Sắp chào bán 351 triệu cổ phiếu EVF, bức tranh tài chính của Tài chính Điện lực có gì?

Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực chuẩn bị chào bán 351 triệu cổ phiếu EVF cho cổ đông hiện hữu trong bối cảnh thị giá cổ phiếu EVF tăng “nóng” 50% chỉ trong 2 tháng trở lại đây.

Chào bán 351 triệu cổ phiếu EVF cho cổ đông, tăng quy mô vốn lên gấp đôi

Cổ phiếu EVF Tài chính Điện lực Tạp chí Công Thương
Tài chính Điện lực được thành lập với mục đích thu xếp vốn, quản lý nguồn vốn chuyên nghiệp cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị thành viên của EVN.

Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực (Tài chính Điện lực, mã cổ phiếu EVF – sàn HoSE) vừa công bố Phương án chào bán cổ phiếu ra công chúng. Theo đó, công ty tài chính này sẽ phát hành thêm hơn 351 triệu cổ phiếu EVF (tỷ lệ 1:1) để chào bán cho cổ đông hiện hữu với giá 11.000 đồng/cổ phiếu.

Ngày đăng ký cuối cùng để cổ đông Tài chính Điện lực thực hiện quyền mua cổ phiếu phát hành thêm lần này là ngày 22/9/2023. Tỷ lệ thực hiện quyền mua là 1:1, tương ứng cổ đông sở hữu 01 cổ phiếu EVF sẽ được nhận 01 quyền, 01 quyền sẽ được mua 01 cổ phiếu EVF phát hành thêm.

Dự kiến Tài chính Điện lực sẽ thu về hơn 3.861 tỷ đồng qua đợt chào bán cổ phiếu này, qua đó nâng vốn điều lệ lên gấp đôi, đạt hơn 7.000 tỷ đồng. Theo Tài chính Điện lực, mục đích của đợt chào bán lần này là nhằm tăng quy mô vốn chủ sở hữu để phát triển mạnh về quy mô dịch vụ tài chính có ứng dụng công nghệ số và phát triển mạnh về quy mô dịch vụ tài chính cho ngành năng lượng.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 13/9, cổ phiếu EVF đạt 13.250 đồng/cổ phiếu. Đáng chú ý, cổ phiếu EVF đang có đà tăng mạnh, kéo dài từ giữa tháng 7/2023 đến nay với mức tăng lên đến gần 50%. Cùng với đó là thanh khoản tăng mạnh so với thông thường, cho thấy sự quan tâm của các nhà đầu tư đến cổ phiếu này. So với thời điểm đầu năm nay, thị giá cổ phiếu EVF đã tăng gần 62%.

Giá cổ phiếu EVF Tài chính Điện lực Tạp chí Công Thương
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu EVF của Tài chính Điện lực từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Tài chính Điện lực được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép thành lập và hoạt động vào năm 2008 với mục tiêu hoạt động là thu xếp vốn, quản lý nguồn vốn chuyên nghiệp cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị thành viên của EVN, cũng như cung cấp các sản phẩm dịch vụ tài chính chuyên nghiệp cho các đơn vị khác. Hiện doanh nghiệp này có trụ sở chính tại Hà Nội, 01 chi nhánh tại TP.Đà Nẵng và 01 chi nhánh tại TP.Hồ Chí Minh.

Từ mức vốn điều lệ 2.500 tỷ khi thành lập, Tài chính Điện lực đã thực hiện 04 lần tăng vốn, nâng lên mức 3.510 tỷ đồng hiện nay. Các lần tăng vốn điều lệ này đều được thực hiện thông qua việc trả cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông. 

Xem thêm: "Novaland chậm trả hơn 5.700 tỷ đồng tiền lãi và gốc trái phiếu, cổ phiếu NVL rơi kịch biên độ" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Tài chính Điện lực ghi nhận lãi từ đầu tư chứng khoán tăng đột biến

Xét về hoạt động kinh doanh, luỹ kế 6 tháng đầu năm nay, Tài chính Điện lực ghi nhận thu nhập lãi thuần chỉ đạt 140 tỷ đồng, giảm 73% so với cùng kỳ năm 2022, chủ yếu do chi phí lãi và chi phí tương tự gia tăng mạnh.

Đồng thời, công ty tài chính này ghi nhận lỗ gần 31 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh ngoại hối, tăng đột biến so với mức lỗ 3 tỷ đồng trong nửa đầu năm ngoái. Lãi thuần từ hoạt động khác cũng giảm mạnh 65%, xuống chỉ còn hơn 44 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay.

Tuy nhiên, điểm sáng là công ty ghi nhận mức lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư lên tới hơn 344 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay, so với mức lỗ 35 tỷ đồng của nửa đầu năm 2022. Bên cạnh đó, khoản thu nhập tư góp vốn, mua cổ phần đạt 99 tỷ đồng, tăng gấp 9,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Chi phí hoạt động của Tài chính Điện lực trong 6 tháng đầu năm nay cũng đã giảm 28%, xuống chỉ còn gần 248 tỷ đồng.

Với các biến động về thu nhập và chi phí như trên, Tài Chính Điện lực báo lãi ròng đạt 160 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023, chỉ giảm nhẹ 2,4% so với nửa đầu năm 2022. So với kế hoạch kinh doanh đề ra, hiện Tài chính Điện lực mới chỉ thực hiện được 35% mục tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm.

Tính đến cuối tháng 6/2023, tổng tài sản của công ty tài chính này đạt hơn 47.100 tỷ đồng, tăng 11,7% so với thời điểm đầu năm nay. Trong đó, tổng giá trị các khoản vay khách hàng đạt 30.497 tỷ đồng, tăng gần 26% so với đầu năm nay. Đối tượng của các khoản vay này chủ yếu là các tổ chức kinh tế trong nước (chiếm 94,6% tổng dư nợ).

Tài chính Điện lực cũng đang nắm giữ danh mục đầu tư chứng khoán trị giá 2.040 tỷ đồng, gần như tương đương với thời điểm đầu năm nay. Công ty hiện không cung cấp thông tin chi tiết về danh mục đầu tư này.

Trong một diễn biến có liên quan, Tài chính Điện lực vừa trở thành cổ đông lớn của Công ty Cổ phần Chứng khoán Nhất Việt (mã cổ phiếu VFS – sàn HNX) với tỷ lệ nắm giữ là 10%. Đáng chú ý, thông tin từ Chứng khoán Nhất Việt cho thấy ông Nguyễn Văn Hải - Thành viên độc lập HĐQT Tài chính Điện lực và ông Lê Long Giang - Trưởng ban Kiểm soát Tài chính Điện lực cũng đang lần lượt nắm giữ 34.000 cổ phiếu VFS và 35.000 cổ phiếu VFS.

Như vậy, lượng sở hữu của nhóm cổ đông Tài chính Điện lực tại Chứng khoán Nhất Việt là 10,058% vốn cổ phần của hãng chứng khoán này.

Duy Quang