Sắp diễn ra Hội thảo “Hướng dẫn và giải đáp quy định về CE, FDA”

Hội thảo “Hướng dẫn và giải đáp quy định về CE, FDA” sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam nắm chắc những quy định về tiêu chuẩn chất lượng của thị trường EU, để khai thác tối đa lợi ích từ EVFTA, khi Hiệp định này chính thức có hiệu lực.

Bộ Công Thương cho biết, hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn, lúng túng trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn, chất lượng của nước nhập khẩu, đặc biệt là quy trình xin chứng nhận CE và FDA của EU và Hoa Kỳ. Việc thiếu thông tin về vấn đề này dẫn đến nhiều doanh nghiệp thông qua các tổ chức môi giới để làm chứng nhận, nhưng không đảm bảo được tính xác thực.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA) đã được ký kết và đang chờ Quốc hội Việt Nam phê chuẩn. Đón đầu các cơ hội to lớn mà Hiệp định mở ra, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần nắm chắc những quy định về tiêu chuẩn chất lượng của thị trường EU để đảm bảo khai thác tối đa lợi ích từ Hiệp định.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương về triển khai các biện pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng lợi ích của EVFTA, nhằm cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, ngày 26/5 tới đây, Cục Xuất nhập khẩu phối hợp với Hiệp hội Dệt may Việt Nam và Tổ chức IDH tổ chức Hội thảo "Hướng dẫn và giải đáp quy định về CE, FDA".

Tại Hội thảo, chuyên gia của các tổ chức chứng nhận quốc tế sẽ giới thiệu chung về CE, FDA, quy trình, thủ tục để lấy chứng nhận CE, FDA. Tiếp đó là thảo luận, hỏi đáp để các đại biểu doanh nghiệp trao đổi, tham vấn kỹ hơn với các chuyên gia về những vấn đề liên quan đến CE, FDA.

Hội thảo sẽ diễn ra vào 14h, thứ Ba ngày 26/5/2020, tại trụ sở Bộ Công Thương, 54 Hai Bà Trưng Hà Nội.

CE là gì?

CE viết tắt của Conformité Européenne, có nghĩa là tiêu chuẩn châu Âu. CE Marking là tên chính thức của CE.

Một sản phẩm nếu gắn nhãn CE đồng nghĩa với việc nó có thể lưu thông tự do trong thị trường châu Âu, được pháp luật của Liên minh châu Âu công nhận.

Khi một sản phẩm có dấu CE có nghĩa là sản phẩm đó đáp ứng được các yêu cầu về an toàn, sức khoẻ, và bảo vệ môi trường của EU.

Thông qua việc gắn dấu CE lên sản phẩm, nhà sản xuất tuyên bố dựa trên trách nhiệm của họ rằng sản phẩm đó đáp ứng mọi yêu cầu về mặt pháp lý để có được tiêu chuẩn CE Marking. Thông tin chi tiết và đầy đủ về tiêu chuẩn nhãn CE xin truy cập tại đây.

FDA là gì?

FDA là tên gọi của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (Food and Drug Administration). Đây là cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm của Hoa Kỳ, thuộc Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ. FDA được lập năm 1906, trụ sở chính tại White Oak, Maryland.

FDA chịu trách nhiệm cho việc bảo vệ và thúc đẩy sức khỏe cộng đồng thông qua các quy định và giám sát an toàn thực phẩm. Cụ thể như các sản phẩm thuốc lá, sản phẩm bổ sung chế độ ăn uống, dược phẩm phải theo toa và không cần kê toa... Ngoài ra còn vắc xin, dược sinh học, truyền máu, các thiết bị y tế, bức xạ điện từ các thiết bị phát, và các sản phẩm thú y...

các mặt hàng thực phẩm mà bạn muốn vận chuyển quốc tế thì bắt buộc phải làm giấy chứng nhận FDA và kiểm tra hàng hóa rất nghiêm ngặt. Nếu chúng ta không làm giấy chứng nhận này thì khi đến nước bạn cần chuyển qua, hải quan sẽ kiểm tra. Họ sẽ phát hiện thấy thiếu thông tin, gói hàng của bạn sẽ bị hủy ngay lập tức tại nước đến.

Để được xuất khẩu những mặt hàng thuộc FDA quản lý vào thị trường Hoa Kỳ, bất cứ nhà nhà xuất khẩu nào cũng phải phải tuân thủ tất cả những yêu cầu, tiêu chuẩn rất khắt khe của tổ chức này. Và các quốc gia này phải có được chứng nhận của FDA.

PV