lại vô cùng đa dạng và linh hoạt tùy theo tính chất công việc và học tập. Từ những lý do trên, nhóm tác giả đã thực hiện đề tài nghiên cứu “Quyết định mua máy tính xách tay của sinh viên các trường đại học khối ngành kinh tế trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh”. Thông qua việc phân tích dữ liệu thống kê đã thu thập được trong quá trình nghiên cứu, nhóm tác giả hy vọng sẽ cung cấp cho các thương hiệu công nghệ có cái nhìn sâu sắc hơn về các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của sinh viên, từ đó, giúp cho các doanh nghiệp hoạch định những chính sách phù hợp trong việc đưa ra các sản phẩm máy tính xách tay trên thị trường.

2. Cơ sở lý thuyết và mô hình nghiên cứu

Để có thể đưa ra những chiến lược quảng bá và kinh doanh sản phẩm phù hợp, doanh nghiệp cần phải chú trọng việc nắm bắt hành vi của người tiêu dùng trên thị trường. Theo định nghĩa của Philip Koter (1993), hành vi người tiêu dùng là những hành vi cụ thể của một cá nhân khi thực hiện các quyết định mua sắm, sử dụng và vứt bỏ sản phẩm hay dịch vụ. Solmon và cộng sự (1998) cho rằng, hành vi tiêu dùng là lĩnh vực nghiên cứu các quá trình liên quan tới việc cá nhân hoặc các nhóm lựa chọn, mua, sử dụng hoặc từ bỏ các sản phẩm, dịch vụ ý tưởng hay kinh nghiệm để đáp ứng nhu cầu và mong muốn.

Trong cuốn sách “Hành vi người tiêu dùng: xây dựng chiến lược Marketing” của nhóm tác giả Hawkins, Best và Coney (2001), định nghĩa hành vi người tiêu dùng được coi là nghiên cứu về một cá nhân, nhóm người, hay tổ chức và quá trình họ lựa chọn, đưa ra quyết định và sử dụng sản phẩm, dịch vụ để đáp ứng nhu cầu cũng như tạo ra các tác động thay đổi người tiêu dùng và xã hội.

Kuester và Sabine (2012) cho rằng, hành vi người tiêu dùng là lĩnh vực nghiên cứu các cá thể, tập thể hay tổ chức và tiến trình họ sử dụng để lựa chọn, gắn bó, sử dụng và thải hồi các sản phẩm, dịch vụ. Theo Hiệp hội Marketing Hoa Kỳ (American Marketing Association - AMA), hành vi người tiêu dùng chính là sự tác động qua lại giữa các yếu tố kích thích của môi trường tới nhận thức và hành vi của con người mà qua sự tương tác đó, con người thay đổi cuộc sống của họ.

Như vậy, ta có thể kết luận hành vi người tiêu dùng là một tiến trình tương đối phức tạp và liên tục, tập hợp những hành vi, phản ứng, suy nghĩ của người tiêu dùng từ khi xuất hiện nhu cầu đến sau khi mua. Ngày nay, các doanh nghiệp nghiên cứu hành vi của người tiêu dùng với mục đích nhận biết nhu cầu, sở thích, thói quen của họ. Cụ thể các nhà nghiên cứu muốn biết người tiêu dùng muốn mua những sản phẩm và dịch vụ nào, tại sao họ lại chọn mua và mua như thế nào, mua ở đâu, khi nào mua và mức độ ra sao. Từ đó, các chiến lược marketing sẽ được xây dựng nhằm thúc đẩy người tiêu dùng mua sắm sản phẩm, dịch vụ của mình.

Trong nước đã có những nghiên cứu nói về tác động của một số yếu tố đối với quyết định mua của khách hàng. Chẳng hạn như Mô hình các tiêu chí ảnh hưởng quyết định mua máy tính xách tay của sinh viên Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học An Giang đã cho ra kết quả có 5 yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua máy tính xách tay của sinh viên Khoa này là Cấu hình mạnh và chất lượng, Mẫu mã, Giá cả, Thương hiệu, Khuyến mãi. Trong đó, yếu tố ảnh hưởng mạnh nhất đến quyết định mua hàng là Cấu hình mạnh và chất lượng.

Năm 2016, Lưu Thị Thùy Vân cũng chỉ ra trong bài nghiên cứu “Các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua laptop mới của sinh viên tại thị trường Đà Nẵng”. Theo đó, những yếu tố tác động bao gồm Giá cả và điều kiện thanh toán, Thương hiệu, Kỹ thuật, Khả năng kết nối và di động, Thiết kế. Trước đó, yếu tố Kỹ thuật được tạo thành từ sự kết hợp của các biến thuộc 2 yếu tố đề xuất cũ là “Đặc tính kỹ thuật” và “Tính năng tăng cường”.

Mô hình nghiên cứu thực nghiệm về Hành vi mua máy tính xách tay của sinh viên ở thành phố Bangalore, Ấn Độ vào tháng 9 năm 2013 của H.S.Adithya: Đối tượng tham gia là các sinh viên bao gồm cả nam và nữ trong độ tuổi từ 18-25. Nghiên cứu được thực hiện trong 3 tháng với n = 200 đã xác định có 8 yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sinh viên khi họ mua một máy tính xách tay và giúp các nhà tiếp thị hiểu biết nhu cầu của sinh viên. Các yếu tố đó là Phần cứng, Thiết kế, Phần mềm gốc, Linh kiện, Khuyến mãi, Quảng cáo, Thương hiệu, Cải tiến.

Mô hình nghiên cứu những yếu tố ảnh hưởng tới khách hàng trong việc mua Máy tính xách tay của Ashhan Nair và cộng sự thuộc Trường Đại học Bogazici, Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện vào tháng 10 năm 2006: Mục tiêu nghiên cứu là xác định các yếu tố ảnh hưởng đến việc mua máy tính xách tay của người tiêu dùng, trên cơ sở đó nghiên cứu sự khác biệt về tầm quan trọng của các yếu tố giữa các nhóm người tiêu dùng.

Nghiên cứu đã cho kết quả có 26 biến được phân thành 7 yếu tố ảnh hưởng đến việc mua máy tính xách tay của khách hàng cá nhân là: Đặc điểm kỹ thuật cốt lõi, Giá trị tính năng tăng cường, Ngoại hình vật lý, Tính năng kết nối và di động, Dịch vụ sau khi mua, Thông số kỹ thuật thiết bị ngoại vi, Giá cả và điều kiện thanh toán.

