Rút đề xuất tăng thuế nhập khẩu thép cuộn cán nóng

Với những góp ý của các bộ và doanh nghiệp, Bộ Tài chính quyết định đưa phương án tăng thuế trên ra khỏi dự thảo nghị định mới nhất chuẩn bị trình Chính phủ.

Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 125/2017/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan sau khi lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan quản lý, Hiệp hội, doanh nghiêp....

thép cuộn cán nóng
Bộ Công Thương đề nghị không tăng thuế nhập khẩu ưu đãi MFN đối với thép cuộn cán nóng

 

Trong đó, Bộ Tài chính đề xuất chưa tăng thuế nhập khẩu ưu đãi thông thường (MFN) đối với thép cuộn cán nóng.

Theo Bộ Tài chính, việc đề xuất chưa tăng thuế nhằm đảm bảo không xáo trộn tình hình sản xuất kinh doanh trong nước và làm tăng chi phí đầu vào của doanh nghiệp.

Trong dự thảo trước đó, Bộ Tài chính đã đề xuất tăng thuế MFN đối với các mặt hàng thép cuộn cán nóng thuộc nhóm 72.08 từ 0% lên 5%. Tuy nhiên, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính không điều chỉnh tăng thuế suất MFN đối với sản phẩm này. VSA và một số doanh nghiệp thép trong nước phản ánh biện pháp này không những không hạn chế được, mà còn làm gia tăng thêm lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc, giảm tính cạnh tranh lành mạnh của thị trường thép Việt Nam, tạo cơ hội cho độc quyền thị trường.

VSA cũng đã kiến nghị Bộ Công Thương chưa áp dụng bất kỳ biện pháp phòng vệ thương mại nào đối với mặt hàng thép cuộn cán nóng nhóm 72.08 nói chung.

Theo Bộ Công Thương, năng lực sản xuất thép cán nóng của Việt Nam chưa đáp ứng nhu cầu trong nước, các doanh nghiệp chủ yếu vẫn phải nhập khẩu thép cán nóng để sản xuất thép cán nguội phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Bộ Công Thương đề nghị không tăng thuế nhập khẩu ưu đãi MFN đối với thép cuộn cán nóng thuộc nhóm 72.08 từ 0% lên 5%.

Tuấn Hưng