Siết chặt quản lý an toàn hóa chất

Hoạt động liên quan đến hóa chất tại các nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp luôn tiềm ẩn nguy cơ gây hại đến sức khỏe, thậm chí đến tính mạng con người, gây thiệt hại kinh tế và môi trường sống, do đó phải được quản lý an toàn trong tất cả các khâu sản xuất, sử dụng, bảo quản, vận chuyển và tiêu hủy.

Theo thống kê của Cục Hóa chất – Bộ Công Thương, lượng hóa chất sử dụng của Việt Nam tập trung tại các nhà máy của các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh có nhiều khu công nghiệp.

Bên cạnh các sản phẩm có thể dễ nhận thấy trong một số lĩnh vực nông nghiệp, dược phẩm, bảo vệ thực vật, hóa chất tiêu dùng...  hóa chất còn tham gia nhiều vào quá trình sản xuất, chế tạo của nhiều ngành kinh tế.

Với ngành chế tạo ô tô, sản phẩm hóa chất giúp cho việc sản xuất một số các phụ tùng, linh kiện  của ngành xe hơi, làm cho việc sản xuất, chế tạo tốt, linh hoạt và đặc biệt an toàn hơn với nhiều tính năng tốt như nhẹ, bền, an toàn môi trường, dễ chế tạo… hóa chất cũng tham gia trong các chế phẩm tạo lớp phủ bảo vệ, chống ô xy hóa, và trang trí, trong các dung dịch bôi trơn, làm mát của động cơ… (ước tính, mỗi xe ô tô du lịch cần từ 150-200 kg các loại hóa chất). Với các ngành công nghiệp khác, hóa chất đóng nhiều vai trò như chất độn, chất kết dính, điều chỉnh cấu trúc sản phẩm, chống mốc, chống ô xy hóa, tăng độ bền, bóng, đẹp…

Đặc tính của nhiều loại hóa chất độc, nguy hiểm là tính ô-xy hóa mạnh, ăn mòn mạnh, dễ cháy, độc cấp tính, mãn tính; gây ung thư, biến đổi gen; độc đối với sinh sản; tích lũy sinh học; ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy; độc hại đến môi trường... nên khi xảy ra các sự cố rò rỉ, tràn đổ, cháy, nổ rất nguy hiểm.

Hệ thống máy nghiền bi ướt, nghiền và phản ứng giữa quặng apatit loại 2 và axit H2SiF6

Thời gian qua, Cục Hóa chất – Bộ Công Thương có những đợt thanh tra, kiểm tra, giám sát của Cục Hóa chất và các địa phương đã phát hiện những tồn tại trong việc trong khâu quản lý hóa chất.

Theo quy định, các cơ sở sản xuất công nghiệp phải chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch hoặc biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất tùy theo quy mô và đối tượng cụ thể; tự tổ chức huấn luyện, tuyên truyền trong sử dụng, bảo quản hóa chất, cập nhật thông tin lưu trữ, thông báo tình hình sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất hằng năm với cơ quan chức năng. Đối với địa phương thì phải triển khai xây dựng và thực hiện Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh.

Tuy nhiên, qua kiểm tra vẫn còn tình trạng doanh nghiệp chủ quan, lơ là, thụ động, chỉ chú trọng quan tâm thật sự sau khi sự cố xảy ra, một số cơ sở dù có quan tâm nhưng thực hiện mang tính đối phó, chưa đầy đủ. Vi phạm phổ biến là chưa thực hiện việc xây dựng biện pháp hoặc kế hoạch phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất; chưa tổ chức huấn luyện an toàn hóa chất; chưa xây dựng được nội quy an toàn hóa chất cho cơ sở; sắp xếp hóa chất trong kho chưa bảo đảm an toàn theo đúng các quy định hiện hành...

Mặt khác, đối với các nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp chưa thể di dời ngay lập tức ra khỏi nội đô đòi hỏi tăng cường khoanh vùng và tập trung quản lý, giám sát và kiểm tra các cơ sở có nguy cơ cao.

Hiện nay, đã có một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý hóa chất khá đầy đủ: Luật Hóa chất và các văn bản dưới luật như các nghị định và thông tư đồng thời công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hóa chất được tăng cường một cách đáng kể. Quy định pháp luật đã tạo hành lang pháp lý, doanh nghiệp hoạt động liên quan đến hóa chất phải tự chịu trách nhiệm thực thi.

Tuy nhiên, về phía các cơ sở sản xuất công nghiệp phải có đầy đủ kiến thức và nắm rõ tính chất nguy hiểm, phương pháp bảo quản, bảo đảm an toàn hóa chất và giảm thiểu rủi ro là yêu cầu không thể thiếu. Tính chuyên nghiệp phải được đề cao trong mọi khâu như giám sát chặt chẽ mọi hóa chất nguy hiểm; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người lao động, bố trí đầy đủ trang thiết bị, bảo hộ; lắp đặt các hệ thống xử lý, vận hành đúng chế độ, bảo đảm các quy định về thải nước thải, khí thải, chất thải rắn, xây dựng kế hoạch, biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất; dự báo các nguy cơ gây ra sự cố và tình huống xảy ra sự cố từ đó triển khai huấn luyện, diễn tập nhuần nhuyễn “ai sẽ làm cái gì và làm khi nào” để nâng cao năng lực ứng cứu...

Việc chủ động phòng ngừa ít tốn kém hơn so với giải quyết sự cố, giúp bảo vệ tài sản của chính doanh nghiệp, bảo vệ con người, môi trường sống của cộng đồng và ý thức tự giác của các cơ sở đóng vai trò quyết định.

Thời gian tới, để hoạt động liên quan đến hóa chất đảm bảo tuân thủ quy định, Cục Hóa chất sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc ban hành các quy chuẩn về an toàn trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất, quy chuẩn về chất lượng sản phẩm hóa chất và hàm lượng hóa chất trong các sản phẩm tiêu dùng; xây dựng giải pháp thúc đẩy các nghiên cứu khoa học, công nghệ trong ngành hóa chất theo hướng sử dụng các sản phẩm phụ, chất thải hiện có của ngành làm nguyên liệu cho quá trình sản xuất các sản phẩm hóa chất khác.

[Quảng cáo]

Thăng Long