Mô hình các yếu tố ảnh hưởng đến việc mua máy tính xách tay của giáo viên trong nghiên cứu của Shamsunnahar Tania năm 2012: Mục tiêu nghiên cứu là xem xét các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua máy tính xách tay của giáo viên và đánh giá sự khác nhau của các yếu tố ảnh hưởng đến giáo viên nam và nữ. Nghiên cứu cũng đưa ra mô hình 5 yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua máy tính xách tay của người tiêu dùng là: Đặc điểm kỹ thuật, Tính năng đặc biệt, Tính năng di động, Thương hiệu và Giá trị.

Nhìn chung, dựa trên những nghiên cứu, nhìn nhận, học hỏi và đánh giá của mình, nhóm tác giả có thể đưa ra đề xuất nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua máy tính xách tay của sinh viên các trường đại học khối ngành kinh tế trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh như sau:

Đặc điểm kỹ thuật: Đặc điểm kỹ thuật là yếu tố bao gồm các chỉ báo về các thông số kỹ thuật, cấu tạo và thể hiện tính năng, khả năng hoạt động cơ bản của máy tính xách tay. Giả thuyết H1: Yếu tố “Đặc điểm kỹ thuật” có quan hệ thuận chiều với “Quyết định mua” máy tính xách tay của sinh viên tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Tính năng tăng cường: Tính năng tăng cường là yếu tố bao gồm các chỉ báo về các tính năng đặc biệt hỗ trợ thêm ngoài các tính năng cơ bản của máy tính xách tay, như: bàn phím chống nước, màn hình cảm biến,… Giả thuyết H2: Tính năng tăng cường có quan hệ thuận chiều với “Quyết định mua” máy tính xách tay mới của sinh viên tại thị trường Thành phố Hồ Chí Minh.

Kiểu dáng thiết kế: Kiểu dáng thiết kế là yếu tố bao gồm các chỉ báo về hình dạng, mẫu mã, màu sắc thiết kế của máy tính xách tay. Giả thuyết H3: Yếu tố “Thiết kế”có quan hệ thuận chiều với “Quyết định mua” máy tính xách tay mới của sinh viên tại thị trường thành phố Hồ Chí Minh.

Dịch vụ hậu mãi: Dịch vụ hậu mãi là yếu tố bao gồm các chỉ báo về việc hỗ trợ bảo hành và kỹ thuật sau khi mua máy tính xách tay. Giả thuyết H4: Yếu tố “Dịch vụ hậu mãi” có quan hệ thuận chiều với “Quyết định mua” máy tính xách tay mới của sinh viên tại thị trường thành phố Hồ Chí Minh.

Thương hiệu: Thương hiệu là yếu tố bao gồm các chỉ báo về hình ảnh thương hiệu, định vị và giá trị thương hiệu của công ty sản xuất và của công ty phân phối máy tính xách tay. Giả thuyết H5: Thương hiệu có quan hệ thuận chiều với “Quyết định mua” máy tính xách tay mới của sinh viên tại thị trường thành phố Hồ Chí Minh.

Giá cả và điều kiện thanh toán: Giá cả và điều kiện thanh toán là yếu tố bao gồm các chỉ báo về giá cả, điều kiện thanh toán, các khuyến mãi và chiết khấu khi mua máy tính xách tay. Giả thuyết H6: Giá cả và điều kiện thanh toán có quan hệ thuận chiều với “Quyết định mua” máy tính xách tay mới của sinh viên tại thị trường TP.HCM.

Nhóm tác giả đã thực hiện tổng hợp các điểm chung nổi bật của các mô hình nghiên cứu đi trước và tiến hành điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện và mục tiêu nghiên cứu để đưa ra mô hình nghiên cứu đề xuất gồm 6 yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua máy tính xách tay của sinh viên các trường đại học khối ngành kinh tế trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh như Sơ đồ 1.

3. Phương pháp nghiên cứu

3.1. Quy trình nghiên cứu

Đầu tiên, nhóm tác giả sẽ xác định các nội dung cần nghiên cứu, xác định mục tiêu, đối tượng, phạm vi và phương pháp nghiên cứu. Từ đó, nhóm tác giả tiến hành xây dựng cơ sở lý thuyết và tham khảo các mô hình nghiên cứu đi trước từ đó đề xuất mô hình phù hợp với đề tài nghiên cứu.

Đối với nghiên cứu sơ bộ, bước đầu nhóm tác giả xác định vấn đề và mục đích nghiên cứu cụ thể, sau đó làm rõ các khái niệm, các định nghĩa liên quan. Bước tiếp theo, nhóm tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu chứa những giả thuyết nghiên cứu và xây dựng thang đo các khái niệm trong mô hình. Sau đó, nhóm tác giả tiến hành thiết kế bảng hỏi và điều chỉnh thang đo phù hợp với mô hình.

Từ thang đo này, nhóm tác giả thực hiện khảo sát trực tuyến 50 đối tượng sinh viên trong độ tuổi 18 đến 21 tại một số trường đại học như Trường Đại học Ngoại thương - Cơ sở II, Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Tài chính - Marketing để ghi nhận ý kiến và có sự điều chỉnh thích hợp cho thang đo và bảng câu hỏi chính thức. Kết quả khảo sát sau đó được kiểm tra độ tin cậy Cronbach’s Alpha bằng phần mềm SPSS 22.0.

Cuối cùng, nhóm tác giả sẽ bước vào giai đoạn nghiên cứu chính thức. Nhóm tác giả tiến hành khảo sát gián tiếp thông qua bảng khảo sát trực tuyến dưới sự hỗ trợ của phần mềm google docs. Đường liên kết bảng khảo sát được gửi đến đối tượng mục tiêu thông qua các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo hoặc ứng dụng Gmail của Google. Thời gian khảo sát đợt 1 bắt đầu từ ngày 25 tháng 10 năm 2020 đến ngày 15 tháng 11 năm 2020. Sau khi thu được số mẫu hợp lệ, nhóm tác giả mã hóa và làm sạch dữ liệu, loại đi các mẫu kém độ tin cậy rồi thực hiện phân tích dữ liệu bằng phần mềm SPSS 22.0.

