TÓM TẮT:

Phát triển nhân lực ngành STEM (Khoa học - Công nghệ - Kỹ thuật và Toán học) vừa là yêu cầu, vừa là điều kiện thực hiện thành công cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với những đòi hỏi mang tính đặc thù đặt ra cho Nhà nước, nhằm đáp ứng yêu cầu về phát triển nền kinh tế. Bài viết này trình bày quan điểm của nhóm nghiên cứu về vấn đề thu hẹp khoảng cách giới trong tỉ lệ theo học khối ngành STEM nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững thông qua những con số phản ánh thực trạng trên thế giới, tại Việt Nam, từ đó rút ra kết luận và bài học, cũng như đề xuất một số giải pháp về mặt thể chế và chính sách.

Từ khóa: bình đẳng giới, sinh viên nữ, khối ngành STEM, giáo dục nghề nghiệp.

1. Tổng quan về STEM và cách mạng công nghiệp 4.0

STEM (Science, Technology, Engineering & Mathematics) là các lĩnh vực và chương trình giảng dạy tập trung vào các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (Judith Hallinen, 2015). Tại Việt Nam, STEM thường được nhìn nhận như là một chương trình giáo dục được xây dựng dựa trên ý tưởng trang bị cho người học những kiến thức, kĩ năng liên quan đến các lĩnh vực trên - theo cách tiếp cận liên môn và người học có thể áp dụng để giải quyết vấn đề trong cuộc sống hàng ngày (Trung tâm Truyền thông giáo dục, 2017). STEM đóng vai trò thiết yếu trong bối cảnh thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang trong giai đoạn đầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0).

Ngoài những thuận lợi và cơ hội phát triển, CMCN 4.0 còn mang đến những nỗi lo ngại về tình trạng bất bình đẳng trong kinh tế - xã hội, điển hình là vấn đề bất bình đẳng giới trong lực lượng lao động. Một vài biểu hiện của vấn đề này là sự khác nhau giữa cơ hội tiếp cận việc làm, chênh lệch thu nhập giữa hai giới nam và nữ. Theo một nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (International Labour Organization - ILO), tại Việt Nam, trong bối cảnh CMCN 4.0, lao động nữ có nguy cơ bị thay thế bởi máy móc cao gấp 2.4 lần so với lao động nam, do có sự khác biệt về trình độ và vị thế trên thị trường lao động. Trước nguy cơ này, Nhà nước tất yếu cần đẩy mạnh giáo dục đào tạo STEM để cân bằng cơ cấu, bổ sung số lượng, nâng cao chất lượng lực lượng lao động, tạo ra một đội ngũ trí thức chất lượng, có đầy đủ những kĩ năng đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thời đại mới.

Tại Việt Nam, mặc dù vấn đề về bất bình đẳng giới vẫn đang được nỗ lực giải quyết thông qua các chính sách, chiến lược ngắn hạn và dài hạn, tuy nhiên, bất bình đẳng giới trong giáo dục, đặc biệt là giáo dục STEM vẫn còn tồn tại và chưa nhận được nhiều sự quan tâm, chú ý. Đặt trong bối cảnh CMCN 4.0, nếu không có những biện pháp thúc đẩy, khuyến khích sinh viên nữ trong việc tiếp cận và theo đuổi ngành STEM thì khoảng cách về giới lại càng thể hiện rõ và ảnh hưởng lớn tới sự mất cân bằng trong lực lượng lao động sản xuất về sau. 

Để có thể giải quyết một vấn đề mang tính vĩ mô như thiếu hụt sinh viên nữ, việc đưa ra được một cái nhìn toàn diện, sâu sắc về tổng quan thực trạng về nữ giới trong việc tiếp cận và theo học STEM trên thế giới cũng như tại Việt Nam là vô cùng cần thiết. Qua đó, hỗ trợ các nhà quản lý, các nhà hoạt động xã hội trong giáo dục STEM đưa ra những phương án giải quyết đúng đắn và mang tính dài hạn.

