Giám đốc điều hành Saudi Aramco Amin Nasser
Giám đốc điều hành tập đoàn Saudi Aramco ông Amin Nasser cho biết công suất khai thác dầu dự phòng trên toàn cầu chỉ còn dưới 2% (Ảnh: Asia Newsday)

Phát biểu bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đang diễn ra tại Davos (Thuỵ Sĩ), ông Amin Nasser, Giám đốc điều hành tập đoàn Saudi Aramco, cảnh báo “Thế giới đang đối mặt nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng thiếu hụt nguồn cung dầu khi mà hầu hết các công ty khai thác dầu đều e ngại đầu tư do áp lực chuyển đổi sang năng lượng xanh”.

Ông Amin Nasser cũng cho biết Saudi Aramco không thể tăng công suất khai thác nhanh hơn so với mức đã cam kết. Saudi Aramco là tập đoàn khai thác dầu thô lớn nhất thế giới và thuộc sự chi phối của Chính phủ Saudi Arabia. Mặc dù chịu sức ép ngày càng lớn từ nhiều bên về việc tăng công suất khai thác để kiềm chế đà tăng vọt của giá dầu thô, Saudi Aramco hiện vẫn kiên định với mục tiêu chỉ tăng công suất khai thác từ mức 12 triệu thùng/ngày hiện nay lên 13 triệu thùng/ngày vào năm 2027.

Theo ông Amin Nasser, công suất khai thác dầu dự phòng trên toàn cầu chỉ còn dưới 2%. Công suất khai thác dự phòng là phần sản lượng khai thác mà các hãng khai thác dầu có thể đưa vào sử dụng trong thời gian ngắn nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng dầu tăng thêm. Sự sụt giảm công suất khai thác dầu dự phòng cho thấy thị trường dầu mỏ toàn cầu không còn bộ đỡ “đủ dày” để chống đỡ các rủi ro về nguồn cung.

“Trước đại dịch Covid-19, mỗi ngày ngành công nghiệp hàng không tiêu thụ lượng dầu nhiều hơn 2,5 triệu thùng so với hiện tại. Vấn đề lớn sẽ xảy ra nếu mức tiêu thụ của ngành này tăng lên. Cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine bùng nổ cho thấy những gì có thể sẽ xảy ra. Chúng ta đang trải qua một cuộc khủng hoảng năng lượng do thiếu đầu tư. Và việc này đã bắt đầu có ảnh hưởng sau đại dịch Covid-19”, ông Amin Nasser cho biết.

Hiện tại, sản lượng khai thác dầu mỏ của Saudi Arabia là khoảng 10,5 triệu thùng/ngày, chiếm khoảng 10% sản lượng toàn cầu. Con số này có thể lên 11 triệu thùng/ngày khi thỏa thuận giữa Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh như Nga (liên minh OPEC+) hết hạn vào tháng 7 tới đây.

Nhiều quốc gia phương Tây đang kêu gọi Saudi Arabia tăng sản lượng cũng như năng lực sản xuất nhanh hơn để giúp ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay. Đặc biệt là khi Liên minh châu Âu (EU) đang tích cực gia tăng nguồn cung dầu thô từ các đối tác nhằm tiến tới ngưng nhập khẩu hoàn toàn dầu từ Nga.

Nhu cầu sử dụng dầu thô trên toàn cầu được ông Amin Nasser nhận định sẽ sớm tăng lên trong thời gian tới khi Trung Quốc dần nới lỏng các biện pháp phong toả phòng chống dịch Covid-19 tại nước này. Điều này có thể khiến tình trạng căng thẳng nguồn cung dầu trên toàn cầu trở nên nghiêm trọng hơn.

Theo ông Amin Nasser, cuộc thảo luận giữa ngành công nghiệp dầu mỏ và các nhà hoạch định chính sách về việc chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng xanh đang gặp nhiều vấn đề.  

“Tôi cho rằng không có nhiều cuộc trao đổi mang tính xây dựng. Ở một số nơi, chúng tôi thậm chí không được tham gia bàn bạc. Chúng tôi không được mời tới Hội nghị Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu 2021 (COP26)”, ông Amin Nasser nói.

Đồng thời, ông Amin Nasser nhận định việc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đánh giá rằng nhu cầu về dầu thô trên toàn cầu sẽ giảm và không cần đầu tư mới vào nhiên liệu hoá thạch đã gây ra tác động sâu sắc. Theo ông, những nước đi sai lầm trong quá trình dịch chuyển năng lượng toàn cầu sẽ chỉ khiến cho các quốc gia châu Á sử dụng nhiều nhiên liệu hóa thạch, như than đá, nhiều hơn.

“Với các nhà hoạch định chính sách ở những quốc gia mà ưu tiên hàng đầu là người dân có cái ăn, nếu than đá có thể giúp giảm một nửa chi phí, họ sẽ dùng than đá”, vị giám đốc điều hành của Saudi Aramco nói. Ông nói thêm dù Saudi Aramco đang đầu tư cả vào nhiên liệu hóa thạch và chuyển đổi năng lượng, việc này vẫn không đủ để giải quyết vấn đề an ninh năng lượng toàn cầu.