Đầu tiên, nhóm tác giả sẽ kiểm định sự phù hợp của thang đo thông qua hệ số tin cậy Cronbach’s Alpha và phân tích nhân tố khám phá EFA nhằm đưa ra mô hình và thang đo hiệu chỉnh. Tiếp đó, nhóm tác giả sử dụng mô hình hiệu chỉnh để phân tích hồi quy, đồng thời tiến hành kiểm định T-test và ANOVA đối với các biến nhân khẩu học. Sau khi trình bày và phân tích các kết quả thu được, nhóm tác giả đưa ra các kết luận về kết quả nghiên cứu, chỉ ra những điểm hạn chế, đồng thời đề xuất hướng nghiên cứu trong tương lai.

3.2. Xây dựng thang đo

Thang đo được dùng để làm cơ sở cho việc nghiên cứu định tính nhằm xây dựng bảng câu hỏi cho nghiên cứu định lượng. Thang đo là cần thiết để đo lường các biến một cách chính xác, vì vậy các biến khác nhau đã được lựa chọn với quy mô phù hợp. Thang đo được xây dựng dưới hình thức thang đo Likert 5 bậc theo mức độ tăng dần của từng bậc với Bậc 1: Hoàn toàn đồng ý, Bậc 2: Đồng ý, Bậc 3: Bình thường, Bậc 4: Không đồng ý và Bậc 5: Hoàn toàn không đồng ý.

Sau khi đã xây dựng được mô hình nghiên cứu và thang đo lý thuyết ban đầu dựa trên các thang đo của nghiên cứu đi trước, nhóm tác giả tiến hành nghiên cứu định tính thông qua phỏng vấn nhóm để có thể khảo sát thử ý kiến, điều chỉnh tên gọi và ý nghĩa của các biến quan sát. (Bảng 1)

Bảng 1. Thang đo các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua

Yếu tố

Ký hiệu

Biến quan sát

Tác giả

Đặc điểm kỹ thuật

KT1

Tôi có nhu cầu mua máy tính xách tay có ổ cứng, RAM với dung lượng lớn.

Ashhan Nair và cộng sự (2006), Shamsunnahar Tania (2012).

KT2

Tôi có nhu cầu mua máy tính xách tay có bộ vi xử lí tốc độ cao.

KT3

Tôi có nhu cầu mua máy tính xách tay có độ phân giải hiển thị cao.

KT4

Tôi có nhu cầu mua máy tính xách tay có card đồ họa.

KT5

Tôi có nhu cầu mua máy tính xách tay ổ đĩa quang.

KT6

Tôi có nhu cầu mua máy tính xách tay có bàn phím và touchpad có độ nhạy cao.

Tính năng tăng cường

TC1

Tôi có nhu cầu mua máy tính xách tay có bàn phím chống nước.

Ashhan Nair và cộng sự (2006), Lưu Thị Thùy Vân (2016).

TC2

Tôi có nhu cầu mua máy tính xách tay có màn hình cảm ứng/xoay 360/tháo rời.

TC3

Tôi có nhu cầu mua máy tính xách tay có khả năng nâng cấp phần cứng.

TC4

Tôi có nhu cầu mua máy tính xách tay có nhận dạng dấu vân tay, giọng nói.

TC5

Tôi có nhu cầu mua máy tính xách tay có khả năng nâng cấp pin.

Kiểu dáng thiết kế

KD1

Tôi có nhu cầu mua máy tính xách tay có kích thước mỏng.

H.S.Adithya (2013)

KD2

Tôi có nhu cầu mua máy tính xách tay có trọng lượng nhẹ.

KD3

Tôi có nhu cầu mua máy tính xách tay có kiểu dáng đẹp.

Dịch vụ hậu mãi

HM1

Tôi có nhu cầu mua máy tính xách tay có nhiều tặng phẩm hoặc linh kiện đi kèm.

H.S.Adithya (2013), Lưu Thị Thùy Vân (2016)

HM2

Tôi có nhu cầu mua máy tính xách tay của công ty phân phối có nhiều điểm hỗ trợ kĩ thuật.

HM3

Tôi có nhu cầu mua máy tính xách tay có chế độ bảo hành tốt.

Thương hiệu

TH1

Tôi có nhu cầu mua máy tính xách tay có thương hiệu nổi tiếng.

Shamsunnahar Tania (2012)

TH2

Tôi có nhu cầu mua máy tính xách tay của công ty phân phối có thương hiệu tốt.

TH3

Tôi có nhu cầu mua máy tính xách tay của công ty phân phối có số lượng lớn.

Giá cả và điều kiện thanh toán

GC1

Tôi có nhu cầu mua máy tính xách tay có giá cả phù hợp.

Ashhan Nair và cộng sự (2006)

GC2

Tôi có nhu cầu mua máy tính xách tay có điều kiện thanh toán tốt.

GC3

Tôi có nhu cầu mua máy tính xách tay có nhiều chương trình giảm giá, khuyến mãi và chiết khấu hấp dẫn.

Quyết định mua

QD1

Tôi hài lòng với máy tính xách tay mà tôi chọn.

Lưu Thị Thùy Vân (2016)

QD2

Tôi sẽ tiếp tục quay lại mua máy tính xách tay này khi có nhu cầu.

QD3

Tôi sẽ giới thiệu cho người khác mua máy tính xách tay này.

Nguồn: Tổng hợp của nhóm nghiên cứu

4. Kết quả nghiên cứu

4.1. Thống kê, mô tả mẫu nghiên cứu

Mẫu được thu thập theo phương pháp thuận tiện phi xác suất dưới hình thức bảng câu hỏi khảo sát. Nhóm tác giả đã tiến hành tập trung khảo sát những sinh viên thuộc 5 trường đại học có khối ngành kinh tế bao gồm Trường Đại học Ngoại thương - Cơ sở II, Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính, Trường Đại học Kinh tế - Luật và Trường Đại học Tài chính - Marketing và một số trường khác. Bảng câu hỏi được gửi đi về nhận về câu trả lời từ ngày 25 tháng 10 năm 2020 đến ngày 15 tháng 11 năm 2020.

Sau khi kết thúc thời gian khảo sát, nhóm tác giả tiến hành phân tích và xử lý số liệu thu thập được và loại bỏ những câu trả lời không phù hợp. Theo kết quả thống kê, nhóm tác giả nhận về số lượng câu trả lời là 189, loại trừ 12 mẫu không đủ điều kiện hoặc không hợp lệ (không thuộc đối tượng nghiên cứu, không có ý định sử dụng máy tính xách tay hoặc có câu trả lời trùng lặp nhau ở nhiều câu hỏi) thì cỡ mẫu cuối cùng chính xác là 177. Tất cả câu trả lời đều nhận được thông qua hệ thống Google Docs.

