Samsung – Hành trình từ cá khô đến “ông lớn” công nghệ

Có trụ sở ở Seoul, Samsung là một trong những tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc. Từ khi thành lập năm 1938 đến nay, tập đoàn này đã làm nên nhiều kỳ tích.

Một tập đoàn hùng mạnh của Đại Hàn Dân Quốc

Samsung có tầm ảnh hưởng to lớn đến nhiều mặt trong đời sống kinh tế, chính trị và văn hóa của Hàn Quốc. Đây là động lực chính đứng phía sau “Kỳ tích sông Hàn” làm thay đổi toàn bộ nền kinh tế Hàn Quốc. Các công ty con của Samsung sản xuất ra 20% tổng lượng hàng hóa xuất khẩu của cả nước, trong khi doanh thu của tập đoàn tương đương 17% GDP của Hàn Quốc.

Tính đến hết năm 2013, Samsung có mặt ở tổng cộng 90 quốc gia với 673 văn phòng trên toàn cầu.

Samsung - Tập đoàn hùng mạnh của Đại Hàn Dân Quốc
Samsung - Tập đoàn hùng mạnh của Đại Hàn Dân Quốc

Đến nay, “món” cay nhất trong “bát kim chi” Samsung là Samsung Electronics – nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu thế giới. 2/3 doanh thu của hãng đến từ mảng sản xuất điện thoại thông minh, chip bán dẫn và các linh kiện điện tử khác. Tuy nhiên, trong mạng lưới của Samsung là rất nhiều các công ty con hoạt động trong nhiều lĩnh vực, hầu hết trong số chúng mang thương hiệu Samsung.

Xuất phát từ kinh doanh… cá khô

Năm 1938, Lee Byung-chull, con trai của một địa chủ giàu có, thành lập một công ty với 40 công nhân, chuyên xuất khẩu rau quả và làm mì tôm. Trong số các mặt hàng Samsung Sanghoe kinh doanh có cả cá khô.

Samsung xuất phát từ kinh doanh cá khô
Samsung xuất phát từ kinh doanh cá khô

Công ty làm ăn phát đạt, Lee Byung-chull đã chuyển văn phòng công ty tới Seoul năm 1947. Khi chiến tranh Triều Tiên nổ ra, Lee Byung-chull buộc phải rời Seoul và sau đó mở một nhà máy tinh chế đường ở Busan, có tên là Cheil Jedang. Khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc vào năm 1954, ông sáng lập ra Cheil Mojik và xây dựng nhà máy ở Chimsan-dong, Daegu. Đó là nhà máy len sợi lớn chưa từng có của đất nước.

Trong những năm ấy, Samsung còn mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác như trung tâm mua sắm, báo chí với tờ nhật báo Joongang Ilbo, ngành đóng tàu, hóa chất và cả chứng khoán.

Công nghệ điện tử… ngành nghề cán vạch đích

Đến năm 1969, mảng được biết đến nhiều nhất của Samsung là công ty điện tử Samsung Electronics. Công ty đã sản xuất chiếc tivi đen trắng đầu tiên vào năm 1972 và sau đó trong suốt những năm 1970 đã mở rộng ra các sản phẩm như tủ lạnh, máy giặt và tivi màu.

Sản xuất những chiếc TV trắng đen đầu tiên
Sản xuất những chiếc TV trắng đen đầu tiên

Năm 1977, Samsung thâu tóm một công ty sản xuất chip của Hàn Quốc, đặt nền móng cho quá trình lớn mạnh thành nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu thế giới.

Năm 1983, Samsung Electronics bắt đầu sản xuất máy tính.

4 năm sau, nhà sáng lập Lee Byung-chull qua đời. Con trai thứ 3 của ông là Lee Kun-Hee lên nắm quyền và trở thành Chủ tịch của tập đoàn. Ông đã thay đổi trọng tâm kinh doanh của Samsung từ một công ty sản xuất các sản phẩm đa dạng nhưng chủ yếu mang lại giá trị thấp sang những sản phẩm có giá trị thặng dư cao hơn. Samsung hướng đến mục tiêu sử dụng các công nghệ tiên tiến và các sản phẩm hạng sang để xây dựng thương hiệu.