2. Sinh viên nữ trong ngành STEM trên thế giới

Quá trình lựa chọn ngành học và nghề nghiệp của học sinh, sinh viên trên thế giới vẫn chịu tác động của định kiến giới. Tại Hồng Kông, định kiến phần lớn được hình thành từ các trải nghiệm không tốt lúc còn bé với các môn học khoa học và thông qua sự định hướng của bố mẹ, gia đình. Tại Thụy Điển và Đức, nghiên cứu chỉ ra việc học sinh quen thuộc hơn với hình ảnh các nhà khoa học là nam có mối liên hệ tới ý định theo đuổi ngành STEM của các em. Những định kiến này đến từ môi trường sống với sự đóng góp của các nhân tố như nghề nghiệp của cha mẹ, quan điểm của cha mẹ đối với ngành học,... và cả các nhân tố từ môi trường học tập như thái độ của giáo viên, phương pháp giảng dạy các môn học liên quan,...

Giáo dục thế giới vẫn đang ghi nhận sự chênh lệch tỷ lệ sinh viên nam và sinh viên nữ theo bậc học. Trên phạm vi toàn cầu, giáo dục bậc đại học và sau đại học đang chứng kiến hiện tượng “leaky pipeline” (Tạm dịch: ống nước rò rỉ) - hiện tượng được nhắc đến trong báo cáo tổng hợp của UNESCO (2015) dùng để miêu tả sự sụt giảm về tỷ lệ nữ giới sau mỗi bậc giáo dục. Theo đó, điều này có nghĩa là càng học lên cao, tỷ lệ nữ giới càng giảm. Tại hầu hết các khu vực trên thế giới ghi nhận việc có nhiều sinh viên nữ hơn sinh viên nam. Từ năm 1995 đến năm 2018, số nữ giới đăng ký vào các trường đại học nhiều hơn gấp 3 lần so với 2 thập kỷ trước, đặc biệt là ở Bắc Phi và Tây Á. Morocco đã đạt được bình đẳng giới trong giáo dục đại học vào năm 2018, so với chỉ 30 sinh viên nữ đăng ký trên 100 sinh viên nam vào đầu những năm 1990 (UIS Database, 2015). 

Nhìn chung, tỷ lệ nữ giới tốt nghiệp đại học tại nhiều nước cao hơn nam giới, nhưng số lượng nữ giới đạt được tấm bằng cử nhân khối ngành STEM là không cao, thậm chí là thấp hơn rất nhiều so với nam giới (UNESCO, 2018). Theo công bố của UNESCO (2018), chỉ có khoảng 29% nữ giới học tập và làm việc trong các nhóm ngành này.

Tại các nước thuộc Liên minh châu Âu, tỷ lệ nữ cử nhân các ngành Công nghệ Thông tin và Truyền thông chỉ chiếm 19.7%. Ở các ngành Kỹ thuật, Sản xuất và Xây dựng, con số này là 26.7%. Ngành Khoa học tự nhiên, Toán và Thống kê ghi nhận tỷ lệ sinh viên nữ theo học là 54.8% (Catalyst, 2020). Thống kê cũng cho thấy, năm 2019, tại Nhật Bản có số lượng sinh viên nữ các ngành Kỹ sư và Vật lý chỉ chiếm tổng số sinh viên các ngành này lần lượt ở mức 15.4% và 27.9% (Hiromi M. Yokoyama, 2019). Còn tại Mỹ, tỷ lệ sinh viên nữ trong các lĩnh vực thuộc STEM chiếm chỉ khoảng 36% tổng số sinh viên toàn quốc.

Một điểm khá bất ngờ khi nhắc đến thực trạng chung đó là, các nước có chỉ số bình đẳng giới cao lại có tỷ lệ sinh viên theo học STEM thấp hơn các quốc gia có chỉ số bình đẳng giới thấp. Tại Phần Lan, cứ 5 sinh viên học STEM mới có 1 sinh viên nữ. Đức ghi nhận 1 sinh viên nữ trên mỗi 4 sinh viên STEM. Trong khi đó, con số này ở Algeria và Indonesia lần lượt là 42% và 37% (Gijsbert Stoet and David Geary, 2018).