Từ kết quả phân tích, trong 177 đối tượng khảo sát, giới tính nam có 65 người trả lời chiếm tỉ trọng 36,7% và 112 đáp viên có giới tính là nữ, chiếm 63,3%. Như vậy, trong tất cả mẫu thu thập được thì đối tượng là nữ lớn gấp 1,7 lần đối tượng là nam. Giải thích cho kết quả này, có thể thấy do đặc thù ngành học từ những trường đại học mà nhóm tác giả khảo sát có xu hướng chênh lệch tỷ lệ giới tính, số sinh viên nữ sẽ cao hơn nhiều lần số sinh viên nam.

Theo số liệu thống kê từ tổng số mẫu, số lượng sinh viên sử dụng máy tính xách tay thương hiệu Dell là cao nhất với 64 người (chiếm tỷ lệ 36%), số người sử dụng Asus là 49 (chiếm 27,6%), Macbook của Apple là 28 người (chiếm 15,8%), tiếp theo là HP với 21 người (chiếm 11,9%), Levono với 12 người (chiếm 6,8%) và 1,9% còn lại dành số số sinh viên sử dụng các thương hiệu máy tính xách tay khác. Dựa trên dữ liệu thu thập được, có 97 sinh viên đang sở hữu máy tính xách tay trong mức giá từ 10 đến 15 triệu đồng, chiếm tỷ lệ cao nhất 54,8%. Tỷ lệ thấp nhất thuộc vể nhóm máy tính xách tay có mức giá dưới 10 triệu đồng, với 28 sinh viên chiếm 15,8%. Cuối cùng, có 52 sinh viên sở hữu mức giá trên 15 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 29,4%. (Bảng 2)

Bảng 2. Thống kê mô tả thang đo

Biến

Giá trị nhỏ nhất

Giá trị lớn nhất

Trung bình cộng

Độ lệch chuẩn

KT1

3

5

4,040

0,771

KT2

3

5

4,277

0,774

KT3

3

5

4,356

0,624

KT4

1

5

3,283

1,076

KT5

1

5

3,119

1,109

KT6

2

5

3,960

0,722

TC1

2

5

3,751

1,036

TC2

1

5

3,312

1,288

TC3

2

5

3,633

1,020

TC4

2

5

3,627

1,132

TC5

2

5

4,034

0,825

KD1

3

5

4,299

0,727

KD2

3

5

4,401

0,676

KD3

2

5

4,085

0,865

HM1

2

5

3,881

0,973

HM2

2

5

3,768

1,070

HM3

1

5

3,989

0,898

TH1

2

5

3,988

0,963

TH2

1

5

3,644

1,169

TH3

2

5

3,876

0,981

GC1

2

5

4,254

0,878

GC2

2

5

4,124

0,850

GC3

2

5

3,712

0,966

Nguồn: Tổng hợp của nhóm nghiên cứu

4.2. Kiểm tra hệ số tin cậy Cronbach’s Alpha

Bảng 3. Kết quả kiểm định Cronbach’s Alpha thang đo đánh giá các nhân tố

Nhân tố

Giá trị Cronbach’s Alpha

Biến quan sát

Hệ số tương quan biến tổng

Cronbach’s Alpha nếu loại biến quan sát

Đặc điểm kỹ thuật

0,774

KT1

0,516

0,743

KT2

0,509

0,744

KT3

0,539

0,744

KT4

0,620

0,714

KT5

0,493

0,758

KT6

0,537

0,740

Tính năng tăng cường

0,921

TC1

0,889

0,885

TC2

0,845

0,897

TC3

0,837

0,895

TC4

0,749

0,913

TC5

0,710

0,922

Kiểu dáng thiết kế

0,576

KD1

0,252

0,658

KD2

0,519

0,296

KD3

0,419

0,429

Dịch vụ hậu mãi

0,779

HM1

0,658

0,654

HM2

0,628

0,693

HM3

0,572

0,749

Thương hiệu

0,837

TH1

0,683

0,791

TH2

0,753

0,726

TH3

0,680

0,792

Giá cả và điều kiện thanh toán

0,710

GC1

0,534

0,612

GC2

0,509

0,643

GC3

0,545

0,601

Quyết định mua

0,794

QD1

0,715

0,632

QD2

0,539

0,816

QD3

0,671

0,683

Nguồn: Tổng hợp của nhóm nghiên cứu

Trong lần kiểm định đầu tiên, các thành phần của thang đo hầu hết đều có hệ số tương quan biến - tổng được chấp nhận (> 0,3). Tuy nhiên, đối với nhân tố Kiểu dáng thiết kế, hệ số Cronbach’s Alpha đạt 0,576 < 0,6, biến quan sát của thang đo không đủ độ tin cậy. Vì vậy, tất cả các biến thuộc thang đo Kiểu dáng thiết kế sẽ được loại bỏ và không được sử dụng cho các phân tích tiếp theo. (Bảng 3)

Đối với những nhân tố còn lại, giá trị của Cronbach’s Alpha thu được là lớn nhất, nếu không tiến hành loại đi bất kì biến quan sát nào ở mỗi thang đo. Cụ thể, nhân tố Đặc điểm kỹ thuật có hệ số Cronbach’s Alpha là 0,774, nhân tố Tính năng tăng cường là 0,921, nhân tố Dịch vụ hậu mãi là 0,779, nhân tố Thương hiệu là 0,837, cuối cùng nhân tố Giá cả và điều kiện thanh toán là 0,710. Như vậy, có thể thấy các thành phần của thang đo là phù hợp và có thể dùng để phân tích trong các bước tiếp theo của việc kiểm định mô hình.

4.3. Phân tích nhân tố khám phá EFA

Sau khi phân tích hệ số Cronbach’s Alpha và loại bỏ các biến không thỏa điều kiện, nhóm tác giả tiến hành phân tích nhân tố khám phá cho các biến độc lập còn lại. Tập hợp các biến quan sát được đưa vào phân tích gồm 20 biến. Nhóm tác giả tiến hành phân tích nhân tố khám phá EFA với phương pháp trích nhân tố Principal componet, phép quay Varimax và điểm dừng khi trích các nhân tố có Eigenvalues ≥ 1.