Lee Kun Hee - Vị chủ tịch đã hướng Samsung sang kinh doanh hoàn toàn ở mảng công nghệ điện tử
Lee Kun Hee - Vị chủ tịch đã hướng Samsung sang kinh doanh hoàn toàn ở mảng công nghệ điện tử

Năm 1992, Samsung trở thành nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới. Năm 1994 Samsung phát triển loại chip DRAM có dung lượng 256 megabit đầu tiên trên thế giới.

Năm 1995, Lee Kun-hee bắt đầu xây dựng Samsung Motor, đồng thời mở nhà máy sản xuất LCD cũng như những màn hình tinh thể lỏng đầu tiên.

Năm 1997, Samsung gia nhập thị trường điện thoại di động.

"SH-100" - Chiếc điện thoại di động đầu tiên của Samsung
"SH-100" - Chiếc điện thoại di động đầu tiên của Samsung

Năm 1998, Hàn Quốc rơi vào khủng hoảng tài chính châu Á. Samsung Motor được bán cho Renault với mức giá rất thấp, Samsung phải gánh một khoản lỗ lớn từ Samsung Motor. Tuy nhiên, đây cũng là phần duy nhất bị ảnh hưởng. Samsung gần như không bị “xoay chuyển” bởi cuộc khủng hoảng này. Cũng trong năm này, Samsung Electronics trở thành nhà sản xuất LCD hàng đầu thế giới.

Năm 2005, Samsung vượt qua Sony trở thành thương hiệu điện tử được người tiêu dùng thế giới ưa chuộng nhất.

Con đường không được trải toàn hoa hồng

Dù đã gặt hái được nhiều thành công, nhưng chặng đường phát triển của Samsung không được trải toàn hoa hồng. Giông tố ập đến vào năm 2008, khi Lee Kun-hee rời khỏi ghế Chủ tịch sau khi bị buộc tội trốn thuế. Ông cũng bị cho là đã tìm cách chuyển giao quyền sở hữu cổ phần cho con cái một cách bất hợp pháp. Phải mất một năm sau, ông được Tổng thống ân xá và tháng 3/2010, Lee Kun-hee mới được trở lại làm Chủ tịch Samsung.

Tháng 12/2010, Jay Y. Lee, người con trai duy nhất của Lee Kun-hee và được coi là người kế thừa “ngai vàng” ở Samsung, được bổ nhiệm là một trong các Chủ tịch của Samsung Electronics.

Trong một thông báo sơ bộ về lợi nhuận quý II/2019 vừa công bố, Samsung Electronics  cho biết lợi nhuận của hãng trong giai đoạn từ tháng 4 - 6/2019 ước đạt 6.500 tỷ Won (5,6 tỷ USD). Nhà phân tích Park Gang-ho của công ty dịch vụ tài chính Daishin Securities cho biết Samsung Electronics đã đẩy mạng hoạt động của mảng điện thoại bằng cách phát hành dòng smartphone có khả năng chạy trên mạng viễn thông thế hệ thứ 5 (mạng 5G) tại các thị trường chọn lọc trong quý II/2019, bao gồm Hàn Quốc và Mỹ. Song doanh số bán smartphone của công ty này dự kiến vẫn sẽ suy yếu trong quý III so với quý trước đó, bất chấp việc mẫu smartphone cao cấp Galaxy Note 10 được mở bán vào tháng Tám. 

Samsung Galaxy Note 10
Samsung Galaxy Note 10 - Mẫu smartphone mới ra mắt của Samsung

Đã có thời cuộc chiến trên thị trường điện thoại thông minh giữa Samsung và Apple trở nên bất phân thắng bại, nhưng rõ ràng giờ đây Apple đã tỏ ra vượt trội. Samsung cũng đang đứng trước cuộc chuyển giao quyền lực không hề suôn sẻ với những mâu thuẫn tranh giành giữa ba người con cả Lee Kun-hee. Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo với Samsung và liệu công ty có thể giữ vững vị trí của mình trong nền kinh tế Hàn Quốc hay không? Chỉ có thời gian sẽ cho chúng ta câu trả lời.

 

Thuỳ Linh (TH)