Trước thực trạng này, nhiều nghi vấn được đặt ra về mối quan hệ giữa sự chênh lệch năng lực học các môn tự nhiên với việc lựa chọn ngành học của 2 giới. Tuy nhiên, khả năng học các môn khoa học tự nhiên của nữ giới và nam giới không có sự khác biệt lớn. Nghiên cứu về năng lực giữa nam giới và nữ giới theo đuổi STEM, 2 nhà tâm lý học là Gijsbert Stoet và David Geary đã sử dụng dữ liệu năm 2015 của chương trình đánh giá khả năng học sinh quốc tế PISA để đưa ra những tổng hợp và đánh giá thông qua 1 bài báo cáo cụ thể được đăng trên Tạp chí Psychological Science. 

Kết quả nghiên cứu cho thấy, có đến 49% học sinh nữ được đánh giá là hoàn toàn có năng lực theo đuổi ngành học thuộc STEM. Khi được hỏi về cảm nhận của cá nhân về nguyện vọng và khả năng theo đuổi ngành này, vẫn có đến 41% em có khả năng sẽ theo học STEM. Nghiên cứu này cũng nhận định rằng, trung bình mỗi quốc gia có khoảng 34% học sinh nữ có thể đạt được bằng cử nhân khoa học, nhưng trên thực tế, con số này chỉ dừng ở mức 28%. 

Như vậy, nhìn chung, trên thế giới, sự hiện diện của sinh viên nữ trong khối ngành STEM là chưa cao, dù không có sự chênh lệch về năng lực hay khả năng tiếp thu giữa 2 giới.

3. Sinh viên nữ trong ngành STEM ở Việt Nam

Không thể phủ nhận rằng đã có nhiều thay đổi tích cực trong khối ngành STEM ở Việt Nam. Lĩnh vực này nhận được nhiều chính sách hỗ trợ phát triển và sự động viên, khuyến khích từ Chính phủ. Nhân lực các ngành này cũng đang có mức lương cao hơn so với các ngành nghề khác. Tuy nhiên, những vấn đề sâu xa hơn mà STEM mang tới, ví dụ như chênh lệch giới trong cơ cấu lao động, vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng, dù đã có những nỗ lực nhất định từ Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan. 

Thực tế ở xã hội và trong nhà trường cho thấy, phụ nữ và trẻ em gái vẫn phải đối mặt với những rào cản nhất định khi tham gia vào STEM. Trước hết là rào cản đến từ định kiến giới xuất phát từ trong gia đình, nhà trường. Ngoài ra, mặc dù cả nam giới và nữ giới đều cần được hỗ trợ, tạo điều kiện để tham gia vào những môn học, lĩnh vực mà mình có khả năng, song STEM dường như vẫn được mặc định coi là “địa hạt của nam giới” (ISDS, 2015) và sự hiện diện của phụ nữ trong lĩnh vực này chưa phản ánh đúng vai trò, tiềm năng của họ. Vậy nên, để có thể giải quyết triệt để vấn đề về lực lượng lao động nữ giới với các ngành STEM, cần có những biện pháp, chương trình tác động từ những cấp học thấp hơn. Tuy nhiên, trước mắt vẫn cần tìm lời giải cho bài toán về tỷ lệ sinh viên nữ theo học STEM tại các trường đại học trên toàn quốc.

Cũng như tình trạng chung trên thế giới, tuy tỷ lệ nữ sinh theo học đại học và các bậc cao hơn của Việt Nam là 54.6% (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2017), số lượng nữ cử nhân khối ngành STEM là rất thấp. Theo báo cáo của ILO (ASEAN trong quá trình chuyển đổi), ngành học dẫn đầu tại Việt Nam là kinh doanh và thương mại (41,2% sinh viên nam và 60,6% sinh viên nữ). Nam giới Việt Nam cũng thường chọn ngành kỹ sư (20,8%), thông tin, truyền thông và công nghệ (18,6%). Tuy nhiên, chưa đến 10% đối tượng nữ giới Việt Nam được khảo sát theo đuổi 2 ngành học này. 

