Sáp nhập công ty Lê Me thành công ty con, Hoàng Anh Gia Lai nhắm đến mở rộng quỹ đất tại Campuchia?

Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai vừa thông báo sẽ hoán đổi khoản nợ 440 tỷ đồng thành cổ phần chi phối tại Công ty Cổ phần Lê Me, qua đó hợp nhất công ty này vào tập đoàn. Được biết, tính đến năm 2021, Lê Me sở hữu 5.000 ha đất trồng trái cây tại Campuchia.
Nghị quyết sát nhập Công ty Lê Me của Hoàng Anh Gia Lai
Trích lục Nghị quyết của Hội đồng Quản trị Hoàng Anh Gia Lai về việc hoán đổi nợ tại Công ty Cổ phần Lê Me

Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã cổ phiếu: HAG – sàn: HoSE) vừa công bố nghị quyết thông qua việc đưa Công ty Cổ phần Lê Me thành công ty con. Cụ thể, Hoàng Anh Gia Lai đã thống nhất phương án chuyển đổi số dư nợ cho vay và lãi phải thu của Lê Me thành vốn góp cổ phần. Sau khi Lê Me phát hành cổ phiếu riêng lẻ để hoán đổi nợ, tỷ lệ sở hữu của Hoàng Anh Gia Lai tại Lê Me sẽ là 87,74% vốn điều lệ và chính thức hợp nhất công ty này vào Hoàng Anh Gia Lai.

Được biết tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021, cổ đông Hoàng Anh Gia Lai đã thông qua việc uỷ quyền cho Hội đồng Quản trị lựa chọn phương án và thời điểm thích hợp để tiến hành đàm phán với Công ty Cổ phần Lê Me và Công ty Cổ phần Gia súc Lơ Pang nhằm mục đích chuyển hai công ty này thành công ty con của Hoàng Anh Gia Lai.

Theo chia sẻ của ban lãnh đạo Hoàng Anh Gia Lai tại Đại hội, Công ty Cổ phần Lê Me có dự án ở Campuchia, có 5.000 ha đất. Trong đó, có 3.000 ha đã trồng xoài, chuối, sẽ cho doanh thu và lợi nhuận từ năm 2022; và Lê Me sẽ xin thêm 5.000 ha đất, nâng tổng quỹ đất lên 10.000 ha. Đồng thời, Lê Me đang nợ Hoàng Anh Gia Lai nên sẽ xem xét hợp nhất công ty này về vào năm 2022.

Theo Báo cáo tài chính năm 2022, Hoàng Anh Gia Lai đang ghi nhận khoản phải thu dài hạn 440 tỷ liên quan đến Công ty Cổ phần Lê Me thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa hai bên ký vào ngày 8/9/2020. Trong đó, khoản phải thu này thể hiện phần vốn góp kinh doanh của Hoàng Anh Gia Lai cho Lê Me  về việc hợp tác tác đầu tư vào dự án trồng cây ăn quả của Lê Me trong bốn năm.

Hợp đồng hợp tác kinh doanh này không yêu cầu thành lập pháp nhân mới và lợi nhuận sẽ được phân chia dựa vào kết quả kinh doanh của dự án, bắt đầu từ khi dự án phát sinh doanh thu. Tại thời điểm cuối năm 2022, dự án trên vẫn đang trong quá trình xây dựng cơ bản và chưa phát sinh doanh thu.

Theo dữ liệu của Công thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty Cổ phần Lê Me được thành lập ngày 7/8/2018 có địa chỉ 178 Hùng Vương, P.Hội Thương, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai, hoạt động trong lĩnh vực trồng cây ăn quả, và người đại diện pháp luật là ông Lê Văn Thạch.

Giá cổ phiếu HAG Hoàng Anh Gia Lai
 Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu HAG của Hoàng Anh Gia Lai từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Trước đó, vào ngày 31/03/2022, Hoàng Anh Gia Lai đã mua 90% cổ phần Công ty Cổ phần Gia súc Lơ Pang từ Công ty Cổ phần Lê Me, nâng tỷ lệ sở hữu tại Gia súc Lơ Pang lên 99,75% và đưa Gia súc Lơ Pang trở thành công ty con của Hoàng Anh Gia Lai.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 16/6, cổ phiếu HAG của Hoàng Anh Gia Lai đạt 8.030 đồng/cổ phiếu; giá trị vốn hoá thị trường của công ty đạt 7.447 tỷ đồng

Về hoạt động kinh doanh, tính chung 4 tháng đầu năm nay, Hoàng Anh Gia Lai ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 2.260 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 335 tỷ đồng, lần lượt hoàn thành 44% mục tiêu doanh thu cả năm và gần 30% mục tiêu lợi nhuận cả năm nay.  Xét về cơ cấu doanh thu, ngành cây ăn trái đang chiếm tới hơn 40% tổng doanh thu của tập đoàn này; trong đó, chuối là mặt hàng trái cây chủ lực, đem lại nguồn lợi nhuận chính.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, ban lãnh đạo Hoàng Anh Gia Lai cho biết hiện công ty đang sở hữu khoảng 7.000 ha đất canh tác nông nghiệp tại Lào, Campuchia và Việt Nam, chủ yếu dùng để trồng chuối xuất khẩu theo tiêu chuẩn Global GAP. Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản hiện là các thị trường tiêu thụ chuối trọng điểm của công ty.

Duy Quang