Sản xuất vật liệu xây dựng không nung từ tro, xỉ nhiệt điện: Cần có chính sách hỗ trợ hợp lý

“Doanh nghiệp sử dụng tro, xỉ nhiệt điện than sẽ đầu tư công nghệ, chất xám, nhưng Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ kịp thời, hợp lý, đảm bảo cho doanh nghiệp phát triển bền vững”

Đó là chia sẻ của ông Kiều Văn Mát, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sông Đà Cao Cường, cũng là tâm tư chung của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Còn nhiều vướng mắc trong tiêu thụ tro, xỉ

Theo Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường Công nghiệp (Bộ Công Thương), tổng hợp số liệu từ 23 nhà máy nhiệt điện cho thấy, lượng tro, xỉ hàng năm khoảng 12,2 triệu  tấn, trong đó, chủ yếu tập trung tại khu vực phía Bắc (chiếm 60%), miền Trung (chiếm 21%) và miền Nam (chiếm 19%). Đến nay, lượng tro, xỉ được tiêu thụ hàng năm vẫn còn thấp. Năm 2017, cả nước chỉ tiêu thụ được 4 triệu tấn (khoảng 30%). Nguyên nhân là do thị trường vẫn còn quen sử dụng VLXD truyền thống, trong khi đó, chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong lĩnh vực này vẫn còn nhiều bất cập.

Cụ thể, chính sách thuế chưa thực sự khuyến khích sản xuất VLXD không nung, chưa tạo chênh lệch giá giữa sản phẩm gạch nung với gạch không nung. Đặc biệt, Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường lại đưa tro bay và bụi lò hơi có dầu từ các nhà máy nhiệt điện than vào danh mục chất thải nguy hại. 

Ông Kiều Văn Mát, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sông Đà Cao Cường cho biết, Quy định này làm cho các nhà máy mất thêm kinh phí phân tích thành phần tro, xỉ, nhưng kết quả cuối cùng đều thấp hơn ngưỡng chất thải nguy hại theo quy định. Ngoài ra, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho xử lý, sử dụng tro, xỉ trong sản xuất VLXD và sử dụng trong các công trình xây dựng còn thiếu, trong khi nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chưa phù hợp với thực tế trong lĩnh vực cung cấp, vận chuyển, sử dụng tro, xỉ. 

Lượng tiêu thụ chỉ đạt khoảng 30% tổng lượng tro, xỉ từ các nhà máy nhiệt điện than - Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân 

Cần cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp

Công ty Cổ phần Tập đoàn Thanh Tuyền là một trong những doanh nghiệp đầu tiên trên cả nước quan tâm đầu tư dây chuyền sản xuất gạch không nung tự động với công suất khoảng 80 triệu viên/năm. Ông Vũ Thanh Tuyền, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty cho biết: Để có nhà máy sản xuất gạch không nung Thanh Tuyền như hôm nay, Công ty đã “chia tay” 1 nhà máy gạch nung, đi tiên phong làm gạch không nung từ nguồn tro, xỉ của Nhà máy Nhiệt điện Đông Triều. Học cách làm trong nước không phù hợp, Công ty phải mang tro - xỉ sang Nhật Bản tìm công nghệ chế biến phù hợp... Tuy nhiên, hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất gạch không nung còn nhiều khó khăn. Sau 8 năm Nhà nước đưa ra chủ trương thay thế vật liệu nung bằng vật liệu không nung, nhưng đến nay, thị trường chủ yếu vẫn sử dụng gạch… nung.

Theo ông Tuyền, muốn thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất gạch không nung, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ tổng thể cho doanh nghiệp, từ quản lý, vận chuyển, sử dụng và tiêu thụ tro - xỉ nhiệt điện, cho đến các ưu đãi về thuế, tín dụng, kiểm nghiệm và chứng nhận chất lượng sản phẩm của các cơ quan QLNN có thẩm quyền...

Cùng chung quan điểm trên, ông Kiều Văn Mát còn bổ sung, cần phải làm rõ tro xỉ là chất thải rắn, chất thải thông thường hay chất thải nguy hại. Theo đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần ban hành tiêu chuẩn rõ ràng, xác định tro xỉ có thể tái sản xuất, tạo ra vật liệu không nung hoặc phụ gia bê tông, xi măng đảm bảo chất lượng và đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường.

Nếu vật liệu không nung được thay thế, mỗi năm nước ta có thể tiêu thụ 15 triệu tấn tro, xỉ. Theo PGS.TS Bạch Đình Thiên, Viện Nghiên cứu Ứng dụng VLXD nhiệt đới, nếu xử lý tốt tro, xỉ, có thể tiết kiệm hàng chục triệu tấn khoáng sản/năm, tiết kiệm hàng trăm ha đất làm bãi thải và quan trọng hơn là đảm bảo phát triển bền vững, thân thiện với môi trường của các nhà máy nhiệt điện… Vì vậy, các bộ, ngành cần khẩn trương phối hợp thực hiện có hiệu quả Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng”.