Ørsted - T&T Group thúc đẩy xây dựng chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi

Ngày 7/10/2022, Tập đoàn Ørsted và T&T Group đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi: Thách thức và giải pháp đề xuất đối với nhà cung cấp kết cấu móng và cơ khí khác tại Việt Nam”.
Hội thảo “Chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi: Thách thức và giải pháp đề xuất đối với nhà cung cấp kết cấu móng và cơ khí khác tại Việt Nam”
Hội thảo “Chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi: Thách thức và giải pháp đề xuất đối với nhà cung cấp kết cấu móng và cơ khí khác tại Việt Nam” do Tập đoàn Ørsted và T&T Group phối hợp tổ chức

Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo Sở Công Thương các tỉnh Ninh Thuận, Thái Bình và Thành phố Hải Phòng; Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam; Đại sứ quán Đan Mạch và 30 nhà lãnh đạo từ 16 nhà cung cấp hàng đầu về kết cấu móng và chuyên môn cơ khí.

Đây là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động và hội thảo thực tế dành cho các nhà cung cấp nhằm xác định các thách thức và phát triển các giải pháp để tham gia vào chuỗi cung ứng cho ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi của Việt Nam.

Ông Per Mejnert Kristensen - Chủ tịch khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Ørsted cho biết, Việt Nam sở hữu những điều kiện tuyệt vời để phát triển các dự án điện gió ngoài khơi đáng tin cậy và cạnh tranh về chi phí. 

“Ørsted luôn sẵn sàng xây dựng mối quan hệ vững chắc và đáng tin cậy với các công ty, nhà cung cấp, các bên liên quan và Chính phủ Việt Nam để hiện thực hóa những tham vọng này. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ các công ty Việt Nam trong hành trình tối ưu hóa các cơ hội khổng lồ của thị trường điện gió ngoài khơi trong nước và quốc tế”, đại diện Tập đoàn Ørsted khẳng định.

Tại Hội thảo, các chuyên gia và doanh nghiệp đã thảo luận về những thách thức và đề xuất các giải pháp thực tế để hỗ trợ các doanh nghiệp mới gia nhập ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi. Trong đó, nhiều chủ đề nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp như cách tăng cường khả năng cung cấp cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất; cải thiện khả năng sẵn sàng của thiết bị nâng hạ và xây dựng; phát triển năng lực kỹ thuật và quy trình quản lý sản xuất để giúp xây dựng các trang trại điện gió ngoài khơi mang tầm thế giới trong những năm tới;…

(Từ trái sang phải) Ông Đào Xuân Hiển - Phó Tổng Giám đốc CS Wind, ông Per Mejnert Kristensen - Chủ tịch khu vực Châu Á Thái Bình Dương Ørsted và ông Nguyễn Ngọc Thắng - Quản lý Dự án CS Wind ký kết Biên bản ghi nhớ
(Từ trái sang phải) Ông Đào Xuân Hiển - Phó Tổng Giám đốc CS Wind, ông Per Mejnert Kristensen - Chủ tịch khu vực Châu Á Thái Bình Dương Ørsted và ông Nguyễn Ngọc Thắng - Quản lý Dự án CS Wind ký kết Biên bản ghi nhớ

Trước đó, ngày 6/10, Tập đoàn Ørsted và CS Wind Việt Nam đã ký kết Biên bản ghi nhớ về việc hợp tác trong việc phát triển chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, bao gồm nhưng không giới hạn các phạm vi về tháp gió, kết cấu phần móng ngoài khơi, chế tạo thép,…, tiến thêm một bước hướng tới việc khởi động thành công ngành công nghiệp nội địa mới nhằm hỗ trợ mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam.

Ông Sebastian Hald Buhl - Giám đốc quốc gia của Ørsted Việt Nam chia sẻ, mô hình kinh doanh đầu - cuối của Ørsted đồng nghĩa với việc Tập đoàn có động lực tìm kiếm giá trị lâu dài trong tất cả các giai đoạn của vòng đời trang trại điện gió ngoài khơi. Cũng chính điều này làm nên điểm đặc biệt của Ørsted, khác với nhiều nhà đầu tư thâm nhập thị trường chỉ để xây dựng, bán dự án và rời đi. 

“Ørsted đang tăng cường nỗ lực hỗ trợ các đối tác và nhà cung cấp địa phương và chúng tôi đang nỗ lực để triển khai 2 GW đầu tiên trong danh mục dự án điện gió ngoài khơi của chúng tôi vào trước năm 2030”, ông Sebastian Hald Buhl cho hay.

Bà Nguyễn Thị Thanh Bình - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T Group cho biết, với những lợi thế về điều kiện tự nhiên cùng chiến lược và quy hoạch phát triển phù hợp, Việt Nam sẽ sớm trở thành một trong những trung tâm phát triển mới của ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi, không những đáp ứng đủ nhu cầu thị trường trong nước mà còn hướng tới thị trường rộng lớn trên trường quốc tế. 

Việc phát triển và hình thành chuỗi cung ứng nội địa cho điện gió ngoài khơi là vô cùng quan trọng để xây dựng cơ sở cho việc giảm giá thành nguồn và cũng là động lực chính cho việc sản xuất hydrogen xanh từ điện gió ngoài khơi, đóng góp việc giảm dần và thay thế nhiên liệu hóa thạch trong các nhà máy nhiệt điện như đã đề ra trong dự thảo Quy hoạch điện VIII.

Việc ký kết biên bản ghi nhớ với Ørsted cũng được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội hợp tác lâu dài đối với CS Wind Vietnam trong các dự án điện gió khác sau hai dự án của Ørsted tại Tuy Phong và Hải Phòng.

Thy Thảo