Cụ thể, sản lượng năng lượng tái tạo trên toàn cầu trong năm 2020 đã tăng thêm 280 GW, tăng 45% so với năm 2019. Mức tăng sản lượng điện này lớn hơn cả tổng sản lượng điện của Đức – nền kinh tế lớn nhất khu vực Liên minh Châu Âu (EU).

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết mặc dù nhu cầu sử dụng năng lượng trên toàn cầu trong năm ngoái đã giảm khoảng 4% so với năm 2019 do sự bùng phát của đại dịch Covid-19 khiến các hoạt động sản xuất và di chuyển bị đình trệ, tăng trưởng sản lượng năng lượng tái tạo vẫn đạt mức cao kỷ lục kể từ những năm 1999 – thời điểm những trang trại năng lượng gió và năng lượng mặt trời quy mô lớn bắt đầu xuất hiện phổ biến. Năng lượng tái tạo cũng là nguồn năng lượng duy nhất có tăng lên trong khi các nguồn năng lượng khác đã giảm xuống trong năm 2020.

Lắp đặt điện mặt trời
Nhu cầu về năng lượng tái tạo ngày càng tăng khi chính phủ và doanh nghiệp trên khắp thế giới đang dần cắt giảm lượng khí thải carbon nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu (Ảnh: EVN)

Đặc biệt, IEA cho biết mức tăng sản lượng năng lượng tái tạo 280 GW trong năm ngoái được thúc đẩy một phần bởi hàng loạt dự án năng lượng tái tạo gấp rút hoàn thành trước khi cơ chế ưu đãi đối với năng lượng tái tạo tại Việt Nam, Trung Quốc và Hoa Kỳ hết hạn. Hầu hết sản lượng năng lượng tái tạo tăng thêm đến từ điện mặt trời và điện gió.

IEA nhận định sự tăng vọt sản lượng năng lượng tái tạo trong năm 2020 đã đánh dấu việc thị trường năng lượng toàn cầu bước vào thời kỳ “bình thường mới” với xu hướng phát triển năng lượng tái tạo. Cơ quan này dự báo sản lượng năng lượng tái tạo tăng thêm trong năm 2021 sẽ ở mức 270 GW và đạt 280 GW trong năm 2022 bất chấp việc các dự án năng lượng tái tạo tại Trung Quốc giảm xuống. Tăng trưởng sản lượng điện từ năng lượng tái tạo trên toàn cầu được IEA ước tính đạt 25% trong năm 2021 và 2022.

Theo IEA, năng lượng mặt trời sẽ đóng vai trò chủ chốt trong việc nâng cao sản lượng năng lượng tái tạo toàn cầu, với mức tăng vào năm 2022 dự báo sẽ đạt hơn 50% so với năm 2019. Cơ quan này cũng dự báo năng lượng gió sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong 2 năm tới, tuy ở tỷ lệ thấp hơn so với năm 2020.

Nhu cầu về năng lượng tái tạo ngày càng tăng khi chính phủ và doanh nghiệp trên khắp thế giới đang dần cắt giảm lượng khí thải carbon nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Theo Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu, cả Hoa Kỳ và các quốc gia khu vực EU đang hướng tới mục tiêu "trung hòa carbon" vào năm 2050.

Trong đó, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã đặt mục tiêu đưa ngành điện của Hoa Kỳ không phát thải khí nhà kính vào năm 2035. Tại khu vực EU, các quốc gia và doanh nghiệp cũng đang hướng đến mục tiêu cắt giảm ít nhất 55% lượng khí thải vào năm 2030.

IEA dự báo xu hướng phát triển năng lượng tái tạo trên toàn cầu sẽ tiếp tục tăng mạnh cho đến khi nào nguồn cung các nguyên liệu như nickel, cobalt, lithium, đồng và đất hiếm vẫn còn có thể đáp ứng ổn định. Đây là những nguyên liệu cần thiết trong sản xuất turbine gió, tấm pin năng lượng mặt trời và các thiết bị sản xuất năng lượng tái tạo khác. Giá các kim loại như đồng, nickel và lithium đã liên tục tăng cao kỷ lục trong những tháng gần đây do nhu cầu của ngành công nghiệp năng lượng tái tạo tăng mạnh.

Trong khi năng lượng tái tạo đang ngày càng phát triển, nhiên liệu hóa thạch vẫn là nguồn năng lượng chủ đạo của thế giới. Trong năm 2019 – trước khi đại dịch Covid-19 bùbg phát, dầu mỏ, khí tự nhiên và than đá tạo ra đến 81% nhu cầu năng lượng toàn cầu. IEA dự báo con số này giảm xuống còn 76% vào năm 2030.