giá bán dầu thô
 Giá bán dầu thô của Saudi Aramco đối với thị trường châu Á hiện ở mức cao kỷ lục so với mức giá tiêu chuẩn (Đồ hoạ: Bloomberg)

Tập đoàn dầu mỏ quốc gia Saudi Aramco (Ả-rập Xê-út) vừa quyết định tăng giá bán dầu thô loại Arab Light cho khu vực châu Á trong tháng 5/2022 thêm tới 9,35 USD/thùng so với mức giá tiêu chuẩn hiện nay. Đây là mức tăng giá cao nhất của Saudi Aramco từng được ghi nhận; trước đó, trong tháng 4/2022, Saudi Aramco chỉ tăng giá bán dầu thô thêm 4,40 USD/thùng.

Saudi Aramco cũng tăng giá bán của các loại dầu khác sang thị trường châu Á thêm ít nhất 2,70 USD/thùng và tất cả giá các loại dầu sang Hoa Kỳ đều tăng 2,20 USD/thùng. Ả-rập Xê-út hiện là quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới và đạt sản lượng khai thác 10,3 triệu thùng/ngày trong tháng 3 vừa qua.

Giá dầu thô thế giới đang có xu hướng tăng giá trở lại sau khi điều chỉnh giảm mạnh tuần trước. Cụ thể, vào lúc 14h00 ngày 5/4 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 5/2022 đã tăng 1,68% lên 109,32 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 5/2022 cũng tăng 1,61% lên 104,94 USD/thùng.  

giá dầu thô
 Sau khi giảm mạnh 13% trong tuần trước, giá dầu thô thế giới đang có xu hướng tăng trở lại (Đồ hoạ: Oil Price)

Động thái điều chỉnh tăng giá của Saudi Aramco diễn ra trong bối cảnh giá dầu thô thế giới vẫn tiếp tục neo trên mức 100 USD/thùng khi cuộc xung đột quân sự giữa Nga – Ukraine chưa có dấu hiệu sớm kết thúc. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhắm vào nền kinh tế Nga đang khiến thị trường đối mặt việc thiếu hụt nguồn cung dầu thô từ Nga – quốc gia xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới. Hãng giao dịch dầu thô lớn nhất thế giới Vitol Group (Thuỵ Sĩ) dự báo nguồn cung dầu thô từ Nga ra thị trường quốc tế có thể giảm từ 1 – 3 triệu thùng/ngày trong quý 3/2022.

Vào ngày 31/3, liên minh OPEC+ gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh quyết định tăng nhẹ sản lượng khai thác. Liên minh OPEC+ hiện nắm hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu. OPEC+ đã từ chối việc nâng đáng kể sản lượng khai thác bất chấp áp lực ngày càng tăng từ nhiều quốc gia tiêu thụ dầu thô lớn như Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản.  

Giới phân tích lo ngại việc Saudi Aramco tăng giá bán dầu có thể tạo hiệu ứng dây chuyền, khiến các quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn khác trong khu vực Trung Đông như Iraq và Kuwait nâng giá bán dầu theo.

Hơn 60% lượng dầu thô xuất khẩu của Ả-rập Xê-út là được chuyển đến khu vực châu Á. Trong đó, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ là những đối tác nhập khẩu dầu thô lớn nhất của Ả-rập Xê-út.