Rủi ro khủng hoảng lương thực toàn cầu tăng cao khi hạn hán nghiêm trọng diễn ra tại nhiều quốc gia

Rủi ro khủng hoảng lương thực toàn cầu đang ngày càng tăng lên khi hạn hán nghiêm trọng diễn ra tại nhiều quốc gia canh tác nông nghiệp lớn như Ấn Độ, Hoa Kỳ, Trung Quốc…

Căng thẳng nguồn cung khiến giá nhiều loại ngũ cốc có dấu hiệu tăng mạnh trở lại, gây áp lực lên lạm phát toàn cầu.

Tình trạng hạn hán nghiêm trọng tại nhiều nơi trên thế giới, từ khu vực Vành đai canh tác ngô - đậu tương của Hoa Kỳ đến lưu vực sông Dương Tử của Trung Quốc, đang ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động canh tác nông nghiệp của hàng triệu hộ nông dân.

Điều này làm dấy lên lo ngại về rủi ro khủng hoảng lương thực toàn cầu cũng như khả năng lạm phát khó “hạ nhiệt” do giá lương thực có thể sẽ tiếp tục neo cao.

Nhiều chuyên gia theo dõi thị trường nông nghiệp đang ngày càng lo ngại hơn về tình trạng căng thẳng nguồn cung toàn cầu trong năm 2023 khi thế giới lần đầu tiên sau hơn 20 năm, đối mặt với hiện tượng La Nina kéo dài ba năm liên tiếp. Các nhà phân tích cảnh báo rằng sự nóng lên toàn cầu sẽ là lực cản ngày càng lớn đối với sản xuất nông nghiệp trong những năm tới.

Cảnh báo mới nhất từ khu vực Trung Tây Hoa Kỳ cho thấy tình trạng các cây ngô ngày càng khô héo và sản lượng đậu tương giảm thấp hơn thông thường, khiến giá ngũ cốc đang dần tăng trở lại, tiệm cận mức cao kỷ lục xác lập hồi tháng 6 vừa qua. Một số nhà phân tích hiện đã hạ dự báo sản lượng ngô của Hoa Kỳ thấp hơn 4% so với dự báo ban đầu của chính phủ nước này.

Ngô và đậu tương hiện là những cây trồng chủ lực của Hoa Kỳ và đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu. Triển vọng tiêu cực về vụ thu hoạch ngô và đậu tương của nước này sẽ càng khiến áp lực đảm bảo nguồn cung hai mặt hàng này của các nước khu vực Nam Mỹ như Brazil và Argentina tăng lên trong thời gian tới đây. Trong niên vụ vừa qua, sản lượng đậu tương của Brazil đã sụt giảm do tình trạng khô hạn.

Mức độ rủi ro khủng hoảng lương thực toàn cầu sẽ tăng lên hơn nữa nếu Trung Quốc, quốc gia đang hứng chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất kể từ những năm 1960, buộc phải nhập khẩu nhiều ngũ cốc hơn để đáp ứng nhu cầu sản xuất thức ăn chăn nuôi và đảm bảo lượng hàng tồn kho cho thị trường nội địa. Hạn hán tại lưu vực sông Dương Tử - con sông dài nhất Trung Quốc và khu vực Tứ Xuyên sẽ ảnh hưởng xấu đến việc canh tác lúa gạo của Trung Quốc trong năm nay.

Hạn hán tại Ấn Độ
Hạn hán tại Ấn Độ đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động canh tác lúa mì và lúa gạo của nước này. Ấn Độ vừa qua đã cấm xuất khẩu bột mì và lúa mì nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường nội địa (Ảnh: Reuters)

Trong khi đó, dữ liệu của tờ báo kinh tế Business Standard (Ấn Độ) cho thấy, tính đến đầu tháng 8/2022, tổng diện tích canh tác lúa gạo của Ấn Độ đã giảm khoảng 13% so với cùng kỳ năm ngoái do tình trạng khô hạn diễn ra tại nhiều nơi, bao gồm cả bang West Bengal và bang Uttar Pradesh. Sản lượng gạo của hai bang này chiếm đến 1/4 tổng sản lượng gạo hàng năm của Ấn Độ. Dự kiến sản lượng lúa của nước này sẽ giảm 8% trong năm nay.

Khô hạn buộc Ấn Độ cấm xuất khẩu bột mì và lúa mì nhằm đảm bảo nguồn cung trên thị trường nội địa. Hãng tin Bloomberg (Hoa Kỳ) cho biết Ấn Độ đang thảo luận các biện pháp hạn chế xuất khẩu gạo tấm, vốn chiếm khoảng 20% tổng lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ.

Châu Âu cũng đang trải qua đợt hạn hán có thể là nghiêm trọng nhất trong vòng 500 năm trở lại đây khiến hàng trăm khu vực canh tác tại Romania, quốc gia xuất khẩu ngũ cốc lớn của EU, phải sử dụng tiết kiệm nước. Sản lượng ngô năm nay của Pháp ước tính sẽ giảm đến 18,5% so với năm 2021. Italy cũng tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia tại lưu vực sông Po – khu vực chiếm đến 1/3 tổng sản lượng nông sản của nước này.

Hạn hán diễn ra đúng lúc khủng hoảng đứt gãy nguồn cung lương thực từ Ukraine, dưới tác động của cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine, chưa được tháo gỡ hoàn toàn. Bất chấp việc đã có nhiều chuyến tàu chở ngũ cốc xuất phát từ Ukraine trong những tuần gần đây, hiện khối lượng xuất khẩu của nước này vẫn thấp hơn nhiều so với mức bình thường. Hàng triệu tấn ngũ cốc các loại vẫn đang bị tồn đọng tại các bến cảng và nhà kho của Ukraine.  

Ông Joe Glauber, cựu kinh tế trưởng của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, cho biết “Ngay cả trước khi các tin tức về thiệt hại do khô hạn gây ra đến mùa vụ được công bố, tôi đã lo ngại rằng lượng ngũ cốc tồn trữ hiện nay sẽ không đủ cho đến năm sau”.

Đồng quan điểm như trên, ông Abdolreza Abbassian, chuyên gia phân tích thị trường lương thực và cựu chuyên gia kinh tế của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), cảnh báo với việc giá năng lượng vẫn tiếp tục tăng trong mùa Đông tới, bất kỳ sự thiếu hụt lớn nào về nguồn cung ngô cũng sẽ tác động khủng khiếp đến lĩnh vực thực phẩm và thức ăn chăn nuôi trên toàn cầu.

Diễn biến thời tiết tiêu cực có thể khiến giá ngũ cốc, lương thực toàn cầu tăng vọt trở lại sau khi “hạ nhiệt” trong 3 tháng gần đây. Chỉ số theo dõi giá ngũ cốc và giá đậu tương trên toàn cầu hiện đang cao hơn gần 40% so với mức trung bình của 5 năm gần đây.

Giá lương thực cao kỷ lục là một trong những nguyên nhân chính đẩy lạm phát tại nhiều quốc gia tăng cao. Nhiều chuyên gia đã liên tục cảnh báo khủng hoảng lương thực toàn cầu sẽ tác động mạnh nhất đến những quốc gia đang phát triển và kém phát triển.

Tường Vy