Báo cáo “Thị trường nhân lực ngành Công nghệ Thông tin 2020” của VietnamWorks InTECH chỉ ra rằng, nữ giới chỉ chiếm 11% trong tổng số người theo học Công nghệ - Thông tin. Số liệu của Trường Đại học Công nghệ Thông tin, trong năm 2019 cũng cho thấy số lượng sinh viên nam chiếm tỷ lệ cao nhất với gần 80%, tương ứng với (1.430 sinh viên) so với hơn 20% sinh viên nữ (Đăng Nguyên, Báo điện tử Thanh niên, 2019). Trường Đại học Bách khoa có 4.273 sinh viên nam nhưng chỉ có 1.150 sinh viên nữ, tương đương với hơn 78% sinh viên nam so với 22% sinh viên nữ. 

Tình trạng này cũng được ghi nhận tại hệ thống Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2016, khi trường thành viên là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn ghi nhận chỉ có 19,3% nam sinh, trong khi nữ sinh viên chiếm tới 80,7%. Trường Đại học Công nghệ Thông tin ngược lại hoàn toàn, trung bình cứ 9 sinh viên nam thì mới gặp 1 sinh viên nữ theo học tại đây (Hà Ánh, Báo điện tử Thanh Niên, 2019). Phó Giáo sư - Tiến sĩ Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, cho biết: “Tình trạng này chỉ diễn ra với ngành kỹ thuật cơ khí, các ngành khác thuộc khoa Cơ khí vẫn có sinh viên nữ, như: kỹ thuật logistics và quản lý chuỗi cung ứng, kỹ thuật dệt may...”. 

Ngoài ra, tuy Việt Nam đã có các hoạt động truyền thông nhằm truyền cảm hứng cho nữ sinh theo đuổi các ngành nghề khoa học - kỹ thuật nhưng số lượng của những hoạt động thúc đẩy này chưa nhiều và chưa đạt được hiệu quả nhất định. Các chương trình này đa phần dừng ở diễn thuyết, nghe để biết, còn khả năng thúc đẩy từ “biết về STEM” tới “học về STEM” và “làm việc liên quan tới STEM” là không cao.

4. Kết luận và một số kiến nghị

Tình trạng mất cân bằng về giới trong khối sinh viên ngành STEM vẫn đang là một thách thức đối với các nước trên toàn thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Những rào cản có ảnh hưởng nhất định tới việc sinh viên nữ quyết định tiếp cận và gắn bó với nhóm ngành STEM của sinh viên nữ chủ yếu là tới từ xã hội và gia đình. Việc nhận thức chưa đúng của bản thân sinh viên nữ về khả năng của mình cũng đã ảnh hưởng xấu tới tỷ lệ sinh viên nữ trong giáo dục STEM. 

Với lợi thế về nguồn nhân lực trên 96 triệu dân, cơ hội và tiềm năng phát triển kinh tế của Việt Nam trên thực tế là rất lớn. Tuy nhiên, song song với các lợi ích kinh tế, thực tế chỉ ra rằng, để hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững quốc gia, cần phải phát hiện, khắc phục và giải quyết triệt để những vấn đề xã hội, đặc biệt là sự mất cân bằng giới tính trong lực lượng lao động. Để làm được điều đó, rất cần sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, cũng như là sự phối hợp của các Bộ, ngành, tổ chức liên quan trong việc tiếp tục thực hiện và triển khai hiệu quả một số giải pháp sau:

Một là, thúc đẩy việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giới, khuyến khích các cuộc nghiên cứu về bất bình đẳng giới trong khối ngành STEM ở các cấp giáo dục để có cái nhìn toàn diện và khách quan; từng bước xóa bỏ rào cản trong quá trình tìm hiểu và định hướng ngành học.

Hai là, tiếp tục hợp tác, khuyến khích triển khai các hoạt động truyền thông, truyền cảm hứng nhằm thay đổi nhận thức xã hội về vai trò của nữ giới trong các ngành nghề thuộc STEM. Các chiến dịch thúc đẩy sinh viên nữ nói riêng và con gái nói chung tìm hiểu và gắn bó với ngành STEM cần được chú trọng hơn nữa trong việc cải thiện chất lượng và nâng cao hiệu quả của chương trình để sinh viên nữ chủ động khai phá tiềm năng của bản thân trong lĩnh vực STEM, rút ngắn khoảng cách của từ “biết” thành “làm”.

