Singapore: Động lực tăng trưởng giảm dần, phục hồi nhanh khó diễn ra

Một số nhà phân tích cảnh báo ngay cả khi nền kinh tế Singapore đang tiếp tục con đường phục hồi, thì động lực thúc đẩy tăng trưởng cũng đang giảm dần và các rủi ro về dịch bệnh vẫn hiện hữu.
Singapore phục hồi kinh tế
Các động lực tăng trưởng của Singapore đang có dấu hiệu giảm dần trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều nơi trên thế giới và việc triển khai vaccine ngừa Covid-19 đối mặt nhiều thách thức (Ảnh: Anadolu Agency)

Thời báo The Straits Times (Singapore) mới đây cho biết ngay cả khi nền kinh tế Singapore đang tiếp tục phục hồi thì động lực tăng trưởng cũng đang giảm dần và các loại vaccine phòng ngừa Covid-19 vẫn không ngăn được rủi ro dịch bệnh bùng phát trở lại.

Theo đó, sự không chắc chắn về diễn biến của dịch bệnh khi xuất hiện nhiều biển thế mới của chủng virus Covid-19 đang ảnh hưởng đến tính bền vững của nhu cầu toàn cầu cũng như nhu cầu nội địa trong Singapore. Điều này đang khiến cho nhu cầu tuyển dụng xuống thấp hơn, đẩy tỷ lệ thất nghiệp tăng lên và tiêu dùng tư nhân tại Singapore giảm.  

Hồi tháng 11/2020, khi thông tin về vaccine ngừa Covid-19 do hãng dược phẩm Pfizer/BioNTech được công bố, Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore (MTI) dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2021 sẽ ở mức từ 4% - 6%. Đến thời điểm hiện tại, MIT vẫn giữ nguyên dự báo theo hướng thận trọng của mình mặc dù đã có nhiều loại vaccine được công bố và nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới bắt đầu tiêm chủng đại trà.

Một số khu vực trên thế giới vẫn tiếp tục ghi nhận các làn sóng lây nhiễm mới cùng với đó là các khó khăn trong việc phân phối vaccine ngừa Covid-19 đang thách thức kỳ vọng phục hồi nhanh. Trong năm 2020, Singapore đã ghi nhận mức suy giảm -5,8% - mức cao nhất kể từ khi nước này độc lập vào năm 1965 và thấp hơn cả mức giảm 2,2% trong năm 1998 – thời điểm khủng hoảng tài chính Châu Á. Giới phân tích nhận định Singapore, một quốc đảo nhỏ và phụ thuộc lớn vào xuất khẩu, chịu tác động kinh tế lớn từ đại dịch Covid-19.

MTI khẳng định cho đến cuối năm nay, nền kinh tế Singapore sẽ không thể quay trở lại như mức trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Trước khi dịch bệnh bùng phát, nền kinh tế Singapore cũng chỉ ghi nhận mức tăng trưởng 0,7% - tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong một thập kỷ trở lại đây.

Ông Irvin Seah, nhà kinh tế cấp cao thuộc ngân hàng DBS (Singapore) cho biết các động lực tăng trưởng đối với nền kinh tế Singapore đang trở nên “nguội dần” theo bối cảnh phục hồi kinh tế toàn cầu khi các biên giới vẫn đóng cửa, việc đi lại trên toàn cầu vẫn chưa được phục hồi. Triển vọng đối với ngành du lịch khách sạn và hàng không của Singapore sẽ vẫn ở mức ảm đạm và mức độ phục hồi tăng trưởng kinh tế sẽ diễn ra từ từ, theo ông Irvin Seah.

Mặc dù Singapore có những nỗ lực thúc đẩy du lịch trong nước và thiết lập các “bong bóng” đi lại với các nước khác có thể tạo động lực tăng trưởng trong ngắn hạn nhưng điều này vẫn chưa đủ bù đắp sự thiết hụt khách du lịch nước ngoài, theo ông Irvin Seah.

Bà Selena Ling, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và chiến lược tài chính thuộc ngân hàng OCBC (Singapore), khẳng định rõ ràng không có khả năng các biên giới quốc tế sớm mở cửa trở lại và những hy vọng trước đó về “bong bóng” đi lại hàng không đã tắt dần trong bối cảnh các ca nhiễm COVID-19 gia tăng trở lại và các nước lại thực hiện các biện pháp phong tỏa.

MTI dự báo các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ và khu vực các quốc gia sử dụng đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) sẽ đạt được miễn dịch cộng đồng vào nửa cuối năm nay, góp phần thúc đẩy sự phục hồi kinh tế của các nước này. Tuy nhiên, MTI cảnh báo rằng các rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu vẫn còn tồn tại.

Cơ quan phát triển doanh nghiệp Enterprise Singapore thuộc MTI cũng duy trì dự báo xuất khẩu không bao gồm dầu mỏ của Singapore ở mức tăng từ 0% - 2% với quan ngại nền kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều rủi ro và bất trắc.

Một số chuyên gia phân tích cảnh báo những đợt tái bùng phát gần đây và sự xuất hiện của các biến thể virus Covid-19 mới có thể cản trở việc mở cửa trở lại hoàn toàn nền kinh tế Singapore - điều kiện cho sự phục hồi kinh tế hoàn toàn.

Chiến lược Trung Quốc+1 và việc các doanh nghiệp Hoa Kỳ, Châu Âu đa dạng hoá chuỗi cung ứng toàn cầu được kỳ vọng sẽ thúc đây tăng trưởng của các quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nói chung và của Singapore nói riêng trong thời gian tới.

Quang Đặng (Tham khảo The Straits Times)