Dữ liệu sau phân tích có các biến không phù hợp và bị loại ra khỏi mô hình. Các biến bao gồm KT3 (Tôi có nhu cầu mua máy tính xách tay có độ phân giải hiển thị cao), biến KT4 (Tôi có nhu cầu mua máy tính xách tay có card đồ họa), biến KT6 (Tôi có nhu cầu mua máy tính xách tay có bàn phím và touchpad có độ nhạy cao), biến TC5 (Máy tính xách tay có khả năng nâng cấp pin) với sự chênh lệch hệ số tải của biến giữa hai nhân tố <0,3.

Ngoài ra, ta loại bỏ toàn bộ nhân tố Dịch vụ hậu mãi, do biến HM3 (Tôi có nhu cầu mua máy tính xách tay có chế độ bảo hành tốt) không phù hợp trong mô hình, nếu loại bỏ chỉ còn 2 biến quan sát sẽ không phù hợp nên nhóm tác giả sẽ loại bỏ cả nhân tố này. Tuy nhiên, để đảm bảo sau khi loại bỏ các biến KT3, KT4, KT6 và TC5 thang đo vẫn còn đủ độ tin cậy đối với nghiên cứu, nhóm tác giả đã tham khảo một số bài nghiên cứu nước ngoài và trong nước và quyết định phân tích hệ số Cronbach’s Alpha lần 2 để đảm bảo độ tin cậy cho biến Đặc điểm kỹ thuật và Tính năng tăng cường.

Từ kết quả phân tích cho thấy việc loại những biến không phù hợp này không làm ảnh hưởng đến độ tin cậy của thang đo. Đặc biệt, đối với nhân tố Tính năng tăng cường, độ tin cậy đã được cải thiện từ 0,921 thành 0, 922 và các hệ số tương quan biến tổng cao hơn đáng kể so với 0,3. Vì vậy, nhóm tác giả quyết định loại bỏ các biến KT3, KT6, TC5, nhân tố Dịch vụ hậu mãi và tiến hành phân tích nhân tố khám phá EFA lần 2. Sau khi phân tích lại hệ số tin cậy Cronbach’s Alpha, các thang đo được đánh giá tiếp theo bằng phương pháp phân tích yếu tố EFA như Bảng 4, 5.

Bảng 4. Kết quả KMO và kiểm định Bartlett

Hệ số KMO

0,639

Kiểm định Bartlett

Approx. Chi – Square

1177,528

Df

78

Sig.

0,000

Tổng phương sai trích

72,800%

Nguồn: Tổng hợp của nhóm nghiên cứu

Bảng 5. Ma trận các nhân tố trong kết quả xoay nhân tố EFA lần 2

Biến quan sát

Nhân tố

1

2

3

4

TC2

0,933

 

 

 

TC1

0,913

 

 

 

TC4

0,878

 

 

 

TC3

0,841

 

 

 

TH2

 

0,898

 

 

TH1

 

0,854

 

 

TH3

 

0,848

 

 

GC3

 

 

0,810

 

GC1

 

 

0,797

 

GC2

 

 

0,768

 

KT1

 

 

 

0,818

KT5

 

 

 

0,753

KT2

 

 

 

0,728

Nguồn: Tổng hợp của nhóm nghiên cứu

Như vậy, sau khi tiến hành phân tích EFA lần 2, mô hình vẫn đạt đủ điều kiện để các biến quan sát có ý nghĩa thống kê tốt khi các hệ số tải nhân tố đều ≥ 0,5 và phương sai trích đạt 72,800% (≥50%). Kết quả phân tích cũng cho thấy, khác với thang đo nghiên cứu được đề xuất, nhóm tác giả đã thu được kết quả gồm 12 biến quan sát hội tụ thành 4 nhân tố bao gồm Tính năng tăng cường, Thương hiệu, Giá cả và điều kiện thanh toán, Đặc điểm kỹ thuật. Kết quả phân tích cho thấy chỉ số KMO là 0,669 (lớn hơn 0,5) và mức ý nghĩa Sig. là 0,000 (bé hơn 0,05) nên các biến có tương quan với nhau. Initial Eigenvalues rút trích tại một nhân tố với giá trị là là 2,126 (lớn hơn 1) và tổng phương sai trích này có ý nghĩa. Tất cả các hệ số tải nhân tố đều lớn hơn 0,5 nên những biến quan sát này đều đạt yêu cầu. Nhóm nhân tố tổng hợp Quyết định mua sẽ gồm 3 biến quan sát là YD1, YD2, YD3. (Bảng 6)

Bảng 6. Kết quả KMO và kiểm định Bartlett’s Test cho biến phụ thuộc

Hệ số KMO

0,639

Kiểm định Bartlett

Approx. Chi – Square

173,472

Df

3

Sig.

0,000

Nguồn: Tổng hợp của nhóm nghiên cứu

4.4. Phân tích tương quan Pearson

Hệ số tương quan Pearson nhằm kiểm tra mối tương quan tuyến tính chặt chẽ giữa biến phụ thuộc với các biến độc lập, đồng thời nhận diện vấn đề đa cộng tuyến khi các biến độc lập cũng có tương quan mạnh với nhau. Kết quả trong ma trận tương quan Pearson cho thấy các biến độc lập như Đặc điểm kỹ thuật và biến Giá cả và điều kiện thanh toán đều có mối quan hệ tương quan với biến phụ thuộc Quyết định mua khi giá trị Sig. của các biến độc lập này đều nhỏ hơn 0,05. Tuy nhiên, các biến như Tính năng tăng cường và Thương hiệu có giá trị Sig. lớn hơn 0,05 nên các biến này không có mối tương quan với quyết định mua máy tính xách tay của sinh viên các trường đại học khối ngành kinh tế trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Về mối tương quan giữa các biến độc lập, hầu hết các cặp biến đều có mối tương quan tuyến tính do giá trị Sig. nhỏ hơn 0,05 và hệ số tương quan của chúng đều lớn hơn 0,3, vì vậy có khả năng sẽ xảy ra đa cộng tuyến giữa các biến độc lập. Nhóm tác giả sẽ tiến hành kiểm tra hiện tượng này khi tiến hành phân tích hồi quy tuyến tính bội và sử dụng hệ số lạm phát phương sai VIF (Variance inflation factor). (Bảng 7)

Bảng 7. Phân tích tương quan Pearson

Correlations

 

QD

KT

TC

TH

GC

QD

Pearson Correlation

1

,208**

-,010

-,042

,275**

Sig. (2-tailed)

 

,005

,895

,576

,000

N

177

177

177

177

177

KT

Pearson Correlation

,208**

1

,321**

,213**

-,013

Sig. (2-tailed)

,005

 

