Shell tuyên bố ủng hộ Nord Stream 2 bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ

Bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nord Stream 2, Shell vẫn kiên quyết ủng hộ dự án đường ống dẫn khí đốt này, coi đây là công trình "cần thiết cho an ninh năng lượng của châu Âu".
thi cong duong ong
Thi công đường ống Nord Stream 2

Đại diện tập đoàn dầu khí Shell ở Nga, Cederic Cremers, đã bày tỏ quan điểm của công ty này về đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 của Nga trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của chính quyền Mỹ đối với dự án này đã có hiệu lực.

"Chúng tôi tin rằng dự án này rất cần thiết cho an ninh của châu Âu. Chúng tôi cho rằng việc vận chuyển khí bằng đường ống rất có lợi thế. Đó là lý do tại sao chúng tôi hỗ trợ dự án này”, ông Cremers nói.

Theo đại diện của Shell, các lệnh trừng phạt do Hoa Kỳ áp đặt ảnh hưởng đến việc thi công Nord Stream 2 và thực sự có thể làm dự án chậm trễ trong một thời gian nhất định.

Quốc hội Hoa Kỳ đã bỏ phiếu thông qua lệnh trừng phạt đối với Nord Stream 2 vào giữa tháng 12/2019. Vào cuối tháng 12/2019, tập đoàn Allseas của Thụy Sĩ-Hà Lan, được Gazprom thuê lắp đặt đặt ống Nord Stream 2 ở biển Baltic, đã dừng thi công và thu hồi các tàu rải ống để tránh bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt của Mỹ.

Vào ngày 11/1/2020, tại một cuộc họp với Tổng thống Putin tại Moscow, Thủ tướng Đức Merkel cực lực phản đối những nỗ lực của Mỹ nhằm phá hoại việc xây dựng đường ống Nord Stream 2. Bà Merkel cho rằng dự án này có lợi cho Đức và các nước châu Âu khác. Thủ tướng Đức nhấn mạnh rằng Nord Stream 2 sẽ được "thực hiện bằng mọi giá", và Berlin sẽ luôn hỗ trợ dự án này.

Về phần mình, Tổng thống Putin nói rằng Nga có thể tự mình hoàn thành việc xây dựng đường ống nhưng ông cũng lưu ý rằng việc vận hành được ống có thể sẽ bị trì hoãn vài tháng. Tổng thống Nga cho biết, Nord Stream 2 sẽ đi vào hoạt động "vào cuối năm 2020, hoặc muộn nhất là trong quý đầu tiên của năm 2021”.

Đã được xây dựng hơn 80%, đường ống Nord Stream 2 ngầm dưới biển nối Nga đến bờ biển Đức sẽ tăng gấp đôi lượng khí đốt tự nhiên của Nga chuyển sang Tây Âu thông qua Đức, quốc gia tiêu thụ chính từ dự án này. Do tập đoàn Gazprom của Nga khởi xướng, hợp tác với các công ty châu Âu: Engie, OMV, Shell, Uniper và Wintershall, Dòng chảy phương Bắc 2 có công suất 110 tỷ m3 mỗi năm.

Nhưng đối với Washington và một số nước châu Âu - Ba Lan, các nước Baltic và Ukraine, đường ống này sẽ làm tăng sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt của Nga. Họ cho rằng Moscow có thể sử dụng khí đốt như một vũ khí để gây áp lực chính trị với châu Âu. Ngoài ra, những nước phản đối còn cho rằng Nord Stream 2 khiến đồng minh Ukraine của họ bị mất nguồn thu đáng kể từ việc vận chuyển khí đốt của Nga sang châu Âu.

Nga đã nhiều lần chỉ ra rằng Nord Stream 2 là một dự án kinh tế thuần túy đáp ứng lợi ích của châu Âu. Đối với một số nhà quan sát, ngoài cuộc xung đột địa chính trị với Nga, sự phản đối của Mỹ đối với Nord Stream 2 là một phần của cuộc tấn công thương mại từ Hoa Kỳ: Washington, một nhà sản xuất khí đốt lớn, muốn tăng xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng sang châu Âu mặc dù châu lục này có chút kháng cự vì giá khí đốt của Mỹ bán cho họ cao hơn nhiều của Nga.

Trong một cuộc phỏng vấn với Sputnik trước thềm năm 2020, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã mô tả các biện pháp trừng phạt của Mỹ là "một bằng chứng trắng trợn về cạnh tranh không lành mạnh và chính trị hóa trong lĩnh vực năng lượng".