“Sao đổi ngôi” trên thị trường ô tô Việt năm 2018

Điểm sáng tích cực trên thị trường ô tô Việt Nam trong năm 2018 chính là việc xe lắp ráp có doanh số áp đảo chiếm đa số lượng tiêu thụ trên thị trường trong khi xe nhập khẩu giảm mạnh.

Theo thông báo mới nhất của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán hàng trong tháng 12/2018 đạt 34.234 xe, bao gồm: 23.984 xe du lịch, 9.745 xe thương mại và 505 xe chuyên dụng.

Trong đó, doanh số của xe lắp ráp trong nước đạt 21.407 xe, tăng 10,2% và số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc là 12.827 xe, tăng 11,7% so với tháng trước. Kết quả này giúp doanh số thị trường ô tô Việt Nam cả năm đạt 288.683 xe (không bao gồm Hyundai Thành Công), tăng gần 6% so với năm 2017.

Khi cộng dồn doanh số của Hyundai Thành Công (HTC) với 63.526 xe thì mức tiêu thụ của toàn ngành ô tô Việt Nam năm 2018 lên tới con số 352.209 xe. Đây là con số kỷ lục mới trên thị trường ô tô Việt Nam.

Khi tính riêng doanh số bán hàng tháng 12/2018, toàn thị trường ôtô (gồm cả xe lắp ráp và nhập khẩu; không bao gồm Hyundai Thành Công) đạt 34.234 xe, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm ngoái và 10,8% so với tháng 11. Trong đó, bao gồm 23.984 xe du lịch; 9.745 xe thương mại và 505 xe chuyên dụng. Doanh số xe du lịch tăng 9,3%; xe thương mại tăng 14,5% và xe chuyên dụng giảm 15,8% so với tháng trước.

Cộng dồn cả HTC (6.171 xe), toàn thị trường ô tô Việt Nam tháng cuối cùng của năm 2018 đã có sự bùng nổ khi đạt tới 40.405 xe.

Tuy vậy, nếu chỉ nhìn vào con số mức tăng trưởng trong năm 2018 thì kém xa so với mục tiêu 10% đặt ra từ đầu năm. Song dù không tăng trưởng mạnh nhưng có thể thấy năm 2018 có nhiều dấu hiệu tích cực đối với ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam. Theo đó, xe lắp ráp có doanh số áp đảo khi chiếm đa số lượng tiêu thụ trên thị trưởng, đạt 215.704 chiếc, tăng 10,6% trong khi xe nhập khẩu chỉ bằng 1/3 đạt doanh số 72.979 tỷ đồng, giảm 6,2% so với cùng kì.

Đặc biệt, trong danh sách 10 ô tô bán chạy nhất Việt Nam năm 2018 đã có tới 9 mẫu xe lắp ráp trong nước. Lợi thế của xe lắp ráp được bắt nguồn từ bất lợi của xe nhập khẩu khi vướng phải Nghị định 116.

Cụ thể, ngôi vị số 1 trong top 10 ô tô bán chạy nhất là của Vios thì đáng chú ý là sự góp mặt áp đảo 9/10 đại diện đến từ các mẫu xe lắp ráp trong nước. Vị trí thứ 10 còn lại trong bảng tổng sắp lại gây bất ngờ lớn khi gọi tên Honda CR-V. Đây là mẫu xe nhập khẩu duy nhất trong top 10.

Ở danh sách top 3 các thương hiệu xe bán chạy nhất tại Việt Nam năm 2018 thuộc VAMA thì Thaco vẫn dẫn đầu với doanh số 96.127 xe, chiếm 34,7% thị phần. Đứng thứ 2 là Toyota Việt Nam với 65.856 xe (chưa kể Lexus), chiếm 23,8% thị phần.

Ở vị trí thứ 3 chính là Honda Việt Nam (HVN) với 27.099 xe, tăng trưởng tới 123%. Tuy đứng ở vị trí thứ 3 trong top nhưng Honda Việt Nam lại có mức tăng trưởng cao nhất toàn ngành.

Bên cạnh đó, không nằm trong VAMA nhưng Hyundai Thành Công (HTC) cũng đã có một năm kinh doanh tăng trưởng rất tốt. HTC đã chuyển sang lắp ráp hầu như toàn bộ sản phẩm từ đầu năm 2018 và tính đến hết năm, doanh số đạt được là 63.562 xe ô tô các loại, tăng gấp đôi lượng xe bán ra của năm 2017.

Theo nhiều chuyên gia dự đoán, năm 2019, khi thị trường ô tô đã ổn định hơn về mặt chính sách cũng như không còn vướng mắc trong việc nhập khẩu xe, thị trường ô tô sẽ có bước phát triển mới.

Bên cạnh đó, với sự xuất hiện thêm nhiều mẫu xe mới như VinFast Fadil hay Honda Brio cạnh tranh cùng các đối thủ cũ Hyundai Grand i10, Toyota Wigo, Kia Morning, thị trường năm 2019 sẽ chứng kiến sự bùng nổ của các mẫu xe giá rẻ.