,000

,004

,869

N

177

177

177

177

177

TC

Pearson Correlation

-,010

,321**

1

,011

,053

Sig. (2-tailed)

,895

,000

 

,880

,484

N

177

177

177

177

177

TH

Pearson Correlation

-,042

,213**

,011

1

-,047

Sig. (2-tailed)

,576

,004

,880

 

,534

N

177

177

177

177

177

GC

Pearson Correlation

,275**

-,013

,053

-,047

1

Sig. (2-tailed)

,000

,869

,484

,534

 

N

177

177

177

177

177

**. Correlation is significant at the 0.01 level (2-tailed).

Nguồn: Tổng hợp của nhóm nghiên cứu

4.5. Phân tích mô hình hồi quy

Phân tích hồi quy giúp xác định mối quan hệ tuyến tính giữa các biến độc lập với biến phụ thuộc trong mô hình. Giá trị của các biến này được tính dựa trên giá trị trung bình của các nhóm biến độc lập phản ánh từng nhân tố tác động đến biến phụ thuộc. Phương pháp hồi quy tuyến tính sử dụng là phương pháp bình phương nhỏ nhất (Ordinary Least Square – OLS). Phương trình hồi quy tuyến tính được xây dựng như sau:

QD = β0 + β1*KT + β1*TC + β2*TH + β3*GC + e

Trong đó:

- QD là biến phụ thuộc: Ý định tham gia;

- KT, TC, TH, GC lần lượt là các biến độc lập, gồm: Đặc điểm kỹ thuật, Tính năng tăng cường, Thương hiệu, Giá cả và điều kiện thanh toán;

- e là sai số ước lượng.

Kết quả hồi quy, trị số R có giá trị 0,814 cho thấy mối quan hệ giữa các biến trong mô hình có mối tương quan khá chặt chẽ. Kết quả hồi quy của mô hình cũng cho thấy giá trị bình phương của hệ số tương quan (R2) = 0,663, tức là 04 biến độc lập trong mô hình giải thích được 16,5% sự biến thiên của biến phụ thuộc trong mô hình. Bên cạnh đó, giá trị hệ số tương quan R2 hiệu chỉnh cũng phản ánh mức độ ảnh hưởng của các biến độc lập lên biến phụ thuộc là 65,4%, còn lại 34,6% là do các biến ngoài mô hình và sai số ngẫu nhiên. Mặt khác, hệ số Durbin - Watson có giá trị 1,867 nằm trong khoảng (1; 3) chứng tỏ mô hình không có hiện tượng tự tương quan. (Bảng 8)

Bảng 8. Kết quả phân tích hồi quy

Mô hình

R

R2

R2 hiệu chỉnh

Độ lệch chuẩn của ước lượng

Durbin - Watson

1

0,814

0,663

0,654

0,75546

1,867

Nguồn: Tổng hợp của nhóm nghiên cứu

Phân tích phương sai, hệ số R2 cho thấy sự phù hợp của mô hình nghiên cứu, tuy nhiên để suy ra tổng thể cần tiến hành kiểm định F thông qua phân tích phương sai. Kết quả thu được giá trị F = 8,510 được dùng để kiểm định giả thuyết H0: hệ số xác định tổng thể R2 = 0. Phân tích phương sai ANOVA cho thấy trị số F có mức ý nghĩa Sig. = 0,000 (nhỏ hơn 0,05), nghĩa là mô hình hồi quy phù hợp với dữ liệu thu thập được và các biến đưa vào đều có ý nghĩa thống kê với mức ý nghĩa 5%. Như vậy, ta bác bỏ giả thuyết H0, nghĩa là có ít nhất 1 biến độc lập trong mô hình ảnh hưởng đến biến phụ thuộc. (Bảng 9)

Bảng 9. Kết quả kiểm định ANOVA

Mô hình

Tổng bình phương

Df

F

Mức ý nghĩa (p_value)

Hồi quy

19,427

4

8,510

0,000

Phần dư

98.164

172

 

 

Tổng

117,591

176

 

 

Nguồn: Tổng hợp của nhóm nghiên cứu

Phân tích hồi quy và kiểm định sự phù hợp của mô hình:

(1) Kiểm định hệ số β1:

Giả thuyết: H0: β1 = 0 (Đặc điểm kỹ thuật không tác động đến Quyết định mua)

                    H1: β1 ≠ 0 (Đặc điểm kỹ thuật tác động đến Quyết định mua)

Với mức ý nghĩa α = 5%, dựa vào kết quả chạy hồi quy thu được Sig. = 0,000 < α  nên bác bỏ giả thuyết H0, nghĩa là nhân tố Đặc điểm kỹ thuật có tác động đến Quyết định mua.

(2) Kiểm định hệ số β2:

Giả thuyết: H0: β2 = 0 (Tính năng tăng cường không tác động đến Quyết định mua)

                    H1: β2 ≠ 0 (Tính năng tăng cường tác động đến Quyết định mua)

Với mức ý nghĩa α = 5%, dựa vào kết quả chạy hồi quy thu được Sig. = 0, 126 > α nên chấp nhận giả thuyết H0, nghĩa là nhân tố Tính năng tăng cường không tác động đến Quyết định mua.

(3) Kiểm định hệ số β3:

Giả thuyết: H0: β3 = 0 (Thương hiệu không tác động đến Quyết định mua)

                    H1: β3 ≠ 0 (Thương hiệu tác động đến Quyết định mua)

Với mức ý nghĩa α = 5%, dựa vào kết quả chạy hồi quy thu được Sig. = 0, 473 > α nên chấp nhận giả thuyết H0, nghĩa là nhân tố Thương hiệu không tác động đến Quyết định mua.

(4) Kiểm định hệ số β4:

Giả thuyết: H0: β4 = 0 (Giá cả và điều kiện thanh toán không tác động đến Quyết định mua)

                    H1: β4 ≠ 0 (Giá cả và điều kiện thanh toán tác động đến Quyết định mua)

Với mức ý nghĩa α = 5%, dựa vào kết quả chạy hồi quy thu được Sig. = 0,000 < α  nên bác bỏ giả thuyết H0, nghĩa là nhân tố Giá cả và điều kiện thanh toán có tác động đến Quyết định mua.