Ba là, giáo dục STEM tại Việt Nam tuy đã được triển khai từ lâu, tuy nhiên, hiệu quả lại chưa rõ rệt và không có sự thống nhất trong các chương trình. Vì vậy, về mặt lâu dài, Bộ cần hợp tác với các bên liên quan để đưa ra phương hướng cụ thể cho giáo dục STEM, nhằm đảm bảo chất lượng việc đào tạo, trang bị các kỹ năng, kiến thức cơ bản cần thiết và tạo tâm lý sẵn sàng cho học sinh, sinh viên từ sớm. 

Bốn là, Nhà nước, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, các trường đại học, cao đẳng cần có những chính sách khích lệ, động viên kịp thời đối với các sinh viên nữ tiêu biểu, đạt kết quả xuất sắc theo học nhóm ngành STEM.

Năm là, liên tục đổi mới, cập nhật và nâng cao chương trình, phương pháp nội dung giảng dạy nhằm cung cấp kiến thức, đồng bộ hóa thông tin một cách toàn diện, phù hợp với điều kiện và tiêu chuẩn của xã hội mới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. World Economic Forum, (2019), Gender equality in STEM is possible. These countries prove it, từ <https://www.weforum.org>
  2. Catalyst (2020), Quick Take: Women in Science, Technology, Engineering, and Mathematics (STEM), từ <https://www.catalyst.org>
  3. APA PsycNet, (2017), Why are some STEM fields more gender balanced than others?, từ <https://psycnet.apa.org>
  4. STEM Education Data, (1993 - 2010), Has employment of women and minorities in S&E jobs increased?, từ  <https://www.nsf.gov>
  5. International Journal of Science Education (2019), Parental egalitarian attitudes towards gender roles affect agreement on girls taking STEM fields at university in Japan, từ <https://www.tandfonline.com>
  6. Gijsbert Stoet và David Geary, (2018), The Gender-Equality Paradox in Science, Technology, Engineering, and Mathematics Education, Psychological Science, 29/4, 581–593, từ <https://doi.org/10.1177/0956797617741719>
  7. ILO (2016), ASEAN trong quá trình chuyển đổi, truy cập lần cuối 19 tháng 04 năm 2021, từ <https://www.ilo.org>
  8. UNESCO, (2015), UNESCO science report: towards 2030, truy cập lần cuối ngày 20 tháng 4 năm 2021, từ < https://unesdoc.unesco.org>
  9. Đăng Nguyên, (2019), Trường đại học thay đổi cảnh quan vì... nhiều sinh viên nữ, từ <https://thanhnien.vn>
  10. VietnamWorksInTECH, (2020), Báo cáo thị trường nhân lực công nghệ thông tin 2020, từ <https://hrinsider.vietnamworks.com >
  11. ILO, (2018), “Cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam: Hàm ý đối với thị trường lao động”, từ < https://www.ilo.org
  12. UNESCO, (2018), “Meeting our commitments to gender equality in education", từ <https://en.unesco.org>
  13. ISDS, (2015), “Social Determinants of Gender Inequality in Vietnam", Hà Nội
  14. Judith Hallinen (2015) “STEM - education curriculum", từ <https://www.britannica.com/topic/STEM-education >.
  15. Trung tâm Truyền thông Giáo dục, (2017) “Giáo dục STEM trong chương trình giáo dục phổ thông mới", truy cập từ <https://moet.gov.vn >

Female students in STEM majors in Vietnam: Status quo and solutions

Ph.D Luong Thu Ha 1

Cao Thu Huong 1

Nguyen Thanh Huyen 1

Trinh Khanh Linh 1

Pham Thuy Duong 1

Le Thi Phuong Linh 1

1 National Economics University

ABSTRACT:

With very specific requirements for economic growth in the era of industrial revolution 4.0, human resources development in STEM (Science - Technology - Engineering - Mathematics) majors is a critical condition for success. One problem that needs to be addressed is reducing the gender gap in STEM fields, which guarantees sustainable development for each country and the world in general. This article attempts to summarize the situation of gender inequality around the world and in Vietnam through numbers and statistics, draw conclusions and lessons, and finally propose several solutions on institutions and policies.

Keywords: gender equality, female students, STEM, vocational education.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 18, tháng 7 năm 2021]