Ra quân đợt cao điểm, lực lượng QLTT quyết ngăn chặn nạn đầu cơ, găm hàng

Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp tác động đến tâm lý mua sắm của người tiêu dùng, để ngăn chặn việc tích trữ, đầu cơ, nâng giá, Cục QLTT các tỉnh, thành phố đã đồng loạt ra quân, đồng thời tuyên truyền người dân không nên hoang mang, lo sợ.

Tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp. Trên địa bàn các tỉnh, thành phố Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng đã xuất hiện những ca nhiễm Covid-19 mới. Qua công tác nắm bắt tình hình thị trường, tại một số siêu thị, cửa hàng tiện ích, bán lẻ hàng tiêu dùng trên địa bàn các tỉnh, thành phố có hiện tượng người dân tập trung để mua thực phẩm dự trữ.

Ngay sau khi nhận được thông tin trên, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) đã có công văn hỏa tốc số 430/TCQLTT-CNV ngày 7/3/2020 yêu cầu Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Đội QLTT giám sát chặt địa bàn.

Đồng thời, yêu cầu xử lý nghiêm, kịp thời hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua vét, mua gom hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý đối với hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, thuốc tân dược, các loại vật tư, trang thiết bị y tế, bảo vệ sức khỏe dùng để phòng, chống dịch và chữa bệnh trong điều kiện thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do dịch bệnh Covid-19.

Ra quân đợt cao điểm, lực lượng QLTT quyết tâm trấn an tâm lý người dân
Lực lượng QLTT Lạng Sơn tổ chức tuyên truyền, ký cam kết với hộ kinh doanh, nói không với việc nâng giá

Cụ thể, ngay sau khi nhận được công văn hỏa tốc, Cục QLTT các tỉnh, thành phố đã đồng loạt ra quân ngăn chặn nạn đầu cơ, găm hàng; chủ động tuyên truyền để người dân an tâm, không nên quá hoang mang, lo lắng và hạn chế mua hàng tích trữ.

Tại TP. Hồ Chí Minh

Ngày 7/3/2020, Đội QLTT số 14 kiểm tra Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Hữu Nghị Asian, địa chỉ tại số 225/37 đường Thoại Ngọc Hầu, phường Phú Thạnh, quận Tân Phú.

Tại đây đang chứa 112.500 chiếc khẩu trang hiệu HERO Face loại 3 lớp do Việt Nam sản xuất được chủ hàng gửi tại Công ty chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ hợp lệ và hàng hóa có nhãn không ghi đủ nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa theo quy định. Đội lập biên bản tạm giữ số hàng trên để tiếp tục làm rõ.

Tại Đồng Nai

Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, từ ngày 31/1 đến ngày 9/3/2020, Cục QLTT tỉnh Đồng Nai đã xử lý 43 vụ vi phạm; tổng số tiền xử phạt: 267.491.000 đồng. Tịch thu 6.887 cái khẩu trang và 70 chai nước rửa tay không rõ nguồn gốc, xuất xứ đang chờ tiêu hủy theo quy định.

Tại Đà Nẵng

Đáng chú ý, sáng 8/3/2020, Cục QLTT Đà Nẵng cũng tổ chức ra quân, tiến hành giám sát đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ người tiêu dùng, tránh xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng đối với các mặt này nhằm bình ổn tình hình thị trường trên địa bàn thành phố.

Tại Lạng Sơn

Tương tự, ứng phó với tác động của dịch Covid-19, lãnh đạo Cục QLTT Lạng Sơn đã chỉ đạo các Đội QLTT trực thuộc đồng loạt ra quân vào ngày nghỉ 8/3/2020 tiến hành tuyên truyền, hướng dẫn, ký cam kết với các tổ chức, cá nhân đang kinh doanh các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu hằng ngày của nhân dân không lợi dụng tình hình dịch bệnh để găm hàng, ép giá, bán hàng cao hơn so với giá niêm yết, bán hàng kém chất lượng..., đồng thời nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Sau một ngày kiểm tra, Cục QLTT Lạng Sơn đã tuyên truyền, vận động ký cam kết đối với 99 cơ sở kinh doanh là các siêu thị, doanh nghiệp đầu mối cung cấp hàng hóa trên địa bàn tỉnh và các hộ kinh doanh nhỏ lẻ.

tuyên truyền, ký cam kết với hộ kinh doanh

Lực lượng QLTT Lạng Sơn lập biên bản vi phạm hành chính với hộ kinh doanh vi phạm

Đồng thời, phát hiện, xử lý 19 vụ việc vi phạm về hành vi kinh doanh hàng hóa thực phẩm không niêm yết giá, kinh doanh thực phẩm quá hạn sử dụng; xử phạt tiền 12.275.000 đồng, buộc tiêu hủy hàng hóa thực phẩm quá hạn sử dụng trị giá khoảng 2 triệu đồng.

Tính đến chiều tối 8/3, kết quả tuyên truyền, xử lý vi phạm của cơ quan QLTT cho thấy đã tác động tích cực đến thị trường, hiện nay tình hình thị trường ổn định, lượng cung - cầu hàng hóa đảm bảo, giá cả hàng hóa không tăng, tạo tâm lý ổn định cho người tiêu dùng.

Theo kế hoạch, Cục QLTT Lạng Sơn sẽ tiếp tục bám sát địa bàn để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm liên quan đến giá, gian lận thương mại và hàng giả đối với nhóm hàng hóa phục vụ cho việc phòng, chống dịch bệnh, chú trọng nhóm hàng hóa lương thực, thực phẩm, vật tư y tế nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tại Quảng Ninh

 QLTT Lạng Sơn
Lực lượng QLTT Quảng Ninh ra quân, kiên quyết không để xảy ra tình trạng khan hiếm lương thực, thực phẩm

Để bình ổn thị trường, ngăn chặn hiện tượng đầu cơ, găm hàng, từ sáng ngày 7/3/2020, Cục QLTT Quảng Ninh chỉ đạo các Đội QLTT tăng cường nắm tình hình địa bàn, làm việc với Ban Quản lý chợ, siêu thị, trung tâm thương mại… về nguồn hàng, phương án đảm bảo nguồn cung hàng hóa trong mọi diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

Tại Hà Nội

Ngay trong đêm ngày 6/3 và rạng sáng ngày 7/3/2020, Cục QLTT thành phố Hà Nội đã họp và ban hành văn bản số 227/QLTTHN ngày 7/3/2020 chỉ đạo các phòng, Đội QLTT huy động 100% cán bộ, công chức xuống địa bàn, tăng cường tuyên truyền và kiểm tra, kiểm soát thị trường.

Bên cạnh đó, giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh thương mại trên địa bàn, đặc biệt là các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ đời sống hàng ngày của người dân: gạo, dầu ăn, thịt gia súc, gia cầm, trứng, thực phẩm công nghệ chế biến (mỳ gói, sữa, bánh,…), các sản phẩm khẩu trang y tế, nước rửa tay sát trùng... và các sản phẩm, hàng hóa phục vụ phòng chống dịch bệnh.

Đồng thời chủ động phối hợp các cơ quan chức năng tuyên truyền công tác phòng chống dịch bệnh cho người dân không hoang mang ảnh hưởng đến tâm lý tiêu dùng, an ninh trật tự, an toàn xã hội.

 

Hạ An