Tiếp theo, độ chấp nhận của biến (Tolerance) và hệ số phóng đại phương sai VIF (Varience Inflation Factor) được sử dụng để xem xét vi phạm đa cộng tuyến trong mô hình. Từ kết quả hồi quy, hệ số chấp nhận của các biến đều lớn hơn 0,1 và hệ số phóng đại phương sai (VIF) nhỏ hơn 10 đồng thời không vượt quá 2. Theo đó, nhóm tác giả nhận định rằng không xảy ra hiện tượng đa cộng tuyến (Stevens, 2002). Do mức ý nghĩa Sig. của các nhân tố đều nhỏ hơn 0,05 nên chúng đều có tác động cùng chiều đến ý định tham gia, có nghĩa là các hệ số hồi quy đều mang dấu dương. Giá trị hồi quy chuẩn của các biến độc lập trong mô hình lần lượt như sau: Đặc điểm kỹ thuật là 0,367, Giá cả và điều kiện thanh toán là 0,299. (Bảng 10)

Bảng 10. Các hệ số hồi quy trong mô hình

Mô hình

Hệ số chưa chuẩn hóa

Hệ số chuẩn hóa

T

Mức ý nghĩa (Sig.)

Tương quan chuỗi

β

Std, Error

β

Hệ số chấp nhận (Tolerance)

Hệ số phóng đại phương sai (VIF)

Hằng số

1,877

0,511

 

3,672

0,000

 

 

KT

0,367

0,086

0,311

4,257

0,000

0,912

1,096

TC

-0,090

0,059

-0,112

-1,538

0,126

0,917

1,090

TH

-0,046

0,063

-0,050

-0,720

0,473

0,992

1,008

GC

0,299

0,080

0,261

3,739

0,000

0,993

1,007

Nguồn: Tổng hợp của nhóm nghiên cứu

Mô hình hồi quy được thể hiện như sau:

QD = 1,877 + 0,367*KT + 0,299*GC + e;

Kết quả cho thấy 2 biến độc lập đặc điểm kỹ thuật, giá cả và điều đều có giá trị Sig. < 0,05, hệ số hồi quy dương nên chúng có tác động tỷ lệ thuận đối với quyết định mua của người tiêu dùng. Riêng các giả thiết H2, H3 của các biến còn lại là tính năng tăng cường và thương hiệu đo lường bị bác bỏ. Như vậy có 2 giả thiết H1, H4 có ý nghĩa thống kê được chấp nhận.

4.6. Kiểm định ANOVA cho các biến nhân khẩu học

Kiểm định này nhằm xem xét sự khác biệt trong quyết định mua hàng của những sinh viên khác nhau theo đặc điểm nhân khẩu học. Trước khi đi vào phân tích ANOVA, nhóm tác giả tiến hành kiểm định sự bằng nhau của phương sai đối với các biến nhân khẩu học bằng Levene Test. Trong mô hình nghiên cứu hiện tại, ta sẽ xét đến biến giới tính.

            Giả thiết: H0: Phương sai bằng nhau

                            H1: Phương sai không bằng nhau

Sau khi đặt giả thiết như trên, nhóm tác giả bắt đầu thực hiện kiểm định Levene Test trước và sau đó tiến hành kiểm định ANOVA bằng phần mềm SPSS 22.0 và thu được kết quả 14 dưới đây. (Bảng 11)

Bảng 11. Kết quả kiểm định Levene cho biến nhân khẩu học

Biến nhân khẩu học

Levene Statistic

df1

df2

Sig.

Giới tính

0,501

1

175

0,480

Nguồn: Tổng hợp của nhóm nghiên cứu

Kết quả cho thấy mức ý nghĩa của kiểm định Levene cho biến giới tính là 0,480 > 0,05 nên bác bỏ giả thiết H0. Vì vậy, phương sai của quyết định mua máy tính xách tay của sinh viên các trường đại học khối ngành kinh tế trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh là khác nhau giữa 2 giới tính nam và nữ. Tiếp tục, dựa vào kết quả kiểm định ANOVA cho biến giới tính có mức ý nghĩa 0,656 > 0,05, ta kết luận không có sự khác biệt về ý nghĩa thống kê trong quyết định mua hàng giữa hai giới tính này. Qua mô hình hồi quy nhận được, ta suy ra các kết luận về mức độ tác động của các biến độc lập lên biến phụ thuộc quyết định mua máy tính xách tay của sinh viên các trường đại học khối ngành kinh tế trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. (Bảng 12)

Bảng 12. Kết quả kiểm định ANOVA cho các biến nhân khẩu học

Biến nhân khẩu học

Hệ số F

Sig.

Giới tính

0,199

0,656

Nguồn: Tổng hợp của nhóm nghiên cứu

Biến đặc điểm kỹ thuật có hệ số hồi quy là 0,367. Điều này mang ý nghĩa khi nhu cầu về đặc điểm kỹ thuật tăng lên 1 đơn vị thì quyết định mua máy tính xách tay của sinh viên các trường đại học khối ngành kinh tế trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh sẽ tăng theo 0,367 đơn vị trong điều kiện các yếu tố khác không đổi. Kết quả này phù hợp với nghiên cứu của Tiến sĩ Ashhan Nair và cộng sự (2006), cho rằng nhu cầu về đặc điểm kỹ thuật cho mối tương quan tích cực với quyết định mua máy tính xách tay. Có thể nói, chính những tính năng cốt lõi bên trong của máy tính xách tay là một trong những yếu tố mà khách hàng thật sự quan tâm khi tiến hành chọn mua một chiếc máy tính thỏa mãn nhu cầu.

Biến giá cả và điều kiện thanh toán có hệ số hồi quy là 0,299. Điều này mang ý nghĩa khi nhu cầu về giá cả và điều kiện thanh toán tăng lên 1 đơn vị thì quyết định mua máy tính xách tay của sinh viên các trường đại học khối ngành kinh tế trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh sẽ tăng theo 0,299 đơn vị trong điều kiện các yếu tố khác không đổi. Do đó, doanh nghiệp không chỉ cần chú trọng đến việc cung cấp sự tối ưu cho các đặc điểm bên trong mà cần có những chính sách giá phù hợp đối với đối tượng này để sinh viên có thể yên tâm chọn mua sản phẩm của mình.

Ngoài ra, để đánh giá mức độ tác động của yếu tố được sử dụng trong nghiên cứu tới quyết định mua máy tính xách tay, nhóm tác giả sử dụng hệ số hồi quy Beta để chuẩn hóa vì hệ số này phản ánh mức độ ảnh hưởng của các nhân tố khi được đưa về cùng một đơn vị so sánh. (Hoàng Trọng và Chu Nguyễn Mộng Ngọc, 2008). Ta thấy biến đặc điểm kỹ thuật có hệ số hồi quy Beta đã chuẩn hóa cao nhất, đạt 0,311, tiếp theo đó là biến giá cả và điều kiện thanh toán với hệ số là 0,262.

Vì vậy, đặc điểm kỹ thuật là yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến quyết định mua máy tính xách tay của sinh viên các trường đại học khối ngành kinh tế trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả phân tích Cronbach’s Alpha, phân tích EFA, phân tích hồi quy cho mô hình nghiên cứu gồm 2 yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua máy tính xách tay của sinh viên các trường đại học chuyên ngành kinh tế trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. (Sơ đồ 2)

5. Kết luận

Theo như dữ liệu từ thống kê mô tả, một số thương hiệu đang được sinh viên ưa chuộng hiện nay trong việc chọn mua máy tính xách tay chủ yếu phục vụ cho nhu cầu học tập và giải trí là Asus, Dell, Apple, HP, Levono,... Sinh viên các trường đại học khối ngành kinh tế có xu hướng sở hữu hoặc lựa chọn những chiếc máy tính xách tay có chi phí nằm trong khoảng từ 10 đến 15 triệu đồng.

Dựa vào kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả rút ra kết luận mô hình nghiên cứu có 02 yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua máy tính xách tay của sinh viên các trường đại học có khối ngành kinh tế trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh là “Đặc điểm kỹ thuật”, “Giá cả và điều kiện thanh toán”. Có 02 yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua của sinh viên các trường đại học khối ngành kinh tế trên thị trường thành phố Hồ Chí Minh.

Mức độ đồng ý trung bình của các đáp viên đối với các yếu tố là khá cao và xấp xỉ nhau, dao động trong khoảng từ 3,7320 (yếu tố “Đặc điểm kỹ thuật”) đến 3,9000 (yếu tố “Giá cả và điều kiện thanh toán”) - Mô hình đã giải thích được 65,4% quyết định mua máy tính xách tay của đối tượng nghiên cứu. Các yếu tố trong mô hình đều có tác động thuận chiều đến quyết định mua với các mức độ tác động là khác nhau. Cụ thể, yếu tố “Đặc điểm kỹ thuật” với hệ số chuẩn hóa Beta bằng 0,367 là yếu tố có tác động mạnh nhất đến quyết định mua.

Điều đó cho thấy sự hữu dụng, khả năng đáp ứng nhu cầu học tập, làm việc, giải trí của sinh viên nên luôn được quan tâm khi đưa ra quyết định, và mỗi sinh viên sẽ có mức độ quan tâm khác nhau. Tiếp theo là yếu tố “Giá cả và điều kiện thanh toán” với hệ số chuẩn hóa Beta là 0,299, thể hiện sự nhạy cảm về giá trong quyết định mua hàng của sinh viên.

Có thể thấy hiện nay thị trường điện tử luôn có sức cạnh tranh khốc liệt và đổi mới hằng ngày để thỏa mãn nhu cầu cho người tiêu dùng, vì vậy các thương hiệu luôn làm tốt trong việc cung cấp dịch vụ cũng như thiết kế đa dạng mẫu mã, kiểu dáng thiết kế, đáp ứng rất tốt các nhu cầu của sinh viên làm cho họ không cần phải đắn đo lựa chọn. Vì vậy, tính năng cốt lõi, độ bền cũng như chính sách giá của sản phẩm được quan tâm nhiều hơn trong tâm trí khách hàng thuộc đối tượng nghiên cứu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Abraham Maslow, 1954, Motivation and personality, NXB Harper.
  2. Vallerand, R. J., Deshaies, P., Cuerrier, J.-P., Pelletier, L. G., & Mongeau, C. (1992). Ajzen and Fishbein's theory of reasoned action as applied to moral behavior: A confirmatory analysis. Journal of Personality and Social Psychology, 62(1), 98–109. 3. Đào Duy Huân, Nguyễn Tiến Dũng, Võ Minh Sang, 2014, Giáo trình Phương pháp nghiên cứu trong kinh doanh, NXB Đại học Cần Thơ.
  3. Đào Duy Huân, Nguyễn Tiến Dũng, 2017, Hành vi tổ chức, NXB Đại học Cần Thơ.
  4. Hoàng Trọng và Chu Nguyễn Mộng Ngọc, 2008, Phân tích dữ liệu nghiên cứu với SPSS, tập 1 và tập 2, NXB Hồng Đức.
  5. Kotler.P, 2001, Quản trị Marketing, dịch từ tiếng Anh, người dịch Vũ Trọng Hùng, NXB Thống kê.
  6. Lưu Thị Thùy Vân, 2016, Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua laptop mới của sinh viên tại thị trường Đà Nẵng.
  7. H.S.Adithya, 2013, Mô hình nghiên cứu thực nghiệm về Hành vi mua máy tính xách tay của sinh viên ở thành phố Bangalore, Ấn Độ.
  8. Ashhan Nair và cộng sự, 2006, Mô hình nghiên cứu những yếu tố ảnh hưởng tới khách hàng trong việc mua Máy tính xách tay của Tiến sĩ Ashhan Nair và cộng sự thuộc Trường Đại học Bogazici, Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.
  9. Trương Đình Chiến, 2010, Quản trị Marketing, NXB Đại học Kinh tế quốc dân.
  10. Shamsunnahar Tania, 2012, Mô hình các yếu tố ảnh hưởng đến việc mua máy tính xách tay của giáo viên.

Factors affecting the laptop buying decisions of students who are studying at economics universities in Ho Chi Minh City

Ph.D Pham Hung Cuong 1

Phan Le Thuy Trang 2

1 Foreign Trade University

2 Foreign Trade University - Ho Chi Minh City Campus

ABSTRACT:

Almost every university student have a laptop. Unquestionably, students are a potential segment for the laptop companies. This study determines the factor affecting Ho Chi Minh City’s student’s buying decisions of laptop. Based on the study’s findings, some solutions are proposed to help laptop companies make appropriate sale policies to attract more customers. This study uses both qualitative and quantitative methods. The study’s results indicate that there are two factors affecting the laptop buying decision of students who are studying at Ho Chi Minh City’s economics universities. The average level of agreement is quite high and is approximately the same. The study’s research model explains 65.4% of studied subjects’ laptop buying decisions.

Keywords: laptop, customer behaviour, consumer, Ho Chi Minh City.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 8, tháng 4